Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN > Qua thư từ và blog

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 26-08-2015, 09:31 PM
Avatar của Po_2008
Po_2008 Po_2008 đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 441
Cảm ơn: 19
Được cảm ơn 105 lần cho 57 bài viết
Mặc định “Nguồn sức mạnh” trong “Chuyện xứ Lang Biang” (trương gia bách)

“Nguồn sức mạnh” trong “Chuyện xứ Lang Biang”

PNTĐ-“Chuyện xứ LangBiang” đã cho chúng ta thấy một nguồn sức mạnh khổng lồ, có thể đánh bại mọi phép thuật ma quái, đó là tình bạn.


Trẻ em luôn có những suy nghĩ ngây ngô. Nhưng đây là điều mà người lớn nhiều lúc không biết đã đánh mất ở đâu. Đó là sự sáng tạo. Những suy nghĩ ngây thơ, tưởng chừng như là buồn cười nhất đôi khi lại vô cùng sáng tạo, gợi ý cho những điều mới mẻ. Vì vậy sự sáng tạo là điều rất cần phát triển ở trẻ thơ. Chính điều đó đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thể loại truyện dịch giả tưởng nước ngoài. Những cuốn sách như Harry Porter, Thần thoại Hy Lạp,… đã nhận được sự đón đọc rất nhiệt tình của các bạn trẻ Việt Nam. Vậy những cuốn sách văn học giả tưởng của tác giả trong nước ở đâu? Và Nguyễn Nhật Ánh - người bạn của thiếu nhi Việt Nam - chính là người tiên phong.

Ông đã nói rằng: “Tôi muốn đem lại nhiều tác phẩm cho trẻ em khi trào lưu truyện dịch ở ta đang nở rộ. Nhưng trách nhiệm và tự ái của một nhà văn nội không cho phép mình chịu thua.” Và cuốn sách “Chuyện xứ LangBiang” đã ra đời từ đây.

Ngay sau cuốn sách “Kính vạn hoa” nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của độc giả cả nước, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã bắt tay ngay vào việc thực hiện ý muốn viết một câu chuyện giả tưởng dành cho thiếu nhi Việt Nam. Và phải đến năm 2004 cuốn truyện mới bắt đầu được phát hành. Cuốn truyện gồm 4 tập viết về một thế giới phù thủy với vô vàn các loại phép thuật. Khác với “Kính vạn hoa” nói về ba bạn nhỏ Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh ở Sài Gòn, lần này nhân vật chính là hai cậu nhóc Nguyên và Kăply - những cái tên vùng Tây Nguyên - sống ở làng Ke.

Nguyên và Kăply đã bị lạc vào thế giới phù thủy mang tên “xứ LangBiang” và bắt đầu cuộc phiêu lưu trong thân xác của K’Brăk và K’Brết- hai tiểu chủ nhân của lâu đài K’Rahlan - để chống lại phe Hắc Ám của trùm Bastu cùng những tay chân hắn để quay trở về thế giới cũ. Cũng ở đây cả hai đã có những tình bạn đẹp và những kỉ niệm không thể nào quên với K’Tub, Êmê, Suku, Păng Ting - những đứa bạn gần gũi nhất - và Mua, Tam, Kan Tô, Bolobala - những đứa bạn ở trường Đămri, trường đào tạo phép thuật.

Dưới ngòi bút cũng đầy phép thuật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tình tiết đầy bất ngờ, thú vị, gây ngạc nhiên tột cùng: Thầy Hailixiro, bị phát hiện ra là một con ma cà rồng, đã điều khiển cô Kemli Trinh để điều khiển lại chính mình và rồi sau đó lại lộ diện thực chất là Buriam- sứ giả thứ 4 của trùm Hắc Ám. Thú vị thay những nhân vật được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng nên. Đây cũng là một cái tài không thể nhầm lẫn với ai của bác Ánh. Còn nhớ trong “Kính vạn hoa” chính bác đã tạo ra nhân vật Hạnh, “bộ từ điển biết đi”, Quý ròm nhát gan và rất thích nói khoác hay nhỏ Văn Châu đầy “nam tính”. Lần này, trong “Chuyện xứ LangBiang”, thầy Akô Nô - Chủ nhân núi Lưng Chừng - trong thân xác một đứa trẻ mười tuổi - với hai thân xác một tốt một xấu và đặc biệt là Kăply, cậu bé người Tây Nguyên nhưng lại có “bản năng phép thuật” cũng không kém phần đặc sắc.

Đã lại có những lời khen ngợi, thậm chí là so sánh Nguyễn Nhật Ánh với J.K.Rowling nhưng với tôi bác Ánh vẫn là duy nhất, không phải giống với ai. Liệu “Harry Porter” có hài hước, dí dỏm, mộc mạc được như vậy? Tôi tin là không. Bởi vì đó là hình ảnh phản chiếu con người Việt Nam. Sự hài hước, gần gũi đến ngay từ cách… đặt tên nhân vật. Những Balikem (Ba li kem) hay Hailixiro (Hai li xi-rô) có lẽ chỉ có thể được ra đời bởi một suy nghĩ vừa tinh tế, vừa sáng tạo mà còn có chút gì rất… trẻ con thôi! Có thể “Chuyện xứ LangBiang” có ảnh hưởng không hề nhỏ của “Harry Porter” hay của “Thần thoại Hy Lạp” nhưng những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn có một “chất” riêng. Đó là sự giản dị. Sự giản dị đầy mộc mạc. Sự giản dị đầy gần gũi. Sự giản dị đầy tinh túy. Nhưng không phải ai cũng có. Giản dị nhưng sao mà cuốn hút đến thế!

“Chuyện xứ LangBiang” đã cho chúng ta thấy một nguồn sức mạnh khổng lồ, có thể đánh bại mọi phép thuật ma quái, đó là tình bạn. Các bạn thấy đó, tuy là những con người ở hai thế giới khác nhau, hai bản chất khác nhau nhưng Nguyên, Kăply và nhóm bạn xứ LangBiang tuy “trói gà không chặt” vẫn cùng nhau vượt qua tất cả. Đã có lúc Kăply tưởng như đã chết nhưng chính tình bạn bất diệt đã đưa cậu sống lại. Bởi vì, tình bạn là điều kì diệu nhất, đáng quý nhất mà mỗi chúng ta có được.

Trương Gia Bách
Lớp 6A4, trường THCS Ngô Sĩ Liên

(Phụ Nữ Thủ Đô, 15-7-2015)
__________________
DẪU BIẾT RẰNG YÊU LÀ ĐAU KHỔ
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 06:27 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters