Trở lại   Thư Quán Đo Đo > TRANG VIẾT CỦA BẠN BÈ > VĂN XUÔI

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 26-10-2009, 05:06 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Nhạc quê (lý lan)

Nhạc quê

Lúc này trời đang mưa, tôi ở trong nhà nghe tiếng mưa rơi thánh thót như trong câu hát của Đặng Thế Phong “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…”, chỉ có điều ở đây, North Carolina, bây giờ còn là mùa hè. Trời nóng như ở Sài Gòn, trên 30 độ C, chiều chiều mây vần vũ, sấm động xa xa, rồi mưa. Nhưng mưa thoáng qua, mong manh. Giọt mưa mơ hồ tích tụ trên những phiến lá sồi xanh đậm thành giọt long lanh rồi mới rơi xuống, thong thả, nhẹ thênh. “Ai nức nở thương đời?” Sao tự nhiên câu hát xưa lơ xưa lắc, không phải bản nhạc yêu thích của mình, mà lại cứ văng vẳng trong đầu?

Tôi nghiệm ra ở trong đầu mình có ít nhất hai bộ nhớ. Một bộ nhớ cái mình cố ý ghi vào bảo nó nhớ, một bộ nhớ những thứ lãng xẹt, nó tự ghi hồi nào mình không biết, chỉ khi nó bật lên trong những tình huống không ngờ, mình bỗng ớ ra, không hiểu sao mình lại nhớ chuyện như vậy, sao lại nhớ thứ như vầy. Bước qua một cột mốc nào đó trong đời người, bộ nhớ “chìm” hình như nổi loạn, cứ thỉnh thoảng trồi lên với những ký ức rõ rệt như hiện thực trước mắt, còn bộ nhớ “chính thống” thì coi bộ muốn về hưu.

Điệu nhạc “dâng sầu lê thê” không biết từ ngóc ngách nào dâng lên mắt tôi khiến nó cay cay. Về âm nhạc tôi học tới đồ rê mi fa son la sí là hết. Ngồi giữa đám bạn bè bàn luận về âm nhạc, tôi chỉ có một đóng góp là nghe. Nếu buộc phải phát biểu ý kiến thì tôi chỉ có hai ý kiến trong mọi trường hợp: thích hay không thích. Mà không phải lúc nào tôi cũng bảo lưu ý kiến. Cũng một bài hát, một giọng ca, có khi tôi thích, bữa khác nghe lại hết thích, và đừng bắt tôi thuyết minh tại sao, mặc dù tôi vẫn âm thầm tự hỏi mình tại sao.

Nhớ người bạn vượt biên hồi năm bảy mươi chín của thế kỷ trước – lại một ký ức trồi lên lãng xẹt – Năm chín mươi bảy tôi đến Mỹ lần đầu, anh đón tôi ở phi trường, lái xe đưa tôi về nhà chơi. Anh vừa mở máy xe thì tiếng nhạc cũng vang lên, nhạc Mỹ, phát từ một đài phát thanh địa phương. Mới gặp lại sau gần hai mươi năm xa cách, cả hai còn dè dặt lời lẽ, nên anh cứ chăm chú lái xe, tôi chăm chú nghe bài hát đệm bằng tiếng đàn ghi ta, giọng người đàn ông có phần nhừa nhựa: “Tôi tự hỏi người có tiếc / những gì chúng ta đã bắt đầu / tôi có người khác ở nơi khác / nhưng tôi vẫn mãi nhớ một người.” Tôi nhận ra đó là bài hát “I still miss someone” của Johnny Cash. Lúc đó tôi tưởng anh bạn cố tình cho máy chơi bản nhạc này để gởi gấm ngụ ý … nhưng kịp nhận ra đó là radio, bài hát ngẫu nhiên mà hợp tình hợp cảnh. Thực ra, nếu lúc đó đài phát một bài hát khác, một bài bất kỳ nào, cũng vẫn có thể hợp tình hợp cảnh, bởi vì đó là chương trình nhạc đồng quê (country music), mà phần lớn chủ đề loại nhạc này nếu không tiếc thương tình lỡ, nuối tiếc dĩ vãng, thì cũng than trách phận nghèo, buồn nỗi cách xa, cô độc.

Đường dài, câu chuyện bắt đầu từ những khúc nhạc quê dần dần trở nên cởi mở vì khơi dậy những kỷ niệm chung. Hồi còn là học sinh, những năm một chín bảy mươi mấy, tụi này thường học tiếng Anh bằng những bài hát đồng quê này, vì lời đơn giản, đặc biệt giọng Johnny Cash hát tự nhiên, chậm rãi, nghe rõ từng lời, dễ hiểu, dễ nhái theo. Nhưng ông thầy dạy Anh văn tụi này có nói: nhạc này “sến”, như nhạc vàng Sài Gòn. Ông còn dặn tụi này là nếu có nói chuyện âm nhạc với tụi Mỹ trí thức thì nói mình nghe nhạc cổ điển, thích Haydn, Bach, Mozart; đó mới là “high brow”, chứ còn country music là nhạc cao bồi, loại “low brow”. Tụi này nghe thầy dạy sao biết vậy, yên trí nhạc cổ điển là cao cấp, còn nhạc quê là bình dân, hạ cấp.

(Ông Mỹ đầu tiên tôi hỏi chuyện về âm nhạc là ông chồng tôi, ông bảo: bây giờ chẳng còn phân biệt cao thấp theo thể loại nữa, nhạc nào hay thì nghe. Thể loại nào cũng có một số tác phẩm xuất sắc và vô số lèng èng hoặc dở ẹt. Nhưng bộ nhớ nổi loạn đang kéo tôi trở lại với thầy bạn cũ.) Anh bạn tôi ngày xưa, cũng giống nhiều sinh viên thuộc thế hệ tôi, thích nhạc Trịnh, và không chịu nổi nhạc vàng, vô quán café mà nghe giọng Duy Khánh, Chế Linh, là anh bỏ ra ngay, có lẽ chưa bao giờ anh nghe lọt tai trọn một bản nhạc vàng nào. Khi câu chuyện nhạc quê dẫn qua nhạc vàng, anh bỗng nói: Hồi mới qua đây, một mình, vừa đi học vừa đi làm, tiền không có, ngày về quê hương mù mịt, gần Tết lái xe trên xa lộ, chung quanh tuyết trắng rợn người, nhớ nhà muốn điên. Nhớ cái Tết cuối cùng anh còn ở nhà, mẹ gom phiếu vải, hai mét một đầu người, đem bán chợ trời để đổi gạo nếp, rồi lấy áo dài của mẹ (hồi xưa đi dạy, mỗi tuần mẹ sắm một áo dài mới) cắt ra may thành áo tết cho mấy đứa con còn nhỏ còn vô tư mong áo mới. Trong tâm trạng đó, chợt nghe câu hát “Bầy trẻ thơ ngây chờ mong anh trai sẽ mang về cho tà áo mới …” mà thắt lòng, nước mắt trào ra không cầm được. (Anh cười khi kể chuyện: hóa ra mình cũng “sến”!).

Hôm thứ bảy đi chợ quê ở đây, nghe loáng thoáng tiếng đàn hát quen quen, tôi nhanh chân đi về phía đó. Một nhóm năm đàn ông và một phụ nữ đàn hát với nhau, tất cả đều già đến nhăn nheo. Chợ quê không đông, nên người đứng nghe họ đàn hát không đếm tới một chục. Nhưng họ vẫn say sưa, niềm vui thích toát ra gương mặt và thân thể. Tôi không chắc là họ đang chơi nhạc gì. Càng không thể nói họ chơi hay hay dở. Tôi chỉ thấy vui. Khung cảnh thanh bình, người ta thoải mái, âm thanh phát từ những cây đàn ghi ta và giọng hát thong thả hòa quyện với nhau. Dĩ nhiên họ không phải nghệ sĩ ca sĩ hạng một, hạng sao, hạng A. Mà mấy bài hát của họ nghe ra lời lẽ chẳng cao siêu gì hết. Những bài tình ca nhẹ nhàng, những tiếc nuối buồn buồn. Vậy mà ông chồng tôi có vẻ xúc động lắm. Và bọn trẻ con đang vô tư chạy tung tăn cách đó một bãi cỏ, chẳng chú ý gì các ông nội bà ngoại, nhưng tôi đoán là bộ nhớ chìm của chúng tự động ghi lấy âm thanh hình ảnh này. Để mai kia mốt nọ, bọn trẻ sẽ trở thành người lớn hoặc ông bà già đó, sẽ lặng người đi , có khi bật khóc, khi ký ức bùng lên lãng xẹt.

Có lần đi coi Bumbershoot ở Seattle, hàng trăm ban nhạc các thể loại và trường phái chia nhau từng khu vực biểu diễn cho hàng chục ngàn khán giả. Nhạc nào cũng có khán giả, nhiều ít khác nhau, nhưng chắc phải hợp tình hợp cảnh người ta mới hát mới nghe. Ai không thích chỗ này thì đi chỗ khác chơi. Tôi đi hết chỗ này tới chỗ kia, chỗ nào cũng thích, nhưng nghe nhóm này biểu diễn một lát rồi đi qua nhóm khác, hơi bị tẩu hỏa nhập ma về âm thanh. Ông chồng bực mình bảo tôi không biết thưởng thức gì cả. Ừ thì tôi không có “gu” , đi coi hội chứ không hẳn đi nghe nhạc, cầu vui mà thôi. Với lại, ở đó đâu có đờn ca tài tử, không ai hát vọng cổ, cũng chẳng hò vè hay hát ru, mà bộ nhớ chìm của tôi dạo này kỳ lắm. Nghe mưa hè mà nhớ giọt mưa thu…

LÝ LAN

(Báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến hoangtube cho bài viết này:
xiunhon (26-10-2009)
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:51 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters