Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ CÁC TÁC GIẢ TRONG THƯ QUÁN ĐO ĐO > AI ĐANG LÀM GÌ?

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 24-07-2009, 09:15 AM
Avatar của bachkylan
bachkylan bachkylan đang ẩn
Administrator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 243
Cảm ơn: 5
Được cảm ơn 86 lần cho 51 bài viết
Mặc định Tuổi hườm hườm (khuất đẩu)

Tuổi hườm hườm
(Đọc Gió heo may đã về và Già ơi, chào bạn! của Đỗ Hồng Ngọc)


[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/dohongngoc1.jpg[/IMGL] Người đặt tên hườm hườm cho lứa tuổi ngũ thập tri thiên mệnh này là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Một cái tên rất thơm mùi cây trái. Ai chưa tới tuổi thì thấy bắt thèm. Như trông thấy một trái đu đủ da xanh ngắt nhưng đã ửng những vệt vàng như nắng. Ai đã tới tuổi rồi thì thấy mình quả là đường bệ giàu sang. Bỡi cả một khối hồng đào ngọt lịm đang chờ những đôi môi ướt át và những hàm răng trắng nhỏ.
Anh hườm hườm!
Em hườm hườm!
Trời ạ, tuổi này mà không yêu nhau đi thì còn chờ gì nữa!
Yêu nhau cho dù có rối loạn cương dương hay thất kinh bối rối.
Đó là nhìn người, hiểu người theo con mắt bác sĩ.

Nhưng, anh còn là thi sĩ, nên anh gọi cái tuổi hồi xuân ấy là tuổi khi gió chớm heo may về. Hơi buồn, hơi se lạnh. Nhưng thơ mộng và đẹp. Bỡi vì những người chớm già, ai cũng đã leo lên tới chóp đỉnh của đời mình. Có cuộc đời như một ngọn đồi nhỏ. Có cuộc đời như trái núi khổng lồ. Dù cao dù thấp, chính ta cũng đã vượt lên chính ta.

[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/dohongngoc2.jpg[/IMGL]Nhưng khổ thay, thời gian không cho phép ta đứng lại. Ai lên tới đỉnh rồi cũng phải đi xuống. Mà buồn hơn là đi xuống một mình. Rất chóng mặt, rất dễ ngã. Phải chi trở lại con đường xưa, tức là đi ngược về tuổi nhỏ thì chẳng cần chi đến Chúa và Phật, con người cũng dễ dàng tìm ra Thiên đường hay Niết bàn. Trước mặt những ông hườm hườm, những bà đang chín tới là tuổi già quạnh hiu và sau cùng là cái chết.
Nên sợ. Rồi sợ sinh lo. Lo sinh buồn. Buồn sinh cáu gắt. Cáu gắt sinh cãi nhau! Cãi nhau sinh xa nhau!
Lo già! Sợ già! Đó chính là cái tâm bệnh cố hữu của mỗi con người. Khi viết gió heo may đã về, tôi tin tác giả trước hết viết cho chính mình, rồi viết cho người bạn trăm năm. Và khi in cho bạn bè cho độc già là lúc cả hai đã hết bệnh, đã thơ thới hân hoan cùng đi xuống núi cho dù là không dắt tay nhau. Đó là lúc chàng reo lên anh hườm hườm và nàng đáp lại em cũng hườm hườm một cách đầy tự tin.
Tin rằng mình sắp già, nhưng già ngon, như trái đu đủ sắp chín chứ không phải như chiếc lá vàng sắp lìa cành! Tự tin như thế nên mới reo lên: GIÀ ƠI, CHÀO BẠN!
Già đây không phải là những ông bạn già chiều chiều ngồi lai rai vài xị, mà là tuổi già. Trừ cái tuổi già tự mình tiếp sức bằng đủ món ăn chơi gọi là già háp và cũng không phải cái già sồng sộc mất dạy cứ theo chọc phá những người đẹp bề bộn công việc mà quên lấy chồng, tuổi già mà anh đón đợi và mong mọi người cũng đón chào như anh, là cái tuổi già tự nhiên như trái cây đã hườm hườm là phải chín. Chín mà tươi rói chứ không phải giú ép hay chín nục chín nẫu.

[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/dohongngoc3.jpg[/IMGL] Anh không ưa cái cách những người cao tuổi hô khẩu hiệu: Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Anh chỉ muốn ta bằng lòng với một thân thể hơi xộc xệch, chịu đựng một vài tật bệnh nho nhỏ để đôi lúc có thể nũng nịu với bà vợ già (hay chồng già), đôi khi dắt nhau đến một quán cà phê cũ ngắm hoa súng hay hoa phượng hiếm hoi trong thành phố, nghe một bản nhạc bị lớp trẻ bỏ quên, rồi ăn một tô bún thay cơm chiều mất chỉ vài ngàn… Muốn vậy, theo anh là phải bình tĩnh và đừng có nghe lời những lang băm và lang không băm để chuốc lấy những bệnh “dô diên”. Đó là bệnh ưa dùng quá nhiều thuốc, bệnh ưa xét nghiệm, bệnh làm ầm ĩ để bắt con cháu đưa tới nhà thương. Bỡi vì, từ bệnh dô diên đến chết dô diên chỉ có nửa bước.
Lại nữa, phải biết tự giễu cợt mình đôi chút. Rằng ước gì như Nguyễn Công Trứ gót sen đủng đỉnh một đôi dì hay đến chín mươi tuổi vẫn còn yêu và được yêu!
Cái cách bàn chuyện của anh giống mấy ông già Nam bộ. Tiếu lâm, hóm hỉnh, nói dzậy mà không phải dzậy. Chẳng có gì cao siêu, cũng chẳng có chi mới lạ, mà sao nghe vui vui nếu không muốn nói nhiều lúc thấy “đã”. Đọc anh, tôi bỗng nhớ tới ông già Liêu Trai. Những con ma chồn tuy có làm ta sờ sợ nhưng vẫn cứ thinh thích. Nhưng, chuyện thuốc men, chuyện tuổi tác sao nghe một hồi, đứng dậy lại quên tuốt. Bao nhiêu lời hù dọa, bao nhiêu bài tập bay mất tiêu. Chỉ mỗi cái cười là còn đọng lại trên môi.
Cái cười còn đọng lại ấy chính là điều trân quý nhất mà tác giả muốn gửi tặng.

[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/dohongngoc4.JPG[/IMGL] Ăn nói có duyên, khám bệnh ngọt ngào như dụ dỗ khám cho bé con, nên trừ những ai già cúp bình thiết mắt kém tai ù, chứ còn đọc được hay nghe được đều thấy anh như một ông hàng xóm mau mắn, tốt bụng, dễ gần, dễ mến, nhất là quý bà mang chữ kiều mà không phải nàng Kiều.
Anh là một bác sĩ tài hoa. Cứ xem bức tự họa của anh với mớ tóc quăn như dăm bào, hay những tranh minh họa do tự tay anh vẽ ngộ nghĩnh không thua gì tranh của S.Exupéry trong Hoàng Tử Bé, ta thấy tiếc là nền hội họa của các thầy thuốc Việt Nam thiếu mất một cây cọ.
Một cây cọ hài hước nghịch ngợm rất đáng yêu.
Trong gần hai thập kỷ qua, nhiều người đọc anh cũng đã phải xếp sách lại mà chào từ biệt cuộc đời, nhưng trước đó ai cũng thầm cảm ơn anh đã giúp họ làm bạn với tuổi già một cách đề huề đằm thắm.
Sợ rằng không kịp, tôi cũng viết bài này gửi trước tới anh như một lời cảm ơn.

14/7/2009
KHUẤT ĐẨU
(Theo www.dohongngoc.com)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên bachkylan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:29 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters