PDA

View Full Version : Chuyện phù thủy ở xứ Lang Biang (lã thị bắc lý)


Po_2008
15-08-2009, 02:37 PM
Chuyện phù thuỷ ở xứ Lang Biang


Đọc xong 12 tập đầu Chuyện xứ Lang Biang của Nguyễn Nhật Ánh, tôi có dịp đi công tác Đà Lạt. Được vợ chồng cô bạn dẫn đi tham quan thành phố "quanh năm mùa đông" thật là thú vị. Đang lang thang, bỗng nhiên cô con gái rượu của bạn tôi vòi vĩnh:

- Mẹ, cho con lên Lang Biang đi mẹ!

Tôi giật mình hỏi bạn:

- Lang Biang ở đâu vậy?

Bạn tôi chỉ tay về dãy núi xa mờ phía chếch đồi Mộng Mơ:

- Lang Biang kia. Cái ông nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết chuyện chi làm con nhỏ này cứ đòi tới đó hoài.

Tôi thở phào không giấu nỗi vui mừng. Bạn tôi phân trần mong tìm được sự chia sẻ, không ngờ tôi lại trở thành "đồng minh" của con gái chị. Tôi ủng hộ cháu bé:

- Có lẽ lên trên đó cũng có nhiều thú vị ...

Thế là một chuyến đi Lang Biang được thực hiện ngay ngày hôm sau. Tất nhiên tôi là khách mời. Khỏi phải nói cô con gái của bạn tôi sung sướng đến nhường nào. Tôi cũng lây niềm vui và sự háo hức con trẻ...

Từ trên Lang Biang lộng gió cao nguyên, tôi điện về Sài Gòn cho Nguyễn Nhật Ánh. Chẳng hiểu vì đang ở chốn ồn ào bụi bặm, Nguyễn Nhật Ánh "ghen tị" với tôi hay cho tôi là nói "xạo" nên anh nhận thông tin chẳng có gì là hồ hởi, tôi cũng thôi.

@

Bẵng một năm sau, Nguyễn Nhật Ánh lại gửi cho tôi 8 tập tiếp theo của Chuyện xứ Lang Biang. Tôi vừa nghiến ngấu đọc, vừa nhớ lại chuyến đi Lang Biang ở xứ hoa đào. Nghĩ tới Kính vạn hoa 45 tập, tôi hỏi Nguyễn Nhật Ánh:
- Anh định viết bao nhiêu tập?
- Ờ...ờ..., cũng không biết nữa!

@

Viết chuyện phù thuỷ có dễ không? Có người nói là dễ, bởi vì nó hoang đường. Viết về sinh hoạt thường ngày của trẻ thơ, nếu anh không phản ánh một cách chân thực, anh sẽ bị bạn đọc "tẩy chay". Sở dĩ Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh hấp dẫn bạn đọc bởi vì anh đã nói "trúng phóc" tâm lí của các em: từ chuyện học, chuyện chơi, đến chuyện ăn, chuyện ngủ, cả chuyện nghịch ngợm, chuyện phá phách...

Còn chuyện phù thuỷ là chuyện tưởng tượng, nghĩa là không có thật. Vậy thì có thể "bịa" bao nhiêu tập chả được. Cũng như người làm phim Bao Thanh Thiên xử án. Có bao nhiêu vụ án thì sẽ có bấy nhiêu tập phim. Mà "án" thì Bao Thanh Thiên xử cả đời cũng không thể nào hết được (!) Nói như vậy có nghĩa là Chuyện xứ Lang Biang sẽ không có hồi kết thúc sao? Không hẳn thế! Theo tôi, kể chuyện phù thuỷ thật khó. Phù thuỷ có phép tàng hình, biến hoá khôn lường, anh phải thật tỉnh táo mới có thể theo kịp được "nó". Hơn nữa, dẫu là phù thuỷ thì công năng cũng không phải là vô biên. Thần thông đến như Tôn Ngộ Không cũng chỉ có tới 72 phép biến hoá. Vậy thì phải viết làm sao cho khỏi nhàm chán, để bạn đọc không phải thắc mắc và ngán ngẩm là phép tàng hình này đã xem ngày hôm qua rồi. Hơn nữa, cái đích cuối cùng của chuyện phù thuỷ, là đằng sau những thứ hoang đường ấy, anh phải đem đến cho bạn đọc được cái gì.

Truyện cổ tích cũng hoang đường, nhưng luôn luôn hấp dẫn người đọc, bởi cổ tích đã "chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác", đó là thế giới của ước mơ để con người ta hoàn toàn có thể tin vào một xã hội công bằng, một cuộc sống tràn đầy tình thương yêu và lòng nhân ái. Vậy thì sự hoang đường của chuyện phù thuỷ cũng phải xuất phát từ cơ sở hiện thực, và đích cuối cùng của nó, cũng như bất cứ một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào, cũng phải đem đến cho người đọc một giá trị nhân văn.

@

Sự tưởng tượng của Nguyễn Nhật Ánh được dựa trên nền tảng vững chắc - đó là tâm lí trẻ thơ. Với Chuyện xứ Lang Biang, anh đã chạm đúng vào một trong những đặc điểm nổi bật nhất của trẻ thơ, đó là tính tò mò, thích phiêu lưu mạo hiểm, thích khám phá. Có lẽ trẻ thơ ở Mỹ, ở Anh, ở Nhật Bản, ở đâu cũng thế. Sự phiêu lưu mạo hiểm của chúng bất chấp mọi rào cản. Chẳng thế mà Tom Sawyer (Mark Twain) đã có những cuộc phiêu lưu thật liều lĩnh để săn tìm kho báu; Dim (Stevenson) cũng có chuyến đi nguy hiểm nhưng thật tuyệt vời ra Đảo giấu vàng; Oliver Twist (Charles Dickens) đã bỏ cửa hàng đóng áo quan để chạy trốn đến Luân Đôn….

Vậy thì ở Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh để cho hai chú bé Kăply và Nguyên dám bí mật lên đồi phù thuỷ - nơi mà bất cứ ai dám "liều lĩnh mò lên ngọn đồi đều rớt hết ráo xuống vực", mà đó lại là cái vực "sâu không đáy" để khám phá sự bí ẩn bao trùm hàng ngàn năm nay đối với người làng Ke thì cũng không có gì là lạ. Chẳng phải là người lớn chúng ta, những nhà khoa học hẳn hoi cũng đang trên hành trình khám phá những bí ẩn của cuộc sống đó sao? Văn học cho trẻ em, bên cạnh những tác phẩm phản ánh cuộc sống sinh hoạt thường ngày của các em, cũng rất cần có thêm những tác phẩm kiểu này. Với 20 tập Chuyện xứ Lang Biang đã ra mắt bạn đọc, trong đó có ba sự kiện lớn mà Nguyễn Nhật Ánh đã kể: Pho tượng của Baltalon, Biến cố ở trường Đămri và Chủ nhân núi Lưng Chừng, ít nhất anh cũng đã làm được một điều kì diệu, đó là đem đến cho các bạn đọc trẻ thơ sự thú vị và niềm vui háo hức mong chờ những tập tiếp theo của bộ sách.

@

Tôi đã định kết thúc bài viết này thì tình cờ gặp Nguyễn Nhật Ánh. Tôi buột miệng hỏi:

- Anh đến Lang Biang bao giờ chưa?

Không ngờ Nguyễn Nhật Ánh, người kể chuyện, cái tôi - tác giả vốn có vẻ "lém lỉnh" trong văn lại trả lời hết sức thành thực:

- Chưa, tôi chưa tới đó bao giờ.

Tôi cười phá lên, khoan khoái thưởng thức cảm giác "được hơn người". Phải, ít ra tôi cũng đã tới Lang Biang, đã nghe các chàng trai đánh cồng, chiêng và xem các cô gái múa hát… (tất nhiên cái khoảng mờ mịt trên chóp thì tôi chưa dám lên).

Nhưng tôi bỗng chợt nhớ tới thi sĩ Tố Hữu trước đây, khi ông hoàn thành bài ca bất hủ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên thì chính ông cũng chưa từng tới Điện Biên bao giờ.

TS. LÃ THỊ BẮC LÝ, nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

(Báo Thanh Niên 28-8-2006)