Trở lại   Thư Quán Đo Đo > TRANG VIẾT CỦA BẠN BÈ > VĂN XUÔI

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 23-12-2009, 03:59 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Miền Tây (lý lan)

Miền Tây

Có người ở xứ khác chê cách ăn nói của người miền nam… thừa, như “bé” có nghĩa là nhỏ, nói “nhỏ bé” hay “bé nhỏ” chẳng là thừa sao? Tôi hoàn toàn đồng ý cái sự thừa đó, chẳng thế, còn thấy thú vị và tự hào về thói tùy nghi gia giảm trong tiếng nói của người mình. Nó thể hiện tinh thần dung hòa cởi mở trong bối cảnh xã hội đa văn hóa. Ở miền Tây có nhiều người Tiều, họ nói nhỏ là “xíu”, nên “nhỏ xíu” thành từ phổ biến. Tương tự, ở miền Tây có người Khơ me, họ nói một mình là “ên”, nên người miền Tây quen miệng nói “một mình ên”.

Rõ ràng tiếng Việt trở nên phong phú hơn, mà về mặt ngữ âm, cách kết hợp này khiến cho tiếng nói miền Nam mềm mại và ngân nga, phù hợp với phong thổ “đồng rộng sông dài”. Đất đồng bằng, cứ thong thả đi, thong thả nói, không trèo đèo vượt núi thì mắc gì phải phát ra từng tiếng cộc lốc nặng nề? Với lại đồng rộng, gió thổi xa, tiếng người ngân nga, thì cứ chọn âm điệu êm tai mà nói cho dễ nghe. Như Vương Hồng Sển nói về quê xứ Đại Ngãi của ông: vốn là Đại Nghĩa, nhưng sông rộng gió dài, âm chữ Nghĩa ngân thành Nghĩaĩaĩa…ĩa…ĩa…ĩa… nghe không được sạch sẽ thanh tao lắm. Đổi thành Ngãi, âm Ngãi…ãi…ãi…ãi…. nghe như hát bội, nhưng Vương Hồng Sển mê hát bội, như đa số dân miền Nam cùng thời, nên chuộng Ngãi hơn Nghĩa.

Cụm từ “sông nước miền nam” cũng từng bị bắt bẻ: sông tất có nước! Nhưng không phải vì không thể nói “sông núi miền Nam” (Bảy Núi thiếu gì núi) mà nói thành sông nước. Cũng không phải tránh tiếng sông cộc lốc mà đệm thêm tiếng nước cho dễ ngân nga. Sông và nước là hai thực thể làm nên sinh thái và văn minh xứ này. Sông là sông, nhưng còn có rạch, kinh, mương, tắc, xẻo, vũng, đầm, ao, hầm… Nước đâu chỉ lớn ròng, còn nước nổi, nước đứng, nước rút, nước giựt, nước chạy, rồi nước liếm, nước nhả, nước lợ, nước phèn, nước bạc, nước chan đồng… Nước ở đây đã vượt khỏi phạm trù sông, như thực tế sông nước xứ này.

Ngồi tàu cao tốc đi Cần Thơ tôi nghe anh hướng dẫn viên diễn giải cho mấy người nước ngoài về sông nước miền Nam, có chỗ nghe mắc cười quá, nhưng ráng nhịn. Anh ta nói nước gồm có nước mưa trên trời rớt xuống (nhiều lắm, mưa ròng rã sáu bảy tháng một năm). Hồi trước anh không để ý, vì nước mưa rơi xuống đất trôi đi mất, đến mấy năm gần đây, mỗi lần mưa là thành phố ngập nước, anh mới biết là mưa có nhiều nước nhiều lắm! Lại còn nước bên Campuchia tràn qua (xứ đó cao hơn xứ này, bên đó mưa là đồng ruộng vùng biên giới bên nây ngập nước!) Rồi còn nước biển nữa chứ! Sông Cái Lớn chẳng hạn, là con sông đặc biệt không tích lũy nước các ngòi, các suối trên núi đem ra biển, mà là đường nước biển chảy vào đồng!

Anh hướng dẫn viên này trông như Hắc công tử (Thực ra tôi không biết mặt mũi Hắc công tử, nhưng có lẽ hao hao như anh này, đen đen, cổ đeo dây chuyền, mặc áo quần giầy nón đều còn nguyên nhãn hiệu nổi tiếng.) Một ông khách móc bản đồ ra hỏi sông Cái Lớn là sông nào, và tàu chúng ta đang ở đâu. Hắc công tử bèn xoay tới xoay lui tấm bản đồ, thao thao giảng giải về các hệ thống sông rạch miền Nam. Phải nhìn nhận là ngồi ở đuôi tàu cao tốc máy nổ ầm ầm, gió thổi ù ù mà tìm vị trí con sông trên tấm bản đồ cứ bị gió lật là nhiệm vụ bất khả thi.

Tôi nghe loáng thoáng trong gió tiếng Hắc công tử rằng: các con sông chảy theo hướng Tây sang Đông, chúng ta đi về miền Tây nên đi từ Bắc xuống Nam (?!), phải băng ngang các con sông: Sài Gòn, Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu. Hiện giờ Tàu đã qua khỏi Mũi Đèn Đỏ là chỗ các sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, và sông Sài Gòn gặp nhau. (Anh thuyết trình một đoạn suôn sẻ về tên gọi Nhà Bè với truyền thuyết Thủ Huồng) Nếu đi thẳng, như tàu cánh ngầm kia, thì sẽ ra Cần Giờ tới biển, đi Vũng Tàu. Còn tàu chúng ta thì rẻ vô Tắc Sông Chà ra sông Soài Rạp. Hầu hết các ông Tây đều đinh ninh mình đang đi trên sông Mekong vì tưởng là tất cả sông rạch miền Nam đều thuộc hệ thống sông Mekong. Hắc công tử gân cổ đính chánh là có đến 3 hệ thống sông lận: sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ, rồi mới đến sông Cửu Long. Ông Tây ừ à “I see, I see”, nhưng rõ là ông không phân biệt được gì cả, bèn cất tấm bản đồ vô túi.

Làm hướng dẫn viên thiệt khổ. Hắc công tử chưa kịp thở thì bà Tây hỏi ngây ngô một cách chí lí: Thế làm sao chúng ta đi từ hệ thống sông này đến sông kia? Rất dễ : có vô số kinh rạch nối các hệ thống sông này. Một con kinh ngắn nối thẳng hai con sông gọi là tắc, tàu chúng ta đang chạy trên tắc, thấy rõ mật độ giao thông tấp nập, nào xà lan, tàu hàng, ghe buôn, thuyền lớn thuyền nhỏ… Từ Sài Gòn về Cần Thơ sẽ qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Đi đường bộ thì không cần qua Bến Tre, nhưng đi đường sông thì đoạn qua Bến tre là thú vị nhứt: nhìn hai bên bờ vườn cây xanh tốt, ngọn dừa cao ngất, bờ sông có đoạn xây kè đá, nhà cửa đẹp đẽ.

Đường sông qua Bến Tre là kinh Chợ Lách, đoạn qua Tiền Giang là kinh Chợ Gạo, đoạn qua Long An là kinh Tẻ, đoạn qua Vĩnh Long là sông Măng Thít. Hắc công tử nói sao tôi ghi vậy, tôi mới đi lần đầu, mà dọc bờ sông chẳng thấy gắn bảng tên như trên đường bộ. Chỉ khi tàu giảm tốc độ đi qua vùng thị tứ, như Chợ Gạo, Chợ Lách, đọc loáng thoáng địa danh trên các bảng hiệu hàng quán trên bờ. Tôi chỉ có thể phân biệt “sông” với “kinh”: khi vô tới kinh thì thấy thấy các xà lan cát đá nối đuôi nhau, trông như những xe tải nối đuôi trên quốc lộ 1A, vì lòng kinh hẹp và thẳng. So với những xà lan đó, tàu cao tốc chỉ là chiếc xe gắn máy, lượn lách hình chử S qua các xà lan, phóng vèo vèo trước con mắt căm ghét của những người chèo thuyền phải nhồi lên hụp xuống trên những lượn sóng sau đuôi tàu.

Ngoài sông rộng mênh mông, những chiếc xà lan trông nhỏ xíu, rải rác trên mặt bằng quá rộng nên không gây ấn tượng tấp nập như trong kinh. Đôi khi cũng gặp ghe chở nhiên liệu (có bảng to ghi cấm lửa), ghe chở cừ tràm, lu sành, đồ gốm sứ, dừa, chuối, cây giống, lúa… nhưng áp đảo là những xà lan chở cát, đá xanh, và xi măng. (Nghe nói các đại gia cá ba sa bị phá sản đã xoay ra sắm xà lan chở hàng). Tưởng suy thoái kinh tế ảnh hưởng các công trình xây dựng, hóa ra cát, đá, xi măng vẫn là hàng hóa vận chuyển chính trên đường sông. Hắc công tử nói: thì bị kinh tế suy thoái mới có cảnh tàu ghe thưa thớt như vầy, chứ không thôi cũng bị … kẹt tàu.

Sở dĩ tôi đi tàu cao tốc là vì muốn tránh cảnh kẹt xe kẹt phà khi đi xe hơi. Kể ra cũng nhanh: 4 giờ đồng hồ phom phom trên sông nước. May là không bị kẹt tàu. May nữa là đi chung chuyến với anh hướng dẫn viên không biết tên, gọi đại Hắc công tử chắc anh không giận. Tuy nhiên, tôi phải thòng một câu là những gì ảnh nói ảnh chịu trách nhiệm. Tôi kiếm mỏi mắt mà không thấy hãng tàu công bố thông tin nào về lộ trình hay hải trình, hay những điều thú vị đáng bỏ 200.000 đồng để làm một chuyến đi về miền Tây bằng đường thủy. Hèn gì, từ lịch hai chuyến một ngày ban đầu, bây giờ tàu chỉ chạy một chuyến hai ngày! Rất có thể tương lai chỉ còn mỗi chuyến một tuần hoặc … dẹp luôn. Cho nên ai chưa đi thì liệu mà kiếm cớ gì đó đi miền Tây lẹ lẹ, bằng đường thủy!

LÝ LAN

(Tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:34 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters