Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 12-07-2013, 10:00 AM
Avatar của panda_kungfu
panda_kungfu panda_kungfu đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Jan 2010
Bài gửi: 211
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 135 lần cho 61 bài viết
Mặc định Vạt nắng nằm dài, ngơ ngẩn mãi, trên cây (hà quang minh)

Vạt nắng nằm dài, ngơ ngẩn mãi, trên cây



Tôi phóng chiếc máy bay giấy ra ngoài ban công. Ngoài kia nắng, ngoài kia gió. Chiếc máy bay nhỏ lựa mình theo từng chân gió mà liệng thành những vòng tròn rộng. Đôi khi chấp chới; đôi khi hơi chao nghiêng; đôi khi bồng bềnh; rồi chầm chậm vươn mình lướt qua dòng kinh nhỏ vượt mãi sang khu Văn Thánh. Độ này tự nhiên tôi có cái thú gấp máy bay giấy phóng ra ngoài trời từ căn hộ tôi mỗi khi có điều gì vẩn vơ suy nghĩ. Tôi thấy được sự tĩnh lặng trong tâm mình từ những cánh bay kia chấp, chới. Tôi thấy được sự an bình. Tôi thấy được sự thăng bằng. Tôi thấy được nỗi vui tuổi ấu thơ. Thì ra, trong mỗi con người đang già đi, đang chết đi, vẫn có một tuổi thơ. Lấp. Loá…

Và tự nhiên tôi nhớ tới nhiều gương mặt người. Có những gương mặt chỉ là hình dung vì tôi chỉ gặp họ thảng khi trong tưởng tượng. Có những gương mặt chỉ là mơ hồ vì tôi chỉ gặp họ thoáng qua trong cảm nhận. Có những gương mặt lặng im nhìn tôi không nói. Và có một gương mặt, tự nhiên hiện lên bừng, tỏa. Gương mặt ấy mang một nụ cười trắng xóa. Gương mặt ấy bỗng hiện hình như một bé thơ hiền lành từ tâm. Gương mặt ấy từ một hình hài cụ thể mà tôi đã gặp trong chuyến đi dài của cuộc đời mình không vết dấu. Bé thơ ấy đang trải mình như một vạt nắng, nằm dài, ngơ ngẩn mãi, trên cây, trong một xứ sở tuyệt vời như mộng địa. Gương mặt ấy là một chỉ dụ của tuổi thơ không hề mất tích, một tuổi thơ còn hình in trên bóng dáng nhăn nheo tự nhiên cỗi già. Gương mặt ấy là một hiển nhiên không thể bị lẫn vào đám đông ào qua tôi hối hả. Gương mặt Nguyễn Nhật Ánh, phải rồi, gương mặt Nguyễn Nhật Ánh, người tôi sẽ chẳng bao giờ biết gọi bằng gì: ông Ánh, anh Ánh hay Ánh ơi…

Tôi nhớ một chiều mưa năm hai ngàn mười. Quân gọi tôi ghé Quán chợ Đo Đo gầy độ nhậu. Ngày ấy tôi ham vui, cứ lẫn lộn hết trong những cuộc vui cuối ngày dài không dứt. Và xuyên qua những giọt rúc rích rơi từ hai hàng hiên che ngõ nhỏ, tôi đã bước chân vào thế giới của Nguyễn Nhật Ánh, một thế giới mà đến giờ tôi vẫn thấy được cảm giác chạm mặt ngỡ ngàng. Trong hình dung của tôi, Nguyễn Nhật Ánh vẫn mãi là chàng thanh niên ở tuổi đôi mươi năm xưa qua bức ảnh nhỏ nhỏ xinh xinh ở mỗi bìa cuối những cuốn truyện nhỏ. Đó là một cặp kính trắng như phủ đầy khuôn mặt song vẫn nhường chỗ cho nụ cười nhỏn nhoẻn rất duyên. Song trước mắt tôi của chiều muộn cơn mưa ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã hiển hiện trong một vóc dáng thực của cuộc đời. Không còn là chàng trai đôi mươi trong hình dung tôi mà chỉ còn lại mái tóc đã điểm màu của những vòng quay kim đồng hồ bất tận. Tôi đã không thất vọng vì tâm thế của tôi luôn biết đón nhận những gì là thực tế. Nhưng tôi đã bất ngờ nhiều vì từ vóc dáng già nua kia vẫn bật ra một sức sống hồn nhiên của tuổi thơ mãnh liệt, sức sống của một người chối từ sự bạc đãi của thời gian, sức sống của một người luôn quên rằng con người ta sống rồi cũng cần có tuổi…

“Trời, ngồi đây, từ ngày ông không viết thể thao mỗi ngày nữa làm tôi cũng khó theo luôn. Ngày xưa, ông còn viết, tôi còn đọc bài của ông rồi lấy ý viết bài của tôi. Giờ ông nghỉ, không lẽ tôi nghỉ theo luôn?”, Nguyễn Nhật Ánh đón tôi hồ hởi bằng lời chào bất ngờ như thế. Đúng rồi, tôi sực nhớ ra điều mà tôi đã quên. Một năm hơn rồi, tôi không viết thể thao mỗi ngày nữa, kể từ khi tôi nghỉ làm ở tờ Thanh Niên. Nguyễn Nhật Ánh đã khiến rào cản ngăn cách ban đầu giữa chúng tôi được phá bung bởi câu nói đùa tếu táo ấy. Tôi vẫn đọc bài thể thao của Nguyễn Nhật Ánh, đăng thường xuyên ở tờ SGGP, và tôi biết, Nguyễn Nhật Ánh chẳng bao giờ gom ý của tôi để viết bài cho mình cả. Anh đến với bóng đá, nhìn bóng đá bằng con mắt khác tôi nhiều. Nhưng chỉ cần câu nói đùa thế thôi, bất chấp xung quanh mọi người có hiểu đó là đùa hay không, Nguyễn Nhật Ánh đã mở tung cánh cửa đón tôi vào cuộc, để tôi không còn cảm thấy ngại ngần, xa cách nữa…

Rồi tôi cứ ngồi, cứ uống, cứ vui đùa và lặng lẽ ngắm nhìn Ánh bước chân đủng đỉnh qua lại nơi quán chợ của mình. Đó là những bước chậm chậm, hiền lành, thơ thẩn như đứa trẻ con rảo chơi ngoài lối xóm mỗi giờ chờ tiếng gọi cơm chiều của mẹ. Và đôi lúc, Ánh lại tựa lưng ở góc tường tán gẫu với người này, người kia, miệng nhoẻn một nụ cười duyên, đuôi mắt nheo nheo lại tủm tỉm sau cặp kính trắng. Đó chính là những lúc tôi thấy lại Nguyễn Nhật Ánh của ngày tôi hình dung, của ngày tôi học trò, của ngày tôi đọc vẩn vơ mà mơ ngẩn ngơ những điều Ánh trải ra trong từng câu chuyện. À, thì ra là thế, Nguyễn Nhật Ánh của ngày đôi mươi chưa bao giờ biến thể. À, thì ra là thế, Nguyễn Nhật Ánh của ngày đôi mươi vẫn còn nguyên vẹn trong anh. À, thì ra là thế, vạt nắng nào cuối cùng cũng vẫn là vạt nắng kéo đi từ mặt trời, dù đó là lúc vầng dương khiêm nhường cúi mình về Tây…

Thật ra thì tôi cũng chưa đọc nhiều những truyện Nguyễn Nhật Ánh viết. Ngày thơ ấu, tôi vốn già trước tuổi nên ít đọc truyện dành cho tuổi mình. Nhưng dù chỉ đảo qua một đôi cuốn của anh thôi, chẳng hiểu sao những nhân vật của Ánh vẫn ở lại mãi trong tôi, dù có khi chỉ là cái tên thôi, như Qúy ròm; như Ngạn; như Hà Lan… Phải chăng, Ánh có được cái duyên trời cho là tìm được sự đồng điệu với tâm hồn thơ trẻ nên anh đã để lại những ban đầu sâu sắc thế? Cũng có thể lắm. Cuộc đời này làm gì cũng phải có duyên. Nhưng không phải trẻ thơ làm sao nhìn ra mộng địa, không vẹn hồn nhiên sao thấy rõ được thiên đường. Ánh phải giữ lại được cho mình tài sản qúy giá nhất của mỗi cuộc đời con người là sự hồn nhiên ấu thơ kia, anh mới vẽ ra được những thiên đường mộng địa long lanh như thế. Để rồi, bất chấp độ trượt đi của thời cuộc, những trẻ thơ cùng thời với tôi; những trẻ thơ của thời đại hôm nay; những trẻ thơ của ngày mai, vẫn còn mê man trong một xứ sở huyền ảo mà Ánh đã vẽ ra ấy. Ôi, cái hồn nhiên của tôi bây giờ đã ở đâu? Nhìn vào Ánh, với những hồn nhiên quên đường về đó, những thứ mà tôi vẫn hay đùa trêu là “cỏ ngủ dưới mặt trời”, tự nhiên tôi thấy tiếc cho chính mình. Nhưng cuộc đời là thế. Đâu phải ai cũng biết cách giữ lại? Đâu phải ai cũng được giao một trọng trách để giữ lại? Chỉ riêng Nguyễn Nhật Ánh thôi, giữ lại cũng là đủ rồi. Ánh không giữ lại cho anh, mà cho tôi, cho mọi người, để hiểu rằng mỗi chúng ta đều đã có một tuổi thơ từng sống…

Quân hay thích gọi Ánh là Hoàng tử bé và tôi cũng vẫn hay gật gù khi Quân gọi thế. Nhưng tôi không thấy ở Ánh một Hoàng tử bé như Quân đã nhìn. Ánh không có những băn khoăn, ưu tư khiến ta rơi vào một không gian đẹp đến buồn bã đến thế. Hơn nữa, Quân vẫn hay gọi người khác là Hoàng tử bé. Điều ấy đồng dạng quá. Tôi không muốn Ánh của tôi và Quân đồng dạng thế.

Tôi thấy Ánh chẳng là một cụ thể so sánh nào cả, chỉ là Nguyễn Nhật Ánh thôi. Đó là một Nguyễn Nhật Ánh có một phần của Peter Pan, cậu bé luôn khước từ sự lớn lên và già đi của đời thường để trốn biệt mình ở nơi mộng địa. Đó cũng là Nguyễn Nhật Ánh có một phần của Nam tước mười hai tuổi Cosimo Piovasco di Rondo của xứ sở Bóng râm trong cuốn Il Barone Rampante của Italo Calvino, cậu Nam tước đã từ khước mặt đất của người lớn với mong muốn mãi mãi được là thơ trẻ trên cây. Đó còn là cả một Nguyễn Nhật Ánh có phần khác của chú Cuội, cứ ngồi ngơ ngẩn mãi ở gốc đa trên cung Hằng ngàn năm nay quên hết cả lối về. Và cũng là một Nguyễn Nhật Ánh khác nữa, có những chút của chàng Candide của Voltaire, chút cả tin đến mức nhiều khi cả tin vào cả chính bản thân mình như những lần quậy quạ của anh khiến bạn bè phải nhắc vui “ấy này, đang nhậu ở quan nhà nha Ánh, không phải nhậu quán ngoài nha”… Ánh là tất cả, với thế giới mà Ánh tạo ra cho mình. Nó đẹp như xứ sở Bóng râm đầy những cây minh quyết mà Cosimo đã sống; nó đẹp như mộng địa mà Peter Pan vẫn bay lượn cùng những thiên tinh bé nhỏ của mình; nó cũng hoang sơ như cung Hằng nơi chú Cuội ngẩn ngơ ngồi đợi trâu về cuối con đường bụi; và nó như một hành trình Candide đã đi, đã qua, đã gặp những mặt người. Nhiều khi, tôi không hiểu nổi là Ánh đã vẽ ra như thế để người khác đọc hay để cho chính anh sống trọn những mê, man, ẩn, khuất của riêng cuộc đời mình…

Tôi trở lại Quán chợ Đo Đo mấy hôm trước, cũng một chiều mưa, với chai rượu ngon cắp nách. Lâu rồi, tôi thèm được thấy lại sự hồn nhiên. Lâu rồi, tôi thèm được sống những buổi chiều bình yên. Lâu rồi, tôi thèm như cơn khát khiến cổ họng mình nhức lên. Khô. Khốc. Cũng xuyên qua những giọt rúc rích rơi mà tôi tưởng như những giọt gianh đường xóm quê nào đó. Cũng vẫn là chiếc bàn con ấy, nơi tôi đã từng được nghe những vần thơ ‘cỏ ngủ dưới mặt trời’ của anh. Cũng những gương mặt bằng hữu đó và cũng vẫn là Ánh với hồ hởi tự nhiên đến lạ kỳ. “Chừ ta tặng mi cuốn chi hỉ?”, Ánh chào tôi giọng rặt xứ Quảng. Và anh gửi tôi một tấm ‘Vé đi tuổi thơ’, tấm vé cũng lạ kỳ không khác gì lời chào với nụ cười nhỏn nhoẻn sau cặp kính trắng. Tại sao lại là ‘đi’ mà không phải là ‘về’ nhỉ? Ừ, bây giờ tôi mới tự băn khoăn thế. Chỉ khi nào con người ta đã qua tuổi thơ rồi, đánh mất tuổi thơ rồi, thì mới mong quay về lại bằng một tấm vé du hành nào đó. Còn với Ánh, tuổi thơ có khi vẫn còn ở phía trước, nên anh mới tiếp tục đi chứ không phải quay lại như chúng tôi vẫn nghĩ là về. Vậy thì tôi cầm tấm vé ấy và đi thôi, đi để biết rằng tuổi thơ là điều không-được-đánh-mất. Đi để đến một xứ sở nào đó không hẳn mộng địa, không hẳn Bóng râm cũng chẳng hẳn thiên đường, và chợt gặp một vạt nắng bình thường, nằm dài, ngơ ngẩn, mãi trên cây, với nụ cười hiền lành. Lấp. Loá.

Sài Gòn July 2013

HÀ QUANG MINH, nhạc sĩ

(An Ninh Thế Giới, 7-2013)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên panda_kungfu, chúc bạn vui vẻ!

Lần sửa cuối bởi Akô Nô; 22-03-2014 lúc 01:02 PM
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 04:41 AM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters