Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN > Qua thư từ và blog

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 11-10-2012, 07:18 PM
Avatar của panda_kungfu
panda_kungfu panda_kungfu đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jan 2010
Bài gửi: 211
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 135 lần cho 61 bài viết
Mặc định Kăply - sự phi thường trong một con người bình thường (phạm ngọc ánh)

Kăply - sự phi thường trong một con người bình thường

Tôi đã đọc “Chuyện xứ Lang Biang” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi cũng đọc những bài nhận xét về tác phẩm này. Có những bài viết về những nhân vật gây tranh cãi như K’Tul, Păng Sur, Akô Nô và Ôkô Na. Tác phẩm còn mang đến những cái tên hài hước, những câu chuyện gần gũi với trẻ em Việt Nam. Nhưng tôi sẽ không viết lại điều mọi người đã viết. Tôi cũng không muốn nhắc tới toàn bộ nội dung truyện. Tôi thích đi thẳng vào cái chi tiết hơn là cái tổng quát. Những chi tiết khiến tôi đọc đi đọc lại và nhớ mãi đến một tác phẩm. Trong bài này tôi chỉ muốn viết về Kăply. Đây là một trong những nhân vật gây ấn tượng với tôi nhất vì trong một tác phẩm, tôi luôn chú ý đến sự thay đổi của nhân vật. Kăply có được sự thay đổi. Có những kẻ ác trở thành người tốt, hay người tốt trở nên hiểm độc. Kăply xuất hiện như một nhân vật bình thường khá ngốc nghếch nhưng có một trái tim nhân hậu và một sự thay đổi xuyên suốt bộ truyện.

Kăply xuất hiện ở đầu truyện với hình ảnh một thằng nhóc làng Ke ít chịu vận động cái đầu và hay nghe theo Nguyên – “thằng bạn đại ca” của nó. Nếu như Nguyên “mười sáu tuổi, là đứa gan dạ nhất làng” thì Kăply được nhắc đến với sự lép vế so với Nguyên: “ít hơn một tuổi và ít gan dạ hơn một chút”. Nhưng Kăply không phải cái bóng của Nguyên. Kăply có thể ngốc trong học tập, nhưng tuyệt nhiên không hề ngốc trong tình bạn. Tôi nhớ lần mà K’Brăk (Nguyên) được Baltalon gửi đến pho tượng báo tử, chính Kăply với một chút ngô nghê của mình, đã thốt lên không hề đắn đo: “Con sẽ ở bên cạnh anh K’Brăk. Tụi con sẽ cùng chiến đấu bên nhau”, vì “điều khiến nó bất an nhất là nạn nhân sắp tới của trùm Bastu chính là thằng bạn thân yêu của nó dưới lốt tiểu chủ nhân của tòa lâu đài”. Nếu Nguyên và mọi người nhận xét Kăply có một cái đầu “cứng như cục gạch” thì tôi nghĩ, đây chắc hẳn phải là “cục gạch” hồng ấm áp nhất. Vì chỉ có tình bạn ấm áp mới khiến người ta không ngại nguy hiểm, kể cả cái chết để sát cánh bên nhau.

Kăply còn có một tấm lòng rất bao dung. Ngay từ đầu tập Một, khi phát hiện chính hai thằng nhóc K’Brăk và K’Brêt (thật) đã lừa Nguyên và Kăply đến xứ Lang Biang, Kăply đã chẳng hề oán giận. Với cái “đầu cục gạch” và suy nghĩ ngây ngô: “Tao chẳng bênh vực gì tụi nó! Chỉ vì… chỉ vì tao thấy hoàn cảnh tụi nó cũng đáng thương. Ba mẹ thằng K’Brăk bị phe Bastu giết chết…”. Kăply không có sự tinh ranh ma mãnh như cặp song sinh Pôcô – Pôca, cũng chẳng hề thông minh như Suku “biết tuốt”, nhưng Kăply chính là một anh hùng với trái tim nhân hậu để có thể thông cảm cho những người đã lừa nó đến xứ Lang Biang và khiến nó lâm vào tình trạng sắp chết đến nơi. Điểm này ở Kăply làm tôi nhớ đến một cậu học sinh lớp Ba ngốc nghếch, lười biếng, luôn gây ra rắc rối cho mọi người xung quanh nhưng lại có một trái tim nhân hậu và tình thương yêu loài vật. Cậu đến Việt Nam từ hai mươi năm trước và tên cậu là Nobita.

Kăply đến giữa truyện bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt, có thể nói là gan dạ hơn rất nhiều so với lúc mới xuất hiện. Ấn tượng nhất với tôi chính là đoạn Kăply bị con rắn Basilic mổ trúng trên đường đi tìm núi Lưng Chừng ở tập Ba. Kăply trong lúc hấp hối đã nói với Mua: “Tôi không phải là người bạo dạn… nhưng Mua yên tâm đi, tôi không sợ chết. Ờ, trước đây thì tôi có sợ…nhưng lúc này thì tôi không sợ nữa. Tôi cũng không hối hận. Bạn biết, tôi ghét phe Hắc Ám mà, Mua”. Nếu từ đầu truyện đến nửa cuối tập Ba, tụi nhóc xứ Lang Biang vẫn với những con người đó, suy nghĩ đó, hành động đó - như Nguyên vẫn là thằng đại ca như hồi ở làng Ke, thì ở trong con người Kăply, đã có sự thay đổi rõ rệt. Mặc dù “cái đầu cục gạch” đã trở thành biệt danh đi kèm sau cái tên của Kăply, nhưng ít ra Kăply đã thay đổi, nhất là về lòng dũng cảm. Kăply từng sợ, rất sợ khi lần đầu đặt chân đến Lang Biang. Sợ chết. Sợ không thể quay về làng Ke thân yêu. Nhưng nỗi sợ ấy dần dần đã được tình bạn bè san lấp đi. Quá trình thay đổi trong tâm tưởng ấy, là cả chặng đường dài Kăply sát cánh bên mọi người, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau vui đùa.

Bên trong Kăply là một sự lột xác hoàn toàn. Một điều tôi đặc biệt thích ở Kăply, chính là nguồn gốc tổ tiên của Kăply. Người Chăm pa và sự xuất hiện của con chim vàng. Tôi thích truyền thuyết về xứ Chăm pa cổ xưa, về câu chuyện cổ giữa mối thù giữa chim thần Garuda và loài rắn Nagar. Truyền thuyết kể rằng chim thần Garuda có mối thù truyền kiếp với rắn Nagar vì khi xưa mẹ của Garuda bị mẹ của Nagar bắt làm nô lệ. Thế nên mới có chuyện con chim thần hộ mệnh của Kăply mạnh mẽ xông lên và chiến đấu chống lại thần chú Cực Lạc Tiêu Diêu của Macketa. Tuy nhiên tôi thích cách giải thích của thầy N’Trang Long: “Tuy vương quốc Chăm pa đã không còn tồn tại nhưng sức mạnh vô hình của các đấng thần linh vẫn chảy trong người con như một mạch ngầm, ta tạm gọi nó là bản năng siêu nhiên.” Có những chuyện xảy ra chỉ là ngẫu nhiên, nhưng có những điều ngẫu nhiên trở thành định mệnh.

Nếu chỉ ở làng Ke, Kăply sẽ chẳng có cơ hội nhận ra bản thân mình cũng dũng cảm và gan dạ không kém gì “thằng bạn đại ca của nó”. Và định mệnh đó khiến một thằng nhóc bình thường nhận ra được con người tuyệt vời bên trong nó. Nó dũng cảm hơn nó tưởng. Và nó làm được nhiều hơn những gì nó và mọi người nghĩ về nó. Nó cứu được cả xứ Lang Biang khỏi diệt vong. Không phải ai trên đời này cũng hoàn hảo như Păng Sur – thánh thiện và trong suốt, người ta cũng chẳng thể đi tìm con người hoàn hảo của mình bằng cách tách biệt thiện và ác trong con người mình như chủ nhân núi Lưng Chừng đã làm. Kăply sống với sự hoàn hảo và không hoàn hảo của mình. Nhưng điều đặc biệt là Kăply tiến bộ từng ngày. Hay như mọi người vẫn thường nói, nếu đặt con người vào một môi trường sống mới, một nghịch cảnh nào đó, thì sức mạnh thật sự trong mỗi người sẽ trỗi dậy. Theo lối diễn giải trong truyện thì “Khi ở thế giới của tụi con, bản năng đó sẽ đời đời thiếp ngủ. Nhưng khi con đặt chân đến Lang Biang, xứ sở của pháp thuật, tức là khi con gặp một môi trường thuận lợi, bản năng đó nơi con tự động thức dậy”.

Phải chăng, Kăply lạc đến xứ Lang Biang không đơn thuần là để thế mạng K’Brêt, không chỉ để trở thành một chiến binh giữ đền cùng với mọi người chiến đấu chống lại trùm Bastu, mà chính là để tìm về nguồn gốc của mình, để biết yêu thương nơi mình được sinh ra, cùng với những điều tốt đẹp – vốn đã vô tình ngủ quên trong cuộc sống thường nhật ở làng Ke. Và trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thế giới riêng, một vùng trời riêng – nơi cái đẹp của bản thân được sinh ra, nơi ta có thể thỏa sức vùng vẫy, là chính mình, không là một ai khác. Ẩn sâu bên trong một con người bình thường là một sự phi thường có thể cứu cả một thế giới. Và Kăply, là một người như thế, đã đem lại bình yên cho xứ sở pháp thuật Lang Biang.

PHẠM NGỌC ÁNH

(www.facebook.com/tiemsachkvh)


__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên panda_kungfu, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến panda_kungfu cho bài viết này:
thinothuykieu (16-10-2012)
 

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 01:36 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters