Trở lại   Thư Quán Đo Đo > PHIẾM ĐÀM > ĐIỆN ẢNH

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 02-06-2011, 10:37 PM
Avatar của bachkylan
bachkylan bachkylan đang ẩn
Administrator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 243
Cảm ơn: 5
Được cảm ơn 86 lần cho 51 bài viết
Mặc định Nghệ sĩ Ennio Morricone

Nghệ sĩ Ennio Morricone

Tên thật: Ennio Morricone

Ngày sinh: 10/11 - Quốc gia: Italy

Website: http://www.enniomorricone.it/


Ông sinh ngày 10 tháng 11 năm 1928 tại Rome (Ý) trong một gia đình âm nhạc (thân sinh của ông là một tay chơi kèn trumpet nổi tiếng về các thể loại jazz và opera). Từ năm 6 tuổi ông học violin và bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 7 tuổi. Cho đến năm ông 10 tuổi, ông học trumpet tại trường Santa Cecilia Conservatory dưới sự hướng dẫn của nhạc sư Roberto Gagiano và đặc biệt là Goffredo Petrassi, người mà ông ngưỡng mộ và có ảnh hưởng đến những sáng tác của ông sau này.

Vài tháng sau, Ennio Morricone được chuyển sang nhạc viện Harmony Roberto Caggiano để học bộ môn sáng tác. Và cũng trong thời gian này, ông có cơ hội đề biểu diễn tài năng của mình trong ban nhạc Costantino Ferri mỗi khi thân sinh của ông đau ốm, người thường chơi nhạc cho quân đội Đức ở Nightclub Florida. Ngoài ra, ông còn là người thứ hai sau thân sinh ông chơi kèn trumpet cho quân đội Mỹ và Canada tại 2 khách sạn Mediterraneo và Massimo d’Azeglio ở Rome được điều khiển bởi Alberto Flamini.


Tháng 10 năm 1946, Ennio Morricone nhận được bằng trumpet và tự biên các bài Il Mattino, Imitazione và Iintimità trong những năm kế tiếp. Sân chơi RAI (hệ thống truyền thanh Ý, sau này là truyền hình) chính là nơi mà ông yêu thích và có cơ hội phát triển tài năng của mình nhiều nhất.


Đến năm 1950, ông gặp gỡ Maria Travia (sau này là người bạn đời của ông) và dàn dựng một dàn nhạc Anno Santo cho đài phát thanh. Kế đó, ông soạn bài Barcarola funebre dành cho dương cầm và soạn nhạc nền đầu tiên cho kịch nói trên đài.


Năm 1955, Morricone bắt đầu soạn nhạc cho các bộ phim với các nhà soạn nhạc nổi tiếng đương thời.


Ngày 13 tháng 10 năm 1956 ông lập gia đình với Maria Travia tại nhà thờ Santa Cosima e Damiano và sau đó dọn nhà về Via Mattia Montecchi thuộc quận Trastevere. Bài nhạc đầu tiên ông soạn dành cho một chương trình kịch truyền hình.


Tưởng cũng nên biết là khoảng thập niên 40 và 50, nhạc phim cao bồi của Hollywood thường gắn liền tên tuổi với các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Dimitri Tiomkin (Duel in the Sun, High Noon, Rio Bravo, Giant), Max Steiner (Dallas, The Charge at Feather River, San Antonio), Elmer Bernstein (The Magnificent Seven, The Sons of Katie Elder), hoặc Alfred Newman (The Bravados, How the West Was Won). Phong cách âm nhạc của họ được nhiều người hâm mộ và được xem là tiêu biểu cho nền âm nhạc mới của miền viễn Tây Hoa Kỳ.


Nhưng vào những năm đầu của thập niên 60, thể loại âm nhạc xuất sắc đó dần dần bị mất thế sau một thời gian ngự trị lâu dài trên màn ảnh. Một cuộc cách mạng mới xảy ra, những người làm phim ở Âu châu đã dấy lên một làn sóng phong phú hơn và được ủng hộ hơn. Đầu tiên là xu hướng của người Đức qua bộ phim nhiều tập “Winnetou” được dàn dựng từ những ý tưởng giả tạo về miền Tây Hoa Kỳ của Karl May, người chưa bao giờ đặt chân đến miền đất hoang dã này.


Phong trào làm phim cao bồi Mỹ lan rộng đến Ý, do đề nghị của nhà soạn nhạc đương thời là Mario Nascimbene, Ennio Morricone bắt đầu cộng tác với đạo diễn Franco Rossi qua bộ phim “Death of a Friend” (Morte di un amico, 1959). Hai năm sau, Nascimbene lại mời Morricone trợ giúp ông ta soạn nhạc nền cho phim “Barabbas” của đạo diễn Richard Fleischer.


Tiếng tăm của Ennio Morricone bắt đầu được biết đến, năm 1964 ông viết nhạc cho hai bộ phim “Malamondo” của đạo diễn Paolo Cavara và “A Fistful of Dollars” (Per Un Pugno di Dollari) của đạo diễn Sergio Leone.


Không như những người đi trước, như Michel Legrand và Francis Lai của Pháp, Armando Trovajoli và Carlo Rustichelli của Ý, hay Martin Böttcher của Đức, Ennio Morricone sáng tạo ra một phong cách mới theo cái nhìn của đạo diễn Leone về miền Tây cao bồi nước Mỹ. Những tiếng vó ngựa dập dồn, tiếng ngân vang của chuông nhà thờ, tiếng roi vi vút trong gió, tiếng huýt sáo thanh thót liên tục của Allesandro Allesandroni, tiếng súng vang dội và giòn giã, tiếng gảy đàn guitar của Hank Marvin, tiếng kèn harmonica, tiếng đàn banjo và những giây phút nghẹt thở giữa những cuộc đọ súng kinh hồn đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc đối với người xem.


Ennio Morricone đã có sức chuyển tải phong cách âm nhạc của mình bằng những sáng tạo riêng phù hợp với phong cách diễn xuất của từng nhân vật mà khán giả đã từng quen thuộc như Ringo, Trinity, My Name Is Nobody..v.v... Chỉ với những góc độ độc đáo như điếu thuốc trên môi, tiếng nhạc của Morricone dẫn dắt người xem đi theo những làn khói bay nhẹ nhàng tạo cảm xúc như một dự báo một sống một còn của những tay súng giang hồ.


Hay có thể người xem có cảm giác thích thú qua những phát súng thần tốc của The Man With No Name (do Clint Eastwood diễn) mà âm nhạc của ông đã làm cho người xem không chớp mắt được. Một lần nữa, ông đã sáng tạo phần âm nhạc thật tuyệt vời cho 2 tác phẩm điện ảnh nổi tiếng kế tiếp của Sergio Leone là “For a Few Dollars More” (Per Qualche Dollaro in Più, 1965) và “The Good, the Bad and the Ugly”(Il Buono, Il Brutto, Il Cattivo, 1966). Cả 2 bộ phim đó đã thành công vượt bực và trở thành một loại phim cao bồi đặc biệt được gọi là “spaghetti westerns” (cao bồi Ý).


Một điều đáng chú ý trong việc sáng tạo nhạc phim của Ennio Morricone cho phim Sergio Leone là ông đã sáng tác trước khi bộ phim được bấm máy. Leone tâm sự rằng: “Tôi không bao giờ đưa bản phân cảnh cho Ennio trước khi ông ta bắt đầu soạn, tôi đã nói tất cả những điều mà tôi suy nghĩ trong đầu. Nếu như tôi mô tả một chuyện thần tiên, tôi sẽ cho ông ta những ý tưởng về thể loại nhạc nào mà tôi hình dung cho mỗi tình huống. Rồi thì ông sáng tác một vài đoạn nhạc cho từng nhân vật chính trong phim, xong ông biểu diễn dương cầm cho tôi nghe. Đôi lúc, ông đưa ra những đoạn nhạc mà ông thích nhưng đối với tôi cần phải suy nghĩ lại bởi vì nó có thể là những giai điệu lập đi lập lại hoặc rất nghèo nàn. Cho đến khi tôi nhận thấy ở một thời điểm nào đó tôi cảm thấy thích thú, bởi vì âm nhạc gây cảm hứng cho tôi chứ không phải là Ennio! Tôi luôn luôn cho ông ta những hướng dẫn mà ông ta cần để sáng tác với sự so sánh và mô tả có chiều sâu.”


Leone thêm rằng: “Ennio còn là người viết phân cảnh hay nhất của tôi, mỗi khi tôi bí những đoạn đối thoại thì âm nhạc của ông được đưa vào thay thế những lời thoại của các điễn viên, nó cũng giúp cho mọi người bớt căng thẳng.”Sự hợp tác sáng tạo giữa Morricone và Leone đạt đến đỉnh cao là bộ phim “Once Upon A Time in the West” (C’era una volta il West, 1968). Tuy không thành công lắm ở Hoa Kỳ vì bộ phim quá dài nên khi công chiếu phải cắt xén đi hơn 30 phút (bản gốc là 165 phút ) và gây ra sự khó hiểu và thiếu cô đọng ở những điểm chính.


Theo sau “Once Upon A Time in the West”, Morricone một lần nữa hợp tác với Leone để soạn các giai điệu cho bộ phim “Duck, You Sucker (Giù la testa, 1971) với các diễn viên James Coburn và Rod Steiger ( bộ phim này còn có tên gọi khác là “A Fistful of Dynamite”). Ngoài ra, ông còn soạn nhạc cho 2 bộ phim cao bồi khác không phải của Leone là “My Name Is Nobody” (Il mio nome e Nessuno, 1973) với các diễn viên Henry Fonda và Terence Hill, và “A Genius, Two Companions, An Idiot” (Un genio, due compari, un pollo, 1975 ) cũng với Terence Hill.


Âm nhạc của Ennio Morricone không chỉ là những chất xám cô đọng ở những bộ phim cao bồi Ý hoặc ở miền viễn Tây xa xôi, mà âm nhạc của ông còn là dư âm của những thước phim giữa Alfredo và Salvatore trong “Cinema Paradiso” (Nouvo cinema paradiso, 1989), của Malèna Scordia khi đi qua giữa đám đông với những cặp mắt đầy ghen ghét trong “Malèna” (2000)....hoặc chúng ta sẽ bắt gặp nhiều dấu ấn khác trong các bộ phim của đạo diễn Giuseppe Tornatore như: “The Legend of 1900” (La Leggenda del pianista sull’oceano, 1998) “The Star Maker” (L’Uomo delle stelle, 1995) và đặc biệt trong năm nay “Leningrad” mà Ennio Morricone đã nhận lời soạn nhạc.


Kể từ năm 1980, Ennio Morricone sáng tác rất nhiều nhạc nền và nhạc phim cho Hollywood và Âu châu, ông đã từng làm việc với các đạo diễn lừng danh như John Carpenter qua “The Thing” (1982), Roland Joffe qua “The Mission” (1986), Brian De Palma qua “Untouchables” (1987) và “Casualties of War” (1989), Roman Polanski qua “Frantic” (1988), Franco Zeffireli qua “Hamlet” (1990), Barry Levinson qua “Bugsy” (1991) và “Disclosure” (1994), Mike Nichols qua “Wolf” (1994), Oliver Stone qua “U-Turn” (1997)... Trong quá trình đó, Morricone đã từng được đề cử 5 lần để tranh giải Oscar về thể loại nhạc phim như “Days of Heaven”, “The Mission”, “The Untouchables”, “Bugsy” và “Malena”. Có rất nhiều người nghĩ rằng, nhạc nền của ông soạn cho bộ phim “Once Upon a Time in America” (1984) có thể sẽ đoạt được giải Oscar, nhưng rất tiếc bộ phim này đã không đưa phần âm nhạc ra dự thi.


Tuy vậy, Morricone cũng đã đoạt được 2 giải Golden Globes về thể loại âm nhạc cho 2 bộ phim : “The Mission” (1986) và “The Legend of 1900” (1999) trong số 6 giải được đề cử từ năm 1984.


Mặc dù sự đóng góp của ông rất to lớn, sự cống hiến của ông có tầm ảnh hưởng đến âm nhạc điện ảnh, nhưng ông chưa bao giờ nhận được giải thưởng của Academy of Motion Pictures Arts and Sciences (Oscar).


Ở tuổi già trên 75, khi không bận rộn tại phòng thu âm ở Rome, ông vẫn thường yêu thích xem phim và đôi lúc cũng làm thêm một ít công việc ở nhà. Ông thường chơi cờ điện tử Mephisto và đấu trí trên bàn cờ chess này với người con trai Giovanni, và lúc nào ông cũng thua.


Cho dù tuổi của ông cũng đã khá cao, nhưng ông vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ ông sẽ từ bỏ sáng tác. Ông cũng đã có lần từ chối rất nhiều lời mời để soạn nhạc. Thời gian bây giờ của ông là để nghỉ ngơi và có nhiều suy nghĩ hơn khi quyết định những việc làm của mình. Nhà đạo diễn của bộ phim “Kill Bill” là Quentin Tarantino đã đề nghị ông soạn nhạc chừng 2 hay 3 phút, nhưng ông đã không làm tất cả mọi công việc chỉ có 3 phút. Điều mà ông biết rằng ông có thể được trả nhiều tiền hơn nếu như ông nhận lời. Sau này, Tarantino đã mời một người soạn nhạc khác có phong cách âm nhạc tương tự như Morricone để soạn phần nhạc nền cho 2 phần “Kill Bill”.


Không nghi ngờ gì nữa, Morricone chính là người có đã có công sáng tạo những âm thanh tuyệt vời mà chúng ta đã có dịp thưởng thức. Ông quả là một nhà soạn nhạc phim nổi tiếng của thế kỷ 20 và cho đến thiên niên kỷ mới này ông vẫn còn cống hiến những sáng tác và cuộc đời của mình cho nghệ thuật thứ bảy. Vinh quanh thay những thành tựu của ông trong điện ảnh, chắc chắn chúng ta sẽ không quên.

HẾT


__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên bachkylan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
 

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:38 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters