Trở lại   Thư Quán Đo Đo > PHIẾM ĐÀM > BOLERO

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 24-06-2010, 08:14 PM
Avatar của noibuontinhle
noibuontinhle noibuontinhle đang ẩn
Member
 
Tham gia ngày: Jan 2010
Bài gửi: 57
Cảm ơn: 3
Được cảm ơn 23 lần cho 10 bài viết
Mặc định Sến là gì? (hoàng phủ ngọc phan)

Sến là gì?

Đây không phải là chuyện nhỏ. “Sến” thuộc phạm trù thẩm mỹ, một trong 5 nội dung lớn (đức, trí, lao, thể, mỹ) thuộc trách nhiệm giáo dục thanh niên.

Sến từ đâu tới ?


Khoảng thập niên 1960, các rạp ciné ở Sài Gòn, Huế và các thành thị miền Nam thay nhau chiếu một bộ phim rất ăn khách: Anh em nhà Karamazốp, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Doxtôiepxki. Trong phim có cảnh một vũ nữ hộp đêm vừa múa vừa hát bài Mambo Italiano - y phục nghèo nàn, thân hình bốc lửa, tóc tai xõa xượi, gào thét và rên rỉ, quằn quại và khiêu khích... nói chung là quậy tới bến. Diễn viên đóng vai vũ nữ ấy là Maria Schell trước đó chưa hề nổi tiếng nhưng nhờ màn múa đầy ấn tượng này, tên cô được quảng cáo ngang hàng với nam diễn viên Yul Brynner, tài tử thượng thặng của Hollywood. Phim chiếu loanh quanh các rạp, cả tháng chưa hết người xem. Lúc này bắt đầu xuất hiện những fan của Maria Schell. Trẻ em đường phố tập tành nhún nhảy bài Mambo Italiano. Các cô gái đợt sóng mới lăng-xê kiểu tóc xõa xượi, mắt xanh Bel, phô trương thân hình... Trên sân khấu phòng trà mọc lên những ngôi sao ca nhạc gào thét, quằn quại như con thanh xà, bạch xà. Từ Mari Sến thoạt tiên được dùng như một biến âm của Maria Schell để chỉ dạng biến thái này trong sinh hoạt của giới trẻ. Dầu không giống Maria Schell cho lắm, nhưng các Sến cũng tạo được một sức hấp dẫn nhất định. Có bài thơ làm chứng như sau:

Em phải là người em Sến không
Sao môi em đỏ, ngực em phồng
Thân hình ngào ngạt mùi son phấn
Anh muốn gì em, em biết không ?


Trên Báo Thanh Niên, giáo sư Cao Xuân Hạo cho rằng từ sến xuất xứ ở từ con sen. Cách giải mã ấy có vẻ hợp từ nguyên (étymologic) nhưng không hợp thực tế. Thực tế là ở miền Nam, rất hiếm người dùng từ con sen để gọi các “ôsin”. Còn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì sau 1954, các con sen, con nụ đã được giải phóng. Dầu trong sến có một phần chất sen nhưng xuất xứ của từ này rất sang: Sến đến Việt Nam từ Hollywood qua con đường nghệ thuật thứ bảy. Ai đó chế ra từ Mari Sến khá thông minh dí dỏm, hẳn từ trong tiềm thức đã có động cơ phản kháng tích cực, chống lại những thứ đua đòi, thời thượng, lai căng vọng ngoại và rẻ tiền. Âu cũng là bản năng gốc để bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo tồn văn hóa dân tộc. Trong ý nghĩa đó, từ Mari Sến ban đầu, không hề có mục đích miệt thị, đả kích những người đi ở đợ hoặc tầng lớp bình dân lao động.

Sến - bản chất và hiện tượng

Chỉ một thời gian ngắn, từ Mari Sến (hoặc ngắn gọn là sến) trở nên thông dụng để nói về người (cả nam lẫn nữ) về âm nhạc, phim ảnh, hội họa, thời trang... và cả ngôn ngữ văn học, cung cách ứng xử trong giao tiếp hằng ngày.

Riêng về nhạc sến, Hà Đình Nguyên viết: “Không biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 nhất là những bản có điệu boléro, rumba... đều bị coi là sến”.

Đây là một nhận thức sai lầm đáng sợ mà theo tôi chỉ có thể có ở một thiểu số cá biệt trong lớp bạn trẻ lớn lên sau 1975 - một dạng yếu kém giống như những thí sinh tú tài vừa qua khi làm bài thi đã viết những câu kinh dị như “hoàng thượng Thích Quảng Đức đã treo cổ tự tử”... Những người này chưa hẳn đã mù nhạc, ngược lại có thể rất sành điệu trong một số loại hình biểu diễn nào đó. Do những bất túc, bất cập của nền giáo dục gia đình và xã hội, sự hiểu biết của họ về dòng chảy của lịch sử, văn hóa có nhiều chỗ bị lủng lỗ và đứt đoạn. Và tôi muốn dùng một ngữ điệu nghiêm khắc để chất vấn họ điều này: “Nếu những Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi của hai miền đất nước đã sáng tác trước 1975 đều sến cả - thì thử xem lại trong túi hành trang văn hóa hiện nay của các bạn có được cái gì đáng giá? Chẳng lẽ cái “không sến” là mớ âm nhạc chôm chỉa, xào luộc từ băng đĩa, phim ảnh nhập lậu và buôn chui bán lậu trên hè phố?”.

Một vài ý kiến có vẻ chuyên môn, cho rằng boléro là sến. Xin lưu ý rằng bản nhạc mà Maria Schell vô tình gây ra hiện tượng sến ở Việt Nam không phải boléro mà là điệu mambo-chachacha. Còn boléro mà như ca khúc Gái xuân (thơ Nguyễn Bính - nhạc Từ Vũ) và hàng chục tác phẩm khác mà tôi có thể kể - thì chưa có một nhà phê bình âm nhạc nào dám bảo đó là sến. Thực ra muốn nhận diện loại nhạc sến không chỉ dựa vào giai điệu mà có thể dựa vào một trong 4 yếu tố: giai điệu, ca từ, phong cách biểu diễn và chất giọng của ca sĩ, và sau cùng là các fan của họ. Thường thì 4 yếu tố này kết hợp với nhau rất đồng bộ, khó gì mà không nhận ra? Ở đây, tôi cố tránh việc nêu tên những tác giả mà tôi cho là sến để khỏi chủ quan và xúc phạm cá nhân. Nếu cần, chỉ xin dẫn chứng một thí dụ - có một bản tân nhạc dùng trong tuồng cải lương, lời như sau: “Thôi hãy yêu đi, hãy yêu đi dù trai hay gái. Hãy yêu đi cho thắm đời hoa”... sến cùng mình!

Trong bài viết trên Báo Thanh Niên 19.8 và trước đó trên Phụ nữ TP.HCM, Vinh Sử (người chết tên là “vua nhạc sến”) đã nói: “Bao giờ nước mình giàu, không còn người đạp xích lô, thợ hồ, ôsin lúc đó tôi sẽ viết nhạc... sang”. Ca sĩ Ngọc Sơn cũng phát biểu những điều đại loại như vậy. Ở đây, có đôi điều cần nhìn lại cho kỹ. Thứ nhất: Sến không hẳn là nghèo. Ngọc Sơn có cả ngôi biệt thự, mặt tiền có tượng phù điêu của mình. Các fan của sến cũng không nghèo. Có một bà giám đốc ngưỡng mộ sến cải lương đã bỏ hàng trăm cây vàng mua nhà tặng kép, lái xe hàng trăm cây số để dâng cho sến món cá kho tộ. Họ có nghèo không vậy?

Thứ hai (câu này dành riêng cho Vinh Sử): Giả sử mọi người đều giàu lên cả rồi, có chắc “vua sến” làm được nhạc... “sang” không?

Sến không hẳn là quê. Cái quê trong thơ Chân quê của Nguyễn Bính hay trong tranh dân gian làng Hồ thì đâu có sến. Nhưng khi Lê Trung vẽ gái quê mà mông má, màu mè ngó dữ dằn hơn gái thành thị, trách chi chẳng bị họa sĩ Trịnh Cung chê sến.

Vậy xin ai đừng nhân danh người nghèo, người nhà quê và các tầng lớp lao động bình dân để làm vỏ bọc cho mình. Đừng có ảo tưởng rằng mình đang đi trên con đường nghệ thuật vì nhân dân và vì quê hương. Quần chúng văn hóa nghệ thuật không đơn giản chỉ là một đám đông.

Và nói cho cùng, sến là gì? Theo tôi, sến là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới trung bình. Tiếng Pháp không có từ sến nhưng có từ tương đương: sous - culture (dưới văn hóa). Trong khi chờ đợi mặt bằng văn hóa và thị hiếu thẩm mỹ của đại bộ phận quần chúng được nâng cao thì trước mắt, các phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình) cần nghiêm túc và thận trọng hơn trong việc thẩm định và giới thiệu tác giả và tác phẩm. Công việc giáo dục thẩm mỹ phải nhằm làm cho các bạn trẻ biết nói không với cái sến.

Bởi vì làm văn hóa mà lầm thì hại đến muôn đời.


Hoàng Phủ Ngọc Phan

(Báo Thanh Niên 23-8-2005)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên noibuontinhle, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:08 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters