Đọc Kính Vạn Hoa, tôi thấy mình chưa lớn...
Đọc Kính Vạn Hoa, tôi thấy mình chưa lớn...
Từ hồi cấp 1 cấp 2, mình đã nghe nhiều đến bộ truyện Kính Vạn Hoa nhưng không có điều kiện để đọc. Hồi đó mình cũng chưa biết "ông" Nguyễn Nhật Ánh là ai cả. Lên thành phố học ôn thi và học đại học, mình mới nghe đến phim Kính Vạn Hoa, có xem qua ... nửa tập. Mình cũng thấy trên mạng bà con "ca" bộ truyện này lắm. Mình vẫn chưa có đủ kiên nhẫn để vào nhà sách "tụng" nguyên 4-5 cuốn dày cui như vậy, nhất là khi đó (hết cấp 3) mình đã không còn có được hứng thú đọc sách truyện như ngày xưa nữa, khi mà internet cứ... đầu độc mình đủ cách... thậm chí đó là khi mà mình đã "ai-đồ" chú Ánh quá sức rồi!
Mình không xem phim, không đọc truyện. Mình chỉ theo dõi tin tức về bộ phim trên báo mạng: xem các hình ảnh về phần 1, phần 2, xem tin phần 3 đổi diễn viên, xem các diễn viên chính ngoài đời đi học, hát hò, lên mạng, chụp ảnh trên báo, đóng phim... như thế nào... Mình cũng đọc coi người ta, nhất là chú Ánh nói gì về bộ truyện.
Mãi đến gần đây mình mới lên thuvien-ebook down cả bộ ebook về máy và... tụng. Dĩ nhiên vì đã coi qua phim trước khi đọc truyện nên mặt mũi nhân vật trong trí tưởng tượng của mình không thể không "có chút nào liên hệ" với diễn viên trên phim. Vì vậy, lúc bắt đầu đọc Kính Vạn Hoa từ tập 1, trước mắt mình là Hạnh có gương mặt chị Anh Đào, Tiểu Long với dáng điệu của anh Vũ Long, và tất nhiên là Quý Ròm trông chẳng khác gì "anh Ngọc Trai đẹp trai".
Diễn viên đóng vai Tiểu Long thì không có vấn đề gì.
Nhưng...
Nhưng mà chị Anh Đào chắc chắn không phải là Hạnh. Chị Anh Đào còn đóng các phim khác nữa. Chị Anh Đào trông lớn đùng...
Phương Trinh chỉ là bé Diệp một thời gian ngắn thôi. Phương Trinh "già" mau quá mà bé Diệp thì còn lâu mới vậy...
Kim Anh cũng không phải. Hạnh của chú Ánh lên cấp 3 không biết có đeo kính gọng to màu trắng không, nhưng mà Hạnh-trong-tớ nhất quyết là rất giản dị, dịu dàng, chứ không có nhí nhảnh như thế...
"Anh Ngọc Trai đẹp trai" cũng không phải là Quý Ròm! Quý Ròm không có vận đồ bó, để tóc tai thậm thượt, nhảy và hát những bài teen và nhạc trẻ nhố nhăng như thế. Quý Ròm cũng không nhậu nhẹt ăn chơi như thế...
...
Những suy nghĩ trẻ con đó dẫn tới một "quyết định" trẻ con hơn nữa của mình: Tẩy chay phim Kính Vạn Hoa! Không thèm "ai-đồ" diễn viên. Các diễn viên đã phá hỏng hình ảnh nhân vật đáng yêu của mình!
...
Nhưng rồi mình không biết có phải tại mình vừa chỉ xem qua loa có 2-3 tập phim, vừa đọc một lèo trong nửa tháng hết trọn bộ 54 tập truyện hay không, mà dần dần cuối cùng hình ảnh của các diễn viên không còn "ám" mình kiểu đó nữa. Nhất là ở tập 45, tập "tưởng-chót" của bộ truyện, khi chú Ánh đã "lôi tuột các nhân vật của mình từ trang sách ra đời thực", mình đã muốn dừng lại, không đọc tiếp nữa. Lúc đó, mình có cảm giác đọc tiếp hay xem phim tiếp, cảm tưởng sẽ giống như là đang xem các Quý Hồ - Đức Long - Khánh Ly giả mạo, xem các Ngọc Trai - Vũ Long - Anh Đào "giả vờ" làm Quý Ròm - Tiểu Long - Hạnh trên màn ảnh vậy...
Đọc một lúc gần 3MB prc như vậy, dĩ nhiên là mình đọc lướt nhiều. Nhưng tập 45 mình đọc rất kỹ, đọc đi đọc lại, vừa đọc vừa săm soi coi chú Ánh có vô tình để lộ chút thông tin nào về Quý Ròm, Tiểu Long, và nhỏ Hạnh không, địa chỉ trường, hoặc địa chỉ nhà chẳng hạn! Nhưng mà không... Mình biết chú Ánh trong truyện hay thể hiện các nhân vật "tôi" hơi bị... khờ khạo, dễ bị lừa một chút, nhưng mình cũng biết là thật ra chỉ có những nhân vật dễ thương của chú khờ thôi, còn chú, nói theo ngôn ngữ truyện của chú, "khôn thí mồ"!
Chỉ có mình là bị chú í dụ tin rằng Quý Ròm, Tiểu Long và Hạnh là có thật chín-mươi-chín-phẩy-chín-chín-phần-trăm thôi. Từ hồi cấp 1 tập tễnh đọc sách truyện, dù mê tít, mình cũng chưa bao giờ viết thư cho các nhân vật cả. Mình biết là các nhân vật trong truyện làm gì có thật: toàn mấy cô chú anh chị trả lời thư bạn đọc rồi in mấy trang trên báo hoặc sau truyện thôi... Vậy mới biết chú Ánh đúng là "Nhà ảo thuật", là "Nhà Trẻ con học" chứ!
Thậm chí cả cái niềm tin chín-chín-phần-trăm ấy coi bộ còn hấp dẫn hơn cả 100%. Nếu tin một trăm phần trăm thì tức là không có chút nào nghi ngờ, là tin như kiểu ngày nào mình cũng gặp thằng Quý ngoài đầu hẻm vậy. Còn tin chín chín phần trăm tức là tuy tin nhỏ Hạnh đó có thật đấy, nhà nó chắc ở cái chung cư Trần Quốc Thảo mình hay đi học về ngang kia kìa, trường nó chắc là trường Lê Quý Đôn kia kìa, nhưng hoài nghi một chút là không biết nó ở phòng nào, học lớp nào, chưa nhìn được tận mắt nó đem đồ ra ngoài hiên phơi lúc nào thôi! Thậm chí hôm qua ở công viên Tao Đàn, nhìn một đám học sinh vừa đạp xe vừa cười đùa rộn ràng, mình còn chắc chắn là Tiểu Long và Quý Ròm ở trong đám đó nữa...
Và rồi mình biết đó là niềm tin mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cũng như các nhà văn viết cho thiếu nhi khác muốn tặng những độc giả nhỏ tuổi, niềm tin vào những điều kỳ diệu có thể được tạo nên từ những điều giản dị nhất. Mỗi cậu bé ốm ốm nhanh nhẹn mình gặp mỗi ngày có thể là một Quý Ròm “thần đồng”, mỗi cô nữ sinh kính cận hiền hiền có thể là một nhỏ Hạnh thông thái… Mỗi em có thể dễ dàng tìm thấy mình trong mỗi nhân vật, có thể tưởng tượng mình chính là Quý chuyên “phổ thơ” công thức cho dễ học, là Tiểu Long thương em, là Văn Châu cá tính, là thằng Mạnh mê trinh thám, là Dưỡng thích “tra tấn” người nghe bằng giọng hát “khủng khiếp” của mình một cách rất tự nhiên, là “nhà thơ” Lan Kiều đi làm “quân sư quạt mo” cho các “cặp” trong lớp… là những học trò có thể thật nghịch ngợm, nhưng lại thật hồn nhiên, cố gắng làm những việc tốt nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Chú Ánh đã xây dựng nên những nhân vật đó bằng lời văn, để góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn các em. Chú Minh Chung, chú Phú Hải cố gắng chuyển tải những nội dung từ trang sách của chú Ánh lên màn ảnh, cũng không ngoài mục đích đó. Các chú không quản việc “các cháu” lớn lên thế nào sau khi đọc truyện và xem phim của các chú, càng không quản việc “các cháu” ra đời như thế nào sau khi đóng phim của mình.
Mình không có quyền và cũng không muốn xét đoán hành vi của các diễn viên nữa. Mình không còn ám ảnh kiểu: Tại sao các bạn lại “phá hỏng hình ảnh tuổi thơ đẹp đẽ” mà tụi mình đã vô cùng yêu quý… vân vân và vân vân… Ừ, mình cũng đang độ tuổi của họ chứ đâu... Mình thấy mình đã qua cái tuổi trẻ con rồi mà vẫn chưa lớn được. Đó là lý do mình… tiếp tục tìm đọc những cuốn khác của “ai-đồ” của mình: CTXMVĐTT, TLBT, TTHVTCX… khi rụt rè bước chân vào đời.
Và như cũng khá nhiều bạn đọc trung thành của nhà văn dễ thương của mình, mình muốn nói lời cảm ơn tới chú Ánh, đã viết ra những tác phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành nhân cách của các em nhỏ và bạn trẻ (trong đó dĩ nhiên là có mình!).
Chú Ánh ơi, cháu đã và đang học lớn lên, học vào đời từ những câu chuyện của chú đấy!
UY SA
__________________
A grain of Sand, learning to L♥ve
|