Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 11-07-2009, 04:22 PM
Avatar của bachkylan
bachkylan bachkylan đang ẩn
Administrator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 243
Cảm ơn: 5
Được cảm ơn 86 lần cho 51 bài viết
Mặc định Người Quảng đi ăn mì Quảng - không chỉ bàn chuyện ăn uống! (lã thị bắc lý)

“Người Quảng đi ăn mì Quảng” (*)
Không chỉ bàn chuyện ăn uống!


[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/nnhatanh.jpg[/IMGL] 1. Nhân chuyến ra công tác ở Hà Nội, Nguyễn Nhật Ánh đem tặng tôi cuốn sách “mới coóng”, Người Quảng đi ăn mì Quảng, với câu nói hóm hỉnh: “Vừa ra lò đó, chưa phát hành đâu!”.

Nhìn bát mì đang nghi ngút bốc khói trên bìa sách lại nhớ ngày nào vào thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Nhật Ánh rủ tôi đến quán Đo Đo của anh ăn mì Quảng. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến thứ mì đặc sản Quảng Nam này nhưng thú thật, hôm ấy tôi thưởng thức Nguyễn Nhật Ánh ăn mì nhiều hơn là thưởng thức món mì “hàng đầu thế giới” như lời quảng cáo của anh! Tôi bỏ lại một nửa bát mì vì không hợp khẩu vị và ngậm ngùi ôm bụng đói ra sân bay.

Thế mà lạ thay, lên Tây Nguyên, khi ăn món mì “hàng đầu thế giới” ấy, tôi lại thấy ngon và cứ thắc mắc mãi, mì Quảng sao không giống mì Quảng? Đúng hơn là bát mì Quảng tôi ăn ở Tây Nguyên không giống như bát mì Quảng tôi ăn ở Sài Gòn(!). Tôi dự định khi nào gặp Nguyễn Nhật Ánh sẽ hỏi chuyện này nhưng rồi tôi quên bẵng đi như thể chưa ăn hai bát mì ấy bao giờ...

2. Tôi tìm ngay bài viết Người Quảng đi ăn mì Quảng đọc trước. Tên bài trùng với tên sách, hẳn tác giả phải trút gửi tâm tình ở đây. Quả thật Nguyễn Nhật Ánh không khỏi làm tôi ngạc nhiên. Anh viết về món ăn quê mình mà như viết về một kỳ quan văn hóa, bình về món ăn mà lại thể hiện cốt cách con người: con người Quảng Nam với văn hóa ẩm thực, văn hóa thưởng thức và giữ gìn “bản sắc quê hương”. Đây là cái “hồn” của người Quảng được anh thể hiện thật giản dị và tinh tế: “Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng... Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bẻ một miếng bánh tráng hay cắn một miếng ớt là biết bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí. Người Quảng ăn mì Quảng bằng cả tấm lòng, bằng kỷ niệm...”.

Trong văn học Việt Nam, trước đây và cả bây giờ, có biết bao món ăn đã đi vào trang viết, sang trọng như phở, bún thang Hà Nội; dân dã như bánh trái quà quê... và biết bao nhà văn đã từng nâng niu bình về các món ăn ấy nhưng không ai khu biệt cái riêng của đặc sản quê mình kiểu bo bo “sở hữu riêng” như Nguyễn Nhật Ánh. Và có lẽ cũng chính vì thế mà anh đã không ngần ngại đặt món mì lên ngang hàng với “người tình”, dẫu là người tình trong kỷ niệm.

Đây là cách anh miêu tả người Quảng đi ăn mì Quảng: “Họ bước vào quán mì Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức, phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ...”. Nguyễn Nhật Ánh đã nâng món ăn vật chất lên ngang tầm một giá trị tinh thần; nâng cái vốn có thể đo đếm được thành cái phi vật thể, cái vô giá. Nghe có vẻ buồn cười nhưng thật triết lý bởi không có một giá trị tinh thần nào lại không có một cơ sở hạ tầng là vật chất quyết định, một món ăn - vật chất sẽ trở thành văn hóa của một vùng, một dân tộc khi món ăn đó “có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ...”.

Mới hay, hiểu được một món ăn cũng khó như hiểu về một con người, hiểu về một vùng đất vậy.

[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/nqdamq.jpg[/IMGL] 3. Tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ luận bàn về mì Quảng. Anh nói đủ mọi thứ trên trời dưới bể. Từ món ăn đến thư pháp, từ sân khấu đến điện ảnh, từ chuyện ở nhà đến chuyện cơ quan, từ chuyện siêu thị đến chuyện phố xá, từ chuyện Sài Gòn đến chuyện miền Tây... Anh luận bàn đủ thứ: từ lớn đến nhỏ, từ đồ giả đến cuộc náo loạn Hollywood, từ quạt Cophaco đến quạt Ba Tiêu... Anh cũng thích đủ mọi thứ: từ thú đọc quảng cáo đến nghe cải lương bên sông Tiền, từ xem bóng đá đến ngắm hoa đào trong tranh, rồi “chat”... Rồi buồn và nuối tiếc những kỷ niệm xưa như Chia tay buổi chiều, Sách của một thời, Buồn gì đâu...

Anh trò chuyện với đủ mọi người: từ gã họ Đỗ ở báo Sài Gòn Tiếp Thị đến các bạn đọc nhí của tờ Mực Tím, từ chị trông giữ xe đến những người hàng xóm, bà cụ bán nước, từ cô con gái nhỏ trong nhà đến những em bé chẳng hề quen... lang thang trong những kiếp người... Đọc hết, mới thấy một Nguyễn Nhật Ánh thật ân tình và tỉ mỉ. Hóa ra những cuộc trò chuyện của anh cứ tưởng là tầm phào thế mà đầy triết lý. Anh không bàng quan, không thờ ơ với cuộc sống mà nặng lòng với hết thảy. Sau mỗi cuộc chuyện trò, cho dù đó là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, bao giờ anh cũng phát hiện ra một điều gì đấy - cái điều mà chính anh cũng thấy bất ngờ, thú vị.

Nói chuyện với “Cô bé Xỉu Quầy”, anh ngạc nhiên phát hiện ra rằng cô bé người Hoa ấy nói tiếng Việt thật “sáng sủa, khúc triết và phát âm không hề lơ lớ”. Và, chỉ một điều nhỏ đó thôi cũng đủ làm cho anh “cảm động nhớ đến những cây bút người Hoa đã dốc tâm tình góp vào nền văn học của một đất nước đã trở thành xứ sở”. Hay sau chuyến đi miền Tây trở về thành phố, anh bỗng chạnh lòng “áy náy về tâm lý thờ ơ, cũng như sự thiếu thấu hiểu về hoàn cảnh sống” của bà con vùng miệt vườn, nghèo khó mà nặng nghĩa, nặng tình...

Dường như Nguyễn Nhật Ánh đã phát hiện ra một thứ ánh sáng, đó là ánh sáng của tình người, cho dù rất nhỏ nhoi, nhỏ như đầu que diêm phát ra trong đêm Giáng sinh trong truyện cổ tích của Anđecxen nhưng chính nó lại soi rọi làm cho tâm hồn con người ta có thể bớt đi sự khô cằn giữa “phố xá ngổn ngang” và giữa sự trần trụi trong “ngôn ngữ của chat”...

4.
Cuối cùng thì anh phát hiện ra chính mình: một Nguyễn Nhật Ánh đầy tâm tư, tỉ mẩn đi nhặt nhạnh và lưu giữ những kỷ niệm của một thời - cái thời “anh còn là một chàng trai trẻ, độc thân, vui tính...” (Những mùa World Cup); thời sinh viên kham khổ mà anh có thể “nhịn ăn để chắt chiu từng đồng mua sách báo...” (Sách của một thời); thời lãng mạn của những phong linh, những buổi chiều và những cuộc hẹn hò “ấm áp trong mưa”...

Thật thú vị, khi tôi đang đọc cuốn sách này thì ở bàn bên, mọi người cùng đang nâng cốc chúc mừng Nguyễn Nhật Ánh tròn 50 tuổi. Anh đã lẩm cẩm rồi chăng khi đi tìm lại mình trong quá khứ? Gọi thế nào cũng được, nhưng cái điều anh phát hiện ra khi trở về quá khứ, gặp lại những kỷ niệm thì thật đáng quý, bởi “nếu như không có chúng, cuộc đời ta bỗng hóa ra buồn tênh, trống rỗng” (Sách của một thời).

Nhưng phát hiện quan trọng nhất đối với Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là “lần đầu tiên anh biết có một điều còn quan trọng hơn bóng đá: giấc ngủ bình yên của trẻ thơ”, và “lần thứ hai anh biết có điều quan trọng hơn bóng đá: nỗi buồn của trẻ thơ” (Những mùa World Cup). Hai phát hiện này thực ra cũng chỉ là một, đó là sự nâng niu, sự trân trọng trẻ thơ - những Thiên sứ của cuộc đời. Phải chăng đây cũng là một lý do để giải thích vì sao anh đã trở thành nhà văn yêu quý của các em?

5.
Tạp văn là nói đủ mọi thứ chuyện, với đủ mọi giọng điệu. Xưa nay tôi quen đọc Nguyễn Nhật Ánh viết cho học trò với giọng hóm hỉnh, tinh nghịch; giọng đùa vui, giễu nhại; đôi khi khoa trương, cường điệu... Các giọng ấy vẫn còn in đậm nét trong tạp văn của anh, kể cả khi anh bàn về những chuyện thật nghiêm túc như chuyện chữ nghĩa (Bắt đầu từ những con chữ) nhưng bao trùm trong Người Quảng đi ăn mì Quảng là giọng suy tư, ngẫm nghĩ. Anh ngẫm về cuộc đời, ngẫm về mọi người xung quanh và ngẫm về chính bản thân mình. Đôi khi anh tự đặt câu hỏi: “Thế là làm sao?” (Khi nhà không có đàn ông)... Và đôi khi anh cũng phải tự than lên: “Buồn gì đâu!” (Buồn gì đâu), “Ôi, xa lắc rồi ca dao!” (Từ quạt Cophaco đến quạt Ba Tiêu), “Chắc họ hạnh phúc biết bao!” (Lại chuyện miền Tây), “Lạy trời!” (Một chuyện trong nhà)...

Quả là đọc tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh mới hiểu thêm một phương diện nữa về cây bút của anh, cũng như con người anh.

TS. LÃ THỊ BẮC LÝ, nhà nghiên cứu văn học

(Tuần san Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy 20/5/ 2005)


________________________

(*) Người Quảng đi ăn mì Quảng, tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ, 3-2005.
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên bachkylan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:53 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters