PDA

View Full Version : Người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ (nguyễn hương giang)


bachkylan
19-08-2009, 10:41 AM
Người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ


Sự lựa chọn của nhà văn trước những sắc màu phong phú của cuộc sống thường phụ thuộc vào thiên hướng, sở thích và sự nhạy cảm của họ đối với vấn đề được lựa chọn. Từ nhiều năm nay, tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh đã gắn liền với thế giới tuổi thơ, “đối tượng” anh đã dành nhiều tâm huyết trong cuộc đời cầm bút của mình.

Với niềm yêu mến dành cho thế hệ trẻ, nhiều nhà văn đã viết về tuổi thơ như một lần lật giở ký ức của chính mình. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh luôn luôn trung thành với sự lựa chọn của anh. Anh viết về các em, viết cho các em và cho cả anh với một nhiệt tình hầu như không thay đổi theo thời gian. Được biết đến như một nhà thơ trước khi là một nhà văn, nhưng chính các tác phẩm văn xuôi mới làm nên tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh trong độc giả nhỏ tuổi và lớn tuổi. Đọc truyện của anh, người lớn thấy nuối tiếc những tháng năm thơ ấu hồn nhiên trong trẻo đã đi qua không bao giờ quay lại. Trẻ em thấy yêu cuộc sống tươi đẹp, nhân ái và tràn ngập hy vọng vào tương lai, cho dù Nguyễn Nhật Ánh có viết những chuyện buồn, dở dang, để lại nhiều day dứt.

Trước khi là một nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh đã từng là một nhà giáo, nhà báo, nhà thơ. “Chính nghề nghiệp đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong sáng tác của anh: đó là tính hướng thiện và một chất thơ trong trẻo tràn ngập mỗi trang viết” (Nguyễn Thị Thanh Xuân). Rất dễ nhận ra Nguyễn Nhật Ánh với trách nhiệm một người thầy, người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Trong lần trả lời phỏng vấn gần đây của báo Sài Gòn Giải Phóng (28-5-2000), Nguyễn Nhật Ánh nói :“ Nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là nhà giáo dục”, theo anh đó còn phải là “một nhà giáo dục bẩm sinh”. Tính giáo dục sâu sắc trong tác phẩm của anh rất tự nhiên, không khiên cưỡng, bởi vì được viết với thái độ người trong cuộc, giản dị, đầy trách nhiệm. Có thể nói những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đã nuôi dưỡng nhiều giá trị tinh thần trong thế giới trẻ thơ, giúp chúng thoát khỏi nguy cơ bị mai một và ngày càng trở nên cằn cỗi trong thế giới hiện đại. Một thế giới đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương tỏa ra từ các tác phẩm của anh sẽ sưởi ấm tâm hồn các em, đưa các em hòa nhập vào cuộc sống, thoát khỏi nỗi cô đơn mà các em không đáng phải chịu. Nhìn truyện Nguyễn Nhật Ánh ở góc độ này, thấy quả thật anh đã thành công.

Với tuổi trẻ, việc quan trọng hàng đầu là việc học. Mảng đề tài này tương đối khó đưa vào văn học thiếu nhi. Nhưng trong hàng loạt tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh, việc học tập được thể hiện rất sinh động. Khác với một số tác phẩm viết về nhà trường, Nguyễn Nhật Ánh không chọn những chuyện có tính chất đặc biệt. Đó chỉ là những chuyện bình thường hàng ngày vẫn xảy ra, trong lớp học nào cũng có, ở đâu cũng có, lúc nào cũng có. Nhưng việc học tập không bao giờ là duy nhất, các em vẫn có những mối quan tâm khác. Và không phải lúc nào trẻ em cũng ý thức được trách nhiệm học tập của chúng. Các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đôi lúc rất lơ đãng nhưng không vì quá vui chơi mà học hành sa sút. Và Cô gái đến từ hôm qua, Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư, Trại hoa vàng… viết về chuyện học với một màu sắc khác Bàn có năm chỗ ngồi, Chú bé rắc rối…

Ai cũng biết: Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Nguyễn Nhật Ánh biết đến từng chân tơ kẽ tóc, biết đến ngọn đến ngành những trò nghịch ngợm của lũ chỉ đứng sau ma quỷ ấy. Nhu cầu vui chơi của tuổi thơ cũng cần thiết vì nó không những giữ tính hồn nhiên mà còn tạo ra niềm vui, sự hưng phấn để các em say mê học tập hơn, có kết quả hơn. Viết về những trò đùa vui phá phách đôi khi hơi quá trớn của các em, Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra rất thông cảm. Anh hiểu và nói trúng những suy nghĩ non nớt, những tính toán bé bỏng ngây thơ và bao giờ cũng mang một nụ cười hóm hỉnh, độ lượng, nhân từ. Có lẽ vì thế mà các em luôn cảm thấy gần gũi và mến yêu Nguyễn Nhật Ánh. Anh tránh được cái nhìn nghiêm khắc rất dễ trở thành thô bạo và thiếu công bằng với trẻ thơ, để nhẹ nhàng, ân cần nói chuyện với các em về cuộc sống, về tương lai và trách nhiệm của chúng trong cuộc đời.

Đọc Nguyễn Nhật Ánh, thấy điều anh gửi gắm vào thế hệ trẻ của đất nước không chỉ là hy vọng về một thế giới huy hoàng mà việc học tập, tích lũy kiến thức hôm nay sẽ mang lại. Tha thiết hơn là mong muốn nuôi dưỡng những trái tim nhân hậu, những tình cảm tốt đẹp… và di dưỡng chúng trong tâm hồn các em. Tâm hồn các em như những trang giấy trắng được nhà văn vẽ lên những tình cảm cao quý và thiêng liêng với gia đình, bè bạn, quê hương… Ở đây, ngòi bút của anh tỏ rõ sự nhạy cảm và đặc biệt tinh tế khi nắm bắt những xúc cảm mới mẻ bất ngờ của các em. Giống như chúng ta, trước khi là một người lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã trải qua những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào cay đắng và khó quên của mình. Xuyên suốt nhiều tác phẩm của anh là nhân vật xưng “tôi” ấy từ khi còn là một cậu nhóc nghịch ngợm, ham chơi đến khi bước vào tuổi trưởng thành biết rung động và buồn vui vô cớ, trước sau vẫn là một cậu bé mơ mộng, đa cảm, hay xúc động. Một cậu bé không thât xuất sắc, có phần “sách vở” và yếu đuối, có tâm hồn trong trẻo và dễ tổn thương. Nói chung nhân vật trẻ em của Nguyễn Nhật Ánh phần lớn đều là những cô bé, cậu bé, mà theo cách nói của người lớn là duy cảm, duy tình, chứ không duy lý. Cũng có thể nói, đây là một đặc điểm tự nhiên trong tính cách trẻ thơ mà nhà văn vốn am hiểu.

Tình yêu thiên nhiên, làng quê hiện lên trong truyện Nguyễn Nhật Ánh với tất cả sự trìu mến mà anh đã dành cho làng Đo Đo và Bình Tú bé nhỏ, nghèo nàn thuở thiếu thời của anh. Trẻ em thành thị hôm nay, theo anh có phần bị “thiệt thòi về phương diện tâm hồn”, bởi vì “bây giờ và ngay cả sau này bộ óc con người có thể không ngừng hướng tới việc phát triển hết đô thị này đến đô thị khác, nhưng trái tim con người vẫn mãi mãi thuộc về làng quê, ngay cả khi làng quê đó đã biến mất”(Vân Thanh). Nhiều người nói Nguyễn Nhật Ánh may mắn có một tuổi thơ êm ả, và so với đám bạn bè cùng trang lứa, anh là “chú bé hiếm hoi có được cái dáng vẻ văn minh thị thành” (Nguyễn Thị Thanh Xuân). Có thể nói, bầu không khí tuổi thơ hạnh phúc ấy, bóng dáng thị thành ấy có lần vào tác phẩm của anh và ít nhiều tạo ra một nét riêng biệt. Song nó không thật sự quan trọng bởi chính anh đã từng tâm sự: “Tôi vốn là một đứa bé nhà quê, vì vậy tôi luôn luôn yêu thôn quê hơn thành phố”. Các cô bé, cậu bé của anh cũng giống anh, yêu thôn quê và hướng về nơi ấy với những tình cảm thật đằm thắm thiết tha. Trong Thiên thần nhỏ của tôi, Hạ đỏ, Đi qua hoa cúc, Mắt biếc… thiên nhiên rất đỗi dịu dàng và say mê, và thấp thoáng hình ảnh một làng quê dung dị, lam lũ trong tâm hồn cậu bé thành phố đa cảm. Chính những tình cảm giản dị cổ điển ấy là ngọn nguồn sâu xa cho thế giới tình cảm phong phú của các em sau này mà những toan tính phức tạp của người lớn không dễ làm đen tối tâm hồn trong sáng, trung thực của chúng. Ở lứa tuổi ấy, các em không biết ích kỷ mà sẵn lòng cảm thông chia sẻ với nỗi bất hạnh của nhau. Những so sánh, mặc cảm giàu nghèo có xuất hiện nhưng không vì thế mà tình cảm phai nhạt. Trong nhiều tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh đã có những trang viết khá cảm động về những đứa trẻ thiếu may mắn. Ngoài giờ học, các em phải giúp gia đình lao động để kiếm sống. Xấu hổ với bạn bè, nhưng các em luôn cố gắng vươn lên với nghị lực và sự kiên nhẫn. Ở lứa tuổi mà niềm kiêu hãnh luôn căng như một sợi dây đàn thì sự cố gắng ấy ít nhiều chứng tỏ thái độ đầy trách nhiệm của các em đối với cuộc sống. Chính vì thế, các em không bị choáng ngợp trước cái vỏ bọc lộng lẫy, hào nhoáng, biết trân trọng những giá trị đích thực, tiềm ẩn. Chính sự thầm lặng, sâu sắc của Quỳnh đã làm rung động tâm hồn Nga, chứ không phải những ưu điểm hấp dẫn của Khải (Thằng quỷ nhỏ). Và Thục trong Bồ câu không đưa thư mãi mãi còn bâng khuâng khi nhớ về Phán củi – cậu học trò quê mùa đã dành cho cô những tình cảm chân thành. Trong hoàn cảnh riêng của mình, Tài Khôn và Thường vẫn không ngừng gửi gắm những ước mơ bé bỏng để chúng bay cao cùng những chùm bong bóng rực rỡ sắc màu (Bóng bóng lên trời). Trẻ thơ trong tác phẩm của anh dù có rơi vào hoàn cảnh éo le đến đâu cũng không tỏ ra mỉa mai, chua chát, oán hận. Ở các em, chỉ lưu lại chút ít “cảm giác thiệt thòi tương đối”, và vẫn đầy hy vọng tin tưởng vào tương lai.

Nhưng thế giới tuổi thơ không thật đơn giản. Chúng ta ai cũng đã qua, ít nhất một lần cái gọi là tình yêu đầu tiên. Những mối tình vu vơ đến bất ngờ khi sự vô tư không còn nữa, thường mơ hồ, dở dang, bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu sắc khó quên trong cuộc đời. Vì thế truyện Nguyễn Nhật Ánh, nói như nhà văn Mark Twain “không chỉ thú vị đối với các em bé mà còn cực kỳ thú vị đối với bất cứ ai đã từng là một em bé”. Ở vào giai đoạn “không trọng lượng”, giai đoạn giao thời, chuyển đổi từ trẻ con sang người lớn này, những ý tưởng cảm xúc đều chưa rõ ràng, có rồi không, xuất hiện rồi tự xóa đi. Nguyễn Nhật Ánh đã nắm bắt và miêu tả khá thành công những diễn biến tâm trạng ấy trong quá trình sinh thành còn chưa xác định của nó. Những nhân vật ở lứa tuổi này của anh thoắt buồn, thoắt vui, bất thường, mong manh, dễ vỡ, nhưng mộng mơ, yêu thương chứ không hục hặc, phá phách, bất bình và bao giờ cũng gắn với một bóng hình nào đó. Cô gái đến từ hôm qua, Nữ sinh, Phòng trọ ba người, Buổi chiều Windows… mang màu sắc trẻ trung, tươi tắn và ngộ nghĩnh. Nhưng ở Mắt biếc, Hoa hồng xứ khác, Đi qua hoa cúc, Còn chút gì để nhớ… thì đã lắng sâu những đắm say, day dứt và tiếc nuối. “Trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, thời gian không dài lắm, không gian không rộng lắm, những câu chuyện cũng chẳng có gì là ly kỳ rùng rợn, hấp dẫn” (Nguyễn Thị Thanh Xuân). Nhưng anh đã ghi lại được những khoảnh khắc ngắn ngủi khó quên trong cuộc đời mỗi người. Mọi chuyện đã thật sự chấm dứt, tình yêu cũng đã chết từ lâu trong lòng nhưng sức ám ảnh của kỷ niệm thì vẫn dai dẳng và mãnh liệt, vẫn gợi nên nỗi buồn, một nỗi buồn chắc là không chóng phai nhưng sẽ làm con người trưởng thành và phong phú thêm lên. Và hơn tất cả, ký ức về một thời yêu dấu đã qua ấy sẽ còn theo các em đến cuối cuộc đời, sẽ gìn giữ và nuôi dưỡng trong tâm hồn các em những tình cảm tốt lành, cao quý.

Thế giới đang bùng nổ thông tin. Trước thềm thế kỷ XXI mà trẻ em hôm nay sẽ là chủ nhân ngày mai, những cuốn sách bé nhỏ của Nguyễn Nhật Ánh sẽ là món ăn tinh thần trong hành trang vào đời của các em. Con người lo phát triển trí tuệ, và bổ sung kiến thức để theo kịp thời đại có lúc đã quên đi những ký ức tươi đẹp về một thời tuổi trẻ. Trẻ thơ hôm nay đánh mất sự hồn nhiên của mình quá sớm trong khi say mê tìm tòi khám phá thế giới, mở rộng tầm mắt ra xung quanh. Nhưng sẽ ra sao, nếu tương lai của đất nước lại thuộc về một thế hệ đã mất hết tính nhân văn truyền thống: trái tim không còn rung động và yêu thương, mọi thứ tình cảm quê hương, gia đình, bạn bè đều trở nên vô nghĩa đối với các em? Nuôi dưỡng và di dưỡng phần tinh thần ấy trong tâm hồn trẻ thơ, Nguyễn Nhật Ánh đã gửi gắm niềm tin của anh vào một thế giới hòa bình nhân ái. Truyện Nguyễn Nhật Ánh là tiếng nói từ chính tâm hồn anh – một tâm hồn vẫn còn trong sáng, thơ trẻ cho đến tận bây giờ. Đó chính là điểm hấp dẫn, là sức lôi cuốn rất riêng để các em tìm đến với nhà văn. Trong khi môi trường giải trí của thiếu nhi ngày nay ngày càng đa dạng: sách dịch, phim video, băng hình, trò chơi điện tử, nhạc ngoại… mang màu sắc văn minh ngoại lai, rất dễ thu hút và mê hoặc các em thì Nguyễn Nhật Ánh, dường như chỉ lặng lẽ mang đến hơi ấm của tình thương và lòng nhân ái qua những tiếng cười tươi trẻ. Anh chỉ có một mong muốn khiêm nhường là giúp các em “yên tâm và vui sống”.

Dù là nhà thơ, nhà giáo, nhà báo hay nhà văn, ở cương vị nào Nguyễn Nhật Ánh cũng dành tình cảm của mình cho các em. Không định trở thành người hướng dẫn, dạy dỗ bằng những lời giáo huấn nặng nề cứng nhắc, Nguyễn Nhật Ánh chỉ muốn là một người bạn tâm tình của tuổi thơ để kể cho các em nghe những câu chuyện của tâm hồn. Vì thế, rất tự nhiên, anh trở thành người giữ gìn và nuôi dưỡng những ước mơ trong trẻo, những tình cảm hồn nhiên và khát vọng được bay tới những chân trời xa thẳm của tuổi trẻ hôm nay.

NGUYỄN HƯƠNG GIANG, Viện văn học

(Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 8 - 2000)