Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > TIN TỨC

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 23-05-2020, 11:00 AM
Avatar của bachkylan
bachkylan bachkylan đang ẩn
Administrator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 243
Cảm ơn: 5
Được cảm ơn 86 lần cho 51 bài viết
Mặc định Những cuốn sách của người Việt được đánh giá cao trên thế giới (zing, 21-4-2020)

Những cuốn sách của người Việt được đánh giá cao trên thế giới

Giành không ít giải thưởng và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều cuốn sách của người Việt được độc giả thế giới đón nhận, đánh giá cao.



Nỗi buồn chiến tranh: Từ khi xuất bản lần đầu năm 1990, Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh đã tạo ra làn sóng mạnh mẽ trên văn đàn Việt. Cuốn sách xoay quanh hồi ức đứt đoạn của người lính về chiến tranh. Nó trở thành cơn đau dằn vặt nhân vật chính suốt phần đời còn lại. Ảnh: Spiderum



Nỗi buồn chiến tranh được dịch ra 15 thứ tiếng và giới thiệu tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, tựa đề tiếng Anh là The Sorrow of War. Hàng loạt tờ báo uy tín trong ngành xuất bản như New York Times, The Guardian, Publishers Weekly… giới thiệu và đánh giá cao cuốn sách. Trong bài viết “Những cuốn sách hay nhất về Việt Nam”, The Guardian của Anh cũng dành riêng vị trí đầu bảng cho tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh. Năm 1994, Independent trao giải “Cuốn sách nước ngoài hay nhất” cho tiểu thuyết này. Tác phẩm còn được trao Giải thưởng Simhun của Hàn Quốc (2016) và Giải thưởng Văn học châu Á (2018). Ảnh: NXB Trẻ.



Nhật ký Đặng Thùy Trâm: Đây là những trang văn xúc động, ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, khi đối diện chiến tranh, ranh giới sinh tử. 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những trang nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã được xuất bản tại nhiều quốc gia và dịch ra tiếng Anh, Nhật, Pháp, Đức, Lào…, với tựa tiếng Anh là Last Night I Dreamed about Peace. Nguồn: Sách Khai Tâm.



Tác phẩm tạo ra tiếng vang lớn trong làng văn thế giới. Độc giả nước ngoài gọi Đặng Thùy Trâm là "Nàng Anne Frank của Việt Nam". Trên New York Times, nhà báo Seth Mydans đánh giá Nhật ký Đặng Thùy Trâm là “thiên tiểu thuyết cảm xúc như một bộ phim về chiến tranh, bức tranh chiếu rọi cuộc đời của những bác sĩ du kích”. Ảnh: Amazon.



The Sympathizer: Cái tên Viet Thanh Nguyen đến với độc giả trong nước qua tập truyện ngắn Người tị nạn (The Refugees). Tác phẩm The Sympathizer của nhà văn người Mỹ gốc Việt Viet Thanh Nguyen đã gây những tiếng vang trên văn đàn thế giới sau khi đoạt giải thưởng cao quý Pulitzer. The Sympathizer còn nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng nhà phê bình và độc giả quốc tế cùng nhiều giải thưởng khác như Giải Tiểu thuyết đầu tay của Center for Fiction hay Huy chương Carnegie cho Tiểu thuyết xuất sắc của Hiệp hội Thư viện Mỹ. Các trang giới thiệu uy tín như The New York Times, The Guardian, The Wall Street Journal, Slate.com, Amazon.com, The Washington Post... cũng dành cho The Sympathizer sự ưu ái và nhiều bài phân tích. Ảnh: Amazon.



Cánh đồng bất tận: Năm 2018, tại hội sách thương mại lớn nhất thế giới Frankfurk diễn ra tại Đức, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được xướng tên với giải thưởng Literaturpreis. Đây là giải thưởng vinh danh tác giả đến từ các nước châu Á, Mỹ Latin, châu Phi và các nước Ả Rập. Để giành được giải thưởng Literaturpreis, tiểu thuyết Cánh đồng bất tận (tựa tiếng Anh: Endless field) đã vượt qua những tác phẩm của các ứng viên đến từ Hàn Quốc, Israel, Chile, Ấn Độ... Câu chuyện của nhà văn Nam Bộ cũng được dựng thành phim và lấy đi nước mắt của nhiều khán giả Việt Nam. Ảnh: NXB Trẻ.



Dế mèn phiêu lưu ký: Bên cạnh mảng đề tài viết về chiến tranh, truyện thiếu nhi của các tác giả Việt Nam cũng được độc giả quốc tế quan tâm. Hành trình phiêu lưu thú vị bước vào đời của chú dế mèn mà nhà văn Tô Hoài xây dựng là một trong những đầu sách nhiều thế hệ độc giả Việt Nam yêu mến. Sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ tại hơn 40 quốc gia trên thế giới từ những năm 1960. Bản dịch tiếng Anh của truyện có tựa đề Diary of a Cricket. Năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.



Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: Một tác phẩm thiếu nhi khác được độc giả quốc tế quan tâm là Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Năm 2010, tác phẩm nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Sau đó, truyện được dịch ra tiếng Thái, Nhật, Hàn, Anh với tựa đề Ticket to Childhood. Câu chuyện của tuổi học trò và những thông điệp nhân văn đã lay động không chỉ trái tim thiếu nhi, mà còn chạm tới độc giả trưởng thành. Ảnh: Amazon.



Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ: Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần cũng là một trong những thử nghiệm của Văn học Việt Nam tại thị trường thế giới. Câu chuyện giản dị, đời thường qua cái nhìn trong trẻo của cậu bé 10 tuổi đã được nhiều người đọc quốc tế đón nhận qua bản dịch Open the window, eyes closed. Năm 2008, “cha đẻ” của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ nhận giải Peter Pan và đoạt giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất.

NHAN NHAN

(Zing, 21-4-2020)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên bachkylan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
 

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 03:11 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters