Ký ức sách
Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về những cuốn sách của thời thơ ấu, như là lúc ru lòng mình trong khoảng trời ăm ắp bao hồn nhiên, mộng mơ xưa cũ. Đó là những cuốn sách được xếp gọn trong chiếc kệ gỗ dài, đơn sơ, dưới bàn tay ân cần của cô thủ thư đứng tuổi, ở thư viện nhỏ trường Trung học. Từng trang sách còn phảng phất mùi mực in, mùi giấy cũ, vấn vương trong trí nhớ của tôi như một mùi hương đặc biệt. Nó làm tôi mê mẩn, thích thú suốt những tháng năm yên bình…
Trân quý, nâng niu sách cũng chính là bài học về đức tính cẩn thận, giữ gìn.
Khoảng trời tuổi thơ
Tôi còn nhớ thư viện của ngôi trường làng nằm ở khoảng sân sau, gần đó, một khe nước chảy róc rách ngang qua, có những bụi khoai môn lúp xúp mọc chen cỏ dại xanh rì, dưới tán tre già kẽo kẹt cạnh hàng rào mắt cáo. Mùa nắng, gió từ đồng thổi vào thư viện, vừa ngồi đọc sách vừa thỉnh thoảng hướng mắt ra màu xanh cây lá, nghe tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, thấy lòng mình bỗng nhẹ tênh, khoan khoái. Ngày ấy làng tôi nghèo, tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi ngoài những trò chơi dân dã ngoài đồng ruộng, triền đê, còn là thời gian vác cần trúc đi câu cá, chờ nước sông cạn xoắn tay áo mò cua, hay phụ giúp cha mẹ chuyện làm đồng. Và may mắn thay, còn có một góc nhỏ dành riêng cho những ước mơ giản dị của bầy trẻ đầu trần chân đất. Đó là thư viện trường làng, nơi chúng tôi được thỏa niềm ham mê đọc sách. Có lẽ, khoảng trời thân thuộc ấy làm tuổi thơ chúng tôi đẹp hơn bội phần.
Thư viện mở cửa vào các ngày chẵn trong tuần, cô thủ thư lặn lội đạp xe từ nhà trên thị trấn xuống làng tôi, mặc dù tóc cô đã lưa thưa sợi bạc. Cô chỉ có một người con trai sống xa nhà, nên có lẽ được chăm chút, gắn bó cùng thư viện, cùng những cuốn sách thơm mùi thời gian, và những đứa học trò quê chân chất, chính là niềm vui, niềm hạnh phúc bình dị của cô. Ngày ấy tôi thường đến thư viện với đứa em họ bằng tuổi, học cùng lớp, vào đều đặn các buổi sáng thư viện mở cửa. Bởi thế mà chúng tôi cũng thân thiết với cô thủ thư hơn, cô thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị mà cô đọc được trong sách, hoặc trong đời sống thường ngày. Khi kể xong, cô dịu dàng xoa đầu từng đứa, rồi bảo rằng sách cũng như người bạn, người thầy của ta. Vì vậy hãy trân quý sách như trân quý một mối thâm tình, yêu thương sách như yêu thương một tri kỷ biết thấu hiểu và sẻ chia.
Thư viện trường làng - nơi thỏa niềm đam mê đọc sách của trẻ thơ.
Tôi vẫn nhớ những câu chuyện, những lời dạy của cô, như bài học nằm lòng tôi luôn mang theo để tự nhắc nhở mình. Và thứ cảm xúc khó tả khi bàn tay nhè nhẹ lật từng trang sách, đắm chìm vào thế giới chỉ có riêng mình cùng nhân vật, như vẫn còn vẹn nguyên trong tôi đến tận bây giờ. Bạn có thể tưởng tượng cảm giác vui sướng khi tìm được một tựa sách ưng ý, gửi tờ giấy mượn sách cho cô thủ thư, rồi hồi hộp chờ cô lấy nó ra từ một ngăn nào đó trong các kệ sách dài có đánh số. Tôi cùng cô em họ thường đứng lóng ngóng trước quầy giao sách, hướng ánh nhìn về cô thủ thư đang lom khom tìm sách, và bắt đầu suy đoán, tưởng tượng “mặt mũi” của cuốn sách mình sắp được mượn. Cầm trên tay một cuốn sách tâm đắc, đôi khi tôi tự hỏi trước mình đã có những ai đọc nó, và họ có thích thú giống như tôi bây giờ? Lật qua từng trang sách, nghe mùi mực in tỏa lan xao xuyến tâm hồn, những trang giấy tinh tươm không một nếp gấp. Tôi tự thấy trách nhiệm gìn giữ sách của mình như cao hơn, nâng niu sách như là cách trân trọng những tâm huyết mà tác giả đã trọn lòng gửi gắm.
Mãi được nâng niu và trân trọng
Lúc còn nhỏ tôi đã từng ước được sở hữu một tủ sách của riêng mình. Đó chắc hẳn sẽ là một gia tài đồ sộ mà tôi chính là ông chủ giàu có. Tôi sẽ được dịp loay hoay sắp xếp lại từng giá sách, bắc ghế đứng lên để phủi bụi cho những cuốn sách ở trên cao, rồi nâng niu, ngắm nhìn chúng cả ngày không chán. Hồi đó, có những cuốn sách mượn về tôi đọc lại nhiều lần, mà vẫn không hết thích, không hết say mê. Tựa như có phép màu níu tôi lại cùng nhân vật, phiêu lưu trong những con chữ biết khóc, biết cười. Tôi lớn hơn từng ngày nhờ những trang sách, tôi biết buồn, biết vui cùng nhân vật, những nỗi buồn, niềm vui trong trẻo xiết bao. Tôi nhớ mãi bộ truyện “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ đó là những cuốn sách đầu tiên đưa tôi chạm vào bao xúc cảm tươi mới, và tôi thấy mình thấp thoáng đâu đó trong những câu chuyện hồn nhiên tuổi học trò.
Rồi tôi lớn lên, rời xa xóm nghèo, xa thư viện trường làng đơn sơ để đến những chân trời mới. Nhưng niềm say mê đọc sách vẫn chưa bao giờ hết rạo rực tâm hồn tôi, mùi sách mới, sách cũ chưa bao giờ tàn phai trong tiềm thức. Cô thủ thư ngày ấy bây giờ đã nghỉ hươu, ngôi trường làng cũng khác xưa rất nhiều. Thỉnh thoảng tôi gặp lại đứa em họ khi xưa, chúng tôi vẫn hay nhắc về cô cùng những cuốn sách thời thơ ấu. Nhớ đến ánh mắt trìu mến của cô, là lúc tôi nhớ về những bài học nhẹ nhàng mà thấm thía. Sau này về nhà, bất chợt gặp lại những cuốn sách giáo khoa cũ, ngày ấy chị tôi học để lại cho anh tôi, anh tôi học rồi để lại cho tôi, lòng tôi đã không kiềm được xúc động. Những cuốn sách tuy nhuốm màu thời gian nhưng tuyệt nhiên không một vết bẩn, vết rách. Và tôi nhận ra rằng trân quý, nâng niu sách cũng chính là bài học về đức tính cẩn thận, giữ gìn…
TRẦN VĂN THIÊN
(Văn Hiến Việt Nam, 24-6-2020)