Trở lại   Thư Quán Đo Đo > VỀ NGUYỄN NHẬT ÁNH > TIN TỨC

 
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 02-06-2020, 08:06 AM
Avatar của Akô Nô
Akô Nô Akô Nô đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 480
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 22 lần cho 18 bài viết
Mặc định Nguyễn Nhật Ánh và những "cánh cửa" trở về tuổi thơ (spiredum, 1-6-2020)

NGUYỄN NHẬT ÁNH và những "cánh cửa" trở về tuổi thơ

Chắc hẳn khi còn bé, ai trong số chúng ta cũng đã từng thả mình vào những vần thơ êm đềm của Trần Đăng Khoa, hay đắm chìm trong những trang văn nhiệm màu của ngòi bút Đan Mạch Andersen nổi tiếng. Đến với Nguyễn Nhật Ánh, văn chương của ông là sự đan xen độc đáo giữa 2 thể loại trên cùng với giọng văn gần gũi đến mức: ai cũng có thể bắt gặp tuổi thơ của mình trong đó.

1. Cuộc đời và sự nghiệp

Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955, ra đời và lớn lên tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1973, ông chuyển vào sống tại Sài Gòn, theo học ngành Sư Phạm. Nhà văn đã từng tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong, làm công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ông còn phụ trách giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại trường THCS Bình Tây từ năm 1983 đến năm 1985. Trước khi trở thành một nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh còn là một nhà báo chuyên nghiệp. Ông là phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 1986 phụ trách mảng sân khấu, tiểu phẩm, thiếu nhi và ngạc nhiên hơn cả ông còn là một bình luận viên bóng đá. Trong suốt sự nghiệp viết lách, Nguyễn Nhật Ánh sắm cho mình rất nhiều bút danh như: Chu Đình Ngạn, Anh Bồ Câu, Đông Phương Sóc, Lê Duy Cật…



Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Ảnh: Zingnews)

Bộc lộ tài năng văn chương của mình từ khi còn rất nhỏ, chỉ mới 13 tuổi, ông đã có tập thơ được đăng báo lần đầu tiên. Tiếp sau đó, lần lượt là sự ra đời của tập “Thành phố tháng tư” (in chung với Lê Thị Kim) truyện dài “Trước vòng chung kết” xuất bản cùng năm 1984; truyện ngắn “Cú phạt đền” năm 1985; tập truyện “Chuyện cổ tích dành cho người lớn” năm 1987,…

Tác phẩm của ông được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh rộng lần đầu tiên vào năm 1994 với bộ phim “Áo trắng sân trường” dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Lê Dân, phim lấy kịch bản từ tiểu thuyết “Nữ sinh” xuất bản năm 1989 và gây được tiếng vang rất lớn lúc bấy giờ. Thành công nối tiếp thành công: truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” xuất bản năm 1989 được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vào năm 2017, “Mắt biếc” xuất bản năm 1990 cùng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” năm 2010 dưới bàn tay của đạo diễn Victor Vũ đã thắng lớn trên các cuộc đua phòng vé, hay bộ phim truyền hình “Kính vạn hoa” ta mê mẩn một thời cũng được chuyển thể từ những dòng văn trong tác phẩm cùng tên của ông. Không chỉ trong điện ảnh, rất nhiều các tác phẩm âm nhạc cũng được lấy cảm hứng từ những câu chuyện của ông: Lynk Lee với ca khúc “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, Taynguyensound cùng bản tình ca buồn “Mắt Biếc”“Đi qua hoa cúc”,…



Poster "Mắt Biếc" - bộ phim phá đảo phòng vé rạp Việt.

2. Thành công và giải thưởng

Suốt bốn thập kỷ cầm bút cống hiến hơn 100 các tác phẩm nhiều thể loại, bằng tài năng “viết” cảm xúc lên trang giấy, ông đã gặt hái được vô vàn những thành tựu lớn nhỏ cho sự nghiệp văn chương của mình. Năm 1990, ông vinh dự nhận được “Giải thưởng văn học trẻ hạng A”; năm 2003, bộ truyện “Kính vạn hoa” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng huy chương “Vì thế hệ trẻ”; năm 2008 “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được báo Người lao động bình chọn là “Tác phẩm hay nhất”, không lâu sau vào năm 2010 cũng tác phẩm ấy đã mang về cho nhà văn “Giải thưởng Văn học ASEAN” danh giá và còn rất nhiều những thành tựu khác...

Những tác phẩm của bác Ánh mỗi khi phát hành bao giờ cũng thu hút một lượng độc giả lớn, và tên của ông như một “bảo chứng” cho chất lượng. Tháng 3 năm 2019, NXB Trẻ đã công bố danh sách những cuốn sách bán chạy nhất, trải qua hàng chục lần tái bản “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã hạ cánh ở vị trí đầu tiên với con số doanh thu đáng ngưỡng mộ: hơn 400.000 bản in. Và cùng với tấm vé đi tuổi thơ đó, nhiều tác phẩm khác của ông cũng có mặt trong danh sách như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tái bản gần 250.000 bản, “Cây chuối non đi giày xanh” với 170.000 bản, “Cảm ơn người lớn” với 150.000 bản,… Thống kê cho thấy có tới 11/13 cuốn sách của bác Ánh nằm trong danh sách những tác phẩm bán trên 100.000 bản của NXB Trẻ. [1]

Khi chia sẻ về việc các đầu sách của ông được ưa chuộng bởi độc giả quốc tế, nhà văn nói:

“Khi mình muốn viết một cuốn sách, mình muốn cuốn sách này dịch sang tiếng nước ngoài, được nước ngoài đón nhận thì tôi nghĩ không hẳn là phải đưa những yếu tố nước ngoài vô để cuốn sách nó có tính toàn cầu, nó dễ phổ biến ở nước ngoài… Tôi nghĩ là anh vẫn viết những cái gì nó sâu sắc về cái Việt Nam của anh, anh viết một cái gì nó vẫn phản ánh được con người, cuộc sống, tâm tình, suy nghĩ của người Việt và anh viết cái đó thật sâu sắc, thật sinh động và đầy cảm xúc thì tự nhiên người nước ngoài người ta vẫn cảm nhận được. Vì tôi nghĩ, người xứ nào, người nước nào người ta cũng có vui buồn giận khổ, hỉ nộ ái ố giống nhau”. [2]

Những suy nghĩ chân thành và cách viết bình dị ấy, có lẽ đã chiếm được cảm xúc của nhiều độc giả nước ngoài. Nhà văn ký hợp đồng xuất bản với các nhà xuất bản tại các nước như Thái Lan (NXB Nanmeebooks), Hàn Quốc (NXB Dasan Books) và Hoa Kỳ (NXB Hannacroix Creek Books). [3] Tác phẩm “Mắt Biếc” được dịch sang tiếng Nhật, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được chuyển sang tiếng Thái, tiếng Anh và tiếng Hàn, “Cô gái đến từ hôm qua” được Phó Giáo sư Tiến sĩ Maksim Syunnerberg biên soạn lại thành giáo trình môn Tiếng Việt cho sinh viên ở Đại học Moscow, Nga [4].



Bộ sách giáo khoa đi kèm đĩa CD của "Cô gái đến từ hôm qua" ở ĐH Moscow, Nga.

3. Phong cách văn chương

Vậy, có bao giờ các bạn tự hỏi tại sao sách truyện của ông lại luôn luôn được độc giả đón nhận đến vậy? Và điều gì tạo nên thương hiệu văn chương Nguyễn Nhật Ánh? Sở dĩ nói Anh Bồ Câu là “nhà văn của tuổi thơ” bởi những cuốn sách của ông lúc nào cũng như bao trọn tuổi thơ của mọi người: đó là những mối tình ngây ngô tuổi mới lớn, là trận đòn roi khi phạm lỗi thuở nhỏ, là chuyến phiêu lưu thú vị cùng đám cạ, là những suy nghĩ mơ mộng viển vông,… Khi đọc các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, hầu như ai cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của chính mình; đó là Thư, là Tường, là Mận, cũng có thể là Chuẩn, là Rùa, là Chương,… Trong một buổi phỏng vấn, nhà văn trải lòng:

“Từ năm 14 tuổi, tôi đã xa quê hương nên lúc nào cũng nhớ tiếc những năm tháng ấu thơ nơi quê nhà. Tôi viết sách để kéo tuổi thơ trở về gần với mình. Nói cách khác, tôi sáng tác về đề tài này là để thỏa nỗi niềm sầu xứ trong lòng”. [5]

Tuổi thơ, hay thời thơ ấu là một vùng đất diệu kỳ với bao điều thú vị; chỉ tiếc rằng, không ai trong chúng ta được sống mãi trong vùng đất thần tiên ấy và cũng không một ai trên thế giới này có thể quay về thời ấu thơ. Khi đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và những cuốn sách của ông như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa tuổi thơ trong tâm hồn mỗi người, ông khơi dậy sự hoài niệm, sự nhớ thương, gợi lại những tiếng cười và đôi khi là cả những giọt nước mắt… Quả thật, các trang truyện của ông bao giờ cũng rất biết cách “chèo lái” cảm xúc của người đọc.

Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ ông không hợp xem các tai nạn máu me ngoài phố, hay những cảnh đâm chém; ông cũng không phải là tín đồ của dòng phim kinh dị bởi mỗi khi xem, nhà văn thường gặp ác mộng đến cả tuần. Thậm chí, ngay cả những chương trình động vật trên Discovery, khi thấy cảnh thú dữ tấn công con mồi, ông đều chuyển kênh. Nếu đã đọc nhiều các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, ta có thể dễ dàng nhận ra nhà văn không thích viết những câu chuyện mang đậm yếu tố bạo liệt và nặng nề quá. Mà thay vào đó những câu chuyện của tuổi thơ – điều mà nhà nhà văn hướng đến, thì giọng văn trong trẻo và nhẹ nhàng sẽ phù hợp hơn cả.
Người ta thường nói: Truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất đẹp, cái đẹp ẩn dấu ở từng nhân vật song lại hiện hữu ngay trong khung cảnh yên bình của thôn quê: trong những cánh đồng xanh mướt trải dài bất tận, trong tiếng gà gáy hay tiếng trống tan trường…



Làng Đo Đo ngoài đời thật qua lăng kính của Nguyễn Trọng Hùng.

Và hơn cả là đẹp trong lời văn – chất liệu tạo nên cái đẹp nói chung trong các tác phẩm của bác. Hầu hết các tác phẩm đều được ông lấy cảm hứng từ chính quê hương dấu yêu của mình – vùng đất Quảng Nam với những địa danh quen thuộc như Quán Gò, chợ Đo Đo… Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ trong một buổi giao lưu với bạn đọc:

“Trong khi sáng tác tôi không bao giờ cố tình đưa địa danh Quảng Nam vào tác phẩm mà đó là hoàn toàn tự nhiên. Bởi Quảng Nam đối với tôi là nguồn chất liệu vô tận, nó không bao giờ cạn kiệt mà càng suy tư về nó, tôi càng có thêm nhiều đất để viết”. [6]

Ai có thể ngờ rằng xứ Quảng trong văn của Nguyễn Nhật Ánh lại đẹp nhẹ nhàng và nên thơ đến thế, ai có thể nghĩ được vùng đất dãi nắng dầm sương này lại là nơi họ sẽ sống lại một thời đã qua. Sử dụng ngôn từ mộc mạc cùng giọng kể gần gũi, bằng ngòi bút tài hoa của mình, những câu chuyện của nhà văn xứ Quảng không những không trở nên nhàm chán mà còn tạo được một thương hiệu riêng trong lòng độc giả, một phong cách viết mang âm hưởng làng quê đặc trưng trong nền văn học nước nhà.
Như đã đề cập đến ở phần đầu, không chỉ văn xuôi mà thơ cũng là một thể loại được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lựa chọn để gửi gắm cảm xúc.
“Lâu lâu nổi hứng tôi lại làm thơ rồi đưa vào truyện của mình” [7]

Đó là lý do tại sao đôi khi ta vẫn thường thấy những bài thơ đính kèm trong các cuốn sách của ông. Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn khẳng định đó là một điều rất hay, nó thể hiện tính nhất quán trong tư duy sáng tạo của bản thân ông, thơ văn hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau và tạo nên thể thống nhất cho câu chuyện. [8]

Không đơn thuần chỉ là những con chữ xếp hàng trên mặt giấy, văn chương của Nguyễn Nhật Ánh là một thứ gì đó lớn lao hơn, bài học và thông điệp rút ra từ những câu chuyện của ông đều mang lại giá trị cho không chỉ thế hệ đang sống mà còn cả thế hệ sau này, bởi ông viết về những điều bình dị nhất nhưng có lẽ, lại là những điều đáng nuối tiếc nhất trong cuộc đời mỗi người. Đó là lý do tại sao, có những cuốn sách đã được tái bản đến lần thứ 60, qua bao năm tháng, chúng vẫn giữ được giá trị của riêng mình, mang trên vai sứ mệnh đưa độc giả trở về thời thơ ấu.


Trích dẫn từ:
[1] Zingnews, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục thống trị bảng xếp hạng sách bán chạy.
[2] Youtube, Phóng sự về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
[3] Báo Thanh Niên, Nguyễn Nhật Ánh “khai phá” thị trường nước ngoài
[4] VNExpress, 'Cô gái đến từ hôm qua' thành sách giáo khoa Nga
[5] CADN, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi viết sách để kéo tuổi thơ về với mình
[6] Báo Đà Nẵng, Quảng Nam: Nơi đâu là xứ hoa vàng trên cỏ xanh?
[7] [8] Người lao động, Nỗi ám ảnh thời gian của Nguyễn Nhật Ánh

KHÁNH HUYỀN

(spiredum, 1-6-2020)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Akô Nô, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
 

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 03:11 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters