Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 07-10-2016, 07:19 PM
Avatar của Akô Nô
Akô Nô Akô Nô đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 480
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 22 lần cho 18 bài viết
Mặc định Từ trường của Nguyễn Nhật Ánh (lê hồng lâm)

Từ trường của Nguyễn Nhật Ánh

Hạ đỏ có chàng đến hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?


Tôi thích hai câu thơ này trích từ bài "Tình sầu" của Huyền Kiêu mà Nguyễn Nhật Ánh mượn làm lời đề từ của cuốn truyện dài "Hạ đỏ". Thậm chí, nó cũng có thể mượn để làm lời đề từ cho bất cứ cuốn truyện dài nào của anh, đặc biệt về những câu chuyện về đề tài tình đầu, những câu chuyện đọc xong rồi cứ buồn thương vương vấn, về những đứa trẻ cùng lớn lên ở một cái làng quê nghèo xa ngái đâu đó ở miền Trung, của những cậu chàng mới lớn loay hoay ôm ấp mối tình đầu tổn thương của mình, khi cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đem lòng yêu kẻ khác, nên cứ thế ôm một mối tình đơn phương vô vọng...

Đã có thời tôi mê Nguyễn Nhật Ánh như điếu đổ. Thời học cấp 3 ở ngôi trường làng quê tôi. Cứ một lần vô Đông Hà, Huế ôm một cục tiền để đi lấy hàng cho mẹ tôi, việc đầu tiên mà tôi đặt chân đến thành phố là chạy xuôi về mạn đường Chi Lăng ở Huế, lùng cho bằng được những cuốn sách cũ của Nguyễn Nhật Ánh, mang về đóng gáy cẩn thận rồi mới đọc và nâng niu đặt lên giá sách. Thời báo Mực Tím hay đăng truyện dài kỳ kiểu feuilleton, tôi cứ chờ đợi mỗi thứ 5 hàng tuần tờ báo tôi đặt dài kỳ được gửi đến lớp và đọc ngốn ngấu truyện dài "Trại hoa vàng" rồi về nhà xếp chồng lại, nâng niu như một báu vật.

Tôi đọc không sót một truyện nào của anh, cho đến năm lớp 12, khi tôi được tiếp cận với tủ sách văn chương của ông thầy giáo dạy văn cấp 3. Ở đó có "Đất vỡ hoang" của Mikhail Sholokhov, có truyện ngắn của Chekhov, có "Đỏ và đen" của Stendhal…; tôi bắt đầu được tiếp cận với một thứ văn chương sâu sắc hơn, phức tạp hơn, những nhân vật nhiều chiều và tối tăm hơn…; tôi bỏ rơi đống sách Nguyễn Nhật Ánh ở nhà y hệt như con Hà Lan bỏ rơi thằng Ngạn và cái làng Đo Đo nghèo khó để chạy theo thằng Dũng ăn chơi lõi đời và ánh đèn rực rỡ của thành phố. Rồi tôi ra Hà Nội học, sách mang theo có mấy cuốn văn chương nước ngoài, đống sách của Nguyễn Nhật Ánh và đống báo Mực Tím cũ, tôi gom lại một thùng, cho lên trần nhà nằm với mạng nhện trên đó.

Mười mấy năm đi học đại học rồi đi làm, tôi đọc thêm rất nhiều tác giả, tây ta đủ cả, nhưng hầu như không đọc thêm bất cứ cuốn truyện dài nào của Nguyễn Nhật Ánh anh viết sau này. Một trong những nhà văn mà tôi đọc kỹ nhất là ông Haruki Murakami, gần như không sót cuốn nào, khi bắt đầu bị cuốn vào thế giới của tình yêu, nỗi buồn, cái chết và sự đơn độc đến vỡ vụn của những nhân vật đang bắt đầu bước vào thế giới người lớn của "Rừng Na Uy". Tôi cho rằng đây là cuốn nên đọc đầu tiên trước khi bước vào thế giới của Murakami. Nó giúp ta giải phóng thế giới bên trong, nó giúp ta phá bỏ những định kiến về tình dục, nó giúp ta tìm kiếm niềm vui và sự nương tựa ngay cả khi ta ở một mình. Đọc Murakami giúp ta nhận ra, chẳng có ai làm bạn với ta tốt hơn ta cả. Ông dựng nên một thế giới của những nhân vật cô đơn nhưng không cô độc, vì họ luôn biết cách để làm bạn với mình. Họ thất nghiệp ở nhà và tận hưởng cuộc sống không bị áp lực, họ chơi với mèo, nghe nhạc cổ điển, nhạc jazz, tự luộc mì spaghetti nấu ăn một mình, lâu lâu chui xuống giếng ngồi, cho đến khi họ nhận được một… mệnh lệnh từ một nhân vật bí ẩn nào đó, và bắt đầu bước vào một cuộc phiêu lưu đầy siêu thực chạy song song với thế giới rất thực bên ngoài.

Đọc Murakami rất hấp dẫn, dù nó có lặp lại hay bắt đầu nhàm chán đi nữa. Bởi trước hết, ông ta là một storyteller tài giỏi, y như nàng Scheherazade trong "Nghìn lẻ một đêm", luôn khiến ta háo hức chờ đợi. Một người có một cách tiếp cận văn chương, một cách đọc khác biệt. Với một đứa thiên quá nhiều về cảm xúc như tôi, nhà văn trước hết phải là người kể chuyện giỏi, kể làm sao đọc bị hút vào, không rứt ra được. Nhưng sau cảm xúc, tôi là một đứa thích phản biện lại chính mình và muốn tìm những cái đằng sau lớp vỏ cảm xúc đôi khi dễ bị đánh lừa. Một nhà văn giỏi, sau khi kể giỏi rồi thì phải có tài thao túng độc giả, phải có nghệ thuật dẫn dụ để bị cuốn vào không thoát ra được. Ông Haruki Murakami có tất cả những phẩm chất này. Ông cũng là người giỏi về nhịp và cấu trúc, cho dù ông có lặp đi lặp lại một motif đi chăng nữa, ông ta vẫn có cách để chinh phục tôi. Tôi tin mỗi người viết giỏi luôn tỏa ra một từ trường để lôi kéo độc giả về phía mình. Một thứ từ trường vô hình mà có sức mạnh kết nối như thứ nam châm hút sắt.

Có Haruki Murakami làm bạn, tôi càng rời xa ông bạn cũ Nguyễn Nhật Ánh, người một thời là ông bạn tinh thần của tôi ở ngôi trường làng mơ mộng. Cho đến ngày chuẩn bị đi xem "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", tôi muốn đọc tiểu thuyết trước để xem Victor Vũ chuyển thể như thế nào. Và thế là một buổi tối, chỉ trong 3, 4 tiếng đồng hồ, tôi đọc một lèo hết cả cuốn truyện dài khá dày dặn này, dày dặn hơn tất cả những cuốn trên dưới 200 trang thời những năm 90. Và trong 3, 4 tiếng ấy, mắt tôi cay xè không biết bao nhiêu lần, và mũi thì bắt đầu nghẹt. Sao cứ hết lần này đến lần khác, bị thằng anh xử ác, thằng Tường vẫn một mực chịu đựng, một mực tha thứ cho thằng anh và tìm mọi lý do để ngụy biện cho cái ác của thằng anh? Vẫn thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn ngắn, gãy gọn. Vẫn là cái làng quê nghèo miền Trung thương khó đó. Vẫn là cái thế giới của bọn trẻ con hồn nhiên lớn lên, với những rung động đầu đời, những tổn thương phiền muộn mà người lớn hầu như không bao giờ biết, bởi họ đã quá vật lộn để mưu sinh rồi. Bọn chúng có một cam kết với nhau, mà Nguyễn Nhật Ánh cũng có một cam kết với những nhân vật nhỏ tuổi của mình, để người lớn không dự phần, không can thiệp. Chả có bài học nào, chả có sự chỉ dạy của những bậc phụ huynh có thể thấm thía bằng chính trải nghiệm của bọn trẻ để lớn lên, cho dù chúng nó phải trả giá đôi khi khá đắt, để tiêu trừ những cái xấu xa, những cái ác bên trong mình. Nên phút giây thằng Thiều ngộ ra và thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi tin là giây phút sáng bừng trong đầu óc tăm tối và ích kỷ của nó. Tiếc là tôi không tìm thấy được điều này trong phim của Victor Vũ.

"Ngày xưa có một chuyện tình" là cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh và tôi cũng vừa hoàn thành sau 3 buổi sáng uống café. Vẫn là cái thế giới đó, cái “circle”, cái vòng tròn mà mỗi tác giả tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của mình. Điều này xem ra Nguyễn Nhật Ánh khá giống với Haruki Murakami. Họ chỉ viết trong cái circle của họ mà ít khi thoát ra ngoài. Và cho dù ta đã quen thuộc, đã thuộc lòng như cháo chảy cái bối cảnh, các “thuộc tính” của nhân vật, cách hành xử của bọn họ… ta vẫn rưng rưng chào đón họ, như chào đón một người bạn cố tri lâu ngày gặp lại. Và sau khi đọc lại 2 cuốn truyện dài gần đây của Nguyễn Nhật Ánh, tôi cũng tin rằng anh là một storyteller có từ trường trong giọng kể của mình, khiến anh vẫn giữ được phong độ sau hơn 3 thập kỷ sáng tác, chinh phục hàng triệu độc giả, dù chỉ với một cái circle quen thuộc.

Tôi bỏ khá nhiều truyện của Nguyễn Nhật Ánh trong hơn 15 năm gần đây, vậy mà đọc "Ngày xưa có một chuyện tình", tôi vẫn cảm giác như văn chương của anh vẫn ở đâu đó trong tôi, chờ một tiếng gọi để đánh thức. Và có lẽ sau khi đã đọc, đã xem rất nhiều thứ phức tạp, những tiếng cười giễu nhại đô thị, những thế giới đen tối và tăm tối của con người (tôi cũng thích mấy thứ tăm tối lắm, đặc biệt là cái ác và sự vô nhân của con người)... - đọc lại Nguyễn Nhật Ánh hai cuốn gần đây như được uống lại thứ nước giếng trong veo và ngọt lịm mỗi trưa hè đi chơi ngoài nắng về. Có lẽ đến một độ tuổi nào đó, người ta thích có xu hướng tìm về những thứ giản dị, những thứ đẹp đẽ của khu vườn tuổi thơ, của những suy nghĩ trong lành chưa bị vẩn đục bởi những toan tính, của những cái tốt, sự cao thượng mà không cần hàm ơn. Giống như cho dù đã xem hàng trăm, hàng ngàn bộ phim với những tìm tòi, thể nghiệm khác nhau, tôi vẫn lặng người khi xem một bộ phim của Ozu; vẫn khóc khi xem Mùa ổi của Đặng Nhật Minh; và vẫn nhớ đôi mắt mở to của con bé Mùi để quan sát một giọt mủ của trái đu đủ xanh trong phim của Trần Anh Hùng.

"Ngày xưa có một chuyện tình" có lẽ là truyện dài (tôi không hiểu sao tất cả các cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh đều được gọi là “truyện dài” mà không phải là “tiểu thuyết”?) gần nhất với "Mắt biếc", cuốn truyện dài theo tôi là hay nhất của anh đến giờ phút này. Một cuốn truyện đẹp như một giấc mơ siêu thực, dù nó rất đỗi thực.

Cái làng quê Đo Đo nghèo khó, mối tình đầu đơn phương và câm lặng của thằng Ngạn, từ khi nó là một thằng bé con tắm truồng và nhìn qua dậu hàng rào, ngắm con bé Hà Lan cũng tắm truồng và thấy nó như bay lên trong thứ ánh sáng rực rỡ, cho dù khi nó kể lại với bà nội và chị họ của nó, nó bị mắng là hư vì xem trộm con gái tắm. Thằng Ngạn chết mê chết mệt với đôi mắc biếc của con Hà Lan, và để đời mình trôi nổi trong nỗi đau tình kéo dài hơn 20 năm tự mình nó gánh lấy, khi con Hà Lan mê thằng Dũng bạn cùng phòng của thằng Ngạn, rồi bị phụ bạc và đẻ ra con bé Trà Long có đôi mắt biếc như mẹ nó. Con bé Trà Long ấy, như một món quà của số phận dành tặng để đền bù cho sự thiệt thòi của thằng Ngạn suốt bao nhiêu năm, với thứ tình cảm đẹp đẽ nguyên sơ dành tặng cho nó, mà tại sao nó vẫn không đón lấy, dù nó yêu thương con bé hết mực? Những câu văn của Nguyễn Nhật Ánh, đôi khi chỉ cần một câu kết chương thôi, mà gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả: “Con chim xanh, mày về đậu trên vai tao, sao mày không báo trước”, hay, “Tôi đã ngỡ tình tôi đã tắt, chiều hôm qua tôi thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng”.

Và phút cuối, anh giáo Ngạn đành phải bỏ ra đi trong đêm tối, từ chối món quà đền bù của số phận dành cho anh ta, bởi anh ta hiểu tình yêu đâu phải là sự đền bù:

“Ngày mai khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?”

….

Tôi gặp lại thứ tình cảm đẹp đẽ, cao thượng và tử tế của "Mắt biếc" trong "Ngày xưa có một chuyện tình", một sự tiếp nối sau đúng 26 năm (Mắt biếc in năm 1990), một câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” được viết lại bởi chàng thanh niên cũng vừa tròn 26 tuổi.

Vẫn là chừng ấy thứ quen thuộc. Ngôi làng Hà Lam nghèo khó như những ngôi làng nghèo ở miền Trung những năm 80, nơi sự mưu sinh khốn khó và bấp bênh khiến người lớn phải ra đi, kéo theo những đứa trẻ nhỏ rời bỏ ngôi làng, khiến những mối tình mới chớm phải vỡ tan như bong bóng nước. Những sự chia tay đột ngột lặp đi lặp lại trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, thường khiến những đứa ở lại hụt hẫng với một trái tim tan vỡ; như thằng Chương chia tay Út Thêm và con Thơm trong Hạ đỏ, như thằng Kha thất tình ở tuổi lên 10 khi chia tay Hồng Hoa trong Thiên thần nhỏ của tôi, như thằng Thư chia tay con Tiểu Li trong Cô gái đến từ hôm qua, như anh em thằng Tường thằng Thiều chia tay con Mận trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Chừng đó thôi, vẫn trong cái vòng tròn, cái circle quen thuộc mà Nguyễn Nhật Ánh vẽ ra, ta vẫn thấy xao lòng khi phải chứng kiến thêm một cuộc chia tay, một sự tan vỡ. Nhưng ở "Ngày xưa có một chuyện tình", ta còn chứng kiến thêm một nỗi buồn, một sự day dứt của trò đánh tráo số phận, khiến 3 kẻ liên đới trong một mối tình tay ba kéo dài hơn một thập kỷ phải vật lộn, phải đấu tranh với nội tâm của chính họ cho thứ tình yêu đẹp đẽ, cao thượng mà họ phụng sự.

Truyện được kể ở 3 góc nhìn, và cả 3 nhân vật cùng thay nhau lên tiếng, để giúp ta hiểu được tiếng lòng của họ, để không kẻ nào bị hàm oan khi được kể lại cuộc đời mình ở giọng của kẻ khác. Và nghe được cả 3 tiếng nói của bọn họ, ta càng thông cảm được nỗi day dứt của từng kẻ một, nỗi day dứt được sống là mình, với tình yêu và hạnh phúc của chính mình, nhưng đồng thời làm sao để không tổn thương kẻ khác, và cuối cùng, để không xấu hổ khi nhìn thẳng vào mắt nhau để sống tiếp, phải không?

Trong những lời thổ lộ tiếng lòng của 3 nhân vật ấy, tôi đồng cảm nhất với Vinh, kẻ ôm một trái tim rỉ máu từ mối tình đầu, mà vẫn không ngừng tìm cách bào chữa cho kẻ gây ra sự đau khổ cho mình. Vinh giống với Ngạn của "Mắt biếc", và có lẽ Vinh, Ngạn là hiện thân của Nguyễn Nhật Ánh. Anh thà để cho nhân vật của mình đau khổ, ôm một mối tình vô vọng hàng thập kỷ, chứ không để bọn họ phản bội lại tình yêu của chính mình, hay phản bội lại “đức tin” mà Nguyễn Nhật Ánh truyền vào nhân vật của mình. Vinh và Ngạn, hai gã đàn ông thất tình, nhưng ngay cả khi có cơ hội để giành lại được tình yêu đó, khi được số phận “đền bù” thua thiệt, bọn họ sẽ không bao giờ nhận nó như một sự đền bù, bởi, tình yêu không phải là sự đền bù.

“Tôi từng nhớ cậu Huân có nói với tôi: Trái tim có ngữ pháp riêng của nó và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy tính mờ đục đó, 'yêu' là một động từ bất quy tắc. Nhưng ngay cả những động từ bất quy tắc, tôi tin vẫn có những quy tắc để khám phá sự bất quy tắc của nó, trừ khi trái tim của Miền quay theo một quỹ đạo chưa từng được biết tới."

"Đã bao năm nay, tôi tin sự chân thành, lòng tốt và một tình yêu rộng lớn sẽ đủ làm reo lên quả chuông trong trái tim người con gái. Thật sự thì tôi đã có những chuỗi ngày hạnh phúc. Nhưng phải chăng hạnh phúc rồi sẽ nhanh chóng già đi theo năm tháng trong khi nỗi buồn thì trẻ mãi như thể bị thời gian vô tình bỏ sót?"

"Nhưng tình yêu không phải là một trận tuyến và trái tim người con gái cũng không phải là bốt đồn. Nó cũng khác với tiền bạc và quyền lực, không phải là thứ để tranh đoạt và có thể tranh đoạt. (...). Nhưng thành công trong việc níu kéo một đôi chân bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại trong việc chinh phục một tâm hồn. Tình yêu đâu phải là hành động trả ơn, càng không phải là hành động từ thiện. Nó không đến với chúng ta trên xe lăn, với tay và chân bó bột, để kêu gọi sự xót thương."

Tôi thích cả những chiêm nghiệm của Nguyễn Nhật Ánh qua Vinh về nỗi buồn, về sự ngắn hạn của hạnh phúc, về sự bất ổn của cuộc sống này.

"... Nếu con người sống trọn một trăm năm, trừ ra cộng lại một cách chi li thì thời gian thực sự vui vẻ, bình yên, hạnh phúc chắc chỉ gói ghém trong vỏn vẹn một năm. Chín mươi chín năm còn lại được định nghĩa bằng các từ khóa: buồn khổ, toan tính, lo lắng, ưu tư và vô vàn những thứ mệt mỏi khác."

Vinh và Ngạn là những kẻ chấp nhận sự thua cuộc trong tình yêu, chứ không bao giờ nhận lấy tình yêu như một sự đền bù hay một hành động trả ơn. Hai gã đàn ông đó, một kẻ ra đi, một kẻ cuối cùng cũng ở lại với tình yêu của mình. Có lẽ sau 26 năm, Nguyễn Nhật Ánh không đành lòng để độc giả của mình phải day dứt một lần nữa, như đã từng day dứt với cuộc ra đi của thằng Ngạn trong một ngày mùa hè phượng nở ứa máu, để lại con bé Trà Long với đôi mắt biếc ở làng Đo Đo nhìn theo. Nhưng hơn cả, với "Ngày xưa có một chuyện tình", Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về một chuyện tình dang dở của những kẻ yêu nhau; anh còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích, thứ cổ tích đã dần dần tuyệt chủng trong thời đại của chúng ta. Như lời của chàng trai 26 tuổi khi đặt bút viết cuốn tiểu thuyết về bố mẹ anh ta:

“Khi bắt đầu công việc này, tôi nghĩ tôi đang cố dựng lại đầy đủ cuộc đời mình như cách các nhà sử học lần ngược về quá khứ với tham vọng giải thích những mảng tối của lịch sử, nhưng hóa ra càng đi sâu vào câu chuyện éo le này, tôi càng nhận ra điều tôi thu lượm được gần như đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu: tôi đang dựng lại bức tranh tình cảm của một thế hệ yêu nhau".

Từ trường của Nguyễn Nhật Ánh đã tỏa ra như thế.

LÊ HỒNG LÂM

(Tuổi Trẻ, 5-10-2016)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Akô Nô, chúc bạn vui vẻ!

Lần sửa cuối bởi Akô Nô; 13-11-2018 lúc 04:36 PM
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:08 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters