Trở lại   Thư Quán Đo Đo > ĐO ĐO, CHUYÊN MỤC > ĐO ĐO QUA BÁO CHÍ

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 07-06-2009, 08:05 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Ăn trưa với doanh nhân Sài Gòn

ĂN TRƯA VỚI DOANH NHÂN SÀI GÒN
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Nhà văn là nhà giáo dục bẩm sinh

Nguyễn Nhật Ánh là một trong không nhiều nhà văn Việt Nam miệt mài theo đuổi mảng sách văn học thiếu nhi. Sau 25 cầm bút chuyên nghiệp, anh đã xuất bản gần 100 đầu sách, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần. Một bút lực đáng nể. Năm 1995, anh được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ tổ chức. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra tại Quán chợ Đo Đo 2 - quán ăn do vợ anh quản lý - mới khai trương ít lâu tại địa chỉ số 22 đường Ấp Bắc, Quận Tân Bình.




Nghe nói anh từng đi thanh niên xung phong?

- Do ba tôi từng làm việc trong chế độ Sài Gòn cũ nên sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 1976, tôi không được bố trí công việc. May mắn là tôi quen ông chủ tịch phường sở tại - nguyên là một bác phó mộc. Thời sinh viên, tôi trọ học sát vách nhà ông ấy, thường sang dạy kèm cho các con của ông. Nhờ mối quan hệ này nên ông ấy kêu tôi làm một số công việc lặt vặt ở phường như kẻ khẩu hiệu, làm băng rôn, mỗi tháng được phát cho vài ký gạo. Thực tế là kể từ khi ba tôi đi học tập cải tạo, gia đình tôi gặp khá nhiều khó khăn. Từ năm thứ ba đại học, gia đình tôi không còn khả năng chu cấp tài chính cho tôi, tôi phải đi đạp xích lô để kiếm tiền ăn học. Đến khi ông Võ Văn Kiệt - lúc đó là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khởi xướng phong trào thanh niên xung phong - tôi cũng vác loa đi tuyên truyền, vận động thanh niên địa phương. Khi mọi người đã đăng ký đi hết, tôi nghĩ tại sao mình không đi? Thêm nữa, lúc đó tôi cũng đang bí, chạy loong toong mãi cũng chán, đi dạy thì không được, vậy là tôi đăng ký đi thanh niên xung phong, đến năm 1982 thì về công tác ở Nhà thiếu nhi Quận 6. Sau hai năm làm việc ở đó, tôi được nhận về làm giáo viên ở một trường cấp 2 trong quận. Đứng lớp được hai năm, tôi xin về làm báo cho đến bây giờ. Sau này, tôi viết cuốn Bàn có năm chỗ ngồi, dựa hoàn toàn vào thực tế dạy học của tôi trong thời gian này.

Trong các tác phẩm của anh, hầu như không thấy sự xuất hiện của cái ác?

- Về chủ quan, tạng tôi không hợp với những gì bạo liệt. Phim kinh dị hay phim bạo lực máu me tôi coi không được. Hồi mới có đầu video, một người em của tôi kiếm được cuốn phim có nhiều cảnh bạo lực, coi xong, tôi bị ám ảnh, thức sáng đêm. Về khách quan, thanh thiếu niên là đối tượng độc giả tôi hướng tới. Trong thế giới của tuổi hoa niên, tôi nghĩ không có cái ác được đẩy đến tận cùng như trong thế giới người lớn, nếu có cũng chỉ là trường hợp cá biệt, còn hầu hết chỉ là những trò quậy phá theo kiểu học trò. Tôi cũng không chủ trương nhấn mạnh đến cái ác trong các tác phẩm của mình. Chuyện đó đã có các nhà văn khác. Khi lớn lên, trưởng thành về nhận thức, tinh thần cứng cáp, đủ sức đề kháng với sự đa diện của cuộc đời thì các em sẽ tự tìm đọc những tác phẩm mô tả mặt tối của xã hội. Hướng thiện là nguyên tắc căn bản của các nhà văn viết cho các em. Nói cách khác, nhà văn viết cho trẻ em đồng thời cũng là nhà giáo dục, thậm chí là nhà giáo dục bẩm sinh.

Nhưng trong thực tế, đã nhiều lần báo chí lên tiếng báo động về tội phạm tuổi vị thành niên.

- Như tôi đã nói ở trên, những trường hợp đó là cá biệt. Đưa cái cá biệt vào tác phẩm văn học, nâng lên thành điển hình, nếu nhà văn không làm chủ được ngòi bút của mình, không xác định chủ đề rõ ràng và thủ pháp nghệ thuật không nhuần nhuyễn thì rất dễ tạo ra sự ngộ nhận hoặc cách nhìn méo mó. Nhưng thôi, nếu quay trở về tính cá biệt và tính điển hình trong văn học, e rằng chúng ta không đủ thời gian để bàn sâu.

Có một thực tế là số lượng nhà văn viết cho thiếu nhi không nhiều. Thế hệ trước anh có Tô Hoài, Võ Quảng…, thế hệ anh ít hơn, còn đến thế hệ sau anh hình như không còn ai mặn mà với độc giả tuổi hoa niên. Theo đà này thì mấy chục năm nữa, khi tre đã già, măng vẫn chưa kịp mọc.

- Chuyện văn chương trước tiên phải là sở thích cá nhân. Đặt vấn đề tập hợp đội ngũ hay kêu gọi sáng tác cho thiếu nhi là một ý định cao đẹp như tôi nghĩ tính khả thi không cao. Không thể gầy dựng lực lượng viết văn theo kiểu cổ xúy phong trào nuôi gà hay trồng cà phê. Nhà văn ngồi vào bàn cặm cụi sáng tác đơn giản là vì họ thích. Ngược lại, không thích thì họ không viết, họ đi chơi, đi kiếm tiền hoặc đi làm những chuyện khác. Sáng tác cho thiếu nhi cũng vậy. Nhà văn trước hết là viết cho chính bản thân họ, nó phải là công việc yêu thích, tự nguyện và hứng thú, không nghĩ gì đến thành – bại, được – mất. Tác động và điều kiện khách quan là yếu tố phụ trợ, là cái đến sau, cái thêm vào chứ không phải là cái quyết định. Ngày bé, say sưa đọc sách Tô Hoài, Khái Hưng, Lê Văn Trương, Thế Lữ, Hồ Biểu Chánh, Lê Tất Điều, Nhật Tiến… tôi thích mê và tự hỏi tại sao con người ta có thể viết ra được những cuốn sách mê ly đến như vậy. Lúc đó tôi nghĩ nhà văn chắc là thần thánh. Cũng vì yêu sách mà tôi mơ ước sau này trở thành nhà văn. Một nhà toán học từng nói rằng muốn học toán giỏi thì phải mê toán, phải mê một cách vô điều kiện thế giới kỳ diệu của những con số. Chứ còn học toán vì bất kỳ lý do gì, dù là lý do tốt đẹp nhất, cũng không thể nào đạt đến cái tận cùng. Văn chương cũng vậy thôi, phải yêu nó bằng một mối đam mê mãnh liệt mới theo đuổi đến cùng được. Văn học cho thiếu nhi ngày càng vắng bóng các nhà văn trẻ, có khi vì tình yêu dành cho nó đã phai nhạt rồi chăng?

"Thâm canh” mảng đề tài thiếu nhi, anh có nghĩ rằng đến một lúc nào đó đất sẽ bạc màu?

- Viết cho thiếu nhi có cả trăm cách khác nhau. Tôi chỉ mới mày mò được hai, ba cách. Thêm nữa, đời người hữu hạn nhưng thế giới sáng tạo là vô hạn. Làm sao cái hữu hạn có thể lấp đầy được cái vô hạn. Tôi có sống thêm một cuộc đời nữa cũng không thể khám phá hết thế giới trong trẻo và hồn nhiên đó. Nếu ví văn chương là khu vườn thì khu vườn đó có vô vàn loài hoa. Tùy theo sở trường mà mỗi người chỉ chuyên trồng một loài hoa. Cũng có những người không trồng hoa, chỉ chuyên bắt sâu, nhổ cỏ dại… nhưng mục đích cuối cùng là làm cho khu vườn ngày càng đẹp đẽ. Với các nhà văn, điều quan trọng là mỗi người phải tin tưởng vào công việc mà mình đang làm.

Hai mươi lăm năm cầm bút chuyên nghiệp, anh đã xuất bản hơn 100 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Hẳn anh rất chịu khó “cày”?

- Tôi chỉ làm việc vào buổi sáng, khi đầu óc minh mẫn nhất. Thường thì tôi bắt đầu ngồi vào bàn từ 9 giờ, viết một mạch đến 2 giờ chiều, rồi nghỉ ngơi. Tôi duy trì khá nghiêm túc thời gian biểu này. Những dịp Lễ, Tết, nếu không đi đâu, là tôi ngồi vào bàn viết. Không phải mình ham hố gì nhưng viết văn với tôi đã trở thành thói quen không thể thiếu. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng là “mót viết”, giống như trẻ em “mót tiểu””vậy. Ngày nào không viết tôi cảm thấy bứt rứt. Viết văn là sáng tạo, mang lại sự hứng thú về tinh thần, nên tôi không cảm thấy mệt mỏi. Cũng như nhiều ngành nghề khác, tôi nghĩ lòng yêu nghề là phẩm chất quan trọng nhất của nhà văn. Không yêu nghề thì khó mà vượt qua được những khó khăn trong công việc.

Vậy còn năng khiếu thì sao, thưa anh?

- Yếu tố này đương nhiên là phải có. Có năng khiếu, mới có yêu thích và say mê. Nếu không tôi đã không dấn thân vào văn chương. Nhân loại có những trường đào tạo ra bác sĩ, kỹ sư… nhưng không có trường nào đào tạo nhà văn. Có lẽ vì nhận thức được điều đó nên Trường Viết văn Nguyễn Du đã được đổi tên thành Trường Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du. Nhiệm vụ của cơ sở này là trang bị cho các học viên những kiến thức bổ trợ cho sáng tác một cách hệ thống như triết học, lý luận phê bình, xu hướng văn chương thế giới chứ không phải dạy cách viết văn. Cho nên năng khiếu là yếu tố quan trọng, vì năng khiếu là cái không dạy dỗ hay truyền đạt được.

Ngoài văn xuôi, anh còn làm thơ. Tác phẩm đầu tiên in thành sách của anh là tập thơThành phố Tháng Tư, in chung với nhà thơ Lê Thị Kim năm 1984 nhưng có vẻ như Nguyễn Nhật Ánh nổi tiếng về văn xuôi hơn là thơ?

- Tôi viết văn xuôi nhiều hơn làm thơ, xuất bản nhiều hơn và có nhiều bạn đọc hơn. Nên người ta biết đến tôi là nhà văn hơn là nhà thơ cũng là điều tự nhiên.

Bây giờ anh còn làm thơ?

- Đã khá lâu rồi tôi không còn thì giờ dành cho thơ. Nhưng chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ quay lại.

Người ta bảo làm thơ là cho mình...

- Đó là một cách nói. Viết văn cũng là cho mình, thỏa mãn khao khát sáng tạo của mình. Tất nhiên, thơ là phương tiện bày tỏ trực tiếp nhất, cô đúc nhất tình cảm của mình.

Xét về hiệu quả kinh tế thì thơ không bằng văn xuôi?

- Có một câu nói thế này: danh và lợi đi trước sáng tác là một tai họa, đi song hành với sáng tác là một cản trở, đến sau sáng tác mới là hợp quy luật. Nếu tính đến hiệu quả kinh tế thì tôi sẽ không tạm ngưng bộ Kính vạn hoa ở tập 45 trong khi các độc giả trẻ vẫn còn háo hức muốn đọc tiếp để chuyển sang viết Tôi là Bêtô. Cuốn này không có cốt truyện, không kịch tính hấp dẫn, nội dung chỉ gồm những mẩu chuyện nho nhỏ, lan man. Thế nhưng khi viết thì tôi rất khoái, cứ nhẩn nha, mỗi ngày gõ vài đoạn, cả thảy là 102 đoạn. Khi Nhà xuất bản Trẻ hỏi tôi ông có cuốn sách nào in ra bán chạy không, tôi đưa cuốn Tôi là Bêtô, trong bụng thầm lo khi in ra sách bán không chạy chắc Nhà xuất bản cự nự chết, không ngờ cuốn này lại được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng vậy, tôi viết vì thấy thích thôi chứ chẳng nghĩ đến bán chác hay hiệu quả kinh tế gì hết, nhưngđến thời điểm này số lượng phát hành của nó đã lên đến 50 ngàn bản.

Thế thì Nguyễn Nhật Ánh phải giàu lắm?

- So với mười, mười lăm năm trước, cuộc sống của tôi bây giờ khỏe hơn nhiều. Nhưng so với thu nhập của các ngành nghề khác trong xã hội, thu nhập của nhà văn có cao cách mấy cũng chẳng thấm tháp gì. Tuy nhiên, sống được bằng cái nghề mà mình yêu thích từ thuở bé một cách lương thiện, với tôi là một hạnh phúc lớn, lớn lắm. Nếu anh có thu nhập cao chót vót mà không phải bằng cái nghề anh yêu thích thì niềm vui của anh không thể trọn vẹn được.

Ngoài văn chương, anh còn là một nhà báo với các bút danh Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông… và nhất là Chu Đình Ngạn, “đứng” mục Văn hóa - Thể thao trên báo Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật. Còn trên tờ
Thanh Niên chủ nhật, Nguyễn Nhật Ánh “vào vai” Anh Bồ Câu - chủ Vườn Hồng - chuyên gia gỡ rối tơ lòng. Có khi nào những khúc mắc trong chuyện tình cảm của độc giả trở thành chất liệu cho những sáng tác của anh?


- Không. Người đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam lập ra mục gỡ rối tơ lòng là nhà văn Bà Tùng Long. Cách trả lời của Bà Tùng Long rất tỉ mỉ, chi tiết, có đầu có đuôi, nên độc giả cũng tâm sự với bà rất cụ thể, chi tiết, có khi dài vài ba trang giấy. Theo lời Bà Tùng Long thuật lại thì có những trường hợp trở thành chất liệu hoặc gợi ý cho một số tác phẩm văn học của bà. Còn câu hỏi gửi đến Anh Bồ Câu thì thường chỉ có một vài dòng, vì Anh Bồ Câu thường cũng trả lời… có vài dòng thôi. Ví dụ như “Em trót yêu một anh chàng đã có vợ, bây giờ em phải làm sao?”. Đại khái vậy. Thực ra người hỏi cũng biết là phải “làm sao” rồi, điều họ cần ở Anh Bồ Câu không phải là những giải pháp kỹ thuật, mà là một tiếng nói đồng tình, một chỗ dựa tinh thần để họ mạnh dạn hơn trong quyết định của mình. Thế nên cách trả lời của Anh Bồ Câu chỉ là bày tỏ thái độ thôi, hơi nghịch ngợm khôi hài một chút… để người hỏi cảm thấy bớt nặng nề. Cũng may là khách hàng của Vườn Hồng đa phần ở tuổi mới lớn, chỉ hỏi quanh quẩn mấy chuyện “mưa nắng” tôi đã có kinh nghiệm, chứ nếu hỏi những chuyện tình tay ba tay tư của tuổi… quá lớn, chắc tôi phải nhờ đến Anh “Diều Hâu”.

Trường hợp những độc giả nữ vì mê những câu trả lời dí dỏm của Anh Bồ Câu mà tỏ tình với anh thì anh sẽ nói…

- Đã có những trường hợp như vậy và tôi cũng đã trả lời rồi: Nếu ai vì khoái ăn táo mà muốn « xực » luôn cả cây táo thì đó chắc chắn không phải là ý tưởng hay vì khả năng đi bệnh viện cấp cứu là rất cao!

Từ ngày làm chủ Vườn Hồng, câu hỏi nào khiến anh ấn tượng nhất?

- “Sao giờ này mà ông chưa mail bài vô tòa soạn?” - câu hỏi của Ban biên tập báo Thanh Niên. Có lẽ vì vậy mà từ năm 1990, khi bắt đầu mở mục này, tôi chưa vắng mặt một tuần nào. Những khi bệnh, mồ hôi vã ra đầm đìa cũng phải bò ra giường viết lấy viết để.

Vậy thì với anh, văn và báo, đâu là nghề tay trái?

- Với tôi, viết bất cứ thể loại nào, lãnh vực nào, dù là một bài báo ngắn, tôi luôn viết bằng tay phải. Đã đụng đến chữ nghĩa là phải trân trọng, kỹ lưỡng, ráng hết sức mình. Chất lượng cuối cùng thế nào là chuyện khác. Chứ « viết bằng tay trái », tôi nghĩ đó là quan niệm tự hạ thấp mình.

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà tâm lý rồi nhà hàng. Có vẻ như kinh doanh nhà hàng là mốt thời thượng của « những người của công chúng»?

- Ngay từ ban đầu tôi đã không muốn gắn cái tên Quán chợ Đo Đo với cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Tôi thấy kỳ kỳ thế nào. Nhưng mấy anh em phóng viên mảng văn hóa văn nghệ vẫn cứ đưa tin. Anh em nói quán của vợ tôi cũng là của tôi. Vả lại, gán cái tên tôi vô thì cái tin mới ra chất văn hóa - văn nghệ. Quán chợ Đo Đo là việc của bà xã tôi. Sau khi nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, vợ tôi thất nghiệp. Biết cô ấy không quen ngồi không, nấu ăn cũng được nên tôi đề nghị mở quán ăn. Vợ tôi băn khoăn chưa biết nấu món gì vì Sài Gòn quá nhiều quán ăn, tôi nói hàng ngày nấu cho tôi ăn như thế nào thì cứ nấu y như vậy, tức là khẩu vị Quảng Nam. Hồi đó Sài Gòn cũng chưa có nhiều quán ăn Quảng Nam, hình như chỉ có ở khu vực Bảy Hiền.

Cơ sở 1 của Quán chợ Đo Đo ở đường Lương Hữu Khánh, Quận 1 bé xíu xiu, chừng mười lăm khách ngồi là kín chỗ. Mặt bằng khiêm tốn như vậy liệu thu có đủ bù chi?

- Thực ra cơ sở đầu tiên là ở đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định. Sau đó dời qua đường Thạch Thị Thanh. Được một thời gian thì dời tiếp qua đường Phan Châu Trinh, gần chợ Bến Thành. Lúc đó cơ quan cấp phép kinh doanh của quận không đồng ý cho lấy tên Quán chợ Đo Đo. Họ bảo ở đó có cái chợ Bến Thành to đùng rồi, còn mở chợ chi nữa.. Họ yêu cầu phải bỏ chữ « chợ » , không nghĩ đó là cái tên để kỷ niệm cái « chợ Đo Đo » có thật ở quê tôi. Tiền thuê nhà ở khu vực này khá cao, lời lãi chẳng bao nhiêu, có tháng còn bị âm vào vốn, nên ngay khi mua được căn nhà nhỏ xíu ở con hẻm đường Lương Hữu Khánh, bà xã tôi dời quán về đó luôn. Lúc đó mới lấy lại được chữ « chợ ». Tôi không có rành chuyện kinh doanh. Tôi chỉ nhớ được những chuyện vui vui như vậy thôi.

So với cơ sở 1, Quán chợ Đo Đo 2 bề thế hơn. Đang thời kỳ lạm phát, nhiều nhà hàng ế ẩm, nhưng việc buôn bán của Đo Đo dường như vẫn khá thuận lợi?

- Việc mở cái quán này cũng là do cơ duyên đưa đẩy. Thực khách ở khu vực Tân Bình nói Đo Đo 1 xa quá, sao không mở thêm cái nữa ở khu vực Bảy Hiền. Bà xã tôi và một cô bạn thân hùn nhau mỗi người một nửa tiền, mua được nửa cái quán này, hàng tháng vẫn phải trả lãi cho phần nợ còn lại. Nếu thực sự có ý định phát triển kinh doanh thì chúng tôi đã làm từ lâu rồi. Thực tế đã có nhiều người đến đặt vấn đề hợp tác mở Đo Đo 2, 3, 4... Mặt bằng người ta có sẵn, người ta chỉ cần cái thương hiệu Đo Đo thôi. Làm như vậy khỏe hơn nhiều việc mở cái quán này. Nhưng bà xã tôi e ngại không kiểm soát được chất lượng và vệ sinh thực phẩm, vốn là nguyên tắc cực kỳ nghiêm ngặt của Quán chợ Đo Đo.
Mà thôi, chuyện này nên hỏi vợ tôi. Những gì tôi vừa nói về Đo Đo chẳng qua là tôi nghe lõm bõm từ bà xã tôi. Hỏi tiếp nữa thì tôi… bí. Thực sự buôn bán là chuyện tôi ít quan tâm, vì đầu óc tôi suốt ngày loay hoay với chữ nghĩa. Thậm chí có thời gian, tôi rất ngại chuyện kinh doanh. Hồi cuối thập niên 1980, bà xã tôi mới nghỉ việc nhà nước, nghe lời một người em đang lao động ở Liên Xô, mở xưởng may áo gió ở nhà rồi đóng hàng chuyển qua Liên Xô. Máy may chạy rào rào, ồn quá tôi viết không được, liền treo khẩu hiệu lên tường: “Văn chương buổi sáng, buôn bán buổi chiều”. Ý nói buổi sáng máy may không được chạy, để giữ yên lặng cho tôi viết. Chiều, tôi ra khỏi nhà đi bù khú với bạn bè, ở nhà muốn may vá gì thì tùy. Nhưng với Quán chợ Đo Đo thì tâm trạng tôi có khác, vì nhờ nó tôi gặp gỡ bạn bè văn nghệ thường xuyên hơn, lại có dịp gặp nhiều thực khách đồng hương. Nhưng điều tôi hài lòng nhất là nó làm được việc giới thiệu văn hóa ẩm thực của xứ Quảng với người Sài Gòn…

Theo anh, ẩm thực xứ Quảng có gì đặc biệt ?

Các món ăn xứ Quảng cơ bản là các món ăn dành cho người lao động. Ăn cốt lấy no để ra đồng ra ruộng nên món gì cũng « hoành tráng » : bánh bèo, bánh đúc, cục đường bát, lát thịt heo, bát nước chè… thứ nào cũng to hơn người ta. Người Quảng ăn phải ăn cho no, ăn chè phải ăn thật ngọt, ăn mắm phải ăn thật mặn. Cái kiểu ăn uống cực đoan « chém to kho mặn » đó có lẽ liên quan đến tính cách « ăn cục nói hòn » của người Quảng. Nó mộc mạc, chân chất. Ăn theo kiểu Quảng nó có vị đậm đà. Ai không quen thì thôi, đã ăn quen rồi dễ sinh ra «ghiền».

Câu hỏi cuối cùng. Bạn đọc có thể chờ đợi gì ở Nguyễn Nhật Ánh trong thời gian này ?

- Tôi đang viết tiếp bộ Kính vạn hoa, in feuilleton trên báo Mực Tím. Tôi cũng đã có ý tưởng về hai, ba tác phẩm mới, nhưng chưa biết viết cuốn nào trước. Đó là cái khổ của người « ôm nhiều thì ôm không chặt ». Sắp tới chắc tôi phải tính toán để « ôm chặt » một ý tưởng cụ thể nào đó.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.


THƯỢNG TÙNG thực hiện
(Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, tháng 8-2008)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
The Following 2 Users Say Thank You to hoangtube For This Useful Post:
nguyenthuy_qs (25-10-2009), thinothuykieu (31-01-2012)
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 01:10 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters