Trở lại   Thư Quán Đo Đo > NGUYỄN NHẬT ÁNH, TÁC PHẨM > BÌNH LUẬN BÓNG ĐÁ

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 29-07-2009, 11:46 AM
Avatar của bachkylan
bachkylan bachkylan đang ẩn
Administrator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 243
Cảm ơn: 5
Được cảm ơn 86 lần cho 51 bài viết
Mặc định Cái rốn của vũ trụ dời đi đâu?

Cái rốn của vũ trụ dời đi đâu?


1. Cái rốn của vũ trụ bóng đá lâu nay nằm ở nước Anh. Premier League đang giữ kỷ lục thế giới về tiền bản quyền truyền hình: 1,7 tỉ bảng từ BSkyB và 392 triệu bảng từ Setanta (hãng này đang... kẹt tiền nên hãng ESPN vừa nhảy vô thế chỗ). Đây cũng là giải vô địch có người xem đông nhất hiện nay. Ở châu Á, giải Anh từ lâu đã là số một (Hè nào, các câu lạc bộ Anh cũng thay phiên nhau đi du đấu một vòng châu Á là vì vậy). Tại Việt Nam, các kênh truyền hình thi nhau phát trực tiếp giải Đức, giải Pháp, giải Ý và giải Tây Ban Nha, nhưng hầu hết các fan bóng đá đều chọn giải Anh làm “thức ăn khoái khẩu” của mình.

Người viết bài này từng lý giải: vì bóng đá Anh hồn nhiên nhất, phóng khoáng nhất, ít tính toán nhất và đặc biệt là giàu tính đàn ông nhất. “Giàu tính đàn ông” không chỉ vì họ chạy hùng hục, vì họ đá như thể ngày mai họ sẽ chết, vì tính cạnh tranh cao đến mức đội xếp đầu bảng chưa chắc đã đá thắng đội xếp cuối bảng, mà khoái nhất là ở chỗ này: bóng đá Anh ít có hiện tượng câu giờ hay ăn vạ (cầu thủ đã nằm sân là đau thiệt chứ không phải vờ vịt), đá rất rắn (đến mức thủ môn Petr Cech bị chấn thương sọ não phải đội mũ bảo hiểm đặc biệt khi thi đấu, hoặc trường hợp hậu vệ John Terry: nếu không được bác sĩ Gary Lewin sơ cứu kịp thời, có thể anh đã chết ngay trên sân cỏ khi lãnh nguyên cú đá sấm sét của Abou Diaby vào mặt trong trận chung kết cúp Carling cách đây hai năm) tuy vậy những va chạm giữa các cầu thủ ở giải Anh không hề ác ý. Giàu tính đàn ông là vậy: đàng hoàng, trung thực, mã thượng.

2. Bóng đá Anh số một cũng đúng thôi. Vì ngoài các lý do nêu trên, đó là giải đấu tập trung hầu hết cầu thủ ngôi sao trên thế giới qua từng thời kỳ: Cantona, Vialli, Klinsman, Ginola, Zola, Dennis Beckamp, Giggs, Thierry Henry, Vieira, Cristiano Ronaldo, Ballack, Shevchenco, Veron, Torres, Robben, Cech, Makelele, Essein, Drogba, Adebayor... chưa kể các siêu sao Anh quốc như Owen, Rooney, Beckham, Terry, Lampard, Gerrard... Các huấn luyện viên cũng thuộc hàng thượng thặng: Ferguson, Wenger, Eriksson, Benitez, Mourinho, Scholari, Hiddink... Premier League cũng là giải vô địch quốc gia mà các tỉ phú nước ngoài nhảy vào đông như kiến. Kể từ ngày tỉ phú Ả Rập Mohamed Al Fayed mua lại CLB Fulham hồi 10 năm trước, đến nay gần phân nửa câu lạc bộ ở giải Anh đã thuộc về các ông chủ nước ngoài như Malcolm Glazer, George Gillett và Tom Hicks, Randy Lerner, Al Nahyan, Roman Abramovich, Sulaiman Al Fahim, Ellis Short, Holdings... Dĩ nhiên hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” này một phần xuất phát từ chính sách “thoải mái” của luật pháp Anh, nhưng nếu giải Anh không hấp dẫn, nghĩa là “mật” không “ngọt” thì chẳng thể quyến rũ được “ruồi”.

3. Chỉ cần nửa thập kỷ, tất cả những yếu tố đó đã kịp phát huy tác dụng: các câu lạc bộ Anh trở thành bá chủ châu Âu. Ở 5 mùa giải Champions League gần nhất, bóng đá Anh đều có đại diện ở trận chung kết, và đây mới là điều kinh khủng: 3 mùa liên tiếp mới đây, mùa nào bóng đá Anh cũng có 3 đại diện ở vòng bán kết. Tương truyền nhà thơ Cao Bá Quát có lần tuyên bố hách xì xằng: “Trong thiên hạ có 4 bồ chữ, mình tôi chiếm hai bồ, anh tôi Cao Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn một bồ phân phát cho thiên hạ”. Câu nói đó không biết có thật không, hay do người đời sau bịa ra để nhấn mạnh cái ngông của thi bá họ Cao. Nhưng “cái ngông” của bóng đá Anh như đã dẫn chứng là có thật, thậm chí còn “oách” hơn: “Champions League có 4 suất ở bán kết, mình nước Anh chiếm 3 suất, còn 1 suất chia cho cả châu Âu”. Và trong 5 lần tham dự trận chung kết Champions League, các đội bóng Anh vô địch 2 lần. Riêng mùa 2006 - 2007, trận chung kết giữa Manchester United và Chelsea là “chuyện nội bộ” của đảo quốc sương mù.

4. Những mẩu chuyện đã kể ra trên đây là những chuyện-nếu-không-nói-ra-thì-ai-cũng biết. Nhưng không phải ai cũng tán thành lối làm bóng đá “bá đạo” của người Anh. Kế hoạch tổ chức thêm vòng 39 Premier League ở bên ngoài biên giới nướcAnh của Richard Scudamore, Giám đốc điều hành giải Ngoại hạng Anh, càng khiến thiên hạ ngứa mắt. Richard Scudamore không ngần ngại công khai quan điểm: “Bóng đá đang là môn thể thao số 1 về kiếm tiền thì không có lý gì không nghĩ ra cách kiếm bộn tiền hơn nữa, cho dù bằng cách thức được xem là điên rồ nhất”. Không những lãnh đạo FIFA, UEFA phản đối rầm rầm, mà ngay cả Wenger cũng nói xa nói gần về cái lối làm bóng đá vì lợi nhuận chứ không phải vì tình yêu của người Anh “Jack Walker, một cổ động viên của Rovers, khi giàu có đã quyết mua lại câu lạc bộ này để hoàn thành giấc mơ thời niên thiếu. Tiếc thay, những tấm gương đẹp đẽ như vậy đã không còn nữa. Những cuộc mua bán gần đây không còn xuất phát từ tình yêu"...

5. Khi anh chủ trương dùng sức mạnh đồng tiền để vận hành cỗ máy bóng đá, điều đó có nghĩa nếu ngày nào đó xuất hiện một người giàu hơn anh, anh phải chấp nhận nhường tay lái lại cho họ. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy quy luật đó xảy ra nhanh hơn. Ở giải Anh, điều đó đang tới: Các ông chủ Ả Rập của Manchester City nhanh chóng học tập cách thức của tỉ phú Abramovich để xây dựng đội bóng của mình. Trớ trêu hơn, sau khi thâu tóm Robinho, Tevez, Barry, Cruz, Adebayor, họ còn dùng môn võ “gậy ông đập lưng ông” để quyến dụ cả John Terry, ngôi sao số một của Chelsea. Nếu họ thành công, cha con nhà Mộ Dung Cô Tô cũng phải tôn họ làm sư phụ. Trên bình diện châu Âu, khi các ông chủ của các đội bóng Anh đang đóng băng ngân sách hoặc chi tiêu dè sẻn thì Real Madrid đã kịp vơ vét gần hết các gương mặt sáng giá nhất trên toàn châu Âu: Cristiano Ronaldo, Kaka, Benzema. Khả năng đến xứ đấu bò của các siêu sao Ibrahimovich, Ribery cho đến nay vẫn còn để ngỏ. Thêm những Lionel Messi, David Villa, Forlan, Aguero, Iniesta, Xavi, Casillas... đang phục sẵn tại đó, giải La Liga của quốc gia đương kim vô địch châu Âu chắc chắn sẽ thay thế Premier League để trở thành giải đấu hấp dẫn nhất thế giới. Theo đà này, rồi sẽ có thêm những danh thủ khác đổ xô về La Liga. Tiền bản quyền truyền hình của Li Liga sẽ tăng đột biến. Nhưng Richard Scudamore có lẽ sợ nhất viễn ảnh này: La Liga đang tính đến chuyện đẩy giờ thi đấu lên sớm hơn vài tiếng đồng hồ để phù hợp với giờ giấc của khán giả châu Á - lục địa đông dân nhất thế giới, vốn là mảnh đất béo bở của các câu lạc bộ Anh lâu nay.

Với khán giả Việt Nam, cái rốn vũ trụ nằm ở London hay ở Madrid không thành vấn đề. Quan trọng là cái rốn đó ở đâu, giờ truyền hình trực tiếp phải tính toán sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người hâm mộ Việt Nam chứ đừng có phát từ 1g - 3g sáng như La Liga lâu nay. Ước mong này sắp tới có thể thành hiện thực lắm!

24-7-2009

CHU ĐÌNH NGẠN
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên bachkylan, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 12:10 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters