Trở lại   Thư Quán Đo Đo > ĐO ĐO, CHUYÊN MỤC > "BÌNH LOẠN" CỦA KHÁCH HÀNG

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 01-09-2009, 03:49 AM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Đo Đo và những câu chuyện đời (nguyễn lê minh)

ĐO ĐO và NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI

(Viết nhân dịp dẫn mấy đứa em đến Đo Đo quán, sau khi tụi nhỏ đọc xong Quán Gò đi lên)

Có lẽ Nguyễn Nhật Ánh là cái tên đi cùng tôi suốt những tháng ngày thơ ấu. Khi mà niềm đam mê đọc sách truyện vượt ngoài khuôn khổ túi tiền của một đứa trẻ cấp II, tôi lang thang ở các nhà sách sau giờ học, “đọc chùa”. Không còn nhớ nổi tên cái nhà sách ấy, chỉ biết hồi xưa cảm thấy vui lắm vì các cô chú nhân viên nhà sách không cằn nhằn khó chịu, hay tỏ vẻ muốn đuổi những đứa như tôi – cứ ôm hết quyển sách này đến quyển sách khác, ngồi chiếm một góc “chiễm chệ” trong nhà sách, chúi mũi vào quyển sách từ trang này đến trang khác… Hic, nhiều khi đến giờ về, mà tiêng tiếc vì chưa đọc xong quyển sách, cũng chẳng dám gấp lại vì đâu phải sách của mình… có lẽ thói quen đọc sách không gấp trang theo tôi từ những ngày xưa ấy….

Lớn lên, đi làm rồi, hàng tháng tôi trích một ít tiền lương mua sách, sách với những đứa mê sách, chưa bao giờ có khái niệm “đủ”. Với đồng lương ba cọc ba đồng của một SV mới tốt nghiệp cũng chỉ đủ cho tôi mua một hai quyển sách mới, và cứ thòm thèm, quanh đi quẩn lại cái gian hàng sách thiếu nhi, khi nào thì mình mới mua được đủ bộ….

Càng lớn, tôi phát hiện con người ta càng muốn bé lại. Khi yêu thương là tất cả những gì ta biết về cuộc đời, khi cuộc đời chỉ có ăn, ngủ và đi học. Một cuộc sống an nhàn, vui vẻ, không lo nghĩ bất cứ chuyện gì… mà bất kỳ một người lớn nào cũng mơ ước.

Có một dạo, tôi chẳng còn thiết tha gì với cuộc sống. Những tác phẩm văn học đương đại không kéo tôi trở lại cuộc sống có cảm xúc… Lục lọi trong tủ sách của hai chị em, tôi phát hiện những quyển Nguyễn Nhật Ánh ngày xưa, và may mắn, quyển đầu tiên tôi cầm lên đó là “Quán Gò đi lên”. Và cho đến giờ có lẽ tôi phải cảm ơn cái khoảnh khắc ấy, quyển sách đã làm thay đổi cuộc sống của tôi bắt đầu từ thời điểm ấy…

Cứ chốc chốc lại cười hihi, đọc mà cứ nằm cười một mình, cười đủ kiểu… sao mà giống quá, thật quá, trẻ con quá và cũng thật đời…. Đọc mà hình dung trong không gian nhỏ bé của quán Đo đo là hình ảnh của một đại gia đình, có một bà mẹ (cô Thanh), tảo tần buôn bán đang cưu mang những đứa con từ khắp xứ. Là Lâm, với “nụ cười mê hồn” làm ngây ngất nhỏ Lan, anh chàng học sinh lỡ vận thi rớt Đại học, quyết tâm “dùi mài kinh sử” thi lại; là Cúc, cô bé nhà quê từ Quảng Nam lặn lội vào Sài Gòn, với chất giọng Quảng nguyên chất như “nước mắm Nam Ô” làm nên bao tình tiết dở khóc dở cười của câu chuyện, là Cải, “ông hoàng của bãi giữ xe”, cầu nối giữa chuyện tình thơ mộng giữa Lâm và Cúc, là người luôn lo lắng cho việc “phong long” của quán; là Lệ, cô gái luôn hy vọng đổi đời bằng cách lấy chồng Việt Kiều, hay là Lan, cô bé thương thầm trộm nhớ Lâm, lo lắng khi Lâm buồn, băn khoăn khi thấy Lâm ưu tư, một tình cảm hồn nhiên và trong sáng…

Một đại gia đình sống cùng nhau, cùng lo lắng quẩn quanh những câu chuyện làm thế nào để quán càng ngày càng đông khách và phục vụ tận tình, điểm xuyết những ch tiết hài hước và nhân văn là những câu chuyện xảy ra hàng ngày ở Đo Đo quán. Là câu chuyện của ông Tiger, bà Fanta, ông Thịt Luộc Muối tiêu, là chuỗi xâu xích những hoàn cảnh cuộc đời của từng nhân vật trong truyện, tình cờ gặp nhau tại Đo Đo… Là hình ảnh cả đám phục vụ rồng rắn bưng từng món, vật dụng, đứa thì tô mì Quảng, đứa dĩa rau, đứa cái tré, đứa bình trà… khi quán hân hạnh được hai nghệ sĩ nổi tiếng Thành Lộc và Việt Anh đến thăm…. Là câu chuyện của những đứa học trò nghèo, kéo cả đám đến quán, chỉ ăn mỗi món bánh bèo “rẻ như bèo” và chia nhau uống chung vài ly trà đá trong sự bực bội khó chịu của mấy đứa phục vụ sau một hồi cực nhọc kê bàn ghế…

Đọc và hình dung một quán Đo Đo với những món ăn Quảng Nam, nào nem, tré, bánh tráng, mì Quảng, các loại bánh nậm, bèo, bánh đập…. Ầm thực Quảng Nam, một nét văn hóa của miền Trung nghèo khó!

Đọc để bật cười cùng những suy nghĩ vừa trẻ con, vừa người lớn của những tình cảm tuổi mới lớn, hồn nhiên, và tinh nghịch của cái tuổi thứ 3 học trò…. Lâm cười và nghĩ: Dù sao nhờ vậy mà tối tối mình mới có dịp gần gũi với thằng Cải. Gần gũi thì không thể không tâm tình. Mình sẽ tâm tình. Tâm tình thì không thể không nhờ vả. Mình sẽ nhờ vả. Nhờ vả thì không thể không nhận lời. Mình sẽ nhận lời. À, không phải mình nhận lời mà thằng Cải nhận lời. Cải nhận lời coi như đoạn đường chông gai từ trái tim mình đến trái tim con Cúc rút ngắn được một nửa… hay những kiểu ghen tuông cũng rất học trò “Mày tỏ tình giùm tao vậy đó hả?- Tao sắp...- Sắp cái con khỉ! - Lâm cự nự - Tao biểu mày giúp tao bày tỏ nỗi lòng với con Cúc chớ có biểu mày ôm nó cứng ngắc đâu! Mày tỏ tình giùm tao hay tỏ tình cho mày vậy?”.. Và cả những suy nghĩ hồn nhiên của những cô bé chân chất miền quê mới lớn - Ba em gọi vô có chuyện gì không vậy Cúc? - Dạ, không có chi. Ba em chỉ hỏi thăm sức khỏe em thôi. - Hỏi thăm sức khoẻ sao nói chuyện cả buổi vậy? - À, ba em còn dặn dò em đủ thứ nữa. - Ba em có hỏi gì về anh không? - Có. Ba em hỏi anh là ai, em nói anh làm chung với em. - Ba em còn nói gì nữa không? - Có. Ba em biểu em tối ngủ chung nhà với đàn ông con trai phải coi chừng, đừng để mấy đứa lưu manh dụ dỗ, lường gạt. Ba em kêu ở thành phố bọn bất lương nhiều lắm”

Đọc để cảm cùng những hành động, suy nghĩ rất dễ thương, rất người lớn của những người trẻ mới vào đời, mua những món quà tặng quán làm kỷ niệm nhân lần đầu tiên lãnh lương, những món quà giản đơn, là đồng hồ treo tường ngay giữa quán, là bàn thờ chăm chút cho “thổ địa”, vận may của quán, hoặc dồn hết tiền lương để gửi về nhà cho ba mẹ… Dường như đây là mẫu số chung của tất cả những kỷ niệm đầu tiên, mà càng lớn, người ta quên mất những thói quen này.

Đọc để thấy những lo toán của những người bán buôn, lúc nào cũng lo lắng cho những tiểu tiết rất nhỏ trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Đọc để đồng cảm và hiểu những nỗi lo toan hàng ngày của Mẹ, cũng hàng ngày mở quán, lo hết cái này đến cái khác, làm sao bán hết, làm sao để chiều lòng những người khách khó tính nhất, tính toán giá cả nguyên liệu và cân đối không để chi phí tăng cao, khách hàng bỏ đi mất… hàng đêm lo âu, hàng tuần không dám nghỉ dù chỉ một ngày… Một ngày nghỉ là một ngày sống trên đống lửa của những ưu tư, Sáng mai này mở bán lại, có khách hàng nào chuyển sang hàng quán bên cạnh dùng bữa sáng?

Đọc để bật cười khúc khích, cười hồn nhiên như thưở ta còn thơ bé, đọc để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, tuổi học trò mộng mơ và sống động hiện về qua từng trang sách. Nhớ quá thời ấu thơ!
Rồi tình cờ một ngày, tôi phát hiện lại Đo Đo quán ngay giữa lòng Sài Gòn. Hồi xưa cũng đã đến Đo Đo, rồi bẵng đi một thời gian quán dọn đi đâu mất, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ, không hay Đo Đo đã đi đâu rồi?
Như một người bạn tình cờ gặp lại, cảm xúc của tôi, một đứa vừa tròn 28 tuổi, lần trở lại này khác hẳn.

Trong không gian quán, tôi hình dung lại từng góc nhỏ của căn phòng. Nơi nào là của đám con gái tụ tập ngủ buổi tối, nơi nào là chỗ Cải nằm và giành mở cửa mỗi sáng thức giấc, chỗ nào là nơi Lâm “tụng kinh” hàng ngày cho những bài học chuẩn bị cho kỳ thi; chỗ nào là nơi Cúc nướng bánh tráng hàng ngày, và cả câu chuyện Lâm đạp Cải vào lò than vì nóng ruột khi Cải nhà ta chưa kịp “tỏ tình giùm”. Nhớ từng câu chuyện của những khách hàng quen thuộc, ông Tiger lúc nào cũng uống bia Tiger với một số chai cố định, khi vui uống thêm, khi buồn bỏ bớt; là ông Thịt Luộc Muối tiêu, chỉ độc một món và khi bước vào quán thì cả đám.. bắt đầu dọn dẹp; và sự lo lắng của cả đám khi những nhân vật này không xuất hiện đúng giờ. Ở lâu nhất định phát sinh tình cảm, và khi đã tạo cho người ta một thói quen, hẳn bạn sẽ thấy nhớ khi thiếu vắng..

Nói về Đo Đo, nói về Quán Gò đi lên, có thể tôi sẽ nói hoài không hết. Vì những chi tiết trong truyện rất gần với tuổi học trò ngày xưa, rất gần với cuộc sống của tôi những tháng ngày thần tiên ấy. Khi tôi type những dòng này trên máy tính, quyển “Quán Gò đi lên” của tôi đang chu du đâu đó ở nhà bạn bè, và có những tình tiết tôi kể ở trên chỉ là ghi lại theo trí nhớ.

Tối hôm qua, nhân dịp dẫn mấy đứa em đi giới thiệu Đo Đo, tôi lại có dịp kể cho các em nghe những tình tiết hài hước cười ra nước mắt trong truyện, ngập tràn những cảm xúc về câu chuyện của Đo Đo và quán Gò. Và trong một buổi sáng nước mắt ngắn dài, tủi thân, lo lắng về những ngày sắp tới của mình, tôi lên mạng tìm đọc vài phần của Quán Gò đi lên (để trích dẫn cho đúng) để lại ngồi cười khúc khích một mình trước màn hình vi tính, đọc đến đâu cười đến đó, cười và quên đi là mình đang chất chứa những âu lo…

Có lẽ cuộc đời có quá nhiều những nỗi buồn và niềm lo, nên những người lớn luôn muốn tìm lại những nụ cười trong trẻo ngày xưa.

Và với tôi, Đo Đo từ Quán Gò đi lên là một trong những phương thuốc diệu kỳ giúp tôi trở về cảm giác bình yên của những ngày thơ ấu thần tiên ấy!


NGUYỄN LÊ MINH


(http://fa-ir.facebook.com)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!

Lần sửa cuối bởi Akô Nô; 06-11-2009 lúc 07:38 PM
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến hoangtube cho bài viết này:
letanphuc (10-04-2012)
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 04:48 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters