Trở lại   Thư Quán Đo Đo > PHIẾM ĐÀM > BOLERO

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 23-06-2010, 12:56 PM
Avatar của Mây lang thang
Mây lang thang Mây lang thang đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2010
Bài gửi: 22
Cảm ơn: 11
Được cảm ơn 8 lần cho 7 bài viết
Mặc định Âm nhạc của người nghèo (vũ đức sao biển)

Âm nhạc của người nghèo

Mùa xuân năm 1995, tôi đi công tác qua Cần Thơ. Bến bắc (phà) Cần Thơ ngày ấy còn nhiều người đàn guitare, hát nhạc boléro xin tiền khách qua bắc. Tôi dừng lại trước một ông già đang chơi bài Chiều cuối tuần của Trúc Phương, tặng ông hai ngàn đồng và hỏi: “Sao anh chơi nhạc boléro không vậy?”. Ông cười: “Boléro dễ nghe, phù hợp với lỗ tai của bà con ông à. Ông nghe kỹ đi, boléro của Trúc Phương hay lắm”.

Tôi chơi thân với nhạc sĩ Trúc Phương, biết những bài boléro của anh tràn đầy tâm trạng đau đớn trước cuộc đời. Cái cảm xúc gặp người hát rong trên bắc Cần Thơ đã khiến tôi viết ra bài tình ca Boléro qua bắc Cần Thơ:

Chiều buông trên bến bắc Cần Thơ,
Có người hành khất ôm cây guitare,
Và chơi boléro.
Dòng sông sông trôi mãi không về,
Tiếng guitare buồn mênh mông mênh mông,
Cũng đi mãi không về…


Bài hát viết xong, tôi giao Bích Phượng hát, thu trong một chương trình của hãng VAFACO. Tôi chép bài hát, in luôn mấy chục văn bản ca khúc, trở lại Cần Thơ đưa tặng những người hát rong xin ăn. Kể từ lúc đó, đi qua cầu bắc nào ở miền Tây Nam Bộ, tôi cũng nghe được Boléro qua bắc Cần Thơ của mình.

Boléro là đi mãi không về;
Boléro trong chiều xuân tái tê.
Boléro nguồn sống;
Boléro tình yêu.
Dù đi mãi không về.
Chiều nay, qua bến bắc Cần Thơ,
Có người lữ khách,
Nghe Boléro mà đau thương mênh mông.
Tình yêu con chim sáo sổ lồng,
Nước trôi bèo giạt,
Xa khơi xa khơi và đi mãi không về.


Với tôi, bài boléro là tình yêu gửi cho một hình bóng phương Nam xa vời vợi. Với người hát rong, bài boléro này thêm cho họ một chút phương tiện để kiếm sống. Với người qua bắc, bài boléro là cái để nghe, thậm chí để cảm nhận, để hoài niệm về chút xao xuyến đã gặp trong đời. Trả tiền tác quyền cho tôi đã có các hãng băng đĩa, các công ty truyền thông, các đơn vị biểu diễn có bán vé. Còn với bà con nghèo cần nghe nhạc, với các anh chị hát rong kiếm sống thì nói đến tác quyền làm gì. Mà ai nỡ thu tiền của họ? Cách thu ra làm sao?

Tháng 5-2007, tôi về Quảng Nam đám tang chị ruột. Người anh rể của tôi muốn đám tang ấm áp, đã mời một ban nhạc ta gồm một kèn lá, một guitare, một đàn cò, một trống cơm đến chơi nhạc. Giữa cái xã bán sơn địa Duy Hòa (Duy Xuyên), ban nhạc chơi bài Điệu buồn phương Nam của tôi. Họ chơi nghe cũng tạm được.

Tôi hỏi anh trưởng ban nhạc: “Anh biết ai là tác giả bài này không?”. Anh nói: “Không ông ạ. Nhưng nghe máy nó đờn hay quá, mà bài nhạc này cũng phù hợp với... đám ma nên tụi tôi “đồ” theo mà đờn”.

Nghe anh nói, lòng tôi cũng vui vui. Điệu buồn phương Nam là bài tình ca tôi viết trong một chiều qua sông Cửu Long; tâm trạng có niềm u ẩn. Cả giai điệu và ca từ nghe ra có nhiều đoạn nát ngọc tan vàng. Nó là một bài tình ca nhưng những ban nhạc đám ma ở Nam Bộ lai chơi bài này như là một thứ âm nhạc trong tang lễ. Bây giờ, về quê nhà cũng nghe được nó ngay trong đám tang của chị ruột mình.

Những nhạc công chơi trong ban nhạc đám ma là người lao động nghèo. Tôi mừng vì thấy bài tình ca của mình được họ chơi để kiếm sống một cách lương thiện. Một nhạc công nghèo chơi nhạc, kiếm được bốn năm chục ngàn đồng đem về cho vợ con mua gạo là điều quá hay. Người nghèo dùng sáng tác âm nhạc phục vụ đám ma, lẽ nào ta đè họ ra mà tận thu tiền tác quyền về cho ta?

Đầu năm 2009, tôi viết bài Biệt ca. Đem bản thảo viết tay qua nhờ anh Nguyễn Hạnh kẻ nhạc, tôi tình cờ gặp lại một ông bạn làm sách gốc người Bắc. Anh đề nghị tôi hát thử cho anh nghe. Tôi hát:

Ra đi, có nghĩa là không trở về,
Có nghĩa là xa biệt mù,
Có nghĩa là quên mải mê.
Năm xưa, có người ngại gió mùa đông,
Đã vội vàng trao xuân hồng,
Thả hoa trong trắng theo dòng.
Năm nay, có người cạn quỹ thời gian,
Đã vội vàng yêu muộn màng,
Đời tan trong tiếng dương cầm.


Anh bạn sướng quá: “Anh cho tôi xin chục bản in”. “Để làm cái gì?”. “Tặng cho mấy ban nhạc tây chơi kèn đồng đám ma! Bảo đảm, họ sẽ hit bài này”. Tôi nói anh Nguyễn Hạnh in cho 20 bản. Từ đó, Biệt ca của tôi đi vào kèn đồng đám ma.

Nó là tình ca nhưng đi vào kèn đồng đám ma, nó trở thành biệt ca thứ thiệt! Tôi chưa có tiền làm nhạc, thu thanh bài này; thôi thì để anh em kèn đồng nghèo ở thành phố và Đồng Nai chơi trước vậy. Mà họ chơi nghe cũng hoành tráng lắm!

Thật hạnh phúc cho nhạc sĩ nếu ca khúc đi vào lòng người, đến được với đông đảo người nghe và được người nghe chấp nhận. Trong chế độ Xô Viết cũ, nhà thơ Nga nổi tiếng Maiakovsky đã làm thơ in trên giấy gói kẹo. Trẻ con mua kẹo ăn, gỡ cây kẹo ra và đọc được câu thơ. Tình ca của tôi đi vào đời những người hát rong xin tiền, đi vào đám ma cũng là chuyện... vui vẻ.

Tôi viết các ca khúc cho quê nhà Quảng Nam, coi đó là nghĩa vụ phải làm đối với nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó có những bà con nghèo, nghe nhạc qua radio, tivi hay loa truyền thanh công cộng. Cho đến bây giờ, bà con có vẻ yêu thích Hương rừng, Đường về, Đôi mắt, Tam Kỳ tươi đẹp, Bài thơ quê lụa, Rượu Hồng đào… cứ hát thoải mái đi. Ai đến đòi thu tiền tác quyền, mong QRT cứ chỉ tôi. Tôi là tác giả, không đòi tác quyền thì ai mà đòi được?

Tôi luôn quan niệm một ca khúc đứng được trong lòng người phải có giai điệu đẹp và ca từ giàu tính văn học. Bản chất của âm nhạc, dù là âm nhạc mang phong cách dân ca, bao giờ cũng phải sang trọng, nghĩa là phải đảm bảo tính nghệ thuật. Âm nhạc viết cho người nghèo nghe, viết cho người nghèo sử dụng làm phương tiện kiếm sống cũng phải sang trọng, phải đẹp.

Báo Quảng Nam và tôi dự kiến thực hiện show nhạc vào giữa tháng 6-2010 nhằm gây quỹ học bổng giúp sinh viên học sinh nghèo học giỏi. Làm xong show ấy, tôi sẽ đánh một số đĩa có bài Rượu Hồng đào và in luôn văn bản bài hát này tặng cho... các cô tiếp thị bia hát chơi.

Tất nhiên, các cô không biết rượu Hồng đào Quảng Nam ra làm sao, ngay tôi cũng không thể hình dung rượu ấy như thế nào. Các cô chỉ bán bia Larue, bia Sài Gòn, bia Huda, bia Heineken, không bán rượu. Nhưng hổng sao hết. Ca từ của bài hát chính bản là:

Đất Quảng Nam có hương rượu nhiệm màu;
Người Quảng Nam vốn chân tình thuần hậu.
Biển rộng, trời cao và núi biếc, sông sâu.
Từ trăm năm kết tinh làm nên chất rượu Hồng đào.

Các cô có thể... hát đại:

Đất Quảng Nam có bia hiệu La-rue.
Đất Quảng Nam bán bia hiệu Sài Gòn...


Các cô cứ rứa mà hát và khui bia bụp bụp. Tôi là tác giả, tôi không kiện thì ai dám đi kiện các cô. Còn khách cắc cớ hỏi bán bia sao lại hát về rượu thì các cô giải thích: Người Hoa gọi rượu là tửu, gọi bia là khí tửu (rượu có ga). Vậy thì bia cũng là rượu.

Âm nhạc là thú chơi, là quà tặng của cuộc sống. Tôi nghĩ ai muốn làm giàu từ âm nhạc là sai lầm, dù tôi nhờ viết nhạc mà mua được xe hơi chạy chơi. Cái đó kêu bằng phước chủ may thầy chứ thực chất tiền bản quyền âm nhạc hơi khiêm tốn. Nhiều lắm là đủ ăn mì gà Kỳ Lý. Rứa thôi.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Mây lang thang, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:22 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters