Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > BÀN LUẬN

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 20-07-2009, 05:19 PM
Avatar của Po_2008
Po_2008 Po_2008 đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 441
Cảm ơn: 19
Được cảm ơn 105 lần cho 57 bài viết
Mặc định Nguyễn Nhật Ánh - văn chương như một thái độ (đỗ trung quân)

Nguyễn Nhật Ánh - văn chương như một thái độ


1976...


Một năm sau hòa bình, thành phố ngổn ngang bao nhiêu việc mà chính quyền quân quản còn phải làm. Lẫn trong giòng người vừa lạ vừa quen với cái mới, một chàng sinh viên 21 tuổi gò lưng đạp xe xích lô trên phố kiếm sống để hoàn tất năm cuối ở Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp, anh sinh viên cất mảnh bằng vào ngăn kéo, đến ghi danh ở một “trường đại học” khác không có tên trong Bộ Đại học: Thanh niên xung phong. Khi ấy, chưa ai biết, ngay cả chính anh cũng chưa biết mình sẽ là tác giả của những bút ký, thơ ca sẽ xuất hiện gần như hằng tuần trên báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, những bút ký hừng hực lửa trên những công trường thủy lợi vùng ven thành phố, những bài thơ đầy chất hào khí của tuổi thanh niên chẳng sợ gian nan. Cái tên ký dưới những bài viết ấy nhanh chóng trở nên quen thuộc với bạn đọc thành phố những năm 1976 - 1980: Nguyễn Nhật Ánh.

1978... 1979...

Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc bùng nổ. Đây có thể xem như cuộc chiến tranh cuối cùng của thế hệ 20 tuổi sau khi thống nhất, thời điểm mọi người đều ngỡ rằng sẽ được hưởng hòa bình. Nỗi đau, sự căm giận, cơn phẫn nộ của tuổi trẻ khi Tổ quốc bị xâm phạm. Tuổi trẻ thành phố cầm súng và Thanh niên xung phong cũng không ngoài cuộc. Đấy là giai đoạn ngắn ngủi nhưng khốc liệt lẫn hào hùng bi tráng của lực lượng Thanh niên xung phong. Máu đã đổ, đã có hy sinh nhưng lực lượng TNXP chưa từng chùn bước. Nguyễn Nhật Ánh không có mặt vì nhiệm vụ của đơn vị anh không phục vụ chiến trường nhưng nỗi bức xúc, lòng tự trọng của tuổi trẻ biến thành thơ ca: Hãy cho tôi lên đường là một trong những bài thơ quyết liệt của anh trong thời kỳ ấy. Nguyễn Nhật Ánh vẫn như đi cùng đồng đội bằng ngòi bút của mình. Thành phố - tình yêu và nỗi nhớ, bài thơ sau này sẽ trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về thành phố cũng ra đời trong giai đoạn ấy.

Khi chiến dịch kết thúc, biên giới Tây Nam đã bình yên, Thanh niên xung phong lại trở về với các vùng kinh tế mới, công trường, nông trường, địa bàn mới trải dài từ U Minh đến duyên hải, từ biển đến rừng, từ đồng bằng lên cao nguyên. Nhiệm vụ mới là thông tin, phản ánh sức sống của một lực lượng đáng tự hào của Thành phố. Tờ báo Tuyến Đầu được thay đổi hình dáng, nâng cao nội dung và Nguyễn Nhật Ánh sẽ là một trong những người thực hiện biến Tuyến Đầu thành một điểm son rực rỡ của báo chí thời ấy, tờ báo dù lưu hành nội bộ nhưng được thanh niên thành phố chuyền tay rộng rãi như một tạp chí đầy thu hút về nội dung lẫn hình thức. Hầu hết các cây bút trẻ đang trở nên quen tên đều có mặt trong tờ báo của Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố đến nỗi nhiều người vẫn không phân biệt được ai là cây bút của TNXP, ai là cây bút thuộc lĩnh vực, phong trào khác.

1980 - 1990...

Trở về thành phố, Nguyễn Nhật Ánh trở thành nhà giáo như tấm bằng tốt nghiệp ngày nào mời gọi, nhắc nhở thiên chức của mình. Nhưng còn một thiên chức khác ngoài nghề giáo. Anh vẫn là người cầm bút. Những năm 80, một hiện tượng “đen” đang đe dọa làm bẩn những tâm hồn trong trẻo của lứa tuổi học trò: sách khiêu dâm chép tay như nạn dịch lây lan vào môi trường học đường. Chống lại nó chỉ có thể là những sáng tác đủ mạnh, đủ hay, đủ sức thu hút, có cái cho thế hệ trẻ tìm đọc. Hàng loạt tác phẩm dành cho tuổi học trò ký tên Nguyễn Nhật Ánh ra đời: Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Trại hoa vàng, Mắt biếc... Nguyễn Nhật Ánh không chỉ trở thành lá chắn cho tâm hồn học trò, anh còn mang lại cho văn học thanh thiếu niên một sinh khí mới, lãng mạn, dí dỏm, nghịch ngợm và lành mạnh. Giới phụ huynh thở phào nhẹ nhõm khi đưa con vào hiệu sách đã có cái để chọn lựa cho con cái mình, đã có thứ đẩy lùi những điều độc hại.

Con đường sáng tác còn dài dằng dặc nhưng Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một nhà văn chuyên nghiệp danh tiếng mà từ đây, hàng loạt các tác phẩm khác với số lượng phát hành, tái bản lớn, trong đó riêng bộ truyện 45 tập Kính vạn hoa đã phát hành trên một triệu bản, đưa Nguyễn Nhật Ánh trở thành một hiện tượng độc đáo trong giới văn học nghệ thuật. Ánh luôn dẫn đầu về số đầu sách phát hành, tái bản, vẫn là tác giả được giới trẻ ngưỡng mộ và tìm đọc nhiều nhất Việt Nam suốt 2 thập niên 1985 - 2005. “Nếu không có Nguyễn Nhật Ánh, con cái chúng tôi không biết đọc gì để chống lại sự xâm nhập của đủ thứ loại truyện nhăng nhít bên ngoài...”, nhiều phụ huynh nói thế như một lời cảm ơn dành cho anh.

2005…

Đã vào tuổi ngũ tuần, sức sáng tạo từ con người này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Với tự ái và tự trọng của một nhà văn Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh viết Chuyện xứ Lang Biang như một đối đầu tự tin trước cơn sốt Harry Potter và các loại truyện siêu tưởng đến từ nước ngoài. Không để so sánh, không để chứng tỏ điều gì ngoài niềm tin vẫn có thể thu hút bạn đọc bằng những thể loại, hình thức tương tự mà vẫn là “made in Việt Nam”. Nguyễn Nhật Ánh là thế. Một nhà văn lương thiện, chân chính. Những giọt mồ hôi rơi trên trang viết hôm nay của anh cũng hệt như giọt mồ hôi trên lưng áo của anh thanh niên đạp xích lô năm 1976, và đẫm chiếc áo xanh những năm sau đó trên các công – nông trường gió bụi. Mồ hôi của sự lao động bao giờ cũng giống nhau.

Sài Gòn tháng 4.2005


ĐỖ TRUNG QUÂN
, nhà thơ

(Trích Hành trình vươn tới những vì sao, Nxb Trẻ 2005)
__________________
DẪU BIẾT RẰNG YÊU LÀ ĐAU KHỔ
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 10:30 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters