Trở lại   Thư Quán Đo Đo > TRANG VIẾT CỦA BẠN BÈ > VĂN XUÔI

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 03-11-2011, 07:45 PM
Avatar của Mimmi Diệu Hường
Mimmi Diệu Hường Mimmi Diệu Hường đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Nov 2011
Bài gửi: 2
Cảm ơn: 0
Được cảm ơn 2 lần cho 2 bài viết
Mặc định Về nơi Non Bể (mimmi diệu hường)

Về nơi Non Bể

Xuất phát từ nội thành, ra khỏi phố cổ Hà Nội lúc 8 giờ sáng, đoạn phố ăn ra đường quốc lộ liên tỉnh đã bị tắc nghẽn. Người đồng hành nói xuất phát vào giờ này ra khỏi Hà Nội là tầm trưa rồi, tôi băn khoăn vì cốc cà phê buổi sáng còn chưa được nhấm miệng. Sau chuyến bay hàng nghìn dặm từ xa xôi và những ngày họp hành kín mít bàn về thơ ca, dịch thuật hợp tác văn học khiến thân thể rã rời, tôi lại hào hứng bước vào chuyến đi mới. Lâu rồi, từ thuở thơ ấu xa xưa, thời còn phải đi sơ tán tránh bom đạn Mỹ, tôi mới có dịp trở ngược lại vùng cao.

Sau đoạn đường đi sân bay Nội Bài, là một hành trình dài khá vất vả. Có nhiều đoạn, chiều rộng của xa lộ chỉ đủ cho một chiếc xe ”camion” (cam-nhông) chạy, bụi đất bay tứ tung. Nếu trong xe không có máy điều hòa không khí, thì có lẽ người ta sẽ bị ngạt, gió quyện cùng bụi đường thành một làn sương nâu dày đặc. Cảm giác lập tức dịu đi khi nhìn thấy những cánh đồng xanh bát ngát chân trời, bóng núi cao thấp thoáng, cảnh người tát nước từ dưới mương lên tưới ruộng, những thị trấn nhấp nhô, bao quán xá bán hàng họ ven đường, săm lốp, nước ngọt, cơm phở bình dân, đặc sản địa phương… đủ các phương thức chào mời khách vãng lai.
Hơn hai tiếng đồng hồ sau, chiếc xe 4-wheel driver của chúng tôi đã leo theo sườn núi men bờ sông Cầu, thẳng hướng đi lên Bắc Kạn. Hai thanh niên lái xe đều vững vàng tay lái, một người phụ tá khi người kia khó xử lý kỹ thuật vào những đoạn đường cua vòng vèo khó đi. Anh Erik Bergqvist, nhà thơ cùng tôi từ Bắc Âu về Hà Nội không khỏi hú hồn. Thung lũng xanh tươi, khe sâu thăm thẳm, sương mù gieo rắc tỏa ánh bạc trắng xóa trên các dãy núi.

Đến giữa trưa thì tới thị xã Bắc Kạn, nơi có những đồi đất đỏ, nhà cửa khá thưa thớt. Chúng tôi dừng ở một nhà hàng ăn ”lớn nhất thị xã”, kiến trúc gồm hai tầng giản đơn, trái lại đặc sản thì đủ vị, mầu sắc ẩm thực hoa mắt. Anh Phong, tên dân tộc Tày là Dương Khâu Luông, nhà thơ, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, cùng cộng tác viên của hội niềm nở tiếp đón bằng bữa cơm trưa. Rượu ngô hột được rót ra tràn miệng những chén hạt mít, chúng tôi nâng cốc vì tình hữu nghị, vì cuộc gặp gỡ. Họ đã chuẩn bị rất chu đáo, đặt phòng VIP riêng để tiếp khách quý từ phương xa, ai cũng ý tứ, thết đãi chúng tôi những món đặc sản nhất của quê hương. Anh Phong rất tự hào giới thiệu về Hội, trong hoàn cảnh địa phương đang nỗ lực phát triển kinh tế, kiến trúc hạ tầng, có một tổ chức để chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người bản tộc, xây dựng kiến trúc thượng tầng có ý nghĩa lớn lao. Anh Erik, người Thụy Điển đã học được cách gắp bằng đũa thành thạo. Chúng tôi ăn uống nhanh chóng, nửa tiếng sau là phải có mặt tại hội trường của Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn, nơi hàng trăm khuôn mặt trẻ trung của các sinh viên đang háo hức chờ đợi. Tranh thủ một vài phút qúy hiếm xe chở chúng tôi ghé thăm trụ sở của Hội, một ngôi nhà xinh xắn nằm trên sườn một phố dốc và hẹp, tôi có cảm tưởng như đang lọt vào Amsterdam thơ mộng.

Trước khi lên đường đi Bắc Kạn, tôi đã gom góp được khá nhiều sách xin từ Đại sứ quán Thụy Điển, từ Vụ Đối Ngoại của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Những cuốn tiểu thuyết, truyện thiếu nhi của Thuỵ Điển được dịch sang tiếng Việt, nhiều nhất là sách giới thiệu về giải thưởng Nobel văn học để tặng nhà trường. Những hòm sách bê nặng trĩu đôi tay đã đem lại niềm hân hoan cho tốp giáo viên. ”Ôi, các anh chị tặng thư viện nhà trường cho các em học sinh thì quý giá lắm. Chúng tôi sẽ giữ gìn làm tư liệu cho giáo viên và sinh viên cùng đọc”. Tôi không khỏi bồi hồi xúc động vì điều kiện thiếu thốn, các phương tiện học tập, giảng dạy còn quá sơ sài. Buổi ngoại khóa văn học mà Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Bắc Kạn, Ban Giám Hiệu nhà trường và nhà thơ Dương Thuấn cùng chủ xướng thu hút nhiều giảng viên, sinh viên. Những tiết học chính khóa được lùi lại và bù sang buổi khác để cho mọi người có thể tham dự buổi giao lưu hiếm có.

Đứng trước hội trường rộng lớn, trước mắt chúng tôi là biển người, là các gương mặt hân hoan trìu mến. Tôi thật sự sững sờ, trước tiếng nói chuyện, thảo luận, râm ran như dàn đồng ca vang cả hội trường. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Cạn trình diễn những tiết mục ca múa đặc sắc. Các cô gái Tày duyên dáng uyển chuyển trong trang phục dân tộc màu xanh lam, cổ đeo vòng bạc, đẹp hơn cả haute-couture của thủ đô Paris. Tiếng hát then, hát lượn cao vút trong ngần khai mạc cuộc liên hoan văn học nghệ thuật đầy cảm hứng.

Nhà thơ Dương Thuấn giới thiệu về bộ tuyển tập thơ của anh mới xuất bản. Khi tôi và Erik diễn thuyết về đất nước Thụy Điển, về tính chất của nền văn học Thụy Điển thì dường như mọi thính giả đều bỡ ngỡ. Có lẽ vì đó là một đất nước quá nhỏ bé về dân số, đường lối chính trị trung lập, có nền dân chủ, yêu chuộng hoà bình và ít được biết tới trong các cuộc xung đột, chiến tranh trên hoàn cầu. Có lẽ chính vì thế chúng tôi đã đặt chân lên tận xứ sở vùng cao xa xôi này? Ấn tượng xao xuyến, bùi ngùi kéo theo chúng tôi trên hành trình băng qua đèo Giàng, tiếp theo lên Hồ Ba Bể băng qua lớp mây ngàn.

Tối mịt chúng tôi mới đặt chân tới thị xã Chợ Rã. Người ê ẩm, chòng chành, cơn ho kéo không dứt, chúng tôi quyết định dừng chân tại đây. Erik mặt tái nhợt vì đoạn đường lên xuống bập bùng, mọi người ai đấy đều mệt. Người chủ khách sạn vồn vã tiếp đón, sau vài phút tôi mới biết anh Công Quỳnh là người thân của gia đình anh Dương Thuấn, người bạn đã thu xếp tất cả lập trình cho chuyến đi. Bữa cơm dọn ra nhanh chóng, thực sự anh chị đã chuẩn bị từ chiều, hái đám rau mùng tơi sau vườn, bắt tóm con gà chạy rông ngoài sân, mở nút chai rượu vang Pháp thứ thiệt. Chúng tôi được hồi sức bằng bữa lẩu khoái vị. Anh bạn khách thuê phòng dài hạn là thanh tra kiểm soát xây dựng cầu đường thết đãi chúng tôi bằng những câu chuyện dí dỏm. Chủ nhà không ngừng tiếp rượu, tiếp rau, hoa quả. Phụ nữ đi dã ngoại như tôi, vận may ”tại nhân” nhiều hơn. Hơn nữa được Tuệ Minh, phóng viên của tạp chí Văn nghệ Ba Bể của Hội văn học Nghệ thuật tỉnhtháp tùng. Vừa đam mê văn chương vừa hiểu biết địa hình, chị thuyết minh suốt dọc đường và kể cả các sự tích chi tiết, tôi như máy nghiền hết các thông tin về nơi đây. Đêm đến hai chị em còn rôm rả mãi về các tác giả, tác phẩm văn học. Tôi vẫn không thoát khỏi những trận ho khan rát cổ họng, thiếp đi cho đến khi thức dậy bởi tiếng gà gáy, chó sủa từ dãy núi phía sau.

Bình minh mở mắt, tôi bàng hoàng bởi núi rừng Việt Bắc. Sương mờ trải lạnh, tôi hít vài luồng khí, mải mê ngắm những tàu lá chuối to bè. Chợ xã xôn xao từ sáng sớm, những cô gái gánh rau, miệng bịt khẩu trang tươi cười qua ánh mắt, họ mang những bó rau rừng, măng rừng, trái chín là những đặc sản của vùng cao đến họp chợ. Nơi họp chợ cũng rất giản đơn, trên một đoạn phố bùn lầy, đất sét kế bên khách sạn mini chúng tôi ở. Tôi được nghe rằng ẩm thực Bắc Kạn hấp dẫn lắm, cơm lam, bánh cuốn, bánh trời, bánh mác cót...

Thời gian rất ít nên lại vội vã lên xe tiếp tục đi sâu vào hồ Ba Bể. Tôi đã hứa với Erik rằng sự mệt nhọc của anh sẽ được đền bù bằng một kỳ quan thiên nhiên tuyệt mỹ, đến nơi đúng quả là như vậy. Chúng tôi sững người trước phong cảnh ngoạn mục hùng vĩ, hồ Ba Bể xanh rêu ngồn ngộn. Nơi đây trú ngụ bao nhiêu chủng loại động vật, thực vật, loài cá hiếm có. Đây là di tích được phân vào hạng mục di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO, thu hút dòng khách du lịch sinh thái từ khắp bốn phương. Sự tích hồ Ba Bể trong các huyền thoại, cấu tạo biến hóa của thiên nhiên, mãi là điều bí ẩn cùng con người Bắc Kạn. Kỳ khôi của núi đá vôi tạo ra hang động, sông Năng, động Puông, tháp Đầu Đẳng, đảo Bà Góa, suối Tiên, thưởng ngoạn bằng thuyền san dễ ai muốn rời.

Chúng tôi khẩn trương tiếp cuộc hành trình, điều mà tôi trông chờ nhiều nhất là đi thăm Bản Hon. Sông Năng dập dờn uốn quanh, nắng chiều đã đổ bóng, nhìn thấy dãy núi phía xa, làng quê chìm giữa các rặng cây rừng, bụi rậm. Nhìn sang mé bên phải đường phải để ý, đến khi dừng xe mới thấy nóc ngôi nhà sàn mái rêu xanh của Dương Thuấn. Chuồng gà vịt nằm ngay sát lối đi. Khoảng đất ngăn để trâu bò làm chuồng lợn nằm phía dưới ngôi nhà. Bước lên cầu thang, qua cầu rửa chân là giẫm chân lên sàn nhà rải bằng giát mai già, lâu ngày lên nước vàng óng. Sàn giát bằng tre mai chẻ rất chắc chắn, bước đi cảm giác vững vàng hơn sàn gỗ, mà vẫn dẻo êm, đàn hồi êm đôi bàn chân.

Cụ thân sinh anh Dương Thuấn tiếp đón niềm nở mời chúng tôi uống rượu ngô, cạn chén liên tục, ăn hai loại chuối trông như chuối rừng rất ngọt. Anh Dương Thuấn còn kể ngày xưa khi anh cắp sách lội suối 7 km hàng sáng tới trường bản, là trường tiểu học duy nhất của cả huyện. Đường xa, lầy lội mà làm gì có đường cái, toàn là đường mòn luồn qua rừng rậm, rắn rết bao quanh, nhiều hôm mưa to trượt ngã quần áo sũng bùn phải xuống suối gột sạch mới vào lớp được.

Phải chăng đó là ý chí của người Tày, ý thức được về bản sắc di sản văn hóa của cộng đồng và mãi phấn đấu vươn cao vào sự phát triển chung của nhân loại, của đất nước. Tôi cảm ơn chân thành về tấm lòng nồng hậu mến khách của những người bạn đồng nghiệp, của tình người thân ái mà Erik và tôi đã được đặc hưởng, để lại trong ký ức một chuyến đi đầy kỷ niệm.

Tháng 12/2010

MIMMI DIỆU HƯỜNG
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Mimmi Diệu Hường, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến Mimmi Diệu Hường cho bài viết này:
LittleAngel (06-11-2011)
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:36 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters