Trở lại   Thư Quán Đo Đo > CÂU LẠC BỘ > SƯU TẦM

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 22-06-2011, 03:19 PM
Avatar của bachkylan
bachkylan bachkylan đang ẩn
Administrator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 243
Cảm ơn: 5
Được cảm ơn 86 lần cho 51 bài viết
Mặc định Hình tượng Cha trong phim Disney (đinh yên thảo)

Là một cây “đại thụ” trong kỹ nghệ giải trí dành cho tuổi nhỏ, Walt Disney trong nhiều thập niên qua vẫn luôn duy trì và cổ vũ những giá trị truyền thống qua những câu chuyện cổ tích, những mẩu chuyện tình lãng mạn cổ điển kết cuộc có hậu, tươi sáng. Tình yêu, hạnh phúc, lòng quả cảm, sự hy sinh, lòng cảm thông..., Disney từng bước đem các giá trị này vào trong phim và phần nào tạo ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tuổi thơ. Hơn thế nữa, Disney đã lồng vào trong những thước phim của mình hiện tượng hay xu hướng xã hội đương thời, với những thông điệp mạnh mẽ và tạo sự suy nghĩ cho bậc cha-mẹ, nếu có dịp ngồi xem phim cùng con nhỏ. Một trong những thông điệp này là hình tượng người cha và mối quan hệ cha-con trong khá nhiều phim Disney, mà nếu đã xem qua, ắt người xem không khó nhận ra.



(Cho Nhã Hạ nhân Lễ Cha 2011)

Sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học, kỹ nghệ. Nhưng như những quốc gia phát triển khác, nước Mỹ cũng đối diện một số vấn đề xã hội, mà xu hướng và tỉ lệ ly dị là một. Áp lực trong đời sống kỹ nghệ cao, sự thay đổi các quan điểm về nữ quyền, mối tương quan nam-nữ trong xã hội... là vài điều có thể kể trong những nguyên nhân góp phần vào xu hướng xã hội này. Những luật lệ về ly dị trở nên thông thoáng hơn từ những năm thập niên 70, đã làm tăng vọt tỉ lệ ly dị, mà theo các số liệu thống kê từ Ủy Ban Dân số Hoa Kỳ, đã lên cao vào những năm thập niên 80. Luật pháp có những ưu ái cho người mẹ dành được quyền nuôi con và người cha chịu những trách nhiệm cấp dưỡng. Dù vậy, vì những lý do riêng biệt khác nhau trong mỗi gia đình, không ít những người cha đã tự mình nuôi dạy con nhỏ, đóng cả hai vai trò người cha lẫn mẹ. Đây là một khó khăn, đặc biệt với những người cha độc thân nuôi dạy con gái, đòi hỏi có những ứng xử đầy tế nhị trong việc hình thành tính cách và tâm sinh lý cho các em, vốn một người mẹ thì sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc hay hướng dẫn. Thêm vào đó, vai trò người mẹ cũng thay đổi khi bắt đầu tham gia xã hội một cách bình đẳng hơn. Người mẹ cũng đi làm và đòi hỏi người cha cùng quan tâm và gánh vác việc chăm sóc con nhỏ hay mọi việc trong gia đình, suy nghĩ về trách nhiệm với con cái của mình. Và đây là lúc Disney nhập cuộc một cách đầy dụng ý về hiện tương này, qua những bộ phim hoạt hình hay cổ tích tưởng như dành riêng cho trẻ nhỏ. Rất nhiều bộ phim của Diney hoàn toàn không có bóng dáng người mẹ. Hoặc được ẩn dụ xa xôi rằng đã chết từ lâu, hoặc qua đời trong một tai nạn nào đó hay bị sát hại ngay trong phim. Disney xây dựng hình tượng người cha, qua nhiều tính cách khác nhau và đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa cha và con gái.




King Triton, Ariel và Hoàng hậu Athena

Bộ phim Nàng Tiên Cá (The Little Mermaid) dựa theo cổ tích Hans Andersen là một trong những phim tiên phong mang xu hướng này. Bộ phim vẽ ra chân dung một người cha nghiêm khắc, quyền uy và đầy mệnh lệnh là King Triton. Với ông, nàng tiên cá Ariel và các cô con gái dù là gia sản to lớn của mình, nhưng những phiền muộn từ khi Hoàng Hậu bị cướp biển sát hại, ông trở nên nghiêm khắc với các con và đưa đời sống Thủy Cung do ông cai quản trở thành lặng lẽ, muộn phiền, khi nghiêm cấm cả âm nhạc. Đây là mẫu người cha luôn với mệnh lệnh "Không", bất kể suy nghĩ, mong muốn gì từ con cái. Nhưng Ariel là một Công chúa đương tuổi trăng tròn đầy ngang bướng, luôn khao khát một đời sống tự do, khai phóng trên bờ. Trong khi các chị luôn sợ sệt, tòng phục trước người cha nghiêm khắc, Ariel lại luôn có những lý lẽ đối chọi với cha. King Triton xem con người là những một loài nguy hiểm để ngăn cấm các con lên mặt nước. Nhưng rồi ông vẫn không giữ nổi Ariel, khi một lần lẻn lên khỏi mặt nước, cứu sống để rồi yêu Hoàng Tử Eric-Hoàng tử của thế giới loài người, bị nạn. Eric không biết mặt người cứu mình mà chỉ biết rằng đó là một thiếu nữ có giọng hót thánh thót, đầy quyến rũ. Thế rồi cuộc tình giữa nàng Tiên Cá bé bỏng Ariel và Hoàng tử Eric cũng trải qua những gian nguy sóng gió, khi phù thủy Ursula đánh cắp giọng hát của Ariel, hóa phép thành thiếu nữ mang giọng hát Ariel để đánh lừa Eric và rồi bắt cóc cả Ariel. King Triton đã hy sinh cả ngai vàng của mình để đánh đổi sự tự do cho con gái. Eric khi nhận ra Ariel là người đã từng cứu sống mình, đã giúp đánh đuổi phù thủy Ursula, cứu Thủy Cung khỏi bị hủy diệt. Trở lại ngôi vua, King Triton nhận ra tình yêu mãnh liệt của con gái và Hoàng Tử loài người, ông dùng quyền năng của mình để hoá phép cho Ariel trở thành con người mà đám cưới cùng Hoàng Tử Eric. King Triton là mẫu người cha dù nghiêm khắc, xa cách nhưng cũng hy sinh tất cả, gạt bỏ những suy nghĩ khuôn khổ của mình để giúp con gái hướng đến một khung trời tự do, được chọn lựa hạnh phúc đời mình.




King Triton và nàng Tiên Cá Ariel

Trong bộ phim Giai nhân và Ác Quỷ (Beauty and the Beast) ra đời đôi năm sau, Disney lồng trong cốt truyện cổ tích cổ điển quen thuộc với nhiều thế hệ, một câu chuyện cảm động khác về tình cha con. Bella là một nàng thiếu nữ mất mẹ, sống với tình yêu thương vô bờ của cha, không kém tình yêu thương mà Bella dành cho cha mình. Trái với King Triton, người cha Maurice trong Beauty and the Beast là một mẫu cha nghèo nàn nhưng tràn đầy yêu thương và trìu mến với con gái. Trong một lần đi lạc vào lâu đài của một Hoàng tử đang chịu lời nguyền trong lốt dã thú, người cha bị bắt giam. Bella đi tìm cha và đồng ý làm người bị giam cầm thay thế cho cha mình được tự do. Khi Maurice trên đường quay lại giải cứu cho con gái, ông gặp nguy hiểm trong rừng sâu và Dã Thú đồng ý để Bella đi cứu cha, một khi đã bắt đầu yêu Bella, cùng sự hy vọng rằng Bella sẽ giúp chàng hoá giải được lời nguyền sẽ trở lại con người khi có một thiếu nữ nào đó thốt lên câu yêu thương với mình. Khi nhóm trai làng tấn công lâu đài và Dã Thú bị thương, tưởng như đã tuyệt vọng thì Bella xuất hiện. Xúc động vì tình yêu và sự hy sinh của Dã Thú mà chàng phải gặp nạn, Bella đã quay lại lâu đài để thì thầm thố lộ tình yêu của mình. Hoàng tử, gia nhân và cả lâu đài chịu lời nguyền đã bừng sống, trở lại hình hài con người. Phim kết thúc khi cha nàng và các gia nhân vui vẻ nhìn Bella nhảy múa cùng Hoàng tử. Trái với sự quyền uy, khuôn phép, đầy cấm cản của vua cha King Triton trong The Little Mermaid, Maurice trong Beauty and the Beast là người cha bình dị, hoàn toàn để con gái tự dẫn dắt tình yêu của mình. Cả hai đều yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho con, nhưng đi xa hơn hơn nữa, Beauty and the Beast cổ vũ một quan hệ cha-con tích cực hơn, khi chính Bella-người con, sẵn sàng hy sinh, đánh đổi nguy hiểm, gian nguy để giải cứu cho cha mình. Một tình yêu thương cha-con trọn vẹn và ý nghĩa hơn.




Tình cha con trìu mến giữa Bella và Maurice trong Beauty and the Beast

Trong một số bộ phim về sau khác, tình cha con cũng được phác hoạ đậm nét hay bàng bạc trong suốt cuốn phim. Đó là câu chuyện của Tù trưởng Powhatan với con gái Pocahontas mất mẹ, trong bộ phim cùng tên. Pocahontas vượt khỏi sự nghiêm cấm của cha, khi yêu thuyền trưởng da trắng trong đoàn thủy thủ đi tìm vùng đất mới. Bộ phim cũng có những xung đột dữ dội, có những hy sinh của tình cha con, nhưng hơn vậy, Pocahontas lại đóng vai trò quan trọng khi làm người hòa giải cuộc xung đột giữa bộ lạc của cha mình cùng những người da trắng.




Tù trưởng Powhatan với con gái Pocahontas

Hay đó là câu chuyện của Công chúa Jasmine trong phim Aladin, khi vua cha Sultan cho phép Jasmin lấy người theo chọn lựa là Aladin. Tất cả những bộ phim kết thúc có hậu này không chỉ cổ súy tình cha con, mà còn nhắn gởi những thông điệp về sự tự do, chọn lựa của con cái khi đã trưởng thành.




Jasmin và vua cha Sultan

Cảm động hơn về tình cha con, là bộ phim Finding Nemo cuốn hút và được đón nhận nồng nhiệt trong thời gian gần đây. Nemo cũng là một chú cá con mất mẹ, sống với cha. Cá cha Marlin là người cha hết lòng lo lắng và bảo vệ cho đứa con duy nhất hết mực, từ khi mẹ Nemo bị một kình ngư sát hại, cũng như vì nghi ngờ khả năng của con vì Nemo là chú cá con bị tật nơi vây. Hình ảnh thất thần của cá cha Marlin khi Nemo bị thợ lặn bắt lên tàu, cũng như trong suốt hành trình tìm con đến tận Úc Châu đầy nguy hiểm của cá cha đã tạo nhiều xúc động cho người xem, không riêng gì trẻ nhỏ. Nemo lên kế hoạch trốn thoát, tái hợp cùng cha. Trên đường về nhà, dù ngần ngừ nhưng Marlin cũng đã để Nemo can đảm và thông minh giải cứu được cho bạn mình khỏi lưới cá. Marlin là khuôn mẫu người cha vì quá yêu thương mà bảo bọc quá mức cho con, nghi ngờ vào khả năng và sự trưởng thành của con cái để rồi nhận ra rằng chính những thử thách, hiểm nguy là cơ hội tôi luyện con mình đối diện và giải quyết những bất trắc của đời sống. Disney đã đặt tựa cho cuốn phim thật ý nghĩa, khi “Finding Nemo” mang ý nghĩa “tìm cứu Nemo”, nhưng cũng có thể còn cả ý nghĩa “kiếm tìm hay nhận thức” được khả năng đích thực của con mình.




Nemo và cha Marlin

Và cuối cùng, trong bộ phim thần thoại gần đây hơn nữa là Enchanted, một bộ phim có ý tưởng mới mẻ hơn, khi Disney nối kết giữa thế giới hoạt hình-cổ tích với thế giới đời thường xảy ra tại New York. Trong bộ phim cũng là hình ảnh một người cha độc thân nuôi dạy cô con gái bé bỏng. Người cha là luật sư Robert mang hình ảnh một người cha khô khan, không muốn con mình tin vào những câu chuyện cổ tích đầy mơ mộng vì muốn con đối diện với thực tại đầy trắc trở. Sau vài thập niên, có lẽ Disney đã có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ và thẳng thắn hơn về vấn đề ly dị trong xã hội, khi cho cô bé Morgan trong phim thiếu mẹ vì cha mẹ ly dị. Nàng Công chúa Giselle từ thế giới cổ tích tuyệt đẹp, nơi mọi chuyện luôn kết thúc có hậu, đối diện với một thế giới thực tại phức tạp và nhiều xung đột hơn. Cô giận dữ khi thấy những cảnh ly dị tại hãng luật của Robert. Và cũng chính sự lãng mạn, lý tưởng hoá và lòng lạc quan mang theo từ thế giới cổ tích của mình, Giselle đã cảm hoá và thay đổi người cha khô cứng kia. Để rồi cuối cùng cả hai cùng đến với nhau khi nhận ra tình yêu dành cho nhau. Không còn né tránh hay che giấu sự thật, Disney chọn đem cái nhìn tươi sáng hơn khi khơi gợi những tín hiệu lạc quan, hy vọng hơn cho vấn đề ly dị vào trong phim cổ tích của mình.


Kể ra một vài bộ phim của Disney nói trên có thể chưa thể đầy đủ hết về tình cha con trong tất cả phim Disney, nhưng đó quả là những bộ phim Disney đậm nét nhất về những mối quan hệ cha-con. Dù có say mê và ít nhiều ảnh hưởng từ những giá trị chứa đựng qua các bộ phim này, nhưng những ẩn dụ, thông điệp trong phim không chắc những khán giả nhỏ bé sẽ hiểu được thấu đáo. Chúng dường như nhắm đến những người làm cha, làm mẹ nhiều hơn. Khi phần nào Disney tạo cho họ đôi suy nghĩ, dăm cảm xúc về tình yêu thương, nhắc nhở vai trò và trách nhiệm người cha của mình. Vì làm cha là một ân sủng, một hành trình khám phá ngược lại tuổi thơ của mình và sự học hỏi, cảm nghiệm không dừng. Cách riêng nào đó, chúng không chỉ cho người cha những giây phút vui thú diễm tuyệt khi cùng con nhỏ ngồi xem những bộ phim Disney, mà nó gợi mở cho họ rằng, hãy gạt bỏ những áp đặt đầy khuôn khổ, lòng sợ hãi, những suy nghĩ giới hạn và thực dụng của mình, để làm người chắp cánh cho con bay đến những khung trời ước vọng vô hạn. Bằng đam mê, ước nguyện và khả năng của mình. Ở đó là chân trời rộng mở, tự do, vượt thoát với những giá trị vĩnh cửu và hạnh phúc có thật.



Đinh Yên Thảo
Dallas, 2011





Luật sư Robert và con gái Morgan trong phim Enchanted




Robert và
công chúa Giselle
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên bachkylan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:12 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters