Trở lại   Thư Quán Đo Đo > PHIẾM ĐÀM > BOLERO

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 19-06-2010, 11:36 AM
Avatar của Kwan
Kwan Kwan đang ẩn
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jul 2009
Bài gửi: 258
Cảm ơn: 0
Được cảm ơn 220 lần cho 106 bài viết
Mặc định Đêm khuya ngõ sâu không màu (đỗ trung quân)

Đêm khuya ngõ sâu không màu

Điệu boléro bình dân lại bập bùng trong trí nhớ, Sài Gòn thiếu vắng cái giai điệu “mari sến” ấy khó đủ cho một chân dung, một góc đời sống phố thị mà thành phần bình dân chiếm số nhiều hơn cả.

Những ngõ ngách đan cài vào nhau với gác nhỏ đìu hiu, ô cửa sổ đêm mưa hắt bóng một dáng người trên vách gỗ, đấy là một người trọ học, một ông giáo nghèo, một thầy ký lục sự, một bác thợ xếp chữ nhà in, một nhà văn chưa thành danh hay một cô vũ nữ trở về khi rời xa ánh đèn phòng trà hoa lệ. Những khu xóm kiểu Bàn Cờ ngõ hẹp lầy lội vàng úa ngọn đèn đường. Không gian hiu quạnh với tiếng rao mơ hồ “lục tào xá, chí mà phủ…” của một ông Tàu già, áo xẩu bạc màu, nón rộng nhẫn nại, len lỏi trong những ngõ hẻm vắng tênh của xóm bình dân. Những nơi ấy không có nhạc twist, nhạc jazz của hộp đêm, hầm rượu. Xóm vắng đìu hiu ấy chỉ giữa khuya dặt dìu tiếng đàn ghi ta gỗ những giai điệu boléro và tiếng hát cô đơn của ai đó mang đầy nỗi niềm giữa phố thị phù hoa mà riêng mình vẫn trôi nổi phận người hay một tình yêu không thể bày tỏ, chưa dám nói. “Đường về canh thâu, đêm khuya ngõ sâu như không màu… qua phên vênh có bao mái đầu… hắt hiu vàng ánh điện câu… Đường dài không bóng… xa nghe tiếng ai ru mơ màng… mưa rơi rơi xóa lối đi mòn… hứa cho đời thôi đìu hiu…”. Vẽ lại một góc của chân dung đô thị Sài Gòn hoa lệ vài chục năm trước, một đạo diễn đã dựng lại cả một xóm nhỏ Bàn Cờ với đầy đủ hình ảnh vừa mô tả và không thể thiếu tiếng ghi ta dìu dặt, bập bùng trên một căn gác trọ nghèo nàn.

Tôi nhớ cái gác gỗ của Nam, căn gác trọ học của tôi một thời lang bạt. Nam hơn tôi 7 tuổi, học giỏi, nghệ sĩ. Còn sinh viên anh đã viết nhạc, viết nhiều có đến vài trăm bài, hầu hết là những tình khúc mang đậm dấu ấn của Lê Uyên Phương, Trinh Công Sơn. Thứ âm nhạc của một giai đoạn phố thị vừa lãng mạn, vừa ì ầm tiếng đại bác ru đêm. Nam dạy tôi chơi ghi ta trên căn gác gỗ ấy, ngược lại tôi… vẽ cho Nam những bìa nhạc của anh. Những mẫu bìa nhái theo Nguyễn Quỳnh, Duy Thanh một cách vụng về. Nhưng là trí thức trẻ, đọc triết, không bao giờ Nam dạy tôi chơi thứ giai điệu boléro xa lạ với khuynh hướng âm nhạc giảng đường của anh. Chỗ trọ không lâu, tôi chia tay gác nhỏ của Nam tìm nơi khác. Một xóm trên kênh Nhiêu Lộc.

Ở đây, tôi gặp Phúc, chàng nhạc sĩ sinh ra ở Nam Vang, học trường Tây chơi nhạc ở các phòng trà Phnôm Pênh cho đến ngày Lonnol thảm sát người Việt thả trôi theo sông Mêkông. Cái thời “cáp duồn” ghê rợn, anh theo dòng người tị nạn trở về với bàn tay trắng, gia tài mang theo vỏn vẹn một vợ, hai con và cây đàn ghi ta cũ. Hai phòng trọ sát vách chung đụng với đủ thứ thành phần lao động, vũ nữ, buôn bán nhỏ, một phông ten nước, một lối đi nhỏ vừa đủ dựng xe đạp, những căn phòng vách gỗ xiêu vẹo. Anh là người dạy tôi chơi những điệu boléro bình dân đầu tiên từ những đêm thức muộn, thất nghiệp chưa tìm được chỗ dạy đàn hay chơi nhạc kiếm sống. Một chàng trẻ tuổi lãng mạn, một nhạc sĩ lỡ thời… Tâm trạng của Phúc không còn là những ca khúc tiếng Pháp đang ăn khách mọi nơi của Sài Gòn, giờ đây nó là “nỗi buồn gác trọ” cái “gác lạnh về khuya cơn gió lùa… trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa… nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt… nỗi niềm đầy lại vơi… phố nhỏ vắng thêm một người”, cái tâm trạng cô đơn, buồn bã trong tiếng ghi ta dìu dặt như thở than… “nửa đêm lạnh qua tim… giữa đường phố hoa đèn… có người mãi đi tìm… một người không hẹn đến… mà tiếng bước buồn thêm…”. Không gian sống chật hẹp, những con người vất vả đủ mọi thứ nghề nghiệp tạm bợ… Dường như chỉ có cái thứ âm nhạc bị gọi ủy mị kia, cái giai điệu sến, “mari phông ten” kia mới chuyên chở được tâm trạng con người đang sống ở đấy, não nề? Tôi nhớ Điệp, cô vũ nữ về chiều có gương mặt phấn son mệt mỏi, có giọng hát khàn đục vì khói thuốc, những tối không đi làm sà vào chỗ tôi và Phúc “cho em hát với…”. Đôi mắt quầng đen, đôi môi nhợt nhạt, cô dựa lưng vào tường… “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…”. Đèn khuya, nhạc sến. Có sao? Đang có ba con người mỗi người một thân phận, kẻ xa nhà trọ học, người tương lai nghề nghiệp bất ổn, kẻ yêu đủ thứ người nhưng khi quay về chẳng có đến một người an ủi, sẻ chia đang ngồi rất gần chia nhau chút cảnh đời gian nan. Giai điệu, thứ âm nhạc ướt át thật, yếu đuối thật nhưng cũng đúng thật những tâm trạng hoang mang ấy. Đôi khi, tôi cũng trở lại cái thời nhạc giảng đường với Nam, cầm đàn mà lang thang… “Ta thấy em trong tiền kiếp… Với cọng buồn cỏ khô… Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa…”. Điệp mở mắt, giọng nửa thật nửa chế giễu “Anh hát gì dzậy? Không hiểu!”. Lạc điệu rồi, tôi vội vã trở lại thứ âm nhạc Điệp đang cần… “Tàu cũ năm xưa mang người tình tôi đi về chưa, gió khuya ôi lạnh sao… ướt nhẹ đôi tà áo…”. Sến đấy, thở than đấy, sướt mướt đấy… nhưng quanh tôi là những phận người phiêu bạt chốn thị thành, vừa lộng lẫy phấn son lúc nãy, ban chiều. Nửa khuya trở về trút bỏ tất cả, nguyên hình những nỗi niềm hoang mang thấp kém. Ai nỡ trách móc những con người đang cố tìm chỗ hòa nhập vào cuộc sống thị dân mà trước mặt gian nan, âu lo còn nhiều quá. Sài Gòn có lúc buồn ơi!

Bây giờ, cảnh đời phiêu dạt đã qua lâu lắm, bây giờ, tôi kẻ thư sinh áo vải ngày nào đã quen với ánh đèn đêm đô thị, những bar, pub sang trọng, những nhà hàng tình nhân réo rắt tiếng vĩ cầm trong ánh nến vẫn đôi khi khuya khoắt đường về, man mác hơi rượu buồn bã, đơn độc phóng xe luồn lách vào những hẻm ngõ đâu đó trong thành phố hoa lệ còn nguyên những gác nhỏ, đèn vàng, một ngôi nhà xanh khép cửa, rèm buông im vắng đèn đường… Điệu boléro bình dân lại bập bùng trong trí nhớ. Sài Gòn thiếu vắng cái giai điệu “mari sến” ấy khó đủ cho một chân dung, một góc đời sống phố thị mà thành phần bình dân chiếm số nhiều hơn cả.

Như đôi mắt của Điệp, những nhịp vỗ đàn dặt dìu của Phúc. Người cũ không gặp lại – Sài Gòn đã khác xưa mà dường như đôi chỗ vẫn chẳng khác xưa…

Tháng 12.2000


ĐỖ TRUNG QUÂN
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Kwan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến Kwan cho bài viết này:
gio4phuong (19-06-2010)
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 01:33 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters