Trở lại   Thư Quán Đo Đo > CHÚNG TÔI NGHĨ LÀ... > HAY

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 05-06-2010, 11:19 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Antonie de Saint Exupéry (andré maurois)

Antonie de Saint Exupéry

Từ mười năm nay tôi đọc anh, tôi ngưỡng mộ anh, tôi gặp gỡ anh, nhưng với tôi, anh là một đồng nghiệp, một người ăn cùng bàn ở cùng chỗ, không phải một người bạn.



“Người ta bước đi bên nhau rất lâu, khép chặt trong niềm im lặng của chính mình hoặc người ta trao đổi với nhau bằng những từ không chuyên chở được gì.”
Phụ nữ có tài tâm sự, hầu hết đàn ông thì nhút nhát và bí mật. Nhà văn dồn nén những mối âu lo của mình và chỉ cho phép chúng bộc lộ dưới hình thức thơ hay tiểu thuyết. Chỉ có những thời kỳ bi đát khi hắn phải tham gia cuộc sống của một nhóm người mới buộc hắn phải bước ra khỏi mộng tưởng của hắn. “Kết hợp với những người anh em của chúng ta hướng về một mục đích chung ở ngoài chúng ta, chỉ bấy giờ chúng ta mới sống thực sự và kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng yêu không phải là nhìn nhau mà cùng chung nhìn về một hướng. Chỉ có bầu bạn khi nào họ hợp nhất với nhau trong cùng một nhóm, hướng về cùng một đỉnh cao.”

Trong các phi đoàn hay các đội phi công, Saint Ex có được một kinh nghiệm lâu dài và phong phú về tình bầu bạn giữa con người. Những người can thiệp giúp anh không phải là những nhà văn mà là những người cùng anh chiến đấu bên nhau: Hochedé, Guillaumet. Năm 1940 khi gặp lại anh tại New York, cũng quị như tôi vì nỗi khổ đau của nước Pháp, tôi chợt hiểu ra rằng nơi anh, tôi sắp tìm ra một người bạn cảm nhận được những gì tôi cảm nhận, không bao giờ rao giảng điều gì chống lại nước Pháp, chấp nhận cho chính mình và cho kẻ khác những trách nhiệm của quá khứ, luôn khước từ những đam mê có tính cách phe phái, sự thù hận và sự vu khống.

Trong những năm đầu thử thách đó, cái tuyệt đỉnh mà ngày ngày anh chỉ ra cho chúng tôi như mục tiêu chung, là sự đoàn kết của người Pháp. Tại Mỹ cũng như tại Algérie, anh luôn mang tới một tinh thần cuồng nhiệt đặc biệt của anh, nhằm hòa giải các phe nhóm thù địch nhau. Nhiều lần tôi thấy anh đến với những con người chia rẽ nhau, dè chừng nhau, anh hàn gắn họ lại với nhau trong thời gian anh hiện diện, bằng những lời lẽ nóng bỏng của anh. Trong một nhóm người, anh thường lặng lẽ hồi lâu, bất chợt khi có ai gợi lên một đề tài đúng ý anh, anh tham gia và bắt trớn ngay. Thế rồi những hình ảnh chen chúc nhau, đông vầy và đẹp đẽ đến đỗi lời lẽ anh trở nên dồn dập, hổn hển và những con người cuồng tín nhất cũng phải đồng tình hưởng ứng và cuối cùng vượt qua những tranh cãi.



Viễn tượng của người hoa tiêu. Đã từng trải qua cả một phần đời giữa các chòm sao trong bầu trời lồng lộng, anh đã quen ngắm nhìn trái đất như một hành tinh giữa bao hành tinh khác. Anh sống ở quy mô lục địa. Anh là con người lần đầu tiên đến châu Phi, ở lại đó trong ba mươi giây, thời gian đủ đề ném một bọc thư và bước từ một phi cơ này sang một phi cơ khác. Từ đó, anh dễ có thái độ khinh miệt trước những cuộc tranh cãi nơi trụ sở.

Nhưng không có chút khinh miệt nào đối với con người. Trái lại, càng coi thường những tham vọng, càng xem nhẹ mọi sự sở hữu, càng bàn bạc về những câu thúc và quy ước như một lãnh chúa sẵn sang vượt mọi điều cương tỏa, Saint Ex càng dành trọn tình yêu và sự kính trọng của mình cho con người. Spinoza nói: “Ta hãy nói với con người về tự do của nó hơn là sự nô dịch.” Saint Excupéry nói với bạn đường và độc giả của anh, không phải về những sự yếu đuối mà về sức mạnh của họ.

Anh thích những đề tài tiểu thuyết giúp anh mô tả, nói con người, thái độ miệt thị sự nguy hiểm, lòng tận tụy đối với tập thể, lòng hy sinh của người thủ lãnh. Nhân vật Guillaumet của anh nói: “Điều tôi đã làm, các anh thấy không, không một con vật nào làm được.” Nơi đây, các nhà tiên tri của tôi gặp nhau. Tôi đọc trong những trang sách đẹp của Alain viết về Kant: “Ngay khi chú ý tới những đức tính cao cả của con người dám coi khinh tất cả những cái lớn lao và những sức mạnh, người ta chắc chắn nhận ra con người.” Saint Exupery nhận ra con người trong sự hy sinh, nó càng đẹp hơn trong thầm kín và dửng dưng, và luôn luôn đó là con đường dẫn tới sự hồi sinh. Người phi công thời chiến của anh thừa hiểu rằng sứ mạng mình vô ích, rằng bộ tham mưu đã ra lệnh cho anh ta không còn nữa, rằng anh ta sẽ không thể báo cáo với ai được nữa. Thế mà anh ta vẫn phải hoàn thành nó. Cho chính anh ta, cho chính sự cứu rỗi của anh ta.

Điều đó vô lý, nhưng dưới mắt Saint Ex cũng như dưới mắt Alain, “mọi chứng cứ đều xấu xa”. Người ta có thể chứng minh chân lý có tính phe phái luôn đối lập nhau, tất cả đều bất toàn, tất cả đều sai lạc. “Trí thông minh chỉ đáng kể khi phục vụ tình yêu.” Tình yêu đất nước ở Saint Exupéry không có giới hạn. “Sự thất trận luôn gây chia rẽ. Sự thất trận phá hủy tất cả những gì đã được hình thành. Ở đó có sự đe dọa chết choc, tôi sẽ không góp phần vào những sự phân hóa đó.” Anh không bao giờ góp phần vào đó. Bằng tác phẩm và bằng tấm gương sống thực của mình, anh giúp đỡ, hỗ trợ tất cả những ai quyết không muốn “phá hủy tất cả những gì đã được hình thành.”

Ai có lý? Cánh hữu hay cánh tả? Đảng này hay đảng nọ? Đừng trông đợi ở Saint Excupéry câu trả lời cho những câu hỏi đó. Với anh các cuộc tranh cãi đó có vẻ khốn khổ. Về chuyện này tôi không hoàn toàn đồng ý với anh, bởi từng ngày ta phải sống và chọn lựa. Dưới mắt anh, điều hệ trọng là nâng con người lên cao hơn chính nó. Nhưng có một chủ thuyết khi nâng người này thì lại hạ thấp người kia. Mọi hoạt động như Péguy đã nói, đều có những điều bí ẩn và những sách lược của chúng. Có những phương cách cao cả và những phương cách hèn hạ để tham gia bất luận phe nhóm nào.

“Kẻ nào không nghi ngờ cái chưa biết đang ngủ yên nơi hắn mà cảm thấy nó thức dậy một lần thôi trong một tầng hầm của bọn vô chính phủ ở Barcelone, vì sự hy sinh, sự tương trợ, vì một hình ảnh cứng nhắc của công lý, kẻ đó sẽ chỉ còn biết một chân lý: chân lý bọn vô chính phủ. Và kẻ nào một lần đứng canh để bảo vệ một nhóm nữ tu đang quỳ gối, hãi hùng trong một nhà tu ở Tây Ban Nha, kẻ đó sẽ chết cho Giáo hội.”[1]

Chân lý là gì? Chân lý không phải là một chủ thuyết, cũng không là một giáo điều. Người ta không chiếm lĩnh nó bằng cách gia nhập một giáo phái, một trường phái hay một đảng phái, “Chân lý đối với con người là cái biến nó thành một con người.” Để hiểu con người và những nhu cầu của nó, để biết được nó trong cái quan yếu, không nên đặt các chân lý hiển nhiên của các anh thành đối lập nhau. Phải, các anh có lý. Tất cả các anh đều có lý. Luận lý học chứng minh tất cả. Hắn đúng, ngay cả hắn là kẻ ném mọi điều khốn khổ lên những người gù. Nếu ta tuyên chiến với nhửng người gù, ta sẽ nhanh chóng thấy ta hào hứng sôi nổi. Ta phục thù những tội ác người gù. Và quả thực, người gù cũng phạm tội. Ích lợi gì khi tranh luận về các hệ tư tưởng chứ? Nếu tất cả đều được chứng minh thì tất cả cũng chống đối nhau, và những cuộc tranh luận như thế luôn gây thất vọng cho sự cứu rỗi con người. Trong khi con người ở khắp mọi nơi, quanh ta, đều bộc lộ những nhu cầu giống nhau. Người nào vung một nhát cuốc thì luôn muốn gán một ý nghĩa cho nhát cuốc của mình. Và nhát cuốc của người tù khổ sai làm nhục người tù khổ sai, nó không giống nhát cuốc kẻ thăm dò luôn làm cho kẻ thăm dò được lớn lao thêm. Không phải nhà tù hiện diện nơi những nhát cuốc vung ra. Nó không phải là điều ghê tởm mang tính vật chất. Nhà tù hiện diện nơi những nhát cuốc vung ra mà không có chút ý nghĩa nào, không kết nối kẻ cầm cuốc với cộng đồng loài người.[2]

Ai đã tạo dựng cho mình một ý tưởng về chân lý như thế không thể trách kẻ khác tại sao có những niềm tin khác biệt với mình. Nếu chân lý của mỗi người là điều làm cho nó trở nên lớn lao, chúng ta có thể, tôi và bạn vốn không cùng chung sự phục tùng, cảm thấy gần nhau, vì cùng yêu mến cái cao cả, vì cùng yêu mến tình yêu. Trí thông minh chỉ đáng kể khi phục vụ tình yêu. “Từ lâu lắm rồi, chúng ta lầm lẫn về vai trò của trí thông minh. Chúng ta xem nhẹ bản chất con người. Chúng ta tưởng rằng tài điêu luyện của những tâm hồn thấp bé có thể giúp cho chính nghĩa được thắng lợi, rằng tính ích kỷ khôn khéo có thể khơi dậy tinh thần hy sinh, rằng trái tim khô cạn có thể tạo dựng được từ lòng bác ái và tình yêu nhờ những diễn từ lưu loát. Chúng ta đã lãng quên hữu thể. Hạt thông bá hương, dù muốn dù không sẽ trở thành cây thông bá hương. Hạt ngấy sẽ trở thành cây ngấy. Tự hậu, tôi sẽ từ chối việc phê phán con người căn cứ vào những công thức biện minh cho những quyết định của họ…”[3]

Điều cần hỏi về bất luận con người nào không phải là: “Anh ta theo chủ thuyết gì? Nhãn hiệu anh ta là gì? Anh ta được kết hợp vào đảng nào?” Điều cần hỏi là: “Anh ta là con người nào?” Con người nào chứ không phải cá nhân nào. Điều đáng kể là con người hội nhập trong một nhóm, trong một đất nước, trong một nền văn minh. Người Pháp đã viết trên trán tường của những đền đài của họ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Họ có lý, đó là một khẩu hiệu đẹp. Với điều kiện, Saint Excupéry nói thêm, người ta phải hiểu rằng con người chỉ có thể tự do bình đẳng và bác ái nơi một ai đó hoặc với một cái gì đó.

“Tôi biết rõ cội nguồn của lòng bác ái của con người. Con người là anh em nơi Thượng đế. Người ta chỉ có thể là anh em nơi một cái gì. Nếu không có một cái gút để kết hợp họ lại với nhau thì con người chỉ liền nhau chứ không gắn vào nhau. Người ta không thể là anh em một cách ngắn gọn, giản đơn. Các bạn tôi và tôi là anh em trong nhóm 2/33 người Pháp là anh em với nhau trong nước Pháp.”



Saint Exupéry và vợ ông, Consuela


Tại Hoa Kỳ, trong hai năm (1941 và 1942) tôi thường gặp anh. Chúng tôi cùng tạm quên cách xử trí của chúng tôi, trong khi chờ hành động, chúng tôi viết. Tôi còn nhớ những ngày sống gần anh trong ngôi nhà, gần đại dương, nơi anh đang viết Cậu hoàng bé. Gia đình Saint Excupéry có nghệ thuật khám phá những chốn ở lạ lung và phi phàm, quá rộng lớn đối với họ; người ta nói rằng họ cần những gian phòng trống trải dành cho những bóng ma của họ. Ngôi nhà đó ở Eton, thuộc vùng Northport, một nơi hoang vắng với những rừng và sậy bao quanh. Mùa thu trên đất Mỹ, dữ dội và mãnh liệt, phủ lên cây cối những sắc màu điên loạn. Denis de Rougemount đến với tôi. Trọn buổi xế chiều, chúng tôi nghe Saint Ex kể những mẩu chuyện tuyệt diệu. Anh đưa chúng tôi đi từ Đông Dương tới các ngoại ô Paris, từ sa mạc Sahara tới Chili. Người kể chuyện tuyệt vời.

Buổi chiều, một bà giáo sư muốn dạy Anh ngữ cho anh. Ô! Mưu toan thật vô ích! Saint Ex không thích học Anh ngữ. Anh nói: “Một nhà văn Pháp không nên làm hỏng ngôn ngữ của mình. Ba từ thôi đã đủ cho anh ta trả lời điện thoại: ‘Not at home.” Khi anh đi mua các thứ tại New York và khi người bán hàng không hiểu anh nói gì, anh gọi điện thoại (tự động) cho André Rouchaud, người bạn chung của chúng tôi: “Anh hãy bảo với tên ấy rằng tôi muốn cái cà vạt có nền đỏ trong tủ kính của hắn.” Rouchaud phiên dịch. Câu chuyện được dàn xếp như thế.

Sau bữa tối, Saint Ex chơi cờ, anh có những nước đi bí hiểm nhất mà tôi trông thấy được trong đời, và chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước sự thích thú của nhà ảo thuật và nhà thơ nơi anh. Vào nửa đêm, anh vào phòng làm việc của mình, nơi anh viết và vẽ tới bảy giờ sáng những cuộc phiêu lưu của Cậu hoàng bé tượng trưng kia trên hành tinh nhỏ xíu của cậu, một dự phóng của chính tác giả. Giữa đêm anh gọi chúng tôi ầm ĩ để cho chúng tôi xem một bức vẽ mà anh ưng ý. Một trong những nét của thiên tài là áp đặt chính đời mình và tiêu hoang nó.

Quân Mỹ đổ bộ lên châu Phi và cả hai chúng tôi vào cuộc. Anh có mặt tại Algérie trước tôi không lâu và đón tôi khi tôi tới. Tôi thấy anh rất buồn. Đơn vị Pháp mà chúng tôi tha thiết kêu gọi, trông chờ, vẫn chưa thành lập được. Hochedé, bạn anh vừa mới chết trong một tai nạn máy bay. Vì thế người ta cấm Saint Ex bay: “Tim của anh, người ta bảo anh không còn đủ sức trẻ cho những guồng máy quá nhanh đó.” Điều đó có thể đúng, nhưng anh không thể chấp nhận được. Mặt đất càng làm anh thất vọng, anh càng có nhu cầu bay trên nó. Con đường của các thiên thể mai đây đối với anh là con đường chắc chắn nhất, con đường duy nhất rộng mở. Và nếu cái chết ở cuối đường, anh cũng không còn dịp để sợ nó.

Bề ngoài, anh không có gì thay đổi. Giữa hai chuyến công tác, anh kể chuyện đùa, đọc, hát. Anh còn giải thích, với sự chính xác tuyệt vời của con nhà kỹ thuật, cơ chế của một dụng cụ mời hoặc một đường lối chính trị mà anh đã phải theo, bởi thường khi nhà thơ này vẫn có được sự khôn ngoan hiện thực nhất. Nhưng tôi đã đọc nhiều lá thư của anh vào cùng thời kỳ đó, rất hào hùng và khốn khổ.

Tôi gặp anh lần cuối cùng vào cuối năm 1943. Chúng tôi đã thân mật dùng bữa tối với nhau. Anh rất vui vẻ, trông anh khi thì rất trẻ con, khi thì rất tài hoa. Mọi người lắng nghe anh với những tình cảm vừa xúc động vừa thân thương. Ai gặp anh cũng đều yêu mến anh. Khuôn mặt anh mãnh liệt, sắc nét lạ kỳ, thể hiện một sức mạnh đầy thuyết phục. Những đường nét nặng nề thể hiện một lương tri vững trải, mang đậm tính cách Pháp, trong khi ánh mắt anh luôn toát ra một chất thơ trẻ trung và trong trắng một cách diệu kỳ. Chiều hôm đó, anh rất đỗi hài lòng bởi anh vừa được phép bay nữa, bất kể tuổi tác anh. Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ không gặp lại anh. Trong cuộc chiến tranh này, ít có ai trở nên thân thiết hơn đối với tôi. Tại Mỹ, anh là cố vấn và là lương tâm tôi; tại châu Phi, là người bạn tri kỷ. Tôi yêu sự hăng hái đó, sự dũng cảm đó, sự ngông cuồng đó. Tôi tin tưởng, mọi người đều tin tưởng. Một cái gì quá tốt đẹp để được bền lâu.

Mười tháng sau tại Canada, một người phụ nữ đọc cho tôi nghe một lá thư của chồng chị là người từng cùng phi đội với Saint Ex, tại Corse hay tại Ý gì đó. Tôi không còn nhớ những câu chính xác, nhưng anh kể lại chuyện một buổi tối vào năm 1944, anh và các bạn đã chờ trên khoảng đất sự trở về của Saint Ex ra sao, anh đã lên đường công tác trên đất Pháp. Anh diễn tả sự lo âu nảy sinh, những bóng đêm trải dài, bóng đêm buông phủ và bao trùm lên cảnh vật, từng giờ trôi qua, hy vọng tắt dần, niềm tin trĩu nặng điều xác tín. “Vào khoảng mười giờ đêm, anh viết tiếp, không ai nói tiếng nào, bọn anh chậm chạp bước về phía phòng ăn của sĩ quan. Nơi đây, bữa ăn tối trên bàn đã nguội lạnh. Bọn anh ngồi xuống và bắt đầu ăn. Cuối bữa ăn, người kỳ cựu nhất nói với anh: “Sáng ngày mai, cậu sẽ thực hiện sứ mạng của thiếu tá Saint Exupéry.” Không có điều chi khác nữa. Điều này giống một chương trong Bay đêm một cách khủng khiếp.

Đúng thế, chuyện đó giống như một chương trong một quyển tiểu thuyết của Saint Ex và nó như thế cũng là điều tự nhiên, bởi tiểu thuyết của Saint Ex chỉ là dự phóng của một hình ảnh đời anh như anh đã nhìn thấy nó và muốn nó như thế. Cuộc đời mà anh yêu dấu, cuộc đời độc nhất anh chấp nhận được là cuộc đời mà sự hăm dọa thường xuyên của cái chết làm cho cao quý, cuộc đời mang lại những tình bầu bạn tuyệt vời trong hành động, cuộc đời đưa người đàn bà trở về với vai trò cổ xưa của mình là an ủi người chiến binh. Điều đó giống như một quyển tiểu thuyết của Saint Ex bởi những tình cảm lớn vẫn hiện diện mà không cần chút khoa trương, bởi Saint Ex, bằng một thuật luyện kim tự nhiên, đã trở thành một trong những nhân vật chính của mình. Và chúng ta tha thiết hy vọng rằng rất có thể một ngày nào đó, giống như Guillaumet sau chuyến rơi trong vùng Cordillère des Andes, anh lại sẽ xuất hiện bằng một trò ma thuật siêu đẳng bước ra khỏi vùng ẩn cư vô hình nào đó.

ANDRÉ MAUROIS
(Huỳnh Phan Anh
dịch)

Theo: bungbinhsaigon.net

_____________________

[1]Saint Exupéry, Vùng đất con người trang 203

[2]Saint Exupéry, Vùng đất con người trang 205 -207

[3]Saint Exupéry, Phi công thời chiến trang 212


__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời


Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 08:57 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters