Xem bài viết riêng lẻ
  #1  
Cũ 15-12-2020, 06:00 PM
Avatar của Akô Nô
Akô Nô Akô Nô đang ẩn
Super Moderator
 
Tham gia ngày: Jun 2009
Bài gửi: 480
Cảm ơn: 1
Được cảm ơn 22 lần cho 18 bài viết
Mặc định Hậu trường biên tập bộ truyện kỷ lục của văn học thiếu nhi Việt (lê phương liên)

Hậu trường biên tập bộ truyện kỷ lục của văn học thiếu nhi Việt

Trong dòng văn học thiếu nhi Việt Nam, "Kính vạn hoa" là một trong những bộ sách giữ kỷ lục về độ dài tập, về số lượng in, được đánh giá cao về giá trị nội dung.

Kính vạn hoa là kỷ niệm đẹp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với NXB Kim Đồng. Từ bộ sách, Kính vạn hoa đã trở thành tên một tiệm sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có trụ sở chính ở TP.HCM và chi nhánh ở Hà Nội.Zing giới thiệu bài viết của nhà văn Lê Phương Liên - biên tập viên đầu tiên của tác phẩm - về quá trình ra đời bộ sách.

Tôi gặp Nguyễn Nhật Ánh lần đầu tiên năm 1982, tại Trại sáng tác ở thành phố Vũng Tàu. Khi ấy Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Trần Thuỳ Mai còn rất trẻ…

[...]

Ngày ấy Nguyễn Nhật Ánh mới ở thanh niên xung phong về, và được biết đến như một nhà thơ. Sau đó anh bắt đầu viết cho NXB Trẻ và NXB Kim Đồng những cuốn Bàn có năm chỗ ngồi, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối

Ở Hà Nội, anh chị em quan tâm đến văn học thiếu nhi đều tìm đọc sách của anh và trao đổi, tranh luận.

Nguyễn Nhật Ánh viết truyện nhà trường, chuyện sinh hoạt thiếu nhi, những đề tài các nhà văn miền Bắc cũng đã viết, nhưng Ánh viết khác, nghịch ngợm, khôi hài, đời thường… khi viết về tình bạn học trò nam nữ Ánh viết rất có duyên.

Nguyễn Nhật Ánh không đưa nhân vật tới những cảm xúc thiêng liêng, cao cả nhuốm màu sắc “sử thi” như các cây bút khác. Điểm khác này khiến cho giới văn học thiếu nhi Hà Nội có nhiều ý kiến khác nhau.



Bộ sách Kính vạn hoa. Ảnh: K. Đ.

Từ mong ước có bộ truyện dài kỳ cho thiếu nhi Việt

Năm 1994, Nguyễn Nhật Ánh ra Hà Nội họp Hội nghị Những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn tổ chức. Ông Nguyễn Thắng Vu, giám đốc NXB Kim Đồng khi ấy, phân công tôi đi gặp Nguyễn Nhật Ánh để trao đổi về việc anh có thể viết một tập truyện dài kỳ cho NXB Kim Đồng.

Ý tưởng làm truyện dài kỳ bắt nguồn từ thắng lợi của bộ truyện tranh Doraemon (Nhật Bản) và cả bộ truyện trinh thám Tứ quái TKKG (Đức).

Nguyễn Nhật Ánh hưởng ứng ý tưởng của NXB Kim Đồng, anh nói rằng muốn viết thử 5 tập truyện sinh hoạt thiếu nhi theo kiểu truyện dài kỳ.

Truyện liên hoàn dài kỳ là một bộ truyện có các nhân vật xuyên suốt. Mỗi tập là một truyện hoàn chỉnh và vẫn có liên hệ với các tập khác. Người đọc có thể đọc từng tập riêng và không cần lệ thuộc vào thứ tự các tập.

Kinh nghiệm làm sách kiểu này, tôi đã được rèn luyện từ bộ truyện Doraemon. Tuy nhiên từ sách dịch đến sách sáng tác Việt Nam lại là một việc hoàn toàn khác. Liệu nội lực của nhà văn trong nước có thể thực hiện được không? Liệu có giữ được bạn đọc dài hơi không? Bởi truyện ta là chuyện sinh hoạt đời thường, không có giả tưởng, viễn tưởng, không có phép thuật, robot… để hấp dẫn người đọc.

Nguyễn Nhật Ánh nói là làm. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được bản thảo 5 tập đầu tiên của anh từ TP.HCM gửi ra Hà Nội. Bản thảo đánh máy rất sạch sẽ.

Văn kể chuyện của anh giản dị trong sáng và vui nhộn, tình tiết hấp dẫn. Hiện thực truyện rất gần gụi với đời sống sinh hoạt ở nhà và ở trường của học sinh. Những nhân vật Tiểu Long, Nhỏ Hạnh, Quý Ròm… ngay lập tức đã khiến tôi yêu mến.

Vẻ chân thực và thiện tâm hiện ra từ những lời nói, cách nghĩ và cả những sai lầm rất trẻ thơ của các nhân vật đó khiến tôi thấy đồng cảm ngay với tác giả. Tôi vốn là người viết cho thiếu nhi và từng là cô giáo nên rất dễ cảm nhận ra chất “văn học thiếu nhi” của Nhật Ánh.

Nếu có ai hỏi gốc tư tưởng nhân văn của văn học thiếu nhi là gì? Tôi xin trả lời rằng đó là văn học vì quyền trẻ em. Nguyễn Nhật Ánh đã làm được công việc mà rất nhiều nhà văn dù vô cùng tâm huyết nhưng không thể làm được, đó là anh đã diễn tả được đời sống vui buồn, ước mong, khát vọng… hợp với tâm hồn trẻ em.

Diễn tả của anh đời thường, gần gụi, dễ hòa hợp mà lại rất hấp dẫn. Truyện của anh là một công trình ngôn từ tinh xảo, nhuần nhuyễn, riêng tôi cho rằng đấy là văn của một người có trình độ văn hóa đáng nể trọng.

Suy nghĩ như vậy nên khi giám đốc nhà xuất bản hỏi tôi về bản thảo, tôi trả lời với lòng trân trọng tác giả và ủng hộ hoàn toàn cho việc ra đời của bộ sách. Giờ đây, nghĩ lại thời điểm 25 năm về trước, tôi càng cảm thấy khâm phục sự quyết đoán của tổng biên tập NXB Kim Đồng ngày ấy.



Nhà văn Lê Phương Liên. Ảnh: K. Đ.

Văn học thiếu nhi Việt Nam đã mạnh dạn bước vào một cuộc đổi mới, trang sách gần gũi với các em hơn, và chính vì thế sẽ chắc chắn được trẻ em đón nhận.

Tổng biên tập Nguyễn Thắng Vu đã đi đến một quyết định rất táo bạo, thực tế và hợp quy luật thị trường lúc đó: Tạm ứng cho Nguyễn Nhật Ánh 50 triệu đồng để nhà văn yên tâm sáng tác Kính vạn hoa. Nhà xuất bản Kim Đồng đã trưởng thành hơn và hiểu rằng đã chấm hết thời kỳ duy ý chí theo kiểu động viên: “Viết đi, viết đi” mà thiếu những hợp đồng chặt chẽ đi đến kết quả cụ thể.

Kính vạn hoa đã được bố trí xuất hiện trong loạt Tủ sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng cùng Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài); Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa); Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng)...

Việc bố trí này cũng gây ra tranh cãi trong ban biên tập, chẳng lẽ một tác phẩm mới tinh, sơ bản lại sánh vai với các tập sách kinh điển đã được thử thách với thời gian ư? Sách cũ thì có sẵn rồi, sách mới liệu viết có kịp không, hay là “nửa đường đứt gánh”? Nhưng rồi có ý kiến khác: “Chẳng biết sách mới gánh sách cũ hay sách cũ gánh sách mới?”.

Cuối cùng, hơn cả sự tưởng tượng của NXB Kim Đồng, Kính vạn hoa cùng Tủ sách Vàng thắng lợi trên thị trường những năm 1996, 1997, 1998… Số lượng ban đầu của Kính vạn hoa từ 10.000 bản lên 15.000 rồi 20.000 bản, có lúc còn hơn nữa.

Trong thành công ấy, có đóng góp đáng kể của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Thời kỳ ấy, tôi có biết họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, nên khi Nguyễn Nhật Ánh giới thiệu, tôi hoàn toàn tin tưởng. “Đến hẹn lại lên”, đến kỳ nộp bản thảo là cả hai tác giả đều rất đúng tiến độ, hình như chưa có một lần chậm trễ, chưa một lần nào bị nhà in trách móc.

Đỗ Hoàng Tường đã thực hiện bìa và minh họa cho bộ Kính vạn hoa rất độc đáo, tạo ra ấn tượng riêng, hiện đại và rất thiếu nhi. Anh đã thành công với bạn đọc cùng Nguyễn Nhật Ánh. Sau này, hai anh còn đi với nhau rất lâu, trong nhiều tác phẩm mới nữa.



Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: K. Đ.

Đến kỷ lục truyện cho thiếu nhi Việt


Lúc bắt đầu Kính vạn hoa, chưa ai dự định bộ sách sẽ dài bao nhiêu tập. Bộ sách đã vượt qua tập 10, tập 15, rồi tập 20… Bạn đọc vẫn mong đợi và khao khát đọc, Nguyễn Nhật Ánh viết tiếp tập 21, rồi tập 22… NXB Kim Đồng mang hoa đến chúc mừng anh.

Năm 1997 tôi có dịp đến tận nhà anh ở đại lộ Trần Hưng Đạo. Ấn tượng đầu tiên với tôi là nhà anh rất nhiều sách để tra cứu, đọc thêm...

Vào những năm ấy, Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn tiên phong dùng computer để sáng tác, anh rất cẩn thận trong việc hoàn chỉnh bản thảo, sửa chữa kỹ càng, chăm chút đến tận bản can, chữ gáy sách, chữ bìa sách…

Mỗi tập sách đều là những truyện sinh hoạt đời thường nhưng lại đưa người đọc vào những tình huống truyện khác nhau, trong khung cảnh ở đường phố, ở trường, ở nhà với tình tiết cung bậc khác nhau về tình bạn, tình anh em trong gia đình, tình cảnh của những em nhỏ thiếu thốn.



Máy đánh chữ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và bản thảo Kính vạn hoa. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Rồi những trò chơi, những chuyến thám hiểm nơi đồng quê thôn dã, núi rừng hoang vắng… Tôi hiểu rằng để viết Kính vạn hoa, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ “sống lại lần thứ hai tuổi thơ” mà anh còn phải lao động nghệ thuật nghiêm túc khi tìm hiểu kỹ càng về những chi tiết mình đụng chạm tới trong truyện, như nghề “đóng thế” (cascadeur), việc tìm phương hướng trong rừng, các phản ứng hóa học khi pha trộn các hóa chất…

Trong 7 năm (từ 1995 đến 2002), Kính vạn hoa đạt 45 tập vừa lúc NXB Kim Đồng kỷ niệm 45 năm thành lập.

Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến một kỷ lục sáng tác truyện dài kỳ đầu tiên cho thiếu nhi ở Việt Nam. Đứng trên đỉnh cao đó anh đã không dừng lại. Anh tiếp tục với Chuyện xứ Lang Biang, rồi Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, rồi liên tiếp các giải thưởng đến với anh: Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, Giải vàng Sách hay của Hội xuất bản, Tặng thưởng Hội Nhà văn, rồi Giải thưởng văn học Asean 2010.

Thế nhưng anh vẫn đau đáu với Kính vạn hoa. Các nhân vật Kính vạn hoa vẫn sống bên anh, vẫn tiếp tục câu chuyện của mình? Và vẫn muốn hiện hình lên trang sách. Vậy là trong những năm 2007, 2008, 2009... Nguyễn Nhật Ánh lại tiếp tục viết Kính vạn hoa đến nay đã đến tập 54.

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn thật sự lao động nghệ thuật, anh coi nghề viết văn là một nghề nghiệp nghiêm túc khác hẳn cách làm việc tùy hứng và tùy tiện của một số nhà văn khác. Tính nghệ sĩ cao nhất của nhà văn là thể hiện ở tác phẩm chứ không phải là ở những cung cách làm việc mà nhiều người tưởng nhầm là “nghệ sĩ”.

Có được phẩm chất quý giá này, anh đã phải rèn luyện và có sự chuẩn bị về năng lực văn hóa, vốn sống, một sự tự phát hiện ra “cái duyên” của chính mình, tự mình phát huy để năng lực ấy thăng hoa đến tận cùng…



Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Sự kiên trì của anh trong nhiều năm sau có lẽ khởi nguồn từ những bước đi chuyên nghiệp với bộ sách Kính vạn hoa. (Mỗi tập bao giờ cũng có 10 chương và tổng số trang là 192 trang khổ 10,2 x 15,2 cm). Nguyễn Nhật Ánh có lần đã tâm sự với tôi: “Có lúc tôi ngồi vào trước máy mà không nghĩ ra chuyện gì, thế rồi cứ ngồi tập trung và viết thế rồi truyện lại ra đời tưng bừng vui vẻ".

Niềm thôi thúc lớn nhất để Nguyễn Nhật Ánh có động lực sáng tác mạnh mẽ chính là niềm yêu quý của bạn đọc với anh. Mỗi dịp ra mắt sách cứ nhìn những dãy dài thanh thiếu nhi ở cả hai miền Nam, Bắc xếp hàng chờ đợi anh xin chữ ký là anh đã được tiếp thêm nhiệt tình hào hứng bước vào một cuốn sách mới, viết tiếp, viết nữa.

Nguyễn Nhật Ánh không bao giờ lỡ hẹn với bạn đọc. Phẩm chất đáng quý đó, cũng có bước đầu rèn luyện từ bộ sách Kính vạn hoa với việc ra sách định kỳ hàng tháng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được bạn đọc cả ba miền Bắc, Trung, Nam đón đọc nhiệt tình.

Văn của Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự đã hòa nhập với các tác phẩm văn học thiếu nhi thế giới đương đại về cấu trúc tác phẩm, về tư tưởng của tác phẩm, về nghệ thuật tiếp cận bạn đọc... Có được thành công ấy, Nguyễn Nhật Ánh ngoài tài năng bẩm sinh đã chuyên cần làm việc và học hỏi, đọc sách và giao tiếp, tiếp thu sự lịch lãm của văn hóa Đông, Tây.

Kính vạn hoa là bộ sách dài kỳ đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh cũng là bộ sách dài kỳ đầu tiên của văn học thiếu nhi Việt Nam. Bộ sách Kính vạn hoa xứng đáng đi vào lịch sử của ngành xuất bản Việt Nam.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

(Zing, 15-12-2020)
__________________


Chào mừng đến với NNAFC! Thành viên Akô Nô, chúc bạn vui vẻ!
Trả lời với trích dẫn