Trở lại   Thư Quán Đo Đo > TRANG VIẾT CỦA BẠN BÈ > THƠ

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 19-10-2011, 07:51 AM
Avatar của hoàng ngọc biên
hoàng ngọc biên hoàng ngọc biên đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Feb 2011
Bài gửi: 24
Cảm ơn: 0
Được cảm ơn 8 lần cho 5 bài viết
Mặc định Vera Pavlova (hoàng ngọc biên)

VERA PAVLOVA
(1963~)

Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên




Vera Pavlova sinh năm 1963 ở Moscow. Bà theo học tại Trường Cao đẳng Âm nhạc Schnittke và Nhạc viện Gnessine, tốt nghiệp Âm nhạc học và Lịch sử âm nhạc.[*] Cho đến năm mười tám tuổi bà có ý định trở thành nhà soạn nhạc, nhưng ở tuổi hai mươi [sau khi sinh con gái đầu lòng] lại “nghe theo một tiếng gọi mới”, mở ra một con đường khai phá không gian tinh thần mới, là thơ ca. Trong một thời gian dài mười năm, bà hát trong một ban đồng ca nhà thờ, và sau đó làm hướng dẫn viên tại Viện bảo tàng Shaliapine, đồng thời bên cạnh các bài tiểu luận về âm nhạc, bà bắt đầu cho đăng trên báo Yunost [“Tuổi trẻ”, 1987] một chùm thơ tuyển đánh dấu một dòng thơ thời ấy được coi là rất mới lạ ngay cả với những nhà thơ trẻ suốt nhiều năm phải “dính chặt” đường lối hiện thực xã hội, nay đang ra sức tiến công vào những đột phá ngoạn mục trong lĩnh vực văn học này. Tập thơ đầu tiên của bà xuất bản năm 1997, tiếp liền theo là năm tập khác, với tập cuối gồm 800 bài thơ, viết trong khoảng mười tám năm. Nhưng gây ấn tượng hơn cả, phải nói tới con số không ít hơn 72 bài thơ bà cho đăng trên báo Sevodnia [“Hôm nay”, với lời bạt của Boris Kuzminsky] từng làm tên tuổi Vera Pavlova sáng chói trên văn đàn Nga, đến độ người đọc tin đây là một trường hợp “không có thật”.

Không triết lý ghê gớm, mặc dù đôi khi mang một thứ “hình thức có tính châm ngôn... gắn chặt trong cái sống chân thực...” [Anthologie de la poésie russe contemporaine 1989-2009, Editions de la Maison de la poésie Rhône-Alpes, 2010], không sử dụng những trò nhào nặn ngôn ngữ, không tìm cách làm cho cái viết của mình độc đáo tối tăm, thơ Pavlova ngay từ đầu đã có tính phát hiện, đẩy người đọc giáp mặt với những ký ức bị kiềm chế, những kinh nghiệm che giấu, những khát khao tiềm ẩn của mình, chấm dứt một kiểu “thơ tâm hồn” hoặc du dương, hoặc bị trói chặt và căng cứng khá phổ biến một thời ở Nga...

Ngày nay trên quê hương mình Vera Pavlova được coi là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế hệ bà. Giải thưởng lớn Apollon-Grigoriev trao cho bà năm 2000, Giải Anthologia Prize [2006], cả Giải đặc biệt Moskovskiy schyot không phải là vinh dự lớn nhất của Pavlova: thơ bà được dịch ra nhiều thứ tiếng,[**] xuất hiện trong nhiều tuyển tập thơ thế giới, trên nhiều báo và tạp chí chuyên ngành. Vera Pavlova sống ở New York và Moskow, nơi bà từng điều hành suốt 12 năm xưởng dạy tác văn Зодиак [“Zodiak”] dành cho thiếu nhi. Bà hiện là vợ của dịch giả Steven Seymour, người từng đưa thơ Pavlova lên các báo và tạp chí danh tiếng như Tin House, The New Yorker...

Những tác phẩm chính: Thiên đàng là một con thú ["Небесное животное", 1997], Ngôn ngữ thứ hai ["Второй язык", 1998], Dòng lấm chấm ["Линия отрыва", 2000], Giấc mơ thứ tư ["Четвертый сон", 2000], Nhật ký của một cô học trò giỏi ["Интимный дневник отличницы", 2001], Khắp nơi ["Вездесь", 2002], Cả hai phía nụ hôn ["По обе стороны поцелуя". 2004], Thư gửi phòng bên cạnh ["Письма в соседнюю комнату", 2006], Hành lý xách tay ["Ручная кладь", 2006], Ba cuốn sách ["Три книги", 2007], Mudnaya rồ dại ["Мудная дура", 2008], Từ tám cuốn sách ["Из восьми книг", 2009], Phía bên kia lời nói ["На том берегу речи", 2009], Trùng tên ["Однофамилица, 2010]... Các độc giả tiếng Pháp và tiếng Anh, ngoài các tuyển tập thơ, có thể đọc L’animal céleste [bản dịch của Hugo và Jean-Baptiste Para, l’Escampette, 2004] hoặc If There Is Something to Desire: One hundred Poems [bản dịch của Steven Seymour, Alfred A. Knopf, 2010].
_________________________
[*]Vera Pavlova là tác giả một luận án về những tác phẩm thanh nhạc cuối cùng của Shostakovitch.

[**]Cho đến nay thơ Pavlova đã được dịch ra hai mươi mốt ngôn ngữ, và bà từng tham gia các Liên hoan Thơ ở Anh, Azerbaijan, Bỉ, Đức, Hà lan, Hi lạp, Hoa kỳ, Pháp, Ukraina, Uzbekistan, và Ý, các buổi đọc thơ ở nhiều trường đại học trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, như Columbia University, University of Illinois, Dartmouth College, Ohio State University, Virginia Tech, William and Mary College, Harvard University, North-Western University, Wesleyan University, Dickinson College, Princeton University, University of Alaska, Boston College...


Ung thư


Trong nửa tách trà nóng ngọt —

nửa tách vodka rẻ tiền. Và — nốc cạn.

Rượu người ta gọi là “nước quả theo Matthew”[*]

Matvey sẽ không chịu ngồi xuống ăn nếu không có thứ rượu này

30 tháng Chạp một năm nọ

Matvey và Sashka cùng ngồi xuống ăn.

Matvey bảo: Ta uống lần cuối đây,

rồi uống thứ nước quả theo Matthew và lăn ra chết

theo cái Ung thư Cuống họng.



Và Thượng đế trông thấy


Và Thượng đế trông thấy

người cho là tốt

Và Adam trông thấy

chàng cho là tuyệt vời

Và Eva trông thấy

nàng cho là tạm được



Trên đường đến anh


Trên đường đến anh

em viết mấy câu thơ về anh

viết đâu đó xong xuôi mới nhận ra

mình đã đi nhầm hướng



Nách có mùi hương cây đoạn trổ hoa


Nách có mùi hương cây đoạn trổ hoa,

hoa đinh cho mùi mực.

Nếu như chúng ta có thể làm tình

suốt cả ngày không dứt,

chuyện yêu đương tỉ mỉ và co dãn đến độ

trước khi đêm xuống

chúng ta có thể làm ít nhất năm cuộc trao đổi

tù binh giữa chỉ hai người



* * *


Em muốn viết cho anh một lá thư

trong thư sẽ không có một chữ nào

trách móc, oán giận, hỗn láo,

không đỏm dáng, không lên cơn, không khoác lác,

không nịnh hót, không dối trá, không xỏ xiên,

không chút vớ vẩn, không triết lý vô bổ…

Em muốn viết cho anh một lá thư

trong thư không có một chữ nào.

* * *

Nếu như có một cái gì đó để đam mê,
thì sẽ có một cái gì đó để luyến tiếc.
Nếu như có một cái gì đó để luyến tiếc,
thì sẽ có một cái gì đó để nhớ lại.
Nếu như có một cái gì đó để nhớ lại,
thì chẳng có gì để luyến tiếc.
Nếu như không có gì để luyến tiếc,
Thì chẳng có gì để đam mê.


* * *


Chúng ta giàu: chúng ta không có gì để mất.
Chúng ta già: chúng ta không có nơi nào để vội vàng đến
Chúng ta sẽ làm cho những chiếc gối quá khứ mịn màng,
gạt những đốm than hồng của thời gian sẽ tới,
sẽ nói về những gì có nhiều ý nghĩa hơn cả,
trong khi ánh sáng ban ngày uể oải mờ dần.
Chúng ta sẽ đặt nằm ngơi nghỉ thân xác bất tử của mình:
em sẽ đào huyệt chôn anh, anh sẽ đào huyệt chôn em.


* * *

Đem H nhân cho F
Chúng ta sẽ có cái gì? Một hay hai?
Vậy thì thân xác nên nhập chung với linh hồn,
Và linh hồn nên coi trọng thân xác.
Tôi không đòi hỏi cái gì lớn lao.
Nấu chảy ký ức tôi trong một lò luyện kim hoà dịu
ngủ, đặt má lên vai anh,
như khi ngồi trên một chiếc xe môtô...


* * *

Những kẻ quá hiếu kỳ giờ đây đã bị trục xuất khỏi
thiên đường!
Bạn có biết hạnh phúc lớn ra sao khi: ta không biết?
Ta không biết.
Những dấu hiệu, những dấu vết, bản năng của người thám tử,
bạn hãy quét sạch chúng đi.
Bạn có nhớ hạnh phúc lớn ra sao khi: ta quên?
Ta không nhớ.


* * *

dưới cái nhìn của một người mù
ta xấu hổ vì sắc đẹp của mình
dưới cái nhìn của một người điếc
ta đã nuốt ngang bài ca của mình
dưới cái nhìn của một người ngu
ta sợ phải lý luận một cách công minh
dưới cái nhìn của một người ưa ngủ
ta giật mình tỉnh dậy


_________________________

[*]Nhại theo cách gọi “Phúc âm theo tông đồ Matthew” [The Gospel According to Matthew] là cuốn đầu tiên trong Kinh Tân ước, kể cuộc đời, thời truyền đạo, cái chết và sự phục sinh của Jesus ở Nazareth.



--------------------------
“Ung thư” dịch từ bản tiếng Anh “Cancer” của Jason Schneiderman; “Và Thượng đế trông thấy” và “Nách có mùi hương cây đoạn trổ hoa” dịch từ bản tiếng Anh “And God saw” và “Armpits smell of linden blossom” của Steven Seymour trong Russian Women Poets [Modern Poetry in Translation, Số 20] do Valentina Polukhina biên tập, King’s College London xuất bản, 2002. “Em muốn viết cho anh một lá thư…” dịch từ bản tiếng Pháp của Jean-Baptiste Para trong Poètes russes d’aujourd’hui — anthologie bilingue, Nxb. La Différence, 2005.




-------------------------
“Nếu như có một cái gì đó...” và “Chúng ta giàu:...” dịch từ bản tiếng Anh của Steven Seymour trong tạp chí The New Yorker số ra ngày 30 tháng Bảy 2007. Các bài còn lại dịch từ bản tiếng Pháp của Christine Zeytounian-Beloüs trong La nouvelle poésie russe – Anthologie, gồm 33 nhà thơ Nga, do Evgueni Bounimovitch giới thiệu, Evgueni Bounimovitch và Christine Zeytounian-Beloüs tuyển chọn, Nhà xuất bản Écrits des Forges và Autre Temps, 2005.


__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoàng ngọc biên, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
 

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:28 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters