Trở lại   Thư Quán Đo Đo > PHIẾM ĐÀM > BOLERO

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 23-05-2010, 01:56 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Thấy mình như một kẻ khác - trường hợp tiếp nhận Chế Linh (trần văn toàn)

Thấy mình (self) như một kẻ khác (other) - trường hợp tiếp nhận Chế Linh


1
. Một lần, tình cờ, lên mạng tôi có xem một video clip người ta phỏng vấn Chế Linh. Khi trả lời một câu hỏi, ông có nói đại ý: thế giới này thì nhỏ thôi, tôi đã đi khắp. Việt Nam là lớn. Tôi mới chỉ quanh quẩn ở miền Nam mà chưa một lần được đặt chân ra Bắc. Tôi không nhớ câu hỏi là thế nào mà lại dẫn đến câu trả lời trên của Chế Linh. Và cũng chỉ ngắn gọn bấy nhiêu thôi rồi cuộc đối thoại lại chuyển qua một chủ đề khác.

Nhưng mà câu trả lời ấy làm tôi xúc động. Nó hé lộ một khía cạnh sâu thẳm trong thế giới nội tâm, rất có văn hóa, rất thân phận mà tôi cho là chỉ có ở một người nghệ sĩ đích thực. Đời con người ta, phải sống trong bao nhiêu những ranh giới. Ở nước Việt mình, chiến tranh đã qua từ lâu nhưng cái ranh giới Nam – Bắc vẫn là một hiện hữu với không ít những số phận.

Rồi nữa, biết thế nào là lớn, thế nào là nhỏ? Lớn nhỏ phải đâu có sẵn một chuẩn mực. Phải đâu do mình chọn mà được. Cuộc đời làm ra thế. Cuộc đời làm ra thế thôi!

Chính ở thời điểm ấy, một cái nhìn khác về Chế Linh đã xuất hiện trong tôi. Và tôi vẫn định viết một bài về ông.

Thì là lúc này đây.


2. Nghe Chế Linh thì sớm. Những người anh trong gia tộc tôi (nội, ngoại) ở tuổi mới lớn ai chẳng ậm ừ một đôi câu hát, cố theo cái điệu nỉ non, sầu thảm rất riêng của Chế. Rồi thi búng ghi ta. Nếu có mái tóc dài, cợp gáy nữa thì càng hấp dẫn lắm. Nhạc Chế, tuổi mới lớn, thất tình, rỗng túi, làm li rượu vào, hát thấy “phê” lắm. Nhưng mà thích thế thôi. Không xem là cái gì đáng kể, có giá trị. Nghĩ cũng tủi cho một giọng hát. Như người con gái, người ta ngủ nghê với mình hẳn hoi nhưng chẳng xem ra gì. Tiện thì ghé lại. Buồn thì chơi bời giải khuây. Thích đấy mà như rẻ rúng đấy. Ngay trong cái thích đã ẩn chứa cái rẻ rúng rồi. Mà nhạc Chế cũng thường được nghe trong những không gian không mấy thanh cao. Những quán cafe đèn mờ, xập xệ; những quán giải khát bình dân; màn hình TV thì thường cáu bẩn, loa đài cũng ậm ọe, âm thanh thành nhòe nhoẹt.

Cố nhiên, đấy là ở miền Bắc. Miền Nam thì tôi không rõ.


3
. Vì đâu mà có cái nhìn rẻ rúng đến thế với những ca khúc mà Chế Linh thực hiện? Khó mà trả lời cho đến nơi đến chốn được.

Nhưng phải nhận rằng, từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, người miền Bắc cảm thụ âm nhạc theo một quy phạm riêng. Chính vì thế, lần đầu nghe những ca khúc do Chế Linh hay Duy Khánh, Nhật Trường... viết và diễn xuất khó mà chấp nhận được một thứ ca từ dường như quá đỗi bình dân, “vỉa hè”. Ngôn ngữ nghệ thuật gì mà những cách nói kiểu như “tiền khô cháy túi”, “người tình bao năm chăn gối” cũng ngang nhiên đi vào bài hát cho được. Theo một chiều ngược lại, đôi khi nó lại rất sáo, theo kiểu: “Đồng Tháp vắng bóng hồng tôi yêu ai?”, “chinh nhân ơi xin anh chớ buồn”, “anh làm thơ vu quy”... Giai điệu thì thuần một dòng bolero, nghe rền rĩ quá. So với những ca khúc miền Bắc thì khác lắm: ca từ tinh tế, đẹp, âm hưởng cách mạng là thống nhất nhưng giai điệu thì thật phong phú. Không thể hát khi thất tình, khi lêu lổng, mà cũng không dễ hát (nhất là với chất giọng của những người như tôi). Nhưng mà thấy thế mới đúng là nghệ thuật thứ thiệt. Đâu có như mấy cái giai điệu được xem là èo uột, nỉ non, xoàng xĩnh, sến kia!

Nhưng, hình như, không phải chỉ có những ca khúc mà Chế Linh sáng tác và trình diễn mới chịu đựng cái nhìn có phần trịch thượng từ miền Bắc.

Cải lương, dù đã có thời làm mưa, làm gió ở đất Bắc (nếu ta tin vào những thuật sự của Nguyễn Văn Xuân) nhưng với người Bắc thường chỉ hấp dẫn được một số dân quê. Người thành thị, nhất là nếu có học vấn xúng xính nữa, thì thường giữ khoảng cách. Khi tôi nói mình thích xem cải lương, một người bạn vong niên của tôi, đã phác một cử chỉ mà tôi hiểu là anh không có ngôn từ để diễn tả thái độ của mình hơn là vì tế nhị trước tôi (những người bạn của tôi thường là người sỗ sàng khi nói về/nói với bạn hữu – một dấu hiệu của tình thân đặc biệt!).

Và văn chương của cụ Đồ Chiểu! Ân sư của tôi, GS Nguyễn Đình Chú, có viết trong sách giáo khoa cho phổ thông, đại ý: văn chương của cụ Đồ Chiểu như trái sầu riêng. Không dễ thích. Nhưng biết rồi thì mới hiểu vì sao nó lại là loại trái cây vương giả của phương Nam. Tôi hiểu lời thầy (bằng lo-gic) nhưng trong suốt một thời gian dài, tôi chịu không thể đọc được Nguyễn Đình Chiểu với lỗ tai, với trí não của một người đã đọc truyện Kiều của Nguyễn Du.

Muộn hơn một chút là những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Nếu không nhờ vào khảo luận Khi những lưu dân trở lại của Nguyễn Văn Xuân thì trong định kiến của tôi, họ Hồ chỉ là một cây bút hạng hai trong bức tranh tiểu thuyết nửa đầu thế kỉ bất chấp việc những tác phẩm của ông đã chinh phục biết bao thế hệ độc giả miền Nam (thuộc nhiều tầng lớp).

Ngay ở thời điểm hiện tại, những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, dù nổi đình đám ở thị trường Hồ Chí Minh, chinh phục cả những độc giả có học thức hải ngoại (mà chủ yếu là có gốc gác Nam bộ) thì với độc giả miền Bắc sự tiếp nhận vẫn rất chừng mực. Một cây bút viết tiểu thuyết mà tôi đánh giá là sắc sảo nhất trong thế hệ của anh có lần nói với tôi: truyện của Nguyễn Ngọc Tư, người ta thích chẳng qua chỉ vì màu sắc xứ lạ (anh dùng từ exotic), thế thôi.

Như đã thành một mặc định: miền Nam là bình dân, vì thế thô phác. Miền Bắc là tinh tế, là nghệ thuật, là đặc tuyển. Đi xa hơn, trong văn hóa nghệ thuật: miền Bắc là trung tâm, miền Nam là ngoại vi, là bàng biên (nếu không thế thì làm sao lại cảm nhận những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư trong màu sắc xứ lạ cho được?).


4
. Về định kiến này, để viết một cách thấu đáo, cần một tiểu luận độc lập với những trích dẫn và chú giải hàn lâm. Tôi dẫn ra đây như một văn cảnh để hiểu hơn về “thân phận” của một dòng nhạc mà Chế Linh là một đại diện. Cũng để ngầm chuẩn bị cho một cách đặt vấn đề: dòng nhạc mà những ca sĩ như Chế Linh diễn xuất, muốn hiểu đúng, phải được đặt vào một nguồn mạch văn hóa mà nó ra đời.

Không phải là người chuyên, nếu không nói là hoàn toàn ấm ớ về kiến thức âm nhạc, tôi có cảm giác: dòng nhạc mà Chế Linh sáng tác và trình diễn có liên quan mật thiết đến những câu vọng cổ vốn được xem là “mạch sống” của văn nghệ miền Nam. Nếu ca được vọng cổ thì việc chuyển sang hát bolero là rất tự nhiên và không hề có sự vênh lệch trong cách nhấn nhá, lấy hơi, luyến láy. Ngay sự hiện diện của nhiều từ Hán Việt trong dòng nhạc bolero cũng là một rơi rớt từ vọng cổ (lời vọng cổ mà không có từ Hán Việt thì mất đi nhiều lắm chất biểu cảm). Nói cách khác, dòng nhạc bolero của miền Nam trước 1975 là một “tha hóa”, một biến thể của vọng cổ trong môi trường đô thị hiện đại. Cái chung của cả hai: hướng đến người bình dân, phô diễn những cảm xúc của người bình dân. Người viết dòng nhạc này không phải để lưu danh, để làm nghệ thuật mà để phổ lời cho những giai điệu bình dân mà hàng trăm ca khúc của Vinh Sử là một dẫn chứng điển hình. Nhạc miền Bắc tạo ra một không gian riêng mà muốn thực sự hiểu và cảm nó ta phải “bước qua” ranh giới của cái thường nhật. Dòng nhạc bolero của miền Nam trước 1975 tìm thấy không gian của nó ngay trong những không gian và thời khắc của cuộc sống đời thường. Ở đó có rất nhiều những thành thật nhưng cũng phải nhận rằng nó thiên về phía mùi mẫn, lâm li, đôi khi dễ dãi, nỉ non.

Nhưng mùi mẫn, nỉ non, lâm li... – đừng bao giờ quên rằng - cũng là những trải nghiệm nhân sinh thường nhật mà người ta vẫn sống. Khi trái tim lần đầu nghe thấy tiếng “gõ cửa tình yêu”, khi đếm bước trong đêm với chỉ vài điếu thuốc rẻ tiền trong túi, khi khắc khoải trước người tình nhỏ bé, trong veo – một vẻ đẹp cần biết bao sự che chở nhưng mình chỉ là một gã trai tay trắng, khi mỗi hoàng hôn nhớ bóng mẹ... Chỉ có điều, ta thường ứng xử với nó như những phút giây của sự lạc bước, lầm lạc, yếu đuối trong tâm hồn. Đối với những trải nghiệm như thế, ta không nỡ hắt hủi hoàn toàn nhưng e dè và ngại ngùng khi phải thú nhận và nói về nó. Thảng hoặc, nếu ta lạc bước vào đó, ta hiểu rằng mình đang “yếu đuối”, đang “sến” và ta biết chắc là mình sẽ nhanh chóng rời bỏ nó để trở về với những cảm xúc của một thế giới khác lành mạnh hơn, mạnh mẽ và quả cảm hơn, “xứng đáng” với sự tôn quí và có “giáo dục hơn”. Và ta cũng thường nghĩ: đó là cảm xúc của những tâm hồn đơn giản khác với “cái tôi” có văn hóa và học thức, tinh tế mà chúng ta được đào luyện. Diễn ra một sự phân loại giữa “self” và “other” ngay trong chúng ta. Bằng cách ấy, chúng ta yên tâm và trịch thượng hắt hủi và cự tuyệt ngay chính một phần đời, một phần trải nghiệm rất thật của mình. Chúng ta biến một phần nội tâm của mình thành nội tâm của một hạng người khác để có thể yên tâm khinh bạc với nó, rẻ rúng nó dù đôi khi vẫn bị nó lôi cuốn. Đấy là cái cơ chế (mechanism) để tạo nên hiện tượng, như tôi đã nói ở phần đầu bài viết, người ta đến với những ca khúc của Chế Linh trong một phức cảm: vừa thích thú vừa khinh rẻ, trong cái thích thú đã hàm ẩn sự khinh rẻ.

Những ca khúc mà Chế Linh và những nghệ sĩ như ông suốt đời viết và trình diễn, đương nhiên, không phải là tất cả thế giới âm nhạc nhưng nó cần phải được đặt trên một mặt bằng mới, bình đẳng với những giá trị âm nhạc khác.

Tôi muốn nhắc lại ở đây một luận đề không mới nhưng dường như vẫn không dễ để hiểu tường tận: mọi phân loại theo tiêu chí cao thấp luôn là sự đàn áp về giá trị!


22-5-2010


TRẦN VĂN TOÀN

(Đại học Sư phạm Hà Nội)

__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:55 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters