Trở lại   Thư Quán Đo Đo > CHÚNG TÔI NGHĨ LÀ... > HAY

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 06-01-2010, 03:45 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Ông hoàng của "Hoàng tử bé" (thùy anh)

Ông hoàng của "Hoàng tử bé"

Antoine de Saint Exupéry dường như không chỉ là một nhà văn, một nghệ sĩ mà còn là một triết gia. Trong những bức thư, những cuốn sách và ngay cả trong câu truyện nhỏ viết cho trẻ em, Saint - Ex cũng trình bày những vấn đề quan trọng nhất, nhưng theo cách thức hết sức giản đơn và chân thành.

Người ta nói: Chẳng ai viết văn như Saint - Ex. Ngoài việc tạo nên một “Hoàng tử bé” đáng yêu, nhà văn còn tự tay vẽ những bức minh họa trong sáng và sinh động như giấc mơ của các bé em.



Những ưu tư về đời sống, về con người, về tình yêu, về niềm tin và lý tưởng, về cách chung sống của con người với nhau,... đều hiện hữu trong cuốn sách nhỏ tuyệt diệu dành cho thiếu nhi. “Hoàng tử bé” - cuốn sách mà người ta chẳng bao giờ thấy chán, dù đã đọc cả trăm lần; cuốn sách mà mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy sự thú vị cho riêng mình.

Saint - Ex sống không lâu và viết cũng không nhiều, nhưng bằng cả cuộc đời mình, và bằng cả cái chết, nhà văn đã nói lên được rất nhiều điều với mọi người. Ông thật sự là một nhà nhân văn luôn dấn thân vào đời sống, không chỉ nói và viết, mà còn tin tưởng sống như những gì mình đã viết, và chết anh dũng như những gì mình ca ngợi.

***
Xuất thân từ tầng lớp quý tộc là một người hay mơ mộng, thích làm thơ, thích vẽ và chơi vĩ cầm, nhưng cũng say mê cả máy móc và kĩ thuật, Saint Ex quyết định chọn việc chinh phục bầu trời làm sự nghiệp. Ông bắt đầu viết văn năm 1929 trong những ngày rỗi việc ở sân bay Dakar nóng nực, và phần nhiều các tác phẩm đều có tính chất tự truyện: “Chuyến bay phương Nam”, ‘Thành trì”, “Bay đêm”, “Phi công chiến đấu”...

Những thập niên 20 và 30 của thế kỉ trước, ngành hàng không còn rất non trẻ. Trên những chiếc máy bay còn chưa thật sự hoàn hảo của thời kì ấy, Saint-Ex đã bay đến khắp mọi vùng đất của thế giới, qua sa mạc Sahara nóng bỏng mênh mông, từ Toulouse đến Địa Trung Hải, sang Dakar (Maroc)... ông hăm hở mở những đường bay mới, và đồng thời cũng không ngừng viết ra những suy tư của một con người chẳng bao giờ hết cô đơn trước khuyết tật trong đời sống và tinh thần của đồng loại. Có lẽ bởi thế, tác phẩm của nhà văn tuy hạn chế bởi những quan điểm quý phái và cao ngạo, nhưng mang đậm tư tưởng nhân đạo.



Paustovski nhận xét về Saint-Ex: “Ông viết về những điều trên trời cao, kì thực đó là những vấn đề dưới mặt đất này”. Đó là nỗi đau xót về nước Pháp đang bị kẻ thù chiếm đóng, lòng căm thù chủ nghĩa phát xít trong cuốn “Thư gửi một con tin”, là những cuộc phiêu lưu và mơ ước xây dựng lại nước Pháp sau chiến tranh trong “Phi công chiến đấu”...

Năm 1944, Saint Ex cất cánh từ đường băng hẹp ở Sardina đến vùng trời miền Nam nước Pháp, và máy bay của ông đã mãi mãi không trở về căn cứ nữa. Trước khi hy sinh ít lâu, Saint-Ex viết một câu truyện ngụ ngôn: “Hoàng tử bé”.

***
Hoàng tử bé có lẽ không chỉ là nhân vật tưởng tượng, mà dường như còn là hóa nhân của tác giả, cái tôi cô đơn nhiều mơ mộng của Saint-Exupéry. Saint-Ex viết cho trẻ em, hay thực chất là viết cho người lớn?

Những suy tư già dặn này chắc hẳn không dành cho các bé em: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy...”. “Con người chỉ hiểu được những gì mình đã thuần hóa. Con người chẳng còn thời giờ nữa và cũng chẳng biết được gì hơn đâu...”. “Ngôn ngữ là nguồn gốc của mọi hiểu lầm”, “Chính cái thời giờ cậu dành cho một bông hồng riêng tư khiến cho bông hồng của cậu có ý nghĩa đến thế. Con người đã quên mất chân lý đó. Nhưng cậu chớ nên quên. Cậu sẽ mãi mãi phải chịu trách nhiệm, chăm lo cho những gì cậu đã thuần hóa...”



Có cả những đoạn Saint-Ex thể hiện những suy nghĩ về chính trị của mình, như đoạn đối thoại giữa hoàng tử bé và ông vua của một hành tinh nhỏ. Đó là một ông vua chuyên chế. Ông ta sẽ xử tội những ai làm trái mệnh lệnh của ông ta, nhưng đồng thời cũng luôn ý thức rằng mệnh lệnh của mình phải hợp lý, để đạt đến mục đích cuối cùng là sự tuân lệnh của mọi người.

Ông nói: “Quyền uy trước hết phải dựa trên lý tính. Nếu nhà ngươi ra lệnh cho nhân dân nhảy tòm xuống biển, nhân dân sẽ làm cách mạng”. Ông cũng nói: “Tự xử khó hơn xử người khác nhiều lắm. Nếu nhà ngươi tự xử mình đúng, điều đó có nghĩa nhà ngươi đúng là một bậc hiền nhân”.

Ra lệnh hợp lý thì mặt trời cũng phải tuân theo, đó là khi ông vua ra lệnh cho mặt trời lặn vào lúc 7 giờ 40 phút (sau khi đã tra lịch rất cẩn thận). Nhà vua cũng ra lệnh cho thần dân của ông ta phải ngáp một ngày ba lần.

(...Tuy nhiên, ở thời điểm của chúng ta, thiếu sót của nhà vua thật khó tha thứ. Vì trước khi ra mệnh lệnh, ông ta cần phải lấy ý kiến của những người dân (dù cả hành tinh này chỉ có một con chuột già sống chui rúc ở một xó nào đó), để tránh tình trạng phải sửa đổi mệnh lệnh. Ông cũng cần ra văn bản hướng dẫn rõ ràng để những người dân được biết cách thức tuân theo mệnh lệnh (là phải ngáp một ngày ba lần, và cụ thể cách thức ngáp như thế nào). Nhà vua cũng nên xem xét tới tác động của việc ngáp hay không ngáp tới toàn thể người dân và hành tinh, đồng thời cũng nên đưa ra cơ chế giám sát và xử phạt tới những ai không ngáp một ngày đủ ba lần... )

Cứ như thế, “Hoàng tử bé” kể về cuộc phiêu lưu đơn độc của một hoàng tử từ hành tinh khác đến Trái đất. Cậu đã gặp rất nhiều người lớn, ngoài ông vua chuyên chế ở trên, còn có người thắp đèn trung thành luôn làm đúng theo những quy định.

Gã doanh nhân lúc nào cũng bận rộn với các con số và chỉ cốt chiếm lấy những ngôi sao, suốt ngày gã nói câu “Tôi là một người đứng đắn” (kỳ thực, những kẻ thích tỏ ra nghiêm chỉnh đứng đắn thì hoặc là cực kỳ nhàm chán hoặc là rất hay làm người ta thất vọng vì sự lem luốc của nhân cách). Một tên nát rượu luôn uống rượu để quên đi nỗi xấu hổ vì mình đã uống rượu. Nhà địa lý chỉ tiếp các nhà thám hiểm và ghi chép những gì họ kể; một tên hề luôn chờ đợi được vỗ tay khâm phục... Đó là những con người mà không đủ phẩm chất người, dù là cái chất người tối thiểu mà nhà văn mơ ước: “Những người lớn, chẳng bao giờ họ tự hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ” (trích Hoàng tử bé, 1931).

Câu truyện được kể bằng giọng văn trong sáng, hồn nhiên, ngắn gọn, có vẻ mỉa mai, giễu cợt, nhưng đượm vẻ u buồn, và hợp với người lớn hơn là trẻ em. Ẩn dưới vẻ giản dị ấy là tầng sâu kín của một trí tuệ lớn Saint-Ex mà các bé em khó lòng hiểu hết được.

Nhưng không dễ hiểu không đồng nghĩa với hoàn toàn không hiểu được. Trẻ em, và cả những ai đã từng là trẻ em, đều cần được tiếp xúc nhiều hơn nữa với nền văn hóa đọc mang nhiều tính chất suy ngẫm cá nhân và trải nghiệm những chân lý.

Hơn thế nữa, “Hoàng tử bé” là tác phẩm thơ mộng nhất, là tác phẩm hay nhất của Saint - Ex được viết ra cho con người... và cùng với nó, "ông hoàng" Saint-Ex luôn hiện diện trong tâm hồn những người yêu tự do, những người không bao giờ tự giới hạn trí tưởng tượng của mình.

THÙY ANH


(Theo tuanvietnam.net 30/09/2009)

___________________

* trích dẫn trong bài sử dụng bản dịch của Châu Diên
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!

Lần sửa cuối bởi Po_2008; 18-01-2010 lúc 09:36 AM
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:11 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters