16-06-2012, 11:29 AM
|
|
Super Moderator
|
|
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 441
Cảm ơn: 19
Được cảm ơn 105 lần cho 57 bài viết
|
|
Phê phán ít thôi, tìm hiểu nhiều hơn (nguyễn thụy anh)
LTS: Thiếu nhi đọc gì là câu hỏi đang làm bận tâm khá nhiều người lớn. Nhưng trong khi bao người soi mói khắt khe vào những gì các em đang đọc thì theo tác giả bài viết dưới đây, câu trả lời nằm ở... người lớn. TS Nguyễn Thuỵ Anh là chuyên gia tư vấn giáo dục, dịch giả tiếng Nga, tác giả của nhiều đầu sách thiếu nhi, chị còn là chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con tại Hà Nội.
Phê phán ít thôi, tìm hiểu nhiều hơn
Gần đây, tôi luôn nghe được những lời phê phán, rằng văn hoá đọc của thanh thiếu nhi hay người trẻ nói chung đang đi xuống. Thế nhưng, sáng chủ nhật 10.6 vừa rồi, có mặt ở lễ ký tặng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chứng kiến gần 1.000 độc giả trẻ xếp hàng trật tự trong nắng hè Hà Nội, hân hoan chào đón cuốn đồng thoại mới nhất của nhà văn các em yêu quý, mới hiểu văn hoá đọc vẫn tồn tại, sừng sững, bất chấp những lời phê phán!
Những buổi ký tặng sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn đông bạn đọc trẻ.
Người lớn hãy xem lại
Để đánh giá bất kỳ một hiện tượng gì, cũng cần có khảo sát khoa học và những số liệu thống kê tương đối cụ thể. Về hiện tượng “tranh truyện phủ sóng đời sống tinh thần” của trẻ em mà báo chí nói đến và lo lắng, tôi có thể nói ngay thế này: đó là một hiện tượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân rồi mới đặt ra giải pháp.
Tất cả những nguyên nhân như: phù hợp lứa tuổi, hài hước, nhẹ nhàng không giáo huấn, giúp các em giảm stress vốn luôn luôn tồn tại trong cuộc sống học tập của các em, hoặc là lười nhác không muốn nghĩ ngợi, tư duy… đều phải được tính đến. Nhiều cha mẹ muốn con đến với những giá trị tinh thần lớn lao hơn mà họ nhận được qua những cuốn sách ấu thơ kinh điển như Không gia đình, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Tâm hồn cao thượng… nhưng không biết đấu tranh với truyện tranh thế nào, chọn giải pháp đơn giản: cấm! Đương nhiên đó chưa phải là phương án tốt.
Việc trẻ em đến với truyện tranh là hết sức tự nhiên bởi tư duy trẻ, ban đầu, là tư duy trực quan. Hình ảnh kết hợp những lời thoại dí dỏm, tự nhiên, ngắn gọn luôn lôi cuốn trẻ. Song, nếu theo thời gian, với lứa tuổi lớn hơn, đặc biệt là từ trung học cơ sở trở đi mà trẻ hoàn toàn không có nhu cầu đến với những câu chuyện dài hơi, như bây giờ ta gọi tắt là “truyện chữ”, thì đã có vấn đề cần điều chỉnh! Nhưng vấn đề lại không phải ở các em mà ở người lớn! Hãy xem lại cách dạy văn, học văn ở nhà trường. Hãy xem lại cách khuyến khích con đến với sách của bố mẹ. Hãy xem lại cả những thói quen đọc trong gia đình, nhà trường và xã hội nữa.
Và cuối cùng, xin những người viết xem lại cả cách viết cho các em trong thời đại nghe nhìn bây giờ, khi mà cuộc sống của các em có quá nhiều điều chi phối và hấp dẫn, sách chỉ là một góc nhỏ bé. Viết làm sao để chúng quan tâm, để có được tiếng nói chung, tần số rung động chung với chúng, để cái “góc nhỏ bé” ấy trong chúng không mất đi mà được duy trì lâu dài, là góc trong sáng làm nên nhân cách của những con người non nớt đang học trở thành Người, đồng thời là những kỷ niệm ấu thơ theo các em mãi đến sau này?
Cảm trước hiểu sau
Mỗi lần có dịp dạy học hoặc giao lưu với các em học sinh, tôi thường bày trò chơi xung quanh đề tài sách. Và cũng được các em hé lộ nhiều điều: các em thích gì, cần gì, và vì sao các em thích hoặc không thích… Chẳng hạn, chất hài hước giản dị của truyện tranh, sự ly kỳ hấp dẫn mà trí tưởng tượng vượt không gian thời gian của nhà văn đã đưa đến cho các em một thế giới khác. Các em cần thế giới ấy. Hoặc đơn giản là những điều “vớ vẩn, ngây ngô” nhưng vẫn trong sáng và đầy rung động mà tuổi học trò yêu thích trong những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh vậy.
Khi hỏi có thích Dế mèn phiêu lưu ký không, thì chúng bảo “Không!” với lý do rất “lãng xẹt”: truyện đó có trong chương trình học! Mỗi một cuốn sách, mỗi một câu chuyện tự nó chứa đựng biết bao nhiêu bài học cho các em, những bài học mà trẻ có thể cảm nhận bằng trải nghiệm và cảm xúc bản thân. Chỉ riêng việc ráo riết đi tìm thông điệp và bài học của mỗi tác phẩm đã giết chết cảm giác háo hức khám phá của trẻ mất rồi!
Lại nhớ, có chị bạn tôi đọc thơ cho con nghe. Cô bé năm tuổi nói: “Mẹ ơi, mẹ cứ đọc thơ thôi, đừng giảng giải! Con muốn nghe nhạc của thơ!” Tôi nghe chị kể mà giật mình. Đấy chính là kỹ năng đọc sách mà cô bé vô tình đã “hướng dẫn” mẹ. Những cảm nhận về nhịp điệu, về cái gọi là “thi trung hữu nhạc”… là cái tinh tế của sự đọc mà chúng ta phải hướng đến khi cùng trẻ đọc sách. Trước tiên là cảm, rồi mới đến hiểu. Cách thưởng thức tác phẩm như thế hình như có khác với cách thức dạy văn trong nhà trường bây giờ!
Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây, theo tôi, là kỹ năng. Kỹ năng đọc sách của các em. Kỹ năng của người lớn khi đưa sách đến với các em. Kỹ năng của người làm sách cho các em, đảm bảo từ mặt thẩm mỹ của khâu làm bìa, hình minh họa bên trong lẫn chất giấy, cách dàn trang, cỡ chữ… rồi mới tính đến nội dung. Nội dung hay mà hình thức chuyển tải nặng nề thì khó tiếp cận bạn đọc trẻ lắm! Và cuối cùng là kỹ năng đánh giá một vấn đề liên quan đến trẻ em mà chìa khoá là: phê phán ít thôi, tìm hiểu nhiều hơn!
THỤY ANH
(Sài Gòn Tiếp Thị 14-6-2012)
|
The Following 2 Users Say Thank You to Po_2008 For This Useful Post:
|
|
Công cụ bài viết |
|
Kiểu hiển thị |
Dạng hẹp
|
Quyền viết bài
|
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình
HTML đang Tắt
|
|
|
Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 04:42 PM
|