Trở lại   Thư Quán Đo Đo > NGUYỄN NHẬT ÁNH, TÁC PHẨM > BÌNH LUẬN BÓNG ĐÁ

Viết bài mới Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 10-07-2010, 09:29 PM
Avatar của hoangtube
hoangtube hoangtube đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 1.141
Cảm ơn: 54
Được cảm ơn 936 lần cho 414 bài viết
Mặc định Điệu valse giã từ cho người Đức (World Cup 2010)

Điệu valse giã từ cho người Đức

1. Cho đến trước trận bán kết, Đức là đội tuyển có lối chơi bùng nổ nhất trong số các đội dự World Cup 2010. Lần lượt ghi 4 bàn thắng/trận vào lưới 3 đối thủ, ở Nam Phi lần này chỉ có đội Đức mới làm được.

Người Đức đạt hiệu suất ghi bàn đáng gờm như vậy, do họ sở hữu một lối chơi có tính tổ chức cao. Xưa nay tuyển Đức nổi tiếng về tính kỷ luật, trên cơ sở đó họ đang biến bóng đá thành một thứ khoa học chính xác. Lối chơi của Đức không có nhiều ngẫu hứng, nhưng nó cực kỳ hợp lý. Thứ “bóng đá logic” không yêu cầu các cầu thủ phải phô diễn các pha lắc người hay đảo chân ngoạn mục, các màn đánh gót hay tâng bóng bay bướm, điệu nghệ như các cầu thủ Nam Mỹ. Nó chỉ đòi hỏi một thứ duy nhất: các cầu thủ phải di chuyển nhịp nhàng, liên tục, hoán chuyển vị trí cho nhau nhuần nhuyễn và phối hợp ăn khớp như các bánh răng truyền lực trong một cỗ máy. Điều đó giải thích tại sao tuyển Đức ghi bàn ồ ạt nhưng không có nhiều bàn thắng đẹp mắt, vì các bàn thắng của họ đến như kết quả của một hệ thống, chứ không xuất phát từ kỹ thuật đậm dấu ấn cá nhân. Khi hệ thống đó vận hành tốt, các bàn thắng tự nhiên xuất hiện như... sung rụng.

Người Đức tổ chức một trận đấu giống như các cao tăng Thiếu Lâm bày La hán trận hay các đạo sĩ Toàn Chân triển khai Thiên cang bắc đẩu trận. Các vị trí thủ trận có thể không phải là những cao thủ nhất lưu, thậm chí chỉ là những tay mơ mới chân ướt chân ráo vô giang hồ như Boeteng, Mueller, Neuer, Khedira, Oezil... nhưng khi trận pháp vận hành trôi chảy, uy lực của từng vị trí tăng lên gấp bội. Không tinh thông trận pháp, những cao thủ danh trấn giang hồ như Rooney, Lampard, Gerrard, Messi, Tevez, Higuain cũng đành thúc thủ. Bóng đá là môn chơi tập thể, nó là nơi thi thố trận pháp chứ không phải chốn anh hùng tụ tập để đơn đả độc đấu. Nhìn từ góc độ này, những đội bóng có tính tổ chức kém hoặc chỉ dựa chủ yếu vào sự tỏa sáng cá nhân rất dễ bị cỗ máy Đức nghiền nát.



2. Tây Ban Nha, đối thủ của Đức ở bán kết, là một đội bóng có tính tổ chức cao không kém gì Đức. Đã thế, cao thủ trấn giữ các phương vị trong trận hầu hết là các đại hành gia về võ học - những kẻ ăn cơm giang hồ đến mòn răng như Puyol, Casillas, Villa, Torres, Xavi, Iniesta... Khi chất lượng lối chơi bằng nhau thì chất lượng con người sẽ quyết định thắng bại, điều đó nếu không phải là chân lý thì cũng không cách xa chân lý là bao. Ở điểm này, rõ ràng Đức thất thế hơn Tây Ban Nha.

Phong cách tiqui-taca của Tây Ban Nha nhìn chung có những điểm tương đồng với lối chơi của Đức: nền tảng của lối chơi này cũng dựa trên sự chạy chỗ hợp lý, sự luân chuyển quả bóng liên tục và khả năng phối hợp cực kỳ chính xác, nhưng nó có một đặc điểm mà Đức không có: khả năng kiểm soát bóng siêu đẳng. Chỉ điều đó thôi, tiqui-taca đã ở một cảnh giới khác. Cách đánh bại người Đức nằm ở chỗ này: Không cho các cầu thủ Đức có bóng. Bí quyết này rất đơn giản, nhưng từ lý thuyết đến thực hành là một khoảng cách diệu vợi và dường như chỉ có người Tây Ban Nha mới chinh phục nổi. Người Đức mất bóng cũng giống như Tây Môn Xuy Tuyết mất kiếm, Sở Lưu Hương mất quạt, Tiger Woods mất gậy, Nadal mất vợt, sở trường lâm vào chỗ bế tắc. Xem trận Tây Ban Nha - Đức, có lúc chúng ta thấy Xavi và đồng đội “đá ma” có đến 15 phút, không một cầu thủ Đức nào chạm bóng được. Đội Bồ nổi tiếng là “Brazil châu Âu” còn bị Tây Ban Nha làm cho đói bóng dài dài, đội Đức ắt nhiên không thể cao hơn đội Bồ về kỹ thuật cá nhân.

3. Bày ra kiếm trận mà để đối phương đoạt mất kiếm trong phần lớn thời gian, Đức không thua mới là chuyện lạ. Dĩ nhiên, trong những khoảnh khắc giành lại được vũ khí, chúng ta đều đã thấy người Đức ra đòn lợi hại như thế nào. Chỉ tiếc là những khoảnh khắc như vậy không nhiều: các học trò ông Loew mới cầm kiếm huơ được vài nhát lại bị đối phương giật mất.

Trên giang hồ, ít có võ sinh nào vừa xuống núi đã thành danh ngay như Trương Vô Kỵ. Tình cờ học được Cửu Dương thần công ngay khi còn bé là cơ duyên trăm năm mới có một lần. Nhưng một khi những gã trai tơ Boeteng, Mueller, Neuer, Khedira, Oezil... có đủ thời gian để sở đắc thêm vài tuyệt học như Đoàn Dự học được Lăng ba vi bộ và Lục mạch thần kiếm, Du Thản Chi học được Dịch cân kinh, Hư Trúc học được Bắc Minh thần công và Sinh tử phù, tôi tin ở các kỳ luận kiếm sắp tới, thứ “bóng đá logic” của ông Loew sẽ đi đến chỗ cao thâm ảo diệu và thầy trò ông hẳn có dịp giúp cho thiên hạ một phen đại khai nhãn giới. Lúc đó, dù chú bạch tuộc tên Paul, một Bách Hiểu Sinh tám vòi, có tiên đoán thế nào, các cầu thủ Đức vẫn đủ tự tin để kiểm soát số phận của mình. Chắc thế!

9-7-2010

CHU ĐÌNH NGẠN
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên hoangtube, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn
Trả lời

Quyền viết bài
Bạn không thể gửi chủ đề mới
Bạn không thể gửi trả lời
Bạn không thể gửi file đính kèm
Bạn không thể sửa bài viết của mình

BB code đang Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 02:44 PM


Bắt đầu cập nhật từ ngày 17-08-2009

free counters