Trở lại   Thư Quán Đo Đo > ĐỌC BÁO BUỔI SÁNG > CHÚT XÍU ĐO ĐO

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 26-08-2018, 04:00 PM
Avatar của Akô Nô
Akô Nô Akô Nô đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 480
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 22 lần cho 18 bài viết
Mặc định Đừng để ấu thơ “mắc kẹt” trong văn chương (Gia Đình & Trẻ Em, 24-8-2018)

Đừng để ấu thơ “mắc kẹt” trong văn chương

“Độc giả đang rất cần một dòng văn học tuổi mới lớn của người Việt chứ không phải của một quốc gia nào khác. Điều đó lý giải nguyên nhân tại sao khi đã 30, 40 tuổi, chúng ta vẫn có nhu cầu, khao khát đọc lại dòng văn học này”, TS ngữ văn Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ trong một buổi tọa đàm về viết cho thanh thiếu niên.



Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả. Ảnh PL

Dòng văn học nuôi dưỡng phần thơ ấu của mỗi người

Đã lâu rồi, kể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng về thời thơ ấu, thanh thiếu niên, tuổi mới lớn… trong văn đàn Việt Nam như: “Thời thơ ấu” của Nguyên Hồng, “Đất phương Nam” của Đoàn Giỏi… thì đến nay, thi thoảng cũng có những cuốn sách gây ra những “cơn sóng nhỏ” trong giới yêu thích thể loại này như: “Quân khu Nam Đồng” của tác giả Bình Ca, “Khu tập thể có giàn hoa tím” do NXB Kim Đồng phát hành… Nhưng thực sự để “đóng đinh” mỗi khi nhắc đến dòng văn học này, có lẽ chỉ có “tượng đài” Nguyễn Nhật Ánh.Đây chính là thiệt thòi cho các bạn trẻ Việt Nam. Những ai muốn tìm đọc thể loại này thì không có nhiều lựa chọn nên thường phải tìm đến các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài. Trong khi đó, trên thế giới, thể loại viết cho thanh thiếu niên luôn được khai thác và duy trì rất bền bỉ.

Dòng văn học cho thanh thiếu niên thường theo một số mô tip như: Chuyện kỳ ảo, chuyện hài hước xoay quanh cuộc sống học đường, tình yêu tuổi học trò, tiểu thuyết tự truyện, truyện ngắn… Đây là dòng văn chương vô cùng cần thiết bởi vì đó là nơi để nuôi dưỡng phần thơ ấu của mỗi người. “Nếu không có văn học thuở thiếu thời thì dường như người ta sẽ quên mất rằng mình đã từng là trẻ con. Dòng văn học này nhắc nhớ rằng chúng ta đã từng có thời thơ ấu gắn với những gì ấm áp, sự lãng mạn mà khi trưởng thành không còn giữ lại được. Thuở còn teen, tôi nhớ trong bầu không khí ấy là thời báo hoa học trò có những truyện ngắn của những cây viết như: Trang Hạ, Tháng Giêng, Fansipan… Văn học tuổi mới lớn này đã định hình nên sự ấn tượng của tôi về thời thơ ấu, định hình cảm xúc, con người cá nhân và nội tâm của tôi”, TS Ngọc Minh chia sẻ.



“Quân khu Nam Đồng” – cuốn sách mà “trẻ con thấy giống quá, người lớn thấy nhớ quá” về một thời đã qua nhưng không bao giờ quên.
Ảnh: Internet

Khi định kiến trói chặt ngòi bút

Theo TS Ngọc Minh, viết cho độ tuổi thanh thiếu niên là một thách thức. “Những tác phẩm viết cho lứa tuổi này mà tôi từng đọc đều cho thấy, các nhà văn rất tài giỏi ở chỗ không viết hướng tới một độc giả nào mà họ như đang sống lại thời thơ ấu. Khi đọc tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” hay “Huck Finn”, chúng ta thấy hấp dẫn bởi chính Mark Twain đã trở thành đứa trẻ: Làm cướp, ra đảo hoang, lẻn về nhà để xem bà dì phản ứng thế nào về sự bỏ đi của mình; đọc “Pippi tất dài” được hưởng cảm giác về cuộc sống của một đứa trẻ tự do, sống một mình trong biệt thự bỏ hoang và rất giàu có…”.

Hơn nữa, thực tế, những tác phẩm hay nhất trên thế giới lại mê hoặc độc giả mọi lứa tuổi: Trẻ em đọc “Hoàng tử bé”, người lớn cũng thích “Hoàng tử bé”; “Harry Porter” thì từ độc giả 7 tuổi cho tới 77 tuổi đều say sưa… Các tác phẩm này thú vị bởi tác giả không cố gắng viết cho một độc giả nào mà chỉ phơi bày, tìm cách bộc lộ để quay trở lại với con người trẻ thơ bên trong mình. Nhưng điều này chưa thấy ở Việt Nam. “Dường như chúng ta đang có một định kiến về trẻ thơ, như: thiếu chín chắn, ngây thơ, chưa hoàn thiện… Chúng ta có xu hướng viết như để dạy dỗ, truyền tải bài học để mong đứa trẻ trưởng thành hơn. Diễn ngôn về trẻ thơ này đã tạo nên áp lực rất lớn đối với người viết, việc thoát ra khỏi áp lực của diễn ngôn này dường như rất khó đối với các tác giả Việt Nam”, TS Minh cho biết thêm.

Theo cô Nguyễn Thanh Nguyệt, giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An, để chạm được tới cảm xúc của độ tuổi đó thì chúng ta phải vừa có trải nghiệm nhất định để hiểu, đồng thời cũng phải có sự bình tĩnh, bao dung để miêu tả, diễn tả, thể hiện trải nghiệm của độ tuổi thanh thiếu niên, chứ không phải những gì đã qua của cảm giác trưởng thành, cái nhận thức mang tính khuôn mẫu của thế giới người lớn. Cái hiểu của tác giả không phải là phô bày, phân tích tâm lý tuổi thanh thiếu niên trong tác phẩm của mình mà phải diễn tả một cách tự nhiên như hơi thở, như là con người mà chúng ta từng trải qua.

Tất cả tác giả Việt Nam cũng như trên thế giới đều phải đối mặt với thách thức, đó là đứng trước một nỗi lo sợ đánh mất đứa trẻ ấy trong mình. Ta muốn là một đứa trẻ nhưng ta không thể là một đứa trẻ nữa rồi, có lẽ đó là nỗi bối rối của tất cả những người viết cho trẻ em. Một lúc nào đó, một tiếng gọi bắt ta phải quay trở lại với thực tại là ta đã lớn, đã vuột mất đứa trẻ trong người. “Đó là lý do tại sao đọc rất nhiều tác phẩm dành cho trẻ em hiện nay trong văn học Việt Nam lại cảm thấy tác giả như đang bị mắc kẹt, bị trở ngại trong thẳm sâu con người mình muốn trở thành trẻ con nhưng hoàn toàn bất lực. Nó có tình trạng là khiến cho những tác phẩm viết cho thiếu nhi tương đối là giáo huấn, cứ phải có bài học gì đó rút ra. Khi đọc những tác phẩm kiểu vậy thì trẻ con cảm thấy bị “trấn áp”, tuổi thơ trong nó bị “trấn áp” và có lẽ đó là thách thức lớn nhất của người viết cho lứa tuổi này”, TS Minh cho biết.

Thời thơ ấu, thời hoa niên của chúng ta diễn ra quá nhanh, quá vội vã, dường như nhiều đứa trẻ chưa kịp cảm nhận cái thời thơ ấu của mình thì đã bị “vứt” vào thế giới người lớn. Trong mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ dù ở tuổi nào, đặc biệt là thời thơ ấu, ấy là cái cảm giác đẹp đẽ, cần thiết trong mỗi con người trưởng thành. Vì vậy, độc giả Việt Nam đang rất cần một dòng văn học dành cho thanh thiếu niên của người Việt chứ không phải của một quốc gia nào khác.
Chúng ta có xu hướng viết như để dạy dỗ, truyền tải bài học để mong đứa trẻ trưởng thành hơn. Diễn ngôn về trẻ thơ này đã tạo nên áp lực rất lớn đối với người viết, việc thoát ra khỏi áp lực của diễn ngôn này dường như rất khó đối với các tác giả Việt Nam”, TS Nguyễn Ngọc Minh.

Lam Linh


(Gia Đình & Trẻ Em, 24-8-2018)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Akô Nô, chúc bạn vui vẻ!

Lần sửa cuối bởi Akô Nô; 26-08-2018 lúc 04:03 PM
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 11:48 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters