Trở lại   Thư Quán Đo Đo > PHIẾM ĐÀM > LĂN THEO QUẢ BÓNG

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 20-06-2010, 12:53 AM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Những hiệp sĩ mơ mộng (chu đình ngạn)

Những hiệp sĩ mơ mộng



Thế là Tây Ban Nha - đội tuyển có lối chơi đẹp mắt nhất thế giới - đã thất trận: một cú trượt chân không ai ngờ tới trước Thụy Sĩ. Thật oái ăm cho thầy trò Del Bosque: đúng vào lúc không một ai tin sẽ có bất ngờ động trời nào xảy ra trong lượt đấu đầu tiên thì điều đó lại xuất hiện trong trận Tây Ban Nha gặp Thụy Sĩ - hai đội bóng cuối cùng ra quân trong 32 đội. Dĩ nhiên, thua Thụy Sĩ với tỉ số tối thiểu không đến nỗi là tai họa khi Tây Ban Nha vẫn còn hai trận nữa để cứu vãn tình thế. Nhưng từ thất bại này, thầy trò Del Bosque đã đánh mất lợi thế tranh chấp ngôi đầu bảng, điều có thể giúp họ tránh đối đầu quá sớm với Brazil, một đội tuyển được đánh giá hùng mạnh không kém gì họ.


1. Năm 1982, rất nhiều fan bóng đá đã khóc ròng khi đội bóng chơi đẹp mắt nhất lúc bấy giờ là Brazil bị loại ngay từ vòng 2. Nếu Brazil thời HLV Tele Santana nổi tiếng với “bộ ba ngự lâm quân” Zico, Falcao, Socrates thì đội tuyển Pháp lúc ấy cũng rất được yêu mến với “bộ tứ huyền ảo” Platini, Tigana, Giresse và Genghini. Cũng như Brazil, đội tuyển Pháp hào hoa bị đội tuyển Đức lạnh lùng loại khỏi bán kết World Cup 1982 bằng loạt sút 11 mét sau khi hòa nhau 3-3 trong hai hiệp phụ. Thắng - thua trong bóng đá là chuyện thường tình nhưng trước thất bại của Brazil và Pháp, tâm trạng của những người yêu bóng đá đẹp có lẽ còn đi xa hơn nỗi buồn. Đó là nỗi đau của kẻ nhìn thấy cái đẹp bị bức tử. Hai kỳ World Cup trước đó các tín đồ của bóng đá duy mỹ cũng từng nếm trải cảm giác tương tự khi lối chơi tổng lực đẹp mắt của Hà Lan 1974 và 1978 liên tiếp gục ngã trước cửa thiên đường.

Năm 1986, đội tuyển Argentina không sở hữu một lối chơi thực đẹp mắt, nhưng những màn trình diễn siêu hạng của Maradona đã cứu cho tất cả. Nhưng từ World Cup 1990 đến nay, cả 5 nhà vô địch đều không ghi thêm một nét son nào vào bảng giá trị của bóng đá, kể cả Brazil 1994 và 2002.

2. Ở thời buổi mà hầu hết các ông bầu bóng đá đều nói mê sảng đến thành tích, kéo theo đó là lợi nhuận, có vẻ như chủ nghĩa lãng mạn đã bị đuổi ra khỏi ngôi nhà bóng đá một cách không thương tiếc. Trong môi trường thấm đẫm tính thực dụng đó, các huấn luyện viên đề cao tính hiệu quả xuất hiện nhan nhản và được săn đón nồng nhiệt. Đã biến mất dần những mẫu huấn luyện viên coi cách đi đến chiến thắng cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn, bản thân sự chiến thắng. Cũng dễ hiểu thôi: Trong vòng tay của chủ nghĩa thành tích, người ta có thể dùng chiến thắng để biện minh cho tất cả, trong khi cái đẹp nếu chẳng may thất bại thì nó không thể biện minh cho bất cứ điều gì, ngoài chính nó. Cái đẹp lẽ ra là chân lý, dần dần trở thành tà thuyết trong mắt những cư dân thực dụng sống bên kia dãy Pyrenees của thế giới túc cầu.

3. Cho đến nay, lối chơi đầy mê hoặc của các đội tuyển Hungary 1954, Brazil 1970 và 1982, Hà Lan 1974 luôn được trầm trồ, mặc nhiên được xem là tài sản chung của gia đình bóng đá. Trừ đội Brazil 1970 vô địch World Cup, các đội còn lại đều là những bại binh. Nhưng cao hơn mọi được - mất, nghệ thuật nhồi bóng của các đội tuyển này mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá như những biểu tượng, trở thành một giá trị mà khi nhắc đến nó các tín đồ túc cầu giáo đều cảm thấy tự hào, trong khi hàng loạt các nhà vô địch khác chỉ lặng lẽ đi vào các ngăn kéo chứa hồ sơ tư liệu ẩm thấp và tối om om ở trụ sở FIFA.

Sự bình giá của lịch sử, như vậy sáng rõ như phơi ra dưới ánh mặt trời. Nhưng trong mắt các nhà làm bóng đá hiện đại, lối chơi bóng xem thắng lợi của nghệ thuật bóng đá cao hơn thắng lợi của bản thân là một quan niệm phù phiếm.

[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/spain1.jpeg[/IMGL]Điều đó cắt nghĩa tại sao chức vô địch EURO 2008 của Tây Ban Nha với lối đan bóng bay bướm có giá trị lớn hơn một chiếc cúp đơn thuần: đó không chỉ là sự đăng quang của một đội tuyển mà còn là sự lên ngôi của một lối chơi, thậm chí sự chiến thắng của một lý tưởng. Thắng lợi của lối chơi tiqui-taca đẹp mắt và giàu tính cống hiến càng có ý nghĩa hơn khi ngôi vô địch nhợt nhạt của Hy Lạp ở kỳ EURO trước đó được nhiều người xem như một bản án chung thẩm cho chủ nghĩa duy mỹ trong bóng đá.

Cho nên thật dễ hiểu khi người hâm mộ ngày nay dành rất nhiều cảm tình cho đội tuyển Tây Ban Nha. Khi ngay cả các nghệ sĩ sân cỏ Brazil cũng sẵn sàng từ bỏ những giá trị truyền thống để giành chiến thắng bằng một lối chơi thực tế, thì một đội tuyển tôn thờ lối chơi đẹp như Tây Ban Nha chẳng khác nào kẻ “dị giáo” trên sân cỏ. Ngoài vẻ đẹp, người ta còn yêu Tây Ban Nha ở chính sự quả cảm này.

4. Thực ra thất bại của Tây Ban Nha trước Thụy Sĩ không xuất phát từ lối chơi, mặc dù ai cũng thấy lối đan bóng nhỏ, ngắn và liên tục theo kiểu tiqui-taca nếu thiếu tốc độ sẽ trở nên rườm rà và đối thủ có thừa thời gian để phong tỏa. Vấn đề là trong một ngày vô duyên, các chân sút Villa, Torres, cả Iniesta, Navas, Alonso đã bỏ lỡ tất cả các cơ hội trước mũi giày. Thụy Sĩ đã làm rất tốt công việc phòng ngự nhưng thực tế thì họ cũng không đủ sức để ngăn các chân sút Tây Ban Nha lọt vào tư thế dứt điểm thuận lợi. Trong buổi tối kỳ lạ đó, nếu hai bên đều biến tất cả các cơ hội thành bàn thắng, tỉ số trận đấu có lẽ là 5-2 nghiêng về phía thầy trò Del Bosque. Ở đây, rõ ràng người Tây Ban Nha phải tự trách mình.

Còn Thụy Sĩ, dù không muốn vẫn phải dựng cho mình một chiếc xe buýt trước khung thành, như cách mà Triều Tiên đã chọn để đối phó với Brazil một ngày trước đó. Tôi không ở trong số những người vỗ tay cho bóng đá thực dụng, nhưng vẫn phải thừa nhận bóng đá phòng ngự là thực thể phái sinh từ bóng đá tấn công và được nuôi nấng bởi bóng đá tấn công. Khi anh mài nhọn mũi giáo thì ở bên kia chiến tuyến, đối thủ buộc phải đánh bóng tấm khiên nếu họ yếu thế hơn. Anh càng trau dồi kỹ năng tấn công thì đối thủ của anh càng rèn giũa kỹ năng phòng ngự. Tóm lại, bóng đá phòng ngự ra đời như một phản biện, một thứ thuốc thử của bóng đá tấn công, dù không thích thì anh vẫn phải sống chung với nó, vẫn phải “ngủ với kẻ thù” như cách nói của Hollywood!

Về cơ bản, chiến thuật phòng ngự không có tội, nếu nó được sử dụng như một đối sách linh hoạt hay như một cơ chế tự bảo vệ trước một đối thủ quá mạnh - như cách mà Manchester United từng lựa chọn khi đối đầu với Barcelona ở Champions League mùa 2007-2008. Nhưng khi bóng đá phòng ngự phát triển với tư cách một trường phái, một triết lý hay một quan điểm hành nghề, nó sẽ biến tất cả các đội bóng thành Hy Lạp 2004.

Tất nhiên, tôi tin đội tuyển Tây Ban Nha sẽ không bao giờ chơi phòng ngự với bất cứ lý do gì, dù gươm kề cổ. Xavi, Iniesta và đồng đội có lẽ sẽ không bao giờ từ bỏ bản sắc của mình để giành giật chiến thắng bằng mọi giá. Tôi tin họ sẽ đi đến cùng con đường mà nhiều người khác đã dừng lại. Đơn giản, họ sinh ra trên đất nước của chàng hiệp sĩ mơ mộng Don Quixote, kẻ sẵn sàng dâng hiến trọn đời mình cho lý tưởng - dù đối với nhiều người đó chỉ là thứ lý tưởng viển vông, dại dột.

[IMGL]https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/donquixote2.jpg[/IMGL]























18-6-2010


CHU ĐÌNH NGẠN

(Báo SGGP 20-6-2010)

__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 08:56 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters