Trở lại   Thư Quán Đo Đo > ĐỌC BÁO BUỔI SÁNG > RẤT NHIỀU ĐÓ ĐÓ

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 29-04-2012, 08:16 AM
Avatar của panda_kungfu
panda_kungfu panda_kungfu đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jan 2010
Bài gửi: 211
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 135 lần cho 61 bài viết
Mặc định "Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm" hay là vấn đề sáng tạo trong dịch thuật (nguyễn văn dân)

"Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm" hay là vấn đề sáng tạo trong dịch thuật

Những ngày qua, sự tranh luận sôi nổi về dịch thuật là một dấu hiệu đáng mừng, nó cho thấy xã hội rất quan tâm đến lĩnh vực này. Có những ý kiến chân thành xây dựng, và có những ý kiến chê bai, chỉ trích cực đoan. Nhưng nhìn chung điều này cho thấy Việt Nam đang hội nhập văn hoá sâu rộng với thế giới. Và nó cũng cho thấy lĩnh vực dịch thuật là một lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển văn học và xã hội. Tôi cho rằng dịch thuật là một lĩnh vực vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, nó cũng là một lĩnh vực vô cùng nhọc nhằn nhưng đem lại niềm vui sáng tạo. Trong một lĩnh vực như thế, bên cạnh những thành tựu to lớn, nó cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết mà chúng ta cần thẳng thắn rút kinh nghiệm để không ngừng hoàn thiện.

Tôi, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn VN, cũng đã nhiều lần được bạn bè yêu cầu phải phát biểu về những sai sót trong dịch thuật. Tôi nghĩ, chỉ ra sai sót là cần thiết, nhưng làm thế nào để khuyến khích được sự tham gia đông đảo của những người dịch mới là điều quan trọng, nhất là nhiều khi dịch thuật vẫn bị coi là một nghề ăn theo, rẻ mạt. Vì thế, khi chỉ ra những sai sót không nên chê bai, vùi dập. Có như thế chúng ta mới động viên được toàn xã hội tham gia, góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập để phát triển. Ở đây, tôi chỉ xin bàn đến những sai sót liên quan đến vấn đề sáng tạo trong dịch thuật.

Niềm vui sáng tạo chính là một trong những động lực khuyến khích sự tham gia của các nhà dịch thuật. Giá trị sáng tạo trong dịch thuật chính là cái làm cho nó trở thành một nghề cao quý không thua kém bất cứ một nghề sáng tạo nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu sự nghiệp cách mạng bằng con đường dịch thuật (“Hòn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”).Tuy nhiên, sáng tạo trong dịch thuật không giống với sáng tạo trong sáng tác văn học. Sáng tạo trong dịch thuật không có nghĩa là người dịch được quyền tạo ra một văn bản khác hẳn với văn bản gốc (hay như có người nói là sáng tạo trong dịch thuật là phải vượt lên trên bản gốc, phải hay hơn bản gốc), mà theo tôi, sáng tạo là người dịch phải lựa chọn được các từ ngữ và cách diễn đạt tương đương chính xác nhất trong vô số cách diễn đạt để chuyển tải trung thành nội dung và ý đồ nghệ thuật của bản gốc.

Vậy thế nào là chọn từ ngữ và cách diễn đạt tương đương? Đây chính là vấn đề liên quan đến câu văn “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores” trong bản dịch tiếng Việt Lolita của dịch giả cao niên Dương Tường đang được bàn luận mấy ngày qua. Nhiều người cho rằng dịch giả Dương Tường đã “dịch sát từng chữ” (tiếng Pháp: traduire mot à mot – nghĩa là “dịch máy móc”) nên đã biến một câu tiếng Anh thành một câu vô hồn trong tiếng Việt. Nhưng cũng có người biện hộ rằng trong tiếng Anh không thiếu những cách điễn đạt tương đương để chỉ nghĩa “trên văn bản giấy tờ”, nhưng tác giả Nabokov đã dùng cách diễn đạt “on dotted line”, như thế là Nabokov có chủ ý tu từ của mình, và dịch giả Dương Tường dịch như vậy cũng là để truyền đạt đúng ý đồ tu từ của Nabokov. Nhưng trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên Vietnamnet ngày 21-4-2012, dịch giả Dương Tường cho rằng ông đã dịch đúng cách diễn đạt thông thường trong tiếng Anh, và ông sẽ không sửa khi tái bản.

Song, vấn đề có phải là Nabokov đã chọn cụm từ “on dotted line” với ý đồ tu từ không? Hay chỉ đơn giản là ông sử dụng cách diễn đạt thông thường của người Anh? Và như thế thì ta phải dịch thế nào khi gặp một cách diễn đạt đã thông dụng đến mức trở thành một thành ngữ hay một biểu ngữ? Tôi đã nhiều lần phát biểu hơn mười năm nay rằng, theo đúng nguyên tắc diễn đạt tương đương giữa hai ngôn ngữ, người dịch phải lựa chọn cách diễn đạt tương đương trong ngôn ngữ đích (tức ngôn ngữ dịch) để chuyển tải cách diễn đạt trong ngôn ngữ nguồn (ngôn ngữ được dịch). Chỉ khi nào trong ngôn ngữ đích không có cách diễn đạt tương đương, thì người dịch mới phải mượn cách diễn đạt trong ngôn ngữ nguồn và có chú thích thêm cho người đọc hiểu.

Vậy cách diễn đạt tương đương là như thế nào? Diễn đạt tương đương là chuyển nghĩa từ cách nói của một ngôn ngữ này sang cách nói của một ngôn ngữ khác phù hợp với tư duy của dân tộc nói ngôn ngữ đó và với văn cảnh của từ ngữ. Nó hoàn toàn không phải là dịch máy móc từng chữ. Ví dụ trong tiếng Pháp và tiếng Anh, trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu, khi một diễn viên bước ra sân khấu để diễn vai, thì người ta gọi là “đi vào” (tiếng Pháp: “entrer”, tiếng Anh: “enter”), còn khi diễn viên đi vào hậu trường thì người ta gọi là “đi ra” (t. Pháp: “sortir”, t. Anh: “exit”). Thế nhưng hầu như những người dịch các tác phẩm kịch bản tiếng Pháp và Anh đều dịch, ví dụ, “Ông A vào” khi ông này bước ra sân khấu, và ngược lại khi ông ấy vào hậu trường thì lại dịch là “ra”. Đó chính là “dịch máy móc” chứ không phải “diễn đạt tương đương”. Trong khi đó kịch bản do các nhà văn Việt Nam sáng tác thì đều nói là “ra” khi diễn viên thủ vai nhân vật bước ra sân khấu. Như vậy ở đây, diễn đạt tương đương là phải dịch đúng như cách nói trong kịnh bản của người Việt Nam. Người Anh và người Pháp cũng nói “đi vào phố”, nhưng người Việt không bao giờ nói như vậy mà nói là “đi ra phố”. Trên một tấm biển báo giao thông, người Pháp ghi “đường duy nhất”, người Anh ghi “lưu thông một đường”, còn người Việt dứt khoát phải nói: “đường một chiều”, nếu dịch máy móc từng chữ là “đường duy nhất” thì không ai hiểu nổi. Đó chính là diễn đạt tương đương. Chỉ khi nào trong tiếng Việt không có cách diễn đạt tương đương thì chúng ta mới phải mượn. Đó là trường hợp của câu thơ Xuân Diệu: “Hơn một loài hoa đã rụng cành”, hay trường hợp của biểu ngữ “trên/hơn cả tuyệt vời”...

Kể cả các quy tắc ngôn ngữ cũng phải áp dụng tương đương khi dịch. Quy tắc tiếng Pháp quy định tên các tổ chức hay tên các tác phẩm chỉ viết hoa chữ đầu, còn quy tắc tiếng Anh quy định trong các trường hợp như vậy phải viết hoa tất cả các chữ, trừ giới từ, liên từ và quán từ. Còn tiếng Việt trước đây cũng quy định chỉ viết hoa chữ đầu (nay thì người ta dùng tùm lum). Quy tắc tiếng Pháp quy định mở đầu một đoạn đối thoại thì mở ngoặc kép, mở đầu từng câu đối thoại trong đoạn thoại đó thì xuống dòng gạch đầu dòng, còn kết thúc đoạn đối thoại thì đóng ngoặc kép. Trong khi đó tiếng Anh quy định tất cả những lời đối thoại thì từng lời phải để trong ngoặc kép, kể cả những lời ở giữa dòng hay những lời xuống dòng. Còn tiếng Việt quy định ghi từng lời đối thoại thì xuống dòng gạch đầu dòng. Như vậy, về nguyên tắc, khi dịch các tác phẩm của Pháp và của Anh thì ta phải thống nhất diễn đạt lại theo quy tắc ngữ pháp tiếng Việt. Người Pháp và người Anh họ cũng làm như thế đối với các cuốn sách dịch từ tiếng nước ngoài khác họ. Nhưng rất tiếc là do tình trạng dịch máy móc từng chữ và diễn đạt máy móc từng quy tắc, cho nên hiện nay trong sách xuất bản ở Việt Nam đang tồn tại ít nhất ba quy tắc ngữ pháp: quy tắc tiếng Việt, quy tắc tiếng Pháp và quy tắc tiếng Anh. Ai sáng tác bằng tiếng Việt thì ghi lời thoại theo quy tắc tiếng Việt, ai dịch sách tiếng Pháp thì ghi lời thoại như của Pháp, ai dịch sách tiếng Anh thì ghi lời thoại hoàn toàn trong ngoặc kép. Người ta biện luận rằng nguyên bản thế nào thì cứ dịch như thế! Ngay cả biểu ngữ “mot à mot” của tiếng Pháp cũng bị dịch máy móc thành “dịch sát từng chữ”, mà đúng ra phải dịch là “dịch máy móc từng chữ”. Bởi lẽ “dịch sát từng chữ” thì có gì là sai? Sai ở chỗ là “dịch máy móc” mà không dịch nghĩa tổng thể của cả cụm từ. Điều này cho thấy căn bệnh dịch máy móc là căn bệnh nặng nhất ở Việt Nam. Mà căn nguyên sâu xa của căn bệnh dịch máy móc lại nằm ở sự yếu kém trong tư duy lôgic. Ví dụ điển hình nhất cho sự yếu kém tư duy lôgic là rất ít ai thấy chối tai khi nghe câu thông báo của ngân hàng: “Tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng và đôla Mỹ...”. Tại sao nói “Việt Nam đồng” mà lại không nói “Mỹ đôla”? Ở Việt Nam hiện nay, tất cả các đồng tiền nước ngoài đều được đọc theo quy tắc tiếng Việt, còn riêng đồng tiền Việt Nam thì được đọc theo quy tắc tiếng Anh! Lôgic ở đâu?

Trở lại với cụm từ “on dotted line”, ta thấy rằng đây là một biểu ngữ thông dụng của riêng tiếng Anh và đã được ghi rõ trong từ điển. Trong tiếng Pháp và trong một số tiếng châu Âu khác như tiếng Rumani mà tôi biết thì người ta không dùng biểu ngữ này. Biểu ngữ này có hai nghĩa: 1. Dòng để trống để điền thêm thông tin trong một biểu mẫu; 2. Chỗ để ký tên trong văn bản giấy tờ. Nghĩa thứ hai này còn làm phát sinh thêm một biểu ngữ nữa: “to sign on dotted line”, nghĩa là “chính thức chấp thuận” (bằng cách ký vào giấy tờ). Trong trường hợp thứ hai đó, nếu trong tiếng Anh có một câu nói rằng cô A đã ký tên “on dotted line” của tờ giấy kết hôn thì ta không thể dịch là cô A đã “ký vào dòng kẻ bằng những dấu chấm”, mà phải dịch là cô A đã “ký tên đồng ý chính thức”. Như thế mới là diễn đạt tương đương và đồng thời mới là dịch chính xác. Dịch giả Dương Tường cũng nói “on dotted line” là cách nói thông thường trong tiếng Anh, nhưng tôi ngờ rằng ông đang biện bạch khi gặp nhiều ý kiến phản ứng lại câu dịch của ông. Nếu ông biết đó là cách nói thông thường thì ông không thể không biết cái nghĩa thứ hai kia của nó? Ông lại còn nói đến nghĩa ẩn dụ của cụm từ này. Nhưng việc ông dịch máy móc từng chữ thì không phải là ông dịch nghĩa ẩn dụ. Nghĩa ẩn dụ phải là nghĩa thứ hai. Tiếc thay đó lại là nghĩa ông bỏ sót.

Như vậy, Nabokov đã sử dụng biểu ngữ “on dotted line” như là một cách diễn đạt thông thường của người Anh, chứ ông không hề tự tạo ra cách diễn đạt đó với ý đồ tu từ của riêng mình. Vấn đề là khi gặp một cách diễn đạt thông thường như thế, người dịch phải tìm được cách diễn đạt tương đương trong ngôn ngữ đích để dịch. Và như thế, cái câu trong Lolita được nói đến ở đầu bài phải được dịch là “Trên văn bản giấy tờ em ký tên là Dolores”. Đó mới là cách diễn đạt tương đương. Còn dịch như dịch giả Dương Tường thì người Việt không thể hiểu nổi; dịch như thế coi như chưa dịch. Chẳng khác gì ta cũng sẽ không hiểu nổi khi nghe một người nước ngoài lái xe trên đường phố Hà Nội than phiền bằng thứ tiếng Việt chưa sõi rằng: “Tôi bị phạt vì đi vào đường duy nhất”!

Là một công việc nhọc nhằn, dịch thuật không thể tránh khỏi những sai sót. Tôi chỉ mong các dịch giả hãy tuân thủ một nguyên tắc nữa mà tôi đã đề xuất từ lâu: phải kiên trì trong lao động dịch thuật. Giá trị kinh tế của sự kiên trì có thể là rất nhỏ, nhưng cái giá về tri thức lại vô cùng lớn. Đó chính là điều đem lại niềm vui sáng tạo cho người dịch. Bài viết này chỉ nhắc lại những câu chuyện có thật trong dịch thuật. Nhưng thiết nghĩ, những câu chuyện dịch thuật tưởng chừng đơn giản đó lại chính là sự sáng tạo nghệ thuật.


PGS.TS. NGUYỄN VĂN DÂN, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam

(Báo Nhân dân 27-4-2012)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên panda_kungfu, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến panda_kungfu cho bài viết này:
  #2  
Cũ 29-04-2012, 11:47 PM
Avatar của Nguyễn Nhật Nguyên Anh
Nguyễn Nhật Nguyên Anh Nguyễn Nhật Nguyên Anh đang ẩn
Senior Member
 
Tham gia ngày: Nov 2011
Bài gửi: 368
Cảm ơn: 303
Được cảm ơn 159 lần cho 55 bài viết
Mặc định

Bài viết hay, nhưng thực ra mình cũng thông cảm nhiều phần cho dịch giả Dương Tường. Cuốn này Nhã Nam có kế hoạch xuất bản từ năm 2007, 2008 mà cho đến tận 4,5 năm sau cuốn sách mới được ra mắt bạn đọc. Khâu tìm dịch giả quá khó khăn khi hiếm người có đủ bản lĩnh, sự am hiểu,...nhận dịch tác phẩm này.
__________________
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:30 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters