Trở lại   Thư Quán Đo Đo > ĐO ĐO, CHUYÊN MỤC > "BÌNH LOẠN" CỦA KHÁCH HÀNG

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 13-06-2009, 06:14 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Duyện nợ với Nguyễn Nhật Ánh

Duyên nợ với Nguyễn Nhật Ánh
Hiếu Minh


“Diên nợ gì đây ông nội?”. Nếu Nhật Ánh là “cô thôn nữ” Quán Gò thì sẽ dành cho tôi cái câu thành ngữ trứ danh này. Còn nhỡ nếu là “anh”, Nhật Ánh cứ ngỡ tôi là cô kiều nữ Quảng Nôm thì: “Thôi boà ngụa, vừa phải thôi chứ, để tui còn sống tí moà”. Thực ra cái ngữ ăn nói của tôi chẳng ăn nhập gì đến bạn đọc đâu. Tôi phải vẽ lên vài ba câu để tôi có lý do nói với Nhật Ánh rằng tôi và Nhật Ánh có duyên. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì tôi đâu có biết cây bút Nhật Ánh là trai hay là gái gì đâu. Không khéo, Nhật Ánh lại bĩu môi với tôi rằng: “ê, tô với nhoà mi có diên nợ chi đâu moà mi dựng chiện vậy, hay loà mi thấy tô loà nhoà văn nổi tiếng moà lăm le lồm quen vậy hoả?” . Kinh hoàng chưa. Chắc Nhật Ánh cũng phải rợn tai óc lên vì sức tưởng tượng của tôi.


Đúng vậy, tôi chẳng có duyên nợ thành thân gì với Nhật Ánh cả. Nhưng tôi tin là có cái DUYÊN được khám phá ra những câu chữ, những ý tưởng rất hí hỏm của Nhật Ánh nên bây giờ không dưng tôi lại ăn phải cái NỢ gì đây. Ngủ không được nên tôi phải bật dậy viết đôi dòng tâm sự cùng nhà văn.

Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi có đọc mấy bài viết giới thiệu một cây sáng tác mới, chủ nhân của cái “Bàn có năm chỗ ngồi”. Đại khái bài báo rất tâng bốc anh chàng chủ nhân này. Tôi thì chẳng để tâm gì đến tên tuổi vị này vì tôi quan niệm bài nào hay thì đọc, chớ hơi sức nào mà nhớ tên tuổi cha nào cho mệt. Không chừng bữa nay ổng viết hay bài này, ngày mai ổng viết dở bài khác thì răng. Thêm nữa, mấy đứa bạn tôi, nhất là mấy cô con gái, hay mách lẻo rằng “bài đó hay, bài nọ vui” thôi. Có đời nào các anh, các chị ấy nhắc tôi nhớ tên chủ nhân của tác phẩm đó. Có chăng các chị, các anh chỉ biết đến các anh Cỏ Cú Vườn Hoang, anh Bồ Câu hay các Me Xanh, Tím, Hồng nào đó. Riêng chàng Phan Chín thì các cô cứ tụng hoài. Mà phải thôi, nghe nói anh chàng này văn hay chữ giỏi, xuất khẩu thành thơ. Hơn thế, ảnh cũng có chân trong vườn me xanh của tờ báo Mực Tím nữa mới chết. Tự hào thay, anh chàng đa tài này lại xuất thân từ trường của chúng tôi. Thế đó, tụi con trai tôi nghe mấy cô tán tụng hoài mà muốn ghen. Tóc dựng đứng, tai nóng bừng, mắt đỏ hoe như chó điên sắp cắn ai, và tay áo thì cuộn lên (cũng muốn lắm) đi tìm cái anh chàng Phan Chín để gây chuyện. Trước hết là cảnh cáo anh ta viết bài dở dở lại một tí. Còn nếu không nghe thì sử dụng luật rừng dẹp cái nghề nhà báo của anh ta. Cho đáng đời, ai biểu anh ta làm cho các cô nàng áo trắng trường tôi dành hết thời gian và cảm tình, lắm khi là lòng tự hào mỗi khi nói chuyện với đám mày râu văn hư chữ dốt như chúng tôi, trong đó có tôi, về anh ta. Không biết tôi đang lộng ngôn để hài hước một tí có phật lòng mấy anh chàng dế mèn cũ của chúng tôi không, nhưng dầu sao một ấn tượng về Phan Chín ở các cô gái trường tôi là có thật.

Rồi thình lình, cách đây mấy ngày, thằng bạn tôi về nước, tưởng nó khuân cho tôi nào bánh tráng hay khoai chà, ai dè nó chơi có vẻ ngông ta đây là người văn hay chữ tốt nên khệ nệ mang qua đây toàn là của nợ của cây bút Nguyễn Nhật Ánh nào lạ hoắc. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ Nhật Ánh là tay mơ tay mớ nào mới nổi cộm đây chăng. Nhưng sau khi lướt qua trang bìa sau, dòng chữ “Bàn có năm chỗ ngồi” làm tôi sửng sốt giật mình. Thì ra, cái anh chàng chủ nhân của nó là đây. Nhưng rất tiếc, cái tác phẩm mà người ta thường “ca” hay và vui nhộn tôi lại chưa có dịp đọc. Thành thử, tôi cũng không đoái hoài với mấy cuốn truyện dài của nhà văn vì tôi hình như chỉ có ấn tượng NGHE với mỗi truyện Bàn Có Năm Chỗ Ngồi nên tên của những tác phẩm khác của nhà văn Nhật Ánh chẳng ăn nhập gì đối với mức độ biếng nhác đọc truyện của tôi.

Nếu thế thì tôi và Nhật Ánh vô duyên là phải. Nhưng mới chiều nay, tôi lại ghé thăm nhà nó. Không có nó ở nhà, tôi đành phải trò chuyện với ông bà già nó. Trong tay ông già nó lại lăm lăm cuốn sách trang màu. Ba nó nói với tôi bây giờ nước ta sách giấy tốt quá. Riêng màu sách thì gợi lại cho tôi thú tò mò. Lại cái ông hay bà Nhật Ánh nào đây. Cuốn sách này được một người trong nước đề tặng anh trai nó và bìa sách có phần nào kể với tôi rằng “Quán Gò đi lên” đã chiếm lĩnh bạn đọc hải ngoại từ lâu rồi chăng. Thành thử, cũng dễ hiểu rằng đây là lý do để thằng bạn tôi về nước khuân toàn của nợ của ông hay bà Nhật Ánh qua đây.

Quán Gò đi lên. Cái tiêu đề sao mà quen quen. Nghe quen tai lắm. Lại lật mấy trang đầu, thấy mấy chữ Quảng Nam. “Cái gì nữa đây, kỳ này!”, tôi nghĩ thầm, “chẳng nhẽ đây là Quán Gò ở trong huyện Thăng Bình”. Tôi nói “ở trong” ở đây không có nghĩa tôi ám chỉ Quán Gò thuộc huyện Thăng Bình mà tôi sống ở phía ngoài huyện Thăng Bình thôi. Lật thêm vài trang nữa, cái sức ngộ nghĩnh của Quán Gò đi lên lại lôi cuốn tôi gấp bội. Cuối cùng, tôi quyết định mượn nó về để “nghía” nên bây giờ “ngứa”.

Ba giờ đọc Quán Gò [không phải ba lần đọc Tam Quốc như nhà phê bình nào nhé], tôi hoàn toàn bị Quán Gò đi lên lôi cuốn từng câu, từng chữ, từng giây, từng phút. Chất hóm hỉnh Quảng Nôm đã được Nhật Ánh tinh tế, tài tình bộc tả xuất sắc không chỉ ở câu văn, câu chữ bề ngoài mà còn ở tâm hồn bên trong của Cúc. Những âm giọng “dễ giận khó quên” đưa tôi về với khung cảnh ngày xưa. Nhật Ánh tài tình đến nỗi không làm người bản xứ giận cho cái tội “chửi cha không bằng pha tiếng”, mà ngược lại, Nhật Ánh làm cho người bản xứ thêm say mê chất giọng đặc sệt rất Quảng. Thêm nữa, cái ngây ngô, thiệt tính của Cúc làm tôi không ít thì nhiều nhớ đến các cô gái xứ Quảng. Thế đấy, làm sao tôi quên được Quảng Nôm nhỉ.

Đọc Quán Gò đi lên, tôi thấy được gì? Cái chất Quảng, cái tình Quảng và con người Quảng. Nhưng không chỉ vậy là đủ. Để có “Quán Gò đi lên”, cái chất Quảng, cái tình Quảng, con người Quảng không thì không đủ; cái chất Nam, cái tình Nam, con người Nam [và con người Hoa nữa] đóng vai trò không nhỏ. Nếu không có Lâm Tây Ninh thì đố mà thằng Cải Quảng Đông đi xúi giục con Cúc Quảng Nam “nghe đâu gật đó”, để rồi thằng Lâm Tây Ninh yêu mê yêu mệt con Cúc Quảng Nam ở cái tính thật thật thà thà.

Xoay quanh những nhân vật là cái tình. Cái tình của những kẻ đồng cảnh ngộ, của những kẻ cùng thuyền. Cái tình trung thành, hết lòng vì chủ. Và quan trọng là cái tình cảm máu mủ và tình cảm lứa đôi. Kinh nghiệm qua những năm thời trai trẻ, ông già của Cúc với “kiểu gàn xứ Quảng” sẵn sàng hù dọa ra vẻ. Ông chẳng ngại ngùng tặng cho mấy thằng nào dám hó hé quyến rũ con gái rượu của ông vài nhát rựa. Thật là Quảng Nôm hết ý. Gàn, bạo mà còn bảo thủ nữa. Giống y chang mấy bà gia hay hoạnh hoẹ con dâu mặc dầu mình cũng trải qua một đời làm dâu. Mấy ông ba Quảng cũng vậy, hồi xưa cũng khổ vì mấy ông bố vợ mà bây giờ lại chẳng thông với cảm cho mấy thằng rể tương lai. Nhật Ánh tài tình quá. Nhật Ánh tinh tế quá. Và Nhật Ánh hơi thiệt quá. Không phải ổng [cha của Cúc] trả thù vặt đâu, chẳng qua ổng chiều, ổng cưng, ổng thương con gái quá trời mà thôi. Do đó, cha mẹ tôi hay nói: “nhất đón tre, nhì de gái”. Nhất đón tre thì tôi đã hiểu rõ từ khi làm tấm rào kẹp gai tre thời cắp sách đến trường, còn tại sao là de gái thì bây giờ Nhật Ánh mới giúp tôi bằng những hình ảnh cụ thể. Cũng một cái rựa nhưng lại đa năng. Cái thì để ông cha giúp thằng con trai, đứa con gái làm kẹp gai. Cái thì ông bố vợ tương lai hù thằng con rể. Thế đấy, cái tình máu mủ là ở chỗ đó.

Còn cái tình trai gái thì sao? Ngoài mối tình của Lâm ra, ta còn thấy một mối tình của anh chàng Việt kiều Mỹ. Anh tuy sống ở xã hội phương Tây nhưng lại rất “chín chắn” trong việc hôn nhân, chẳng khác gì mấy ông bố miền Trung. Nghĩa là, hôn nhân rất hệ trọng, không phải chuyện đơn giản, chớp chớp nhoáng nhoáng. Một ông tiến sĩ Việt kiều lại phải cải trang thành anh chàng tính hay mắc nợ, để cuối cùng làm cả hai tiếc nuối. Thật là một triết lý sống. Chàng Việt xa xứ muốn nàng thương mình thì thương ở cái tính của mình chứ không phải ở cái hào nhoáng bên ngoài, danh bằng tước vị hay đồng đô giàu có. Còn Kim, thì cứ theo đuổi giấc mơ để rồi “bôn ba cũng không qua thời vận”. Kết cục, “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Ông Tiger thất vọng khi tình yêu không đến với mình, còn con Kim thì không thấy được cục vàng đúng nghĩa trước mặt. Tình yêu giữa ông Tiger và con Kim như là chuỗi dài của những bến bờ không gặp nhau, và cũng không thiếu tính cách thơ mộng.

Sự lôi cuốn của Quán Gò đi lên còn có thể là việc xây dựng tính cách nhân vật. Một Kim Quảng Tây rất thực tế. Một Cải Quảng Đông rất mê tín nhưng giàu tình người. Một Cúc Quảng Nam ngây ngô. Và nhiều nữa. Tình tiết cũng ly kỳ không kém. Những nhân vật mới xuất hiện đa dạng, phong phú, mỗi người mỗi vẻ. Lúc thì nhân vật chỉ thoáng qua, lúc thì nhân vật đeo dai như đỉa bám. Khi thì ông Việt kiều Tiger đến với Đo Đo một cách kỳ cục, rồi cũng xuất hiện không ít, làm cho ta có cảm tưởng rằng ông sẽ là nhân vật chính. Lúc thì Thành Lộc, Việt Anh mơ hồ mà vui nhộn. Lại thêm, Ánh Tuyết cùng chồng Tây làm tô rạng thêm uy tín của Đo Đo, làm hóm hỉnh thêm cái ngôn ngữ kỳ diệu Quảng. Những nhân vật kỳ cục nhưng lại bình thường. Tưởng rằng ông Tiger, bà Fanta, ông Thịt Luộc Muối Tiêu không quan hệ dây mơ rễ má gì, nhưng cuối cùng lại cùng đám với nhau. Tưởng chừng mấy người nghệ sĩ thay nhau xuất hiện làm người đọc ít nhiều đặt câu hỏi “liệu họ có quan hệ gì đây?”. Nhưng chỉ một lần thôi, rồi họ biến mất giống như khi họ xuất hiện vậy. Đến một cách nhộn nhịp để mang lại một sự mong đợi cho người đọc một tình tiết gì đó, rồi lại giã từ khá ồn ào để rồi người đọc chờ mong sự viếng thăm trở lại của những con người nổi tiếng này. Nhưng không! Nhật Ánh, với bút pháp mới, đã đảo lộn tất cả tư tưởng của bạn đọc. Không cho bạn đọc một dự đoán của sự kết thúc. Chính vì vậy, câu truyện chấm dứt khá hay một cách bất ngờ.

Vô duyên hơn, ta lại thấy con Hường Quảng Nam xuất hiện như không có dây mơ rễ má gì với các nhân vật khác. Sự xuất hiện của con Hường không ảnh hưởng đến tình tiết các nhân vật khác ngoài cái chuyện có công lưu lại hai bài thơ rất đặc biệt [không biết có giá trị bất hủ không, chớ tôi chắc chắn lưu vào bộ sưu tập của tôi rồi] của các nhà thơ đất Quảng. Còn gì hay bằng dùng thơ để giới thiệu mình là người Quảng Nôm. Nhật Ánh thật hiểu người Quảng hơn ai hết:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm
Mùa đông tơi lá che mưa bấc
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!

Nhật Ánh không cần phải tốn công tốn sức nhiều để tô vẽ hình tượng Quảng Nôm. Và ít nhiều cũng nhờ nhà thơ Tường Linh nổi hứng tạo cho Nhật Ánh cơ hội giới thiệu với bạn đọc thêm về khía cạnh Quảng Nôm. Cái chất con người Quảng là như vậy. Thích nói về mình, và hình ảnh quê hương luôn ngự trị trong tâm trí đặc sệt ấy của họ. Một khi đã nói thì ngôn ngữ phải kêu toang, phải rổn rảng mới hay. Chính vì vậy, nhà thơ Tú Rua cũng không vừa. Để đáp lễ nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Tú Rua càng đậm đà chất Quảng hơn. Càng thông minh hơn, Nhật Ánh không bỏ lỡ cơ hội đưa vào Quán Gò đi lên một bức tranh mới của xứ Quảng:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm
Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng
Cưới ả Thuý kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội
Chẳng hiểu mô tê cũng toạ đồm.

Thế đấy, làm sao nỡ tâm nói Nhật Ánh vô duyên. Nếu không có nhân vật Hường thì làm sao ta thấy được cái lối tả chân của Nhật Ánh. Tuy những nhân vật phụ xuất hiện mà không thay đổi cục diện, nhưng họ lại là “bùa” của Nhật Ánh. “Bùa” vì đọc tới đâu ta cũng thấy vui cả. Không có họ, chưa chắc con người Quảng Nôm của tôi vui đâu. Nhật Ánh đáo để thật. Rồi các nhân vật khác thay nhau xuất hiện làm ta cứ tưởng như Nhật Ánh đang góp các chi tiết vào để ra câu chuyện cho dài. Nhưng không, những nhân vật này, tuy nhìn bề ngoài có vẻ không đóng vai trò quan trọng, nhưng chính nhờ họ, người Quảng Nam mới thầm cảm phục tài hoa của Nhật Ánh.

Thì ra, Nhật Ánh đang cố công gầy nên một cảm tình trìu mến của mọi người cho dân Quảng. Không những bằng lời nói mà còn bằng lối hành văn, xây dựng tình tiết. Việc các nhân vật đủ mọi tầng lớp xuất hiện ở quán Đo Đo là thể hiện cái tình của mọi người dành cho cái quán Quảng, hay là cái sức hút của Quảng đối với mọi người. Thử nhé, Tây có, Tàu có, ta có. Thử nhé, nghệ sĩ có, ca sĩ có, thi sĩ có. Thử nhé, tiến sĩ có, sinh viên có mà học sinh thi rớt cũng không vắng mặt. Thật là đa dạng. Vinh hạnh nhất là quán Đo Đo nhỏ nhưng có nhiều gương mặt lớn chiếu cố. Hay là cái lòng của Nhật Ánh dành cho người Quảng Nam vậy? Nhật Ánh tinh khôn ca ngợi Quảng Nam. Nhật Ánh khéo léo quảng cáo cho Quảng Nam. Sản phẩm rất Quảng từ tô mì Quảng, bánh tráng đập cho đến bánh nổ, bánh đúc, bánh bèo. Tôi phải thầm cám ơn Nhật Ánh, nhưng tôi lại sợ. Tôi sợ không phải tôi không đủ can đảm để nói lời cảm ơn Nhật Ánh. Điều tôi sợ là Nhật Ánh là người Quảng Nam. Mà người Quảng Nam thì ca về Quảng đâu có hay, không khéo người ta buột miệng: “mèo khen mèo dài đuôi”. Lạy trời, mong Nhật Ánh không phải là người đồng hương. Hy vọng, nếu năm tới về Sài Gòn và nếu có họp hội đồng hương Quảng Nam, xin đừng cho tôi bắt gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở đó. Thông cảm nhé Nhật Ánh, không phải tôi hắt hủi gì nhà văn đâu nhưng mà bạn cũng hiểu cho người Quảng Nôm moà. Nói nhỏ với Nhật Ánh nhé: “Nếu Nhật Ánh là người Quảng, thì bắt chước thằng Cải mà nói là Quảng Đông nhé, vì người Quảng Nôm tôi cũng có chút ít tự trọng là “hay cãi” , chớ đâu có cái tính tự tâng bốc mình đâu". Do đó, nếu như mấy người Nam hay Bắc xì ra: “Ối giời ơi, các anh giai chị giai ơi, mấy thằng cha Quảng Lam nó xạo quá giời, cứ dựng chuyện để tự ca cho mình không hà, thật là láo phét, nghe tụi nó thì chỉ có nước đi bán lúa giống”, thì lúc đó tôi cũng hí hửng cãi rằng: “Nguyễn Nhật Ánh đâu phải người Quảng Nôm đâu moà lị”. Và tôi khỏi thêm phần mắc cỡ khi viết những dòng chữ này .

Quán Gò đi lên, thoạt đầu tôi cứ tưởng Quán Gò trong Kế Xuyên “giàu to” rồi. Nhưng tôi bị Nhật Ánh cho tôi bé cái lầm. Quán Gò đi lên giàu về tính dí dỏm cơ. Quán Gò đi lên giàu về tình người cơ. Một tình người của chàng trai miền Nam dành cho cô bé miền Trung. Một tình phụ tử tuyệt đẹp. Một tình đồng cảnh ngộ của Lâm dành cho thằng nhỏ, hay một tình yêu cho Cúc. Hay nói đúng hơn, một tình cảm mà Nhật Ánh (1), cũng như đồng bào cả nước dành cho miền Trung nói chung, cho Quảng Nam nói riêng và đặc biệt là cho Quán Gò và người gốc Đo Đo.

Tự nhiên, tôi lại thèm khát, tôi như muốn thực tại mình đang đắm chìm trong dòng sông Ly Ly để uống trọn tất cả con nước cạn mỗi trưa hè, dạo mát trên thành cầu Hương An những đêm trăng thanh vắng, và đặc biệt hơn, chiều chiều, từ trong quán ốc hút cô Liễu, cô Tám Lượng hay chị Bé, ngồi bật ngửa, chân bỏ chéo, miệng hút ốc, môi thỉnh thoảng nhấm rượu, mắt đăm chiêu ngắm nhìn các thiếu nữ Quảng Nam qua lại. Rồi mơ màng nghe âm điệu: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, chớ rượu hồng đào chưa nhấm đã say...”. Còn cục bộ địa phương hơn thì “ Quế Sơn quê mình ruộng kề chân núi, Lý Ly (2) sông dài tình người bắt qua... Đèo Le đêm trăng vọng về câu hát...”. Ôi tuyệt diệu làm sao!

Tạm biệt Quán Gò, ta đi lên, để may chăng tìm thấy dấu vết Nhật Ánh một chiều.

Sydney 18/ 01/ 2002
H.M.

-------------------------------------------------------
1/ Khi viết xong những dòng chữ này, tôi phát hiện ra rằng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có gốc gác thứ thiệt của người Quảng Nôm, hèn chi nhà văn không tiếc thời gian “ca” cho quê hương mình. Cái mong ước của tôi lại không được hiện hữu, nhưng tôi vẫn vui và sẽ “cố cãi”...

2/ Sông Ly Ly mới đúng, nhưng do âm điệu của bài hát là như vậy.

(trích www.mvatoi.com/van/tuybut_noidung)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
The Following 5 Users Say Thank You to hoangtube For This Useful Post:
chúa đảo mộng mơ (04-03-2012), letanphuc (10-04-2012), Nguyễn Nhật Nguyên Anh (03-03-2012), ThangSa (06-04-2012), thinothuykieu (25-03-2012)
  #2  
Cũ 03-03-2012, 09:12 PM
Avatar của Nguyễn Nhật Nguyên Anh
Nguyễn Nhật Nguyên Anh Nguyễn Nhật Nguyên Anh đang ẩn
Senior Member
 
Tham gia ngày: Nov 2011
Bài gửi: 368
Cảm ơn: 303
Được cảm ơn 159 lần cho 55 bài viết
Mặc định

Bài viết hay quá
__________________
Trả lời với trích dẫn
  #3  
Cũ 04-03-2012, 11:16 AM
Avatar của chúa đảo mộng mơ
chúa đảo mộng mơ chúa đảo mộng mơ đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Sep 2010
Bài gửi: 48
Cảm ơn: 37
Được cảm ơn 19 lần cho 16 bài viết
Mặc định

Bài này mình đọc trên mạng lâu rồi, không ngờ lại có ở đây. Không biết bây giờ bạn Hiếu Minh đã gặp được chú Ánh chưa?
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên chúa đảo mộng mơ, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 09:09 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters