Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ CÁC TÁC GIẢ TRONG THƯ QUÁN ĐO ĐO > AI ĐANG LÀM GÌ?

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 15-08-2013, 10:13 AM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn' (VnExpress 8-7-2013)

Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn'

Nối tiếp thành công của Ký ức vụn tập một, Nguyễn Quang Lập tiếp tục "khuấy đảo giang hồ" với cuốn sách thứ hai cùng tên. Đây vẫn là tập hợp những entry mới từ trang blog riêng của ông, vốn được nhiều người đón đọc, vẫn là món khẩu văn rặt giọng “bọ” tưng tửng ngày nào mà ai trót vào xem thì khó dứt ra. Trang văn của bọ Lập khiến độc giả thấy hứng thú có lẽ là nhờ sự kết hợp của ba loại hương vị vừa quen, vừa lạ, vừa độc tạo nên món “đặc sản” khẩu văn.



Hương vị thứ nhất: châm biếm the cay. The cay thôi, chứ chẳng phải là cay nồng độc địa. Óc quan sát, khả năng tung hứng ngôn ngữ của ông khiến độc giả phải thán phục. Chỉ bằng một vài câu nhẹ tênh, viết mà như nói (cho nên mới gọi là khẩu văn), nhân vật của ông xông xênh hiện ra, sống động và chân thực.

Hãy xem bọ Lập tả chân dung một ông sếp tổng công ty Nhà nước mù công nghệ nhưng cứ thích tỏ vẻ ta đây sành điệu bờ lốc bờ leo như ai. “Nghe chúng nó bảo mày có cái blog hay lắm à, gửi cho anh đọc đi. Mình nói anh vào Guk gồ gõ...là ra ngay thôi. Anh nói Guk gồ guk gheo làm gì cho phức tạp, dạo này anh bận lắm. Mày chịu khó ra bưu điện gửi cho anh.” (Chuyện mạng méo thời nay).

Hay một chị gái quê nhờ bán than mà lột xác thành quý bà sang trọng, mấy chục năm sau gặp lại: “Chị cười to, nói thằng ni khinh chị rứa bay. Tau bây chừ quan hệ tuyền ông to bà nậy, phải đổi giọng bọ ra giọng Bắc cho nó sang, thỉnh thoảng nhả ra mấy tiếng Ing Liền cho người ta nể”.

Chân dung anh cu Đom đểu giả bạc tình chỉ tả câu này là ra hết: “Anh Đom nói chui vô hang Dơi chớ mô, ăn hết đồ ăn mang theo thì về chớ răng. Anh khoa chân múa tay, nói chưa khi mô tau được ăn no như rứa, cơm no bò cưỡi ngày sáu phát sướng cực. Anh lại ngửa cổ cười he he.”

Những gương mặt, câu chuyện ấy ta vẫn gặp hàng ngày. Nhưng hình như trong ký ức của ta chẳng được sống động đến thế, mà bảo ta kể lại, ta cũng chịu thua, không cách nào kể lại ra được cái vị đậm đà, the cay như bọ kể.

Hương vị thứ hai là: rưng rưng ngọt đắng. Chuyện bọ Lập không chỉ có châm biếm mà còn có thấm đẫm nghĩa tình, nghĩa tình thật sâu. Hình ảnh con bé cố hết hơi ù mọi để lấy được phần thưởng cái bánh Trung thu về cho em, đang sung sướng ôm cái bánh chạy về nhà thì trên đường Mỹ thả bom, sợ quá em đứng tim mà chết, khi chết vẫn ôm khư khư cái bánh Trung thu trước bụng (Con ù mọi) khiến ta ám ảnh mãi.

Hình ảnh người cha (Nhớ ba), người thầy (Thầy trò một thuở), quê hương Ba Đồn (Nhớ cái đình làng, Nhớ đồng)… đầy ắp nỗi niềm da diết. Vị rưng rưng vừa ngọt ngào vừa đắng lòng sau những câu chuyện tếu táo, bông lơn càng khiến độc giả không thể nào bỏ được văn bọ.

Và cuối cùng, đã là khẩu văn Nguyễn Quang Lập thì không thể thiếu vị mằn mặn phồn thực mà một số người vẫn nhăn mặt chê là “tục”. Thật ra văn bọ “tục mà không tục”. Cái tục trong sáng, khỏe khoắn, gần gũi, nhiều lúc thật hồn nhiên. Thiếu đi hương vị mằm mặn phồn thực ấy, có lẽ Ký ức vụn không ra được dáng hình, hồn cốt của nó, có lẽ chiếu văn của ông đã bớt đậm đà và độc giả đã kém thích thú đi.

Thật may là món khẩu văn của bọ Lập trong Ký ức vụn đủ cả ba hương vị ấy vẫn đậm đà duyên dáng. Nếu đọc kỹ một chút, bạn còn có thể phát hiện thêm nhiều hương vị khác, sau mỗi dáng hình, câu chuyện, lời văn.

"Ký ức vụn" phần hai gồm bốn phần: Phần một - Những người bạn khó quên với những ký ức khó quên như: Con bò của thằng Thọt, Thằng cu Bợp, Đèn ông sao… Phần hai gồm những buồn vui một thuở gom nhặt từ bộn bề cuộc sống: Có bệnh thì vái tứ phương, Cái mặc thời bao cấp và mối tình nửa nắng, Chuyện mạng méo thời nay, Hão! Hão… Phần ba viết về những người tác giả từng gặp với những chân dung biếm họa, như:: Anh Hờ Hờ, anh Cu Bịp, Mụ Cà… Phần bốn là khoảnh khắc thương nhớ, là dư âm da diết của: Nhớ đồng, yêu cái đình làng, Nhớ ba, Nhớ những người thầy, Vẩn vơ phố cổ…

HOÀI THƯƠNG

(VnExpress 8-7-2013)

__________________

Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:16 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters