Trở lại   Thư Quán Đo Đo > CÂU LẠC BỘ > DỊCH THUẬT

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 03-09-2009, 04:31 AM
Avatar của nhumai
nhumai nhumai đang ẩn
Junior Member
 
Tham gia ngày: Sep 2009
Đến từ: Anh Cuốc
Bài gửi: 1
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 1 lần cho 1 bài viết
Mặc định Cây liễu mù và người đàn bà say ngủ (Haruki Murakami/Như Mai)

Cây liễu mù và người đàn bà say ngủ
Tác giả: Haruki Murakami

Chào các anh/chị/bạn,
Em tên là Hồ Thị Như Mai. Em rất ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Em vào forum này cũng lâu lắm rồi nhưng chưa dám đăng ký post bài gì.
Hôm nay em đọc thấy có truyện Murakami do Thận Nhiên dịch. Em cũng đọc khá nhiều sách của Murakami và cũng có tập tành dịch thử vài truyện cho bạn bè đọc.
Em... liều mạng post thử một truyện em dịch để tặng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các members ở đây. Nếu ẹ quá cho em xin lại, chớ mọi người đừng vừa nhận vừa nhăn mặt nha.

Nhắm mắt lại, tôi nghe thấy hương gió ùa lên mặt mình. Một cơn gió tháng Năm, căng như thứ quả vỏ cứng, ruột trơn và đầy những hạt. Ruột quả vỡ bộc ra trong không khí, hạt bắn lên cánh tay tôi, để lại chút gì châm châm đau đớn.
‘Mấy giờ rồi anh?’ Cậu em họ hỏi tôi. Nó tôi thấp hơn tôi gần hai tấc, mỗi lần nói gì phải ngước lên.
Tôi nhìn đồng hồ ‘Mười giờ hai mươi’
‘Đồng hồ của anh đúng giờ không?’
‘Chắc là đúng thôi’.
Rồi nó nắm lấy cổ tay tôi để xem đồng hồ. Những ngón tay gầy gầy, trơn mượt của nó mạnh đến ngạc nhiên. ‘Đồng hồ anh đắt tiền lắm hả?’
‘Không, rẻ thôi’. Tôi đáp, lại liếc nhìn biển giờ xe lần nữa.
Nó không nói gì thêm. Nó có vẻ hơi bối rối. Đôi môi nó khẽ mấp máy, những chiếc răng trắng lộ ra, trông như những chiếc xương nhỏ bé.
Rẻ thật mà’. Tôi nhìn nó, cẩn thận lặp lại từng chữ ‘Đồng hồ rẻ thật, nhưng mà đúng giờ
Thằng bé chỉ gật đầu, vẫn không nói gì.

Em họ tôi bị đau tai. Mới vào trường tiểu học được mấy hôm thì nó bị một quả bóng chày bay đập vào tai phải, làm tổn thương thính giác. Thực ra phần lớn thời gian nó vẫn bình thường. Đi học bình thường, sống cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác. Trong lớp nó hay ngồi hàng đầu bên phải, như thế thì tai trái của nó hướng về phía thầy giáo. Điểm số của nó cũng không đến nỗi. Chỉ có điều lâu lâu nó lại chẳng nghe được gì. Cứ như một chu kỳ vậy. Thỉnh thoảng, khoảng một năm hai lần, cả hai tai của nó đều điếc hẳn. Cứ như là sự im lặng trong tai phải của nó lấn sang cả tai trái. Mỗi lần vậy nó phải nghỉ học. Bác sĩ không hiểu nổi tại sao, và cũng chưa từng gặp trường hợp nào như vậy nên họ cũng chẳng biết phải làm gì.

‘Chẳng phải đồng hồ đắt tiền nào cũng đúng giờ đâu’ Nó nói, cứ như thể là đang thuyết phục chính mình vậy. ‘Hồi trước em có một cái đồng hồ đắt ghê lắm, nhưng nó cứ hư hoài. Em đeo từ hồi mới vào trung học, được một năm thì mất tiêu. Từ đó đến giờ em chẳng đeo đồng hồ nữa. Ba mẹ cũng không chịu mua cái mới cho em’
‘Không có đồng hồ cũng mệt hả?’
‘Gì kia?’
Không có đồng hồ chắc mệt lắm hả?’ Tôi lặp lại câu hỏi, nhìn thẳng vào nó
‘Không, chả sao cả’. Nó lắc đầu. ‘Có phải như em đang ở trên núi đâu. Cần thì cứ hỏi đại ai cũng được’
‘Ừ nhỉ’

Rồi chúng tôi chẳng nói gì thêm.
Tôi biết là mình nên nói thêm cái gì đó, làm sao cho thằng bé thấy dễ chịu, ít nhất là cho đến khi đến bệnh viện. Nhưng tôi không gặp nó đã năm năm. Từ khi nó chín tuổi, bây giờ đã là mười bốn, tôi thì từ hai mươi đến hai lăm. Khoảng thời gian đó đã tạo ra một cái hàng rào vô hình giữa chúng tôi, khó mà vượt qua được. Mỗi lần tôi định nói gì, tôi lại chẳng tìm được đúng từ. Và cứ mỗi lần tôi lưỡng lự, định nói gì mà rồi lại không, nó nhìn tôi thật bối rối. Tai trái của nó hơi nghiêng về phía tôi.

‘Mấy giờ rồi anh?’ Nó hỏi tôi lần nữa.
‘Mười giờ hai mươi chín phút’

Mười giờ ba mươi hai thì xe buýt đến.
Chiếc xe búyt này thuộc loại mới, không giống như loại xe búyt thời tôi học trung học. Kính xe to hơn hẳn, cả chiếc xe trông như một thứ máy bay ném bom không có cánh. Xe đông hơn tôi tưởng. Không có ai phải đứng nhưng hai chúng tôi không có chỗ gần nhau. Vì không đi xa lắm nên chúng tôi ngồi gần cửa sau. Giờ này mà xe búyt chật cứng thì thật là lạ. Chuyến xe này bắt đầu từ một nhà ga tư nhân, chạy qua một khu dân cư trên đồi, rồi vòng về nhà ga, trên đường đi chẳng có điểm dừng chân nào của khách du lịch cả. Gặp giờ đi học của bọn trẻ con thì còn có thể đông nhưng giờ này thì đáng ra xe phải rất vắng.

Hai đứa chúng tôi giữ chặt lấy dây an toàn và vịn tay vào cột. Xe búyt còn mới cứng, y như vừa đi từ xưởng ra, mặt kim loại sáng bóng có thể soi gương được. Ghế nào cũng có nệm mềm và ngay cả những con ốc vít bé nhất cũng mới kính coong.
Tự nhiên ngồi xe mới quá, lại đông đúc, tôi cảm thấy khó chịu. Có thể tuyến đường đã thay đổi rồi chăng. Tôi cẩn thận nhìn ra cửa xe. Nhưng mọi thứ vẫn như thế, vẫn là khu phố yên lặng trong ký ức của tôi.
‘Mình đi đúng xe chứ anh?’ Nó hỏi tôi đầy vẻ lo lắng. Chắc là vì sự bối rối trên gương mặt tôi ngay lúc lên xe.
‘Đừng lo.’ Tôi nói, như để yên lòng cả hai ‘Chỉ có một chuyến xe qua đây thôi, nên chắc chắn là xe này rồi’
‘Hồi trung học anh hay đi xe này lắm hả?’
‘Ừ’
‘Hồi đó anh có thích đi học không?’
‘Anh không thích lắm’. Tôi đáp. ‘Nhưng đi học thì gặp được bạn bè, với lại cũng không phải đi xa lắm.’
Nó nghĩ một lát rồi hỏi tôi tiếp
‘Bây giờ anh còn hay gặp bạn cũ không’
‘Lâu lắm rồi anh chẳng gặp ai.’ Tôi trả lời, cân nhắc từng chữ.
‘Tại sao vậy? Sao lại không gặp nữa?’
‘Bởi vì bây giờ tụi anh sống xa nhau quá’. Thực ra đó chẳng phải là lý do, nhưng tôi chẳng thể nghĩ được cái gì khác để nói.

Ngồi sát bên tôi là một nhóm người già. Cũng phải đến mười lăm người. Tôi chợt nhận ra vì thế mà xe búyt đông hơn bình thường. Họ đều có da rám nắng, gáy của họ cũng bị rám nắng. Và tất cả đều rất gầy. Phần lớn đàn ông đều mặc áo leo núi dày, phụ nữ thì mặc áo cánh đơn giản. Ai cũng có một cái túi nhỏ đặt trên đùi, loại túi hay dùng khi đi dạo trên núi. Họ giống nhau một cách kỳ lạ. Cứ như một ngăn kéo đựng mẫu vật, sắp ngăn nắp. Kỳ lạ hơn nữa là chả có đường đi núi nào theo tuyến xe búyt này. Thế thì họ đi đâu được nhỉ? Tôi đứng suy nghĩ, tay bám vào dây an toàn, nhưng chẳng nghĩ ra được cái gì cả.

‘Không biết lần này có đau lắm không anh nhỉ?’ Nó lại hỏi tôi
‘Anh không biết được’
‘Anh đi khám tai bao giờ chưa?’
Tôi lắc đầu. Tôi chưa bao giờ đi khám tai cả.
‘Thế những lần trước có đau không?’ Tôi hỏi nó.
‘Cũng không đau lắm.’ Nó nói, giọng buồn buồn ‘Đương nhiên là cũng đau chút xíu nhưng mà chẳng có gì ghê gớm’
‘Chắc lần này cũng vậy thôi. Mẹ em bảo là họ sẽ không làm gì khác lắm đâu’
‘Nhưng nếu lần nào họ cũng làm y như vậy thì làm sao em khỏi bệnh?’
‘Sao mà biết được hả em, biết đâu tự nhiên nó khỏi thì sao?’
‘Ý anh là từ trên rớt xuống à?’
Tôi nhìn nó, rõ ràng nó chẳng có ý mỉa mai gì.
‘Nếu có bác sĩ mới thì em sẽ thấy khác, nhiều khi chỉ thay đổi một điều gì nhỏ nhặt thôi cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Anh mà là em thì anh không bỏ cuộc sớm thế đâu.’
‘Em không bỏ cuộc mà.’
‘Nhưng mà em chán lắm rồi hả?’
‘Chắc vậy’. Nó thở dài. ‘Sợ hãi là điều tệ hại nhất. Lúc nào em cũng tưởng là sắp bị đau kinh lắm. Anh hiểu ý em không?’
‘Anh hiểu mà’

***
Mùa xuân năm ấy có nhiều chuyện xảy ra. Có chuyện ở chỗ làm khiến tôi rời Tokyo và bỏ việc ở công ty quảng cáo sau hai năm đi làm. Cũng trong khoảng đó tôi chia tay với bạn gái từ hồi đại học. Một tháng sau thì bà tôi chết vì ung thư ruột, và tôi trở về quê, sau năm năm không về. Phòng tôi vẫn y như vậy. Sách ngày trước tôi đọc vẫn còn trên giá, giường vẫn ở chỗ cũ, bàn học, đĩa hát ngày xưa tôi hay nghe…Nhưng tất cả đều như khô héo đi, úa màu và ngả mùi. Chỉ có thời gian là đọng lại.
Tôi định vài ngày sau đám tang của bà thì về lại Tokyo ngay để tìm việc làm. Tôi cũng định dọn chỗ ở mới, cần phải thay đổi cảnh quang. Nhưng ngày qua ngày, tôi ngại chuyện phải sắp ba lô rồi lại lên đường. Nói đúng ra là ngay cả khi tôi muốn ra đi, tôi cũng chẳng thể đi được. Tôi cứ ở lì trong phòng, đọc lại sách cũ, nghe lại đĩa cũ, thỉnh thoảng thì ra vườn nhổ cỏ. Tôi chẳng gặp ai, chỉ nói chuyện với người thân.
Một hôm thím tôi tới thăm và nhờ tôi đi cùng em họ tới bệnh viên mới. Đáng ra thím phải dẫn nó đi nhưng mà tự nhiên lại có việc bận đúng ngày hẹn nên không thể đi được. Bệnh viện gần trường cũ của tôi nên tôi biết chỗ, nhất là khi tôi suốt ngày ở không, tôi chẳng thể từ chối được. Thím còn đưa cho tôi ít tiền đựng trong bì thư để hai anh em ăn trưa.

Em họ tôi đổi bệnh viện vì chỗ cũ chẳng có tác dụng gì. Thậm chí còn làm cho mọi thứ tệ hơn. Khi thím tôi phàn nàn với bác sĩ thì ông này nói là có thể là do môi trường ở nhà của thằng bé, hơn là do thuốc men. Và thế là cả hai nổi điên lên.
Chẳng ai tin đổi bệnh viện thì em tôi sẽ khỏi bệnh ngay. Chẳng ai nói gì cả, chú thím tôi cũng hết hi vọng là thằng bé có thể đỡ hơn được.
Em họ tôi sống ở gần chỗ tôi, nhưng nó bé hơn tôi đến mười tuổi và thực ra hai chúng tôi cũng không thân nhau lắm. Khi cả nhà tụ tập lại tôi thường dẫn nó đi ra ngoài, hay ngồi chơi với nó, chỉ có thế thôi. Không hiểu sao mọi người trong nhà hay nghĩ hai chúng tôi là một cặp, cho rằng chắc nó phải quấn tôi lắm. Ngày trước tôi chẳng hiểu tại sao. Nhưng bây giờ, nhìn cách nó nghiêng đầu về phía tôi, tai trái của nó hướng hẳn về tôi, tôi thấy xúc động làm sao.
Như thể nghe tiếng mưa rơi từ ngày xưa vọng về, cái vẻ vụng về của thằng bé làm tôi nao cả lòng. Và rồi tôi mơ hồ hiểu tại sao mọi người trong nhà hay ghép hai chúng tôi với nhau.

Đi qua khoảng bảy, tám trạm xe buýt thì em tôi lại ngước lên hỏi, đầy lo lắng
‘Còn xa không anh?’
‘Ừ cũng còn khá xa. Bệnh viện đó lớn lắm nên chắc chắn mình không bị lỡ mất đâu.’

Tôi bình thản nhận ra gió đang lùa từ cửa sổ vào và vẫy nhẹ vành nón và dải khăn quàng cổ của những ông bà cụ trên xe. Thực ra họ là ai? Và đi đâu giờ này?

‘Anh này, rồi anh có về làm ở công ty của ba em không?’ Nó lại hỏi tôi.
Tôi ngạc nhiên nhìn nó. Chú tôi điều hành một công ty in ấn khá lớn ở Kobe. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này, mà cũng chưa ai bóng gió gì.

‘Anh có nghe ai nói gì đâu. Tại sao em hỏi thế?’
Gò má của nó chợt ửng hồng. ‘Em chỉ nghĩ thế thôi. Mà tại sao không hả anh? Anh sẽ chẳng phải đi đâu xa cả. Mọi người chắc sẽ vui lắm.’

Thông báo tự động trên xe vừa đọc tên trạm tiếp theo nhưng không ai bấm nút để dừng cả. Mà cũng chẳng có ai đứng chờ dưới trạm để lên xe.
‘Nhưng anh còn có chuyện phải làm trên Tokyo.’ Tôi trả lời thằng bé. Nó chỉ gật đầu yên lặng.
Thực ra tôi chẳng có chuyện gì phải làm cả. Nhưng rõ là tôi không thể ở lại đây mãi.
Xe búyt càng lên cao trên núi thì nhà cửa càng thưa thớt. Những tán cây dày phủ bóng ngang qua đường. Xe đi ngang qua những ngôi nhà theo kiểu nước ngoài với những bức tường thấp ở phía trước. Gío lạnh thật dễ chịu. Mỗi lần xe đi qua một khúc quanh, mặt biển phía dưới lại hiện lên, rồi biến mất. Hai chúng tôi mải ngắm cảnh thay đổi bên ngoài, cho đến khi xe dừng hẳn lại.

‘Chắc là khám hơi lâu nhưng em ở đấy một mình được. Anh đi đâu chơi đợi em nhé?’ Thằng bé nói với tôi.
Sau khi chào hỏi qua loa với bác sĩ, tôi rời khỏi phòng khám và đi xuống căn tin. Tôi chưa ăn uống gì, đói cồn cào nhưng chẳng muốn gọi cái gì trên thực đơn cả. Cuối cùng tôi gọi một tách cà phê.
Hôm đó là một buổi sáng ngày thường, chỉ có tôi và một gia đình nhỏ trong cả căn tin. Ông bố khoảng bốn mươi mấy tuổi, mặc một bộ pyjamas màu xanh sẫm và mang dép nhựa. Người mẹ và hai đứa con gái sinh đôi đi thăm bệnh. Hai đứa bé mặc áo đầm trắng giống nhau, mặt mày hơi nghiêm, ngồi tu nước cam. Hình như bệnh tình của ông bố cũng không nghiêm trọng lắm nên trông ai cũng có vẻ chan chán thế nào.
Ngoài cửa sổ là một bãi cỏ với một vòi tưới xoay tự động. Một đôi chim đuôi dài hót lanh lảnh bay vụt lên trên tia nước rồi vút ra khỏi tầm mắt. Phía trên một chút là sân tenis nhưng chẳng có cái lưới nào. Trên nữa là một hàng chi cử và thấp thoáng đằng sau là biển. Mặt nước lấp lánh những tia nắng đầu tiên của mùa hè. Một cơn gió choàng qua, xào xạc đám lá chi cử, có cảm giác như tia nước bắn ra từ vòi tưới cũng bị uốn cong nhè nhẹ.
Tôi cảm giác như mình đã thấy cảnh này lâu lắm rồi. Bãi cỏ rộng, hai cô bé sinh đôi tu ừng ực nước cam, cặp chim đuôi dài bay về phương vô định, sân tenis không có lưới, mặt biển phía xa xa…Nhưng chỉ là ảo giác. Một thứ ảo giác sống động, nhưng vẫn không có thật. Đây là lần đầu tiên tôi đến bệnh viện này cơ mà.

Tôi duỗi chân ra cái ghế đối diện, hít một hơi thật sâu và nhắm mắt lại. Trong bóng tối tôi thấy một khoảng gì trăng trắng. Khoảng trắng nở rộng ra, rồi thu lại, như là hình dáng một con vi khuẩn dưới kính hiển vi. Cứ thế, thay đổi hình dáng, rồi phình ra, rồi co lại, rồi trở lại từ đầu…

Tám năm trước tôi cũng đến một bệnh viện nhỏ bên bờ biển. Bên ngoài cửa sổ chỉ thấy toàn cây trúc đào. Bệnh viện có mùi mưa. Người yêu của cậu bạn tôi đang nằm phẫu thuật ở đó và hai đứa tôi đến thăm bệnh. Đó cũng là mùa hè cuối cùng của tôi thời trung học.
Thực ra chỉ là một tiểu phẫu để chỉnh lại vị trí xương sườn hơi bị uốn vào trong. Không có gì là nguy hiểm cả nhưng mà trước sau gì vẫn phải làm nên cô bé muốn làm cho xong. Cuộc phẫu thuật khá nhanh nhưng bác sĩ muốn cô ở lại thêm một thời gian để hồi phục hẳn, vậy là cô bé nằm viện đến mười ngày. Cậu bạn và tôi đi bằng xe máy Yamaha 125 phân khối. Chúng tôi thay phiên chở nhau đi về. Cậu năn nỉ tôi đi cùng: ‘Tớ không vào bệnh viện một mình đâu’
Cậu dừng lại ở một hiệu bánh gần trạm xăng và mua một hộp sôcôla. Tôi một tay giữ thắt lưng của cậu, tay kia ôm chặt hộp kẹo. Hôm đó trời rất nóng, áo hai đứa tôi đẫm mồ hôi rồi khô lại trong gió trên đường đi. Cậu bạn vừa lái xe vừa hát lẩm nhẩm bài gì, giọng thật kinh khủng. Tôi vẫn còn nhớ mùi mồ hôi của cậu.

Chẳng lâu sau đó thì cậu mất.

Người yêu bạn tôi mặc đồ ngủ màu xanh dưới một cái áo khoác nhẹ dài đến gối. Ba đứa tôi ngồi trong căn tin, hút thuốc Short Hope, uống coca và ăn kem. Cô bé chắc là đói bụng lắm, ăn đến hai cái donut bọc đường và uống cacao phủ đầy kem. Thế mà hình như vẫn không no.
‘Cứ thế này thi khi em ra viện em sẽ tròn như một cái khí cầu’. Cậu bạn tôi nói, có vẻ gì hơi kinh hãi.
‘Không sao, em đang dưỡng bệnh kia mà’ Cô bé vừa đáp vừa lau những ngón tay dính đầy dầu từ mấy cái donut.
Khi hai người nói chuyện tôi nhìn ra hàng trúc đào ngoài cửa sổ. Trông chúng thật to lớn, y như một khu rừng nhỏ vậy. Tôi còn nghe được cả tiếng sóng vỗ. Ban công gần cửa sổ bị rỉ sét vì gió biển. Chiếc quạt trần hơi cổ xưa đẩy không khí ngột ngạt nóng bức đi khắp phòng. Cái căn tin này cũng có mùi bệnh viện. Đồ ăn thức uống cũng thế.
Aó ngủ của cô bé có hai cái túi ở ngực, bên trong kẹp một cây viết màu vàng óng. Mỗi khi cô bé chồm ra phía trước, tôi thấy làn ngực trắng bé bỏng thấp thoáng dưới cổ áo hình chữ V.

Dòng ký ức tự nhiên dừng lại. Tôi cố nhớ những chi tiết sau đó. Tôi uống một ly coca, nhìn hàng trúc đào, liếc khẽ ngực cô bé và sao nữa? Tôi dựa lưng vào ghế, hai tai ôm lấy đầu và cố lục lọi trong lớp lớp kỷ niệm. Y như dùng mũi dao nhọn để khoét nút bấc ra khỏi chai rượu vậy.
Tôi quay đầu qua một phía, cố hình dung ra cảnh bác sĩ rạch toang lồng ngực của cô bé, thò đôi tay bọc găng cao su vào để nắn những chiếc xương sườn bị uốn. Nhưng sao mọi thứ đều có gì đó siêu thực, như trong một câu chuyện ngụ ngôn.

Đúng rồi, sau đó thì chúng tôi nói chuyện trai gái. Chí ít thì cậu bạn tôi cũng có nói. Nhưng cậu nói những gì? Đương nhiên là nói về tôi rồi. Về chuyện tôi cố cưa một cô bé nào đó. Chuyện chẳng có đầu đuôi, nhưng cái cách cậu thổi phồng mọi thứ lên làm cho cô bé phá ra cười. Tôi cũng cười. Cậu bạn tôi rõ là giỏi kể chuyện.
‘Đừng làm em cười nữa, mỗi lần cười ngực em đau lắm’. Cô bé nói, trông hơi nhăn nhó đau đớn thật.
‘Đau ở đâu kia?’ Cậu bạn tôi hỏi.
Cô bé nhấn khẽ vào một điểm gần tim, ngay bên ngực trái. Cậu lại nghĩ ra được một câu đùa gì đấy và làm cô bé cười lần nữa.

Tôi nhìn đồng hồ. Mười một giờ bốn lăm nhưng thằng bé vẫn chưa ra. Gần đến giờ ăn trưa nên căn tin đông dần lên. Đủ mọi tiếng động, giọng nói trộn lẫn vào nhau, cứ như một làn sương khói phủ lấy căn phòng. Tôi lại mơ màng dạt vào trong mớ ký ức.

Và tôi thấy cây viết vàng óng trong túi ngực áo của cô bé.
…Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi- cô bé rút cây viết ra và viết gì đó trên cái khăn giấy.
Cô bé vẽ một bức tranh. Khăn giấy hơi mềm nên ngòi viết cứ bị trật ra ngoài. Cô bé vẽ một quả đồi. Rồi một ngôi nhà nhỏ trên đồi. Trong nhà có một người đàn bà đang ngủ say. Quanh nhà là một hàng cây liễu mù. Những cây liễu mù ru người đàn bà vào giấc ngủ.

‘Cây liễu mù là cái quái gì?’ Cậu bạn tôi thắc mắc.
‘Có cây đấy thật mà’
‘Thế mà anh chưa nghe thấy bao giờ.’
‘Bởi vì em tự nghĩ ra cái cây đấy’. Cô bé mỉm cười. ‘Cây liễu mù có rất nhiều phấn hoa nhé, những con ruồi phủ đầy phấn hoa chui vào tai nàng và ru nàng ngủ say’

Cô bé rút ra một cái khăn giấy khác và vẽ thêm một cây liễu mù nữa. Cây này to như một cây khô. Cây nở đầy hoa, bao quanh là những chiếc lá màu xanh sẫm, trông như mớ đuôi thằn lằn bó lại. Cây liễu mù còn chẳng giống một cây liễu chút nào.

‘Cậu còn điếu thuốc nào không?’ Cậu bạn quay sang hỏi tôi. Tôi ném bao thuốc Hopes và mấy cây diêm ẩm mồ hôi về phía cậu.
‘Cây liễu mù bên ngoài thì bé thôi nhưng mà rễ nó sâu lắm.’ Cô bé lại giải thích. ‘Thực ra thì đến một lúc cây liễu không thèm lớn thêm nữa mà chỉ có rễ nó cứ đẩy sâu vào lòng đất. Cứ y như là bóng tối nuôi dưỡng nó vậy.’
‘Rồi mấy con ruồi đem phấn hoa bay vào sâu trong tai nàng, ru nàng ngủ say’. Cậu bạn tiếp lời, vẫn cố châm cho được điếu thuốc với mấy cây diêm ẩm. ‘Nhưng rồi mấy con ruồi đi đâu?’
‘Chúng ở trong cơ thể nàng và ăn thịt nàng, tự nhiên thôi’. Cô bé đáp.
‘Ăn ngấu nghiến cho đến hết’ Cậu bạn tôi chấm dứt câu chuyện.

Tôi còn nhớ mùa hè năm đó cô bé viết một bài thơ dài về cây liễu mù để giải thích cho chúng tôi hiểu. Ngoài bài thơ ra thì cô bé chẳng đụng đến sách vở gì suốt cả mùa hè. Trước đó, cô bé viết một câu chuyện dựa trên giấc chiêm bao của mình và khi nằm bệt giường một tuần thì viết thêm bài thơ này. Cậu bạn tôi đòi đọc bài thơ nhưng cô bé bảo là vẫn còn đang sửa lại nên chưa cho đọc được, vì thế nên cô bé vẽ những bức tranh kia để tóm tắt lại nội dung cho chúng tôi nghe.

Sau đó thì một người trai trẻ leo lên đồi để cứu nàng.
‘Chắc chắn là anh rồi’ Bạn tôi nói.
Cô bé lắc đầu ‘Không phải anh’
‘Em chắc không?’
‘Chắc mà’ cô bé nói với vẻ mặt hơi nghiêm nghiêm. ‘Em chẳng biết tại sao nữa, nhưng mà không phải anh. Anh không giận em chứ?’
‘Làm sao mà không giận được’. Cậu bạn tôi nhướng mày nửa đùa nửa thật.

Người trai trẻ đi xuyên qua hàng cây liễu mù lên đỉnh đồi. Chàng là người đầu tiên lên đồi kể từ khi những cây liễu mù mọc đầy. Chàng kéo mũ xuống che bớt mắt lại, một tay xua đàn ruồi đang vây lấy mình, cứ thế chàng đi lên trên cao. Để thấy cho được người đàn bà say ngủ. Để đánh thức nàng từ giấc ngủ say.

‘Nhưng khi chàng lên tới đỉnh đồi thì cơ thể nàng đã bị bọn ruồi ăn gần hết chứ gì?’ Cậu bạn tôi hỏi.
‘Theo một cách nào đó’.
‘Chuyện bị ruồi ăn gần hết theo một cách nào đó thật là bi kịch, nhỉ?’ Cậu bạn tôi nói.
‘Chắc vậy.’ Cô bé đáp, vẻ hơi nghĩ ngợi, rồi quay sang hỏi tôi ‘Anh thấy sao?’
‘Anh thấy câu chuyện buồn thật’. Tôi đáp.

Mười hai giờ hai mươi thì cậu em tôi trở lại. Nó cầm một cái túi thuốc be bé, gương mặt có vẻ gì hơi lơ đãng. Một lúc sau nó mới thấy tôi. Nó đi về phía tôi vụng về như bị mất thăng bằng. Nó ngồi xuống, thở phịch một cái y như vừa vội quá không kịp thở vậy.
‘Sao hả em?’
‘Hmmm’ Nó ậm ừ. Tôi đợi xem nó nói thêm gì không nhưng nó vẫn im lặng.
‘Em đói không?’
Nó khẽ gật đầu.
‘Em thích ăn ở đây hay mình đi xe búyt vào trong phố ăn?’
Nó ngập ngừng nhìn quanh rồi đáp ‘Ăn đây cũng được’. Tôi đi mua vé ăn và gọi thức ăn cho cả ai. Cho đến khi thức ăn được mang ra thì nó ngồi yên lặng nhìn ra cửa sổ, nhìn vào cái khung cảnh mà nãy giờ tôi vẫn nhìn- mặt biển, hàng chi cử, cái vòi tưới xoay xoay.
Ở bàn bên cạnh một đôi vợ chồng trung niên ngồi rất ngăn ngắn, vừa ăn bánh mỳ kẹp vừa nói chuyện về một người bạn nào đó bị ung thư phổi. Về chuyện ông ta bỏ thuốc năm năm trước nhưng đã quá muộn. Về chuyện sáng nào ông ta cũng nôn ra máu ra sao. Người vợ hỏi, người chồng trả lời. Theo như lời người chồng thì chỉ cần nhìn bệnh ung thư của một người là thấy được cả cuộc đời người đó.
Chúng tôi ăn món bít-tết Salisbury và cá trắng chiên, cùng với rau trộn và bánh mỳ tròn. Hai đứa ngồi đối diện nhau, ăn trong im lặng. Trong lúc đó ông chồng ở bàn bên tiếp tục giải thích bệnh ung thư bắt đầu như thế nào, tại sao bây giờ nhiều người bị ung thu và tại sao chẳng có thuốc gì chữa được.

‘Đi đâu cũng chừng đó thứ’. Cậu em tôi vừa nói vừa nhìn xuống đôi bàn tay. ‘Cũng chừng đó câu hỏi, chừng đó kiểu kiểm tra’
Chúng tôi ngồi trên ghế băng phía trước bệnh viện đợi xe buýt. Thỉnh thoảng một cơn gió xào xạc đám lá ở phía trên.
‘Nhiều khi em không nghe được gì hết à?’ Tôi hỏi nó.
‘Vâng.’
‘Cảm giác lúc đó như thế nào?’
Nó nghiêng nghiêng đầu vẻ nghĩ ngợi. ‘Tự nhiên mình chẳng nghe được gì cả. Nhưng phải một lúc mình mới nhận ra được kia. Tới lúc đó thì đã chẳng nghe gì. Y như đã ngồi dưới đáy biển mà còn bịt tai lại. Cứ như thế. Nhưng mà không phải là chuyện thính giác không. Chuyện không nghe được chỉ là một phần của cảm giác đó thôi.’
‘Em có khó chịu lắm không?’

Nó lắc đầu, vẻ quả quyết. ‘Em không hiểu nữa, nhưng em không khó chịu đến thế. Nhiều khi hơi bất tiện, anh biết đó, khi mình không nghe được cái gì.’
Tôi cố hình dung ra cảm giác của thằng bé, nhưng không nghĩ được gì.
‘Anh xem phim Pháo đài Apache của John Ford chưa?’
‘Anh xem lâu rồi’
‘Người ta mới chiếu lại trên tivi. Phim hay thật.’
Tôi ậm ừ đồng ý với nó.
‘Trong phim ông đại tá được chuyển ra pháo đài ở miền Tây. Lúc mới tới ông gặp một đại úy đã về hưu. John Wayne đóng vai đại úy về hưu. Ông đại tá mới đến nên không biết gì nhiều về tình hình miền Tây. Người thổ dân da đỏ lúc đó đang nổi dậy quanh pháo đài.’

Nói đến đó nó rút một cái khăn tay xếp ngăn nắp từ trong túi áo ra để lau miệng.
‘Khi ra đến pháo đài, ông đại tá quay lại nói với John Wayne: “Tôi mới thấy vài đứa thổ dân ở đằng kia.”. John Wayne, với vẻ bình thản trên gương mặt, đáp rằng “Đừng lo. Nếu mà anh vẫn còn thấy được chúng có nghĩa là chẳng có gì ở đó đâu.” Em không nhớ chính xác lời thoại, nhưng mà gần như thế. Anh hiểu ý ông ta không?’
Tôi chẳng nhớ được lời thoại nào như thế trong phim Pháo đài Apache. Nghe có vẻ gì thâm thúy khó hiểu, không giống kiểu phim John Ford lắm. Nhưng cũng lâu rồi tôi chưa xem lại.

‘Anh đoán ý ông ta là những thứ mà ai cũng nhìn thấy được không phải lúc nào cũng đáng để ý cả.’
Nó nhướng mày. ‘Em cũng không hiểu hết. Nhưng mỗi khi ai đó an ủi em về chuyện cái tai, em lại nhớ đến câu thoại đó “Nếu mà anh vẫn còn thấy được chúng có nghĩa là chẳng có gì ở đó đâu”’
Tôi bật cười.
‘Thế có kỳ không?’ Nó hỏi tôi.
‘Ừm, kỳ thật’ Tôi cười. Nó cũng cười theo. Lâu lắm tôi mới thấy nó cười.
Một lúc sau nó nhờ tôi, cứ như đang trải lòng ra ‘Anh nhìn vào trong tai em thử nhé?’
‘Nhìn vào trong tai á?’ Tôi ngạc nhiên.
‘Xem thử anh thấy gì thôi.’
‘Nhưng tại sao em bảo anh làm thế?’
‘Em cũng không biết nữa, em chỉ muốn biết anh thấy gì thôi.’
‘OK, để anh xem nào.’
Nó quay mặt đi, nghiêng tai phải về phía tôi. Tai thằng bé thật đẹp. Hơi nhỏ một chút nhưng vành tai phồng lên, như kiểu cái bánh sò mới nướng.Tôi chưa bao giờ nhìn tai ai kỹ thế. Nếu mà nhìn thật kỹ thì tai của người thật là kỳ lạ. Những vành cong, khúc uốn, chỗ phồng chỗ lõm, thật là bí ẩn. Ăt hẳn quá trình tiến hóa đã chọn cái hình dáng kỳ cục này vì nó tối ưu cho việc tiếp nhận âm thanh hay bảo vệ những thứ bên trong. Lỗ tai được che chắn bằng một bức tường gồ ghề, không cân xứng, mở ra như lối vào một hang sâu.

Tôi nhớ lại cô bé người yêu của cậu bạn tôi, hình dung ra những con ruồi bé tí làm ổ trong tai cô. Phấn hoa ngọt ngào bám lấy những cái chân nhỏ xíu của chúng, chúng đào ổ trong cái hang ấm nóng và tối tăm của cô bé, hút ra hết nhựa sống và đẻ trứng trong não của cô. Nhưng chẳng ai nhìn thấy được gì, thậm chí còn chẳng nghe cả tiếng chúng đập cánh.
‘Thế được rồi anh ạ’ Thằng bé nói.
Nó quay lại nhìn tôi rồi hỏi ‘Anh có thấy gì lạ không?’
‘Chẳng có gì khác thường cả. It nhất là bên ngoài.’
‘Gì cũng được mà, thậm chí cảm giác của anh ra sao, có gì lạ không?’
‘Tai em trông hoàn toàn bình thường.’
Thằng bé thất vọng thấy rõ. Chắc tôi nói điều gì sai chăng.
‘Lúc nãy có đau lắm không em?’
‘Không đau gì cả. Y như những lần trước thôi. Họ cũng chỉ lần mò quanh một chỗ y như cũ. Chắc lúc nào đó thì nó sẽ bị hư luôn. Nhiều khi em cảm giác nó chẳng còn là tai của em nữa.’

‘Xe số 28 kia rồi’, nó hỏi tôi ‘Phải xe mình không anh?’
Tôi mải suy nghĩ đến lơ đãng. Tôi nhìn lên thì thấy xe đã đi chậm lại vòng qua đồi. Lần này không phải là loại xe mới như lúc chúng tôi đến mà là xe cũ, giống như xe ngày trước tôi vẫn đi học. Trước xe treo một cái biển ghi số 28. Tôi cố đứng lên nhưng sao khó quá. Y như tôi vẫn còn đang trôi dạt trong mớ ký ức, tay chân của tôi không thèm động đậy gì.
Tôi mải nghĩ về hộp sôcôla chúng tôi mang đến bệnh viện buổi chiều mùa hè năm ấy. Cô bé háo hức mở hộp, mở ra thì thấy mớ kẹo đã bị chảy nước hết cả, dính vào giấy gói và nắp hộp.
Trên đường đến bệnh viện hai chúng tôi dừng xe bên bờ biển, nằm dài nói chuyện bâng quơ. Và thế là hộp sôcôla bị phơi ra dưới nắng tháng Tám. Chúng tôi thật vô ý quá, làm hư cả hộp kẹo, bây giờ chỉ còn là một mớ nhão nhoét. Lúc mở ra thấy thế thì đáng ra một trong hai đứa phải nói điều gì đó…Nhưng chiều hôm ấy chúng tôi chẳng chút bận lòng, chỉ nói đùa vớ vẩn rồi đi về.
Để lại ngọn đồi bị đám liễu mù bao quanh.

Thằng bé nắm chặt lấy cánh tay phải của tôi, lo lắng ‘Anh có làm sao không?’
Tiếng nó đưa tôi trở về hiện tại. Tôi đứng dậy. Lần này thì đứng lên dễ dàng. Một lần nữa tôi lại cảm thấy cơn gió tháng Năm ngọt ngào mơn man trên da thịt. Trong vài giây tôi cứ đứng như thế, cứ như giữa một chốn vô định nào. Những gì tôi trông thấy đều không có thật. Quanh tôi chỉ có những thứ vô hình.

Cuối cùng, chiếc xe số 28 dừng lại trước mặt tôi, cửa sau xe mở ra. Tôi lên xe, tìm chỗ ngồi.

Tôi đặt tay lên vai thằng bé
‘Anh không sao thật mà’. Tôi khẽ trấn an nó.

Oxford tháng Một năm 2008

Hồ Thị Như Mai (tức Kem hâm), dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh của Philip Gabriel
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên nhumai, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Những thành viên đã cảm ơn đến nhumai cho bài viết này:
nguyentranhoangvy (20-04-2012)
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 04:06 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters