Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 14-07-2009, 04:15 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Trong làng văn có một "thầy phù thủy" (lê thị mỹ ý)

Trong làng văn có một "thầy phù thủy"


Nhiều nhà văn có khả năng “ xiếc” chữ, sai khiến ngôn ngữ và đạo diễn từ đầu đến cuối cuộc đời của các nhân vật chẳng khác gì phù thủy cưỡi chổi trong các chuyện cổ tích. Nhưng giữa làng văn Việt Nam hiện đại, có một thầy phù thủy không chỉ giỏi về ngôn ngữ, anh còn là một “chuyên gia đặc biệt” về tâm lý thiếu nhi. Anh không phải là người viết truyện cho thiếu nhi, mà thực sự đã sống với thế giới của các em như chính các em vậy. Nhà văn nào có thể tạo ra thế giới Việt Nam huyền ảo và làm các em thiếu nhi say mê trong thời buổi các trò chơi và truyện tranh Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường đến vậy? Chỉ có thể là Nguyễn Nhật Ánh…

Nói như vậy, e sẽ làm “động lòng” các bậc tiền bối mà tên tuổi của họ đã gắn liền với phần văn học thiếu nhi. Nhưng quả cũng chẳng có gì quá đáng lắm khi liên tiếp mấy năm gần đây, những tác phẩm xuất bản với số lượng khổng lồ (so với tình hình xuất bản tác phẩm văn học nước nhà nói chung) và tốc độ sách bán chạy như… tôm tươi của Nguyễn Nhật Ánh đã là một sự thực minh chứng cho điều đó. Độc giả đã từng biết đến anh với tư cách là tác giả của những cuốn truyện “gối đầu giường” của các em thiếu nhi, học sinh, các thiếu nữ tuổi teen như “Thằng quỷ nhỏ” (truyện dài – 1990), “Hoa hồng xứ khác” (truyện dài – 1991), “Bồ câu không đưa thư” (truyện dài – 1993), “Trại hoa vàng” (truyện dài – 1994)… và gần đây là bộ truyện dài nhiều tập “Kính vạn hoa”. Một bộ sách liên hoàn hơn 50 tập mà mỗi tập là một màu sắc óng ánh, phản ánh cuộc sống linh hoạt của các em, một cuộc sống bình thường nhưng chứa bao điều mới mẻ trong các mối quan hệ với bố mẹ, trò đối với thầy và trong thế giới “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Có lẽ việc chọn một đề tài giản dị về chính đối tượng độc giả quen thuộc của anh và một lối viết cũng giản dị, nhưng sâu sắc và đáng yêu không kém là hai nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự thành công vang dội của bộ truyện nhiều tập này. Nghe đâu (xin lưu ý chỉ là “nghe đâu”), với “Kính vạn hoa”, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành tác giả có đầu sách được xuất bản với với số lượng lớn nhất của Nhà xuất bản Kim Đồng. Và Kim Đồng cũng đã trả cho anh một số tiền nhuận bút mức… kỷ lục so với nhuận bút của các tác giả cùng in sách ở đó. Điều đó cũng thật dễ hiểu. Thành công của bộ truyện với một “chất lượng” đáng nể đã dẫn đến số lượng in, khả năng tái bản cao, đương nhiên nhuận bút cũng tỉ lệ thuận. Còn một điều có thật… 100%, là vào năm 1998, Nhà xuất bản Kim Đồng đã chính thức trao giải cho Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn có sách bán chạy nhất.

Điều có lẽ ít ai để ý về nhà văn gốc Quảng Nam có nụ cười hiền lành, hom hóm này là anh cũng rất “có máu” làm thơ. Nguyễn Nhật Ánh khởi nghiệp thơ từ năm 1968, lúc 13 tuổi với một bài thơ được đăng báo. Năm 1984 anh in tập thơ đầu tiên “Thành phố tháng tư” tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới (in chung với Lê Thị Kim). Một năm sau đó anh bắt đầu viết truyện thiếu nhi và được mọi người biết đến trong vai trò cây văn xuôi đặc biệt có duyên. Tuy nhiên, nặng nợ với thơ, từ đó đến nay, anh vẫn “lai rai” cho ra đời 4 tập thơ nữa. “Tứ tuyệt cho nàng” là một trong những tập thơ được chú ý vào năm 1994. Cũng vào năm này, với 2 tập thơ “Tứ tuyệt cho nàng” và “Lễ hội của đêm đen”, bạn đọc báo Người Lao Động đã bầu chọn Nguyễn Nhật Ánh là nhà thơ được yêu thích nhất trong năm.

Những “duyên nợ” không làm Nguyễn Nhật Ánh sao nhãng hay băn khoăn chọn thơ hoặc văn. Cái hay của anh là viết văn một cách đều đặn, viết với một sự tự tin mạnh mẽ đến mức không ít người gọi anh là gã “điếc không sợ súng”. Bởi người ta cho rằng những tác phẩm dành cho tuối teen mà anh viết ra không biết có nên xếp nó vào hàng văn học chính thống hay không. Tôi biết không ít bạn bè của Nguyễn Nhật Ánh, những nhà văn có suy nghĩ nghiêm túc thì lại nhìn nhận khác. Viết truyện cho thiếu nhi hình như rất khó, khó chẳng kém gì viết truyện cho người lớn, thậm chí có khi còn khó hơn. Ta phải “sống lại” trong tâm lý nhân vật là những đứa trẻ, sống thật và hồn nhiên, suy nghĩ, diễn biến tình cảm như một đứa trẻ mới có thể viết ra những dòng văn hay và cuốn hút được những độc giả tinh tường, nhạy cảm đến khó tính này. Thử xem, trong văn học thế giới, có mấy tác phẩm viết với một tâm hồn trẻ thơ trong sáng mà sâu sắc lại tồn tại được mãi. Người ta chỉ nhớ đến “Hoàng tử bé” hay “Con lừa và tôi”, “Những ngôi sao xanh”… Còn trong văn học Việt Nam, cũng có lẽ vì vậy mà các nhà văn viết cho thiếu nhi hiếm hoi lắm. Mãi vẫn chỉ tồn tại mỗi anh Dế Mèn của cụ Tô Hoài là đã được tôi luyện qua thời gian. Một số bài thơ của Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ, Nguyễn Hoàng Sơn, truyện ngắn mong manh và đẹp của nhà văn Trần Thiên Hương, Lê Phương Liên… Và hình như những gì mà các em thiếu nhi nhớ nhất hiện nay, nếu không phải “Đô rê mon”, “Bảy viên ngọc rồng”, “Harry Porter”… thì đó chính là những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh.

Cho đến lúc này, khi theo dõi bộ truyện mới “Chuyện xứ Lang Biang”, bộ truyện có hơi hướng phù thủy theo kiểu made in Việt Nam đang thu hút độc giả nhỏ tuổi, tôi lại muốn khẳng định thêm một lần nữa rằng: Nguyễn Nhật Ánh quả là một thầy phù thủy tài ba. Thầy phù thủy ấy, với cây đũa vàng là ngòi bút của mình, đã nắm bắt và mổ xẻ tâm lý thiếu nhi như chính tâm lý mà chúng ta đã từng trải qua thời niên thiếu. Trải qua rồi mà viết lại được cũng nào có mấy ai? Hơn thế, trong sự nắm bắt và sáng tạo của Nguyễn Nhật Ánh, không thể chối bỏ sự công phu và cách viết hiện đại, gần gũi với xu hướng, thị hiếu hiện đại khiến các em ưa thích. Đó cũng là một trong những ưu điểm hiếm có của anh. Bộ truyện có màu sắc phép thuật, nhưng mang đậm âm hưởng Việt Nam với những cái tên như K’Tul, K’Tub, Ka Ming, Đam Pao, Kan Tô… xuất xứ từ Tây Nguyên này đã được hâm mộ, nhưng lại không hề lẫn giữa những “Sabrina – cô phù thủy nhỏ”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn”… Với “Chuyện xứ Lang Biang”, một lần nữa cái tên Nguyễn Nhật Ánh lại được khắc vào tâm trí các em nhỏ.

Tôi chưa có dịp nào trò chuyện lâu với Nguyễn Nhật Ánh, mặc dù thi thoảng anh vẫn đi về giữa hai miền Nam Bắc để lo cho những “đứa con” được ra đời, nên cứ mãi ấp ủ trong lòng một băn khoăn khá… vơ vẩn: không biết giữa thơ và văn, anh yêu thích và muốn sống hết mình với lĩnh vực nào hơn? Tự ấp ủ một câu hỏi thế thôi, nhưng nhìn vào cái gia tài đồ sộ đầy những tác phẩm của anh, tôi biết rằng với lĩnh vực nào Nguyễn Nhật Ánh cũng đã là thầy phù thủy “phù phép” hết mình. Tất cả mọi phép màu của sáng tạo bản thân, anh đã dồn vào đó cả. Bởi vậy mới có một Nguyễn Nhật Ánh - thơ, trong lòng bạn bè cùng tuổi anh và những “người lớn”. Cũng bởi vậy, mới có một Nguyễn Nhật Ánh - văn, trong tâm hồn đáng yêu của những người bạn nhỏ mà anh đã chứng tỏ sự quan tâm hết mình. Anh vẫn làm báo, vẫn liên tiếp viết, vẫn thường xuyên lang thang trong thế giới phù thủy mà mình đã tạo ra cho các em. Đó là một trong những cách sống, cách viết đẹp nhất mà các nhà văn nghiêm túc và có phẩm cách lựa chọn. Và như vậy, sự lựa chọn của anh hẳn đã có ý nghĩa hơn nhiều điều khác nữa?


LÊ THỊ MỸ Ý, nhà thơ

(Báo Đời sống gia đình số 5 (281)

__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
 

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 01:42 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters