Trở lại   Thư Quán Đo Đo > NGUYỄN NHẬT ÁNH, TÁC PHẨM > TẠP BÚT

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 16-07-2014, 09:23 AM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Bút mực buồn thiu

Bút mực buồn thiu

1. Tháng 6 năm 2012, sau khi đi một vòng Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội và Cần Thơ để gặp gỡ và tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra mắt tác phẩm Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, khi về nhà ngón tay giữa của tôi sưng một cục. Thoạt đầu tôi không biết tại sao ngón tay tôi lại vô duyên vô cớ sưng vù, nghĩ mãi mới biết là do tôi phải cầm bút ký tên nhiều quá. Những lần ra sách trước, gặp gỡ bạn đọc tại một, hai địa điểm thì không sao. Lần này nhà xuất bản Trẻ tổ chức đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều bạn đọc, số lần cầm bút của tôi tăng lên đột ngột, ngón tay giữa bị ma sát nhiều, chịu không nổi.

Dĩ nhiên, nếu tôi là tôi hồi xưa, hồi chưa có máy vi tính, chắc tay tôi không đến nỗi. Trước khi sáng tác trên máy vi tính có một thời gian dài tôi sáng tác trên máy đánh chữ. Máy đánh chữ tất nhiên chỉ dùng để sáng tác, còn thư từ hay các thứ giấy tờ khác nói chung vẫn phải viết bằng tay, nghĩa là bàn tay cầm bút vẫn còn hoạt động.

Đến khi máy vi tính xuất hiện thì ôi thôi, các ngón tay không còn dùng để cầm bút nữa, chỉ toàn gõ phím. Viết đơn nghỉ phép gửi cơ quan, viết đơn gửi nhà trường xin cho con nghỉ ốm, viết hợp đồng mua bán xe... tất tần tật đều viết trên máy vi tính. Cho tới cái ngày các tiện ích email và chat trở thành thông dụng thì cả đến chỗ thư từ riêng tư cũng giao cho bàn phím “phụ trách” nốt. Chỉ có những ghi chú vặt vãnh và cấp thời họa may mới cần tới bút và sổ tay. Nhưng đến khi các loại smartphone ra đời thì cái mảnh đất cuối cùng dành cho giấy bút đó cũng bị tịch thu không thương tiếc. Cần ghi chú khẩn cấp thì gõ vào “Note” trên màn hình; vừa khẩn cấp vừa dài dòng thì bấm “Ghi âm”, về nhà mở ra từ từ nghe lại.

2. Lâu dần, bàn tay không đụng đến cây bút. Bút thì vẫn để trên bàn làm việc nhưng ít có dịp sờ đến. Thật khác xa hồi xưa. Mà cái hồi xưa đó cũng đâu xưa lắm. Năm 1986 tôi chuyển sang làm báo, đi đâu cũng kè kè cây bút và cuốn sổ, đến nơi nào cũng hí hoáy chép chép ghi ghi. Phóng viên báo chí bây giờ, chỉ mang theo cái điện thoại di động bé xíu đã có thể ung dung hành nghề. Các loại smartphone tích hợp đủ thứ chức năng: ghi âm, chụp ảnh, quay phim, độ phân giải còn tốt hơn máy chụp ảnh chuyên dùng thời trước. Chưa kể các dịch vụ wifi và 3G kèm theo điện thoại còn cho phép các nhà báo thời @ có thể tra cứu tin tức, tư liệu trên internet nhanh như chớp, và gửi tin bài ảnh iếc về tòa soạn chỉ trong nháy mắt. Tóm lại, sổ vẫn trong cặp, bút vẫn giắt trên mép túi, nhưng thực sự xài chẳng bao nhiêu.

Bàn tay lúc ấy chỉ có cầm đũa ăn cơm, nâng lên đặt xuống ly bia cốc rượu. Chẳng mấy khi cầm bút lên viết, nên ngón tay tôi mới sưng vù khi việc ký tên vốn bình thường bỗng trở nên “quá tải”.

3. Nhớ hồi nhỏ, bàn tay suốt ngày lem mực. Đi học, một tay xách cặp, một tay đong đưa lọ mực, đứa nào cũng thế. Chẳng nhớ hồi đó cầm bút kiểu gì mà mực cứ dây ra các ngón tay, dây cả vào tập, bị cô giáo nhắc nhở không biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần dây mực ra tập, tôi lại dùng giấy thấm chấm lên vết mực. Không có giấy thấm thì dùng viên phấn lăn qua lăn lại để hút mực, hút xong còn bôi phấn trắng lên vết ố để đánh lừa cô giáo nhưng lần nào cũng bị cô phát hiện.

Bàn học của học sinh tiểu học hồi đó luôn có một ô tròn trên mặt bàn ngay trước mặt để đặt lọ mực cho khỏi đổ. Nhưng bao giờ cũng vậy, ngồi chồm tới chồm lui, huơ tay qua phải qua trái một hồi thế nào bọn học trò hiếu động cũng huých lọ mực lăn quay khiến mực chảy tràn ra bàn, thấm ướt cả tập vở. Chỉ đến khi bậc thông thái nào đó chế ra chiếc lọ chúc ngược mực vẫn không chảy ra ngoài, chúng tôi mới thôi bị cô giáo la mắng hay trách phạt.

4. Mực thôi dây ra tập, nhưng vẫn lem đầy các ngón tay. Đó là đặc điểm của bàn tay học trò. Bàn tay mực tím. Tại sao là bàn tay mực tím mà không phải là bàn tay mực xanh? Theo quy định của nhà trường thời đó, học trò tiểu học chỉ được viết bằng mực tím. Muốn viết mực xanh cho ra vẻ người lớn phải đợi lên trung học. Lên trung học, học trò dùng bút máy nên các ngón tay không còn lem mực nữa.

Học trò tiểu học viết bằng mực tím và bắt buộc viết bằng bút mực (tức là bút chấm mực, cán bút bằng gỗ, ngòi bút có hình bầu hoặc hình lá tre) để rèn chữ, vì các ngòi bút này tạo ra nét mảnh và nét đậm. Bút máy bị cấm ngặt với học trò tiểu học. Bút bic, sau này gọi là bút bi, thì tuyệt đối không được dùng, kể cả với học sinh trung học. Các nhà sư phạm cho rằng viết bằng bút bi, nét trơn tuột, học trò dễ sinh thói viết tháu, viết ẩu, chữ sẽ xấu đi.

Lúc tôi còn nhỏ, chỉ riêng chuyện bút và mực, nhà trường đã quy định rất chặt chẽ.

5. Vì vậy mà lên lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ) đối với bọn học trò tiểu học là một sự kiện trọng đại. Vì được mặc đồng phục. Vì được dùng mực xanh. Vì được xài bút máy. Tức là đã qua cái tuổi nhóc tì, đã không còn phải xài bút mực để rèn chữ. Tức là đã mon men tập làm người lớn.

Thật là sung sướng khi không phải cứ viết vài chữ lại thò bút vào lọ mực để chấm, có khi chấm nguyên một cục mực chưa tan. Cục mực dính vào ngòi bút như xác ruồi, không cẩn thận thế nào cái “xác ruồi” tai hại đó cũng sẽ rơi “bép” một cái lên trang vở. Đôi khi mắt kịp nhìn thấy, tay vội vàng rảy mạnh cho cục mực văng ra. Nó văng ra thì nó không rớt xuống tập của mình nhưng lắm lúc nó văng vô tập, tệ hơn nữa là văng vô áo của đứa ngồi cạnh, thế là om sòm khóc lóc, méc thầy méc cô loạn xị cả lên.

Bây giờ có bút máy rồi thì cuộc đời nó phải khác. Từ bút mực lên bút máy, cuộc “đổi đời” đó nó cũng khiến con người lâng lâng ngây ngất như từ chỗ đạp xe đạp tiến lên chỗ lái xe máy vậy. Xe máy có nhiều kiểu thì bút máy cũng có nhiều loại. Cấp thấp thì xài bút Alpha, cấp cao thì xài bút Pilot. Còn siêu cấp thì xài bút Paker. Thực ra lúc còn đi học, tôi chỉ thấy thầy cô giáo đôi khi xài bút Paker, chứ học trò không thấy ai dùng. Đời tôi sở hữu được một cây Pilot đã sướng rơn, vì ngòi bút Pilot gần như không bao giờ bị rè dù viết... đến già.

6. Sau 1975, một thời gian dài gần như cả xã hội xài bút bi. Bút bi xài hết mực thì đem đi bơm mực để xài tiếp chứ không vứt đi rồi mua cây khác như thói quen trước đó. Thời hậu chiến cuộc sống khó khăn đến mức thứ gì cũng nghĩ cách xài đi xài lại, nói văn hoa là “tái sử dụng”. Vì thế mới có câu vè để chỉ các nghề thịnh hành thời đó: “Dán lại áo mưa rách/ Bơm mực ruột bút bi/ Tái chế dép nhựa cũ/ Lộn cổ áo sơ mi”. Tất nhiên các thứ nghề kỳ quái này hiện nay đã “thất truyền”. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, mọi thứ đều thay đổi. Bây giờ bút bi xài xong là liệng, mua cây bút mới. Không những thế, đủ loại bút tiện dụng ra đời. Ở các cửa hàng văn phòng phẩm, hằng hà sa số các loại bút, không thiếu chủng loại kiểu dáng gì: bút máy, bút bi, bút nhũ, bút bảng, bút xóa, bút sáp, bút lông kim, bút lông dầu, bút lông màu, bút dạ quang...

Khổ nỗi, khi bút loại gì cũng có thì lại đến lúc nhiều người không có dịp sờ tới bút. Thời đại kỹ thuật số, thỉnh thoảng có dịp cầm bút thì ngón tay giữa lại sưng vù. Như tôi hôm nọ.

Cho nên bút thì vẫn nằm đó, trên bàn, ngay trước mặt, bút mua cũng có bút được tặng cũng có, cả chục cây, nhưng cây nào cây nấy mực hầu như còn nguyên. Trông đông đúc thế mà vẫn buồn thiu!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

(Sài Gòn Giải Phóng 6-7-2014)
__________________

Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 08:53 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters