PDA

View Full Version : Nhân vật trẻ em trong truyện "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh (nguyễn thị thanh hương)


Po_2008
16-09-2011, 07:46 PM
Nhân vật trẻ em trong truyện "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh

https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/vedituoitho3.jpg
Không ai còn xa lạ với cái tên Nguyễn Nhật Ánh trên các cuốn truyện dành cho trẻ con nữa. Những tác phẩm như: Kính vạn hoa, Phòng trọ ba người, Bồ câu không đưa thư, Chuyện xứ Lang Biang… của ông đã trở thành những tập truyện trong cặp sách của rất nhiều bạn nhỏ Việt Nam trong hơn hai mươi năm qua. Sau những thành công vang dội ấy, một giai đoạn dài không thấy ông cho ra đời tập truyện nào, tưởng như Nguyễn Nhật Ánh đã “rửa đao gác kiếm”, kết thúc cuộc du hành với trẻ con. Nhưng năm 2007, ông xuất hiện trở lại với Tôi là Bêtô – cuốn sách best-seller của NXB Trẻ mùa hè 2007 và được bạn đọc báo Người Lao Động bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2007. Liền sau đó, năm 2008, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ xuất hiện. Ngay lập tức tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận như một món quà vô giá dành cho cả người lớn và trẻ con. Và tất nhiên sau Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ Nguyễn Nhật Ánh còn viết tiếp Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh năm 2010. Vẫn là một Nguyễn Nhật Ánh dí dỏm, hóm hỉnh, ở cả ba cuốn truyện các bạn nhỏ đều cảm thấy say mê ngay từ những dòng đầu của tập sách cho tới những chữ cuối cùng. Tuy nhiên, trong ba cuốn sách mới ấy thì Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà phê bình và độc giả nhất. Giải vàng Sách hay của Hội xuất bản Việt nam 2009, được tặng thưởng Hội Nhà văn 2009, giải thưởng văn học Asean 2010, ngoài ra Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ còn được bạn đọc bình chọn là cuốn sách hay nhất năm 2008.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ra đời được 2 năm nhưng tái bản tới 12 lần, chỉ riêng điều đó đã cho thấy sức hấp dẫn của cuốn sách dài hơn 200 trang của tác giả Kính vạn hoa. Sở dĩ tác phẩm lôi kéo được đông đảo bạn đọc, phần lớn do đó không chỉ là cuốn sách dành riêng cho trẻ con (như bao tập truyện trước đây của Nguyễn Nhật Ánh) mà còn là một tấm vé mời dành cho tất cả mọi người – những ai đã từng là trẻ con cùng lên chuyến tàu về lại tuổi thơ. Nhà văn đã hóa thân một lúc vào cùng hai vai: một người lớn đang nhìn về quá khứ, kể về câu chuyện của mình thuở thiếu thời và một đứa trẻ tự do thích làm mọi việc theo ý của mình. Ở cả hai vai Nguyễn Nhật Ánh đều thành công! Bởi thế mà nhân vật “tôi” trong truyện vừa có thể làm hài lòng người lớn lại vừa rất đỗi thân thiết với trẻ con.

oOo

Cùng viết về kí ức tuổi thơ nhưng nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh không giống với những tự truyện tuổi thơ trong Hành trình ngày thơ ấu của Dương Thu Hương, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán hay Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên. Dẫu rằng Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng là một hành trình về miền kí ức nhưng tác phẩm không đơn giản là cuốn tự truyện nhà văn kể về thời thơ bé của mình. Nhân vật “tôi”vừa là “cái tôi” của nhà văn nhưng cậu bé mà tác giả kể thì dường như không hẳn là Nguyễn Nhật Ánh thuở nhỏ. Đọc tác phẩm ta có cảm giác như nhà văn đang kể câu chuyện về một thằng cu Mùi nào đó (giống như những nhân vật trẻ em khác trong các sáng tác của ông) và lồng ghép vào câu chuyện năm 8 tuổi của cu Mùi là một nhân vật “người lớn”- Nguyễn Nhật Ánh đang chiêm nghiệm, suy tư về sự đời khi soi mình vào thế giới trẻ thơ của đứa bé lên tám kia. Bởi thế mà nhân vật trẻ em trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ vừa là một đứa trẻ với những đặc tính của trẻ thơ vừa là một đứa trẻ - người lớn.

Cái “tôi” đứa trẻ - nhà cải cách vĩ đại

Nguyễn Nhật Ánh không giới thiệu tên nhân vật hay những đặc điểm về ngoại hình, tính cách nhân vật ngay khi xuất hiện mà mở đầu tác phẩm bằng một cảm giác: “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Bởi vì sáng nào cũng phải cố hết sức thức dậy để đi học trong khi còn đang muốn ngủ tiếp; kế đến là “uể oải nhai chóp chép một thứ gì đó thường là không hợp khẩu vị”; ở trường thì “chẳng thích được giờ nào cả, từ giờ tập viết đến giờ tập đọc, giờ chính tả. Tôi chỉ thích mỗi giờ ra chơi” mà giờ ra chơi thì chỉ được mấy phút; ăn trưa xong lại bị đày đọa bằng việc đi ngủ trưa “trên thế giới rộng lớn này, có lẽ có rất nhiều đứa nhóc trạc tuổi tôi đều bị các bậc phụ huynh cột chặt vào giấc ngủ trưa theo cái cách người ta cột bò vào cọc” và cuộc sống thực sự rơi vào sự tẻ nhạt vô bờ bến là khi bắt đầu ngồi vào bàn học trước sự quản thúc gắt gao của bố. Với cách kể chậm, rành rọt, nhân vật “tôi” – cu Mùi đã hiện lên với đầy đủ tâm trạng của một đứa trẻ “chán đời” vì cuộc sống không như ý mình muốn.

Thấy thế giới xung quanh mình (nếu như nó cứ tuần tự diễn ra theo sự sắp đặt của người lớn) đơn điệu và nhạt nhẽo là cảm giác chung của mọi đứa trẻ nên chúng luôn muốn cải cách và “thay đổi” (chẳng phải tổng thống Obama đã được lòng đông đảo dân Mỹ bằng khẩu hiệu “thay đổi” đó sao). Và “thay đổi” cũng chính là thế mạnh của cu Mùi.

Cuộc cải cách đầu tiên cu Mùi và các bạn ra sức làm đó là “cải cách bố mẹ”. Dưới con mắt của bọn trẻ thì bố mẹ tuyệt vời nhất là phải dạy con rằng: “Không học bài làm bài gì hết! Con ngoan là phải chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn!”; “Đánh nhau mà không rách áo, trầy chân, bầm mặt mà cũng gọi là đánh nhau hả?”, rằng 2 lần 4 là mấy cũng được nhưng không phải là 8 như bảng cửu chương. Cuộc sống như thế, theo chúng mới là “đáng sống làm sao!”. Đứa nào cũng háo hức với trò chơi đóng vai thú vị đó. Bởi chỉ có trong những tình huống nhập vai tưởng tượng ấy chúng mới được thỏa sức sống với những niềm vui rất đỗi trẻ con, với những mơ ước mà bọn trẻ luôn ấp ủ. Ngày nào cũng phải làm những việc chúng chẳng thích là dậy sớm, ăn sáng, đi học, ngủ trưa, học bài,… thì cuộc sống sẽ buồn tẻ lắm. Với thằng cu Mùi hay bất kỳ đứa trẻ nào thì khác đi một tí, dẫu chỉ là trong tưởng tượng thôi cũng đã rất thú vị rồi, rất “khác” rồi. Nhưng đóng vai là đóng vai còn thực tế thì vẫn là thực tế. Chỉ có điều, trẻ con thì không thể tách mình ra khỏi vai diễn như người lớn. Bởi chúng đâu nghĩ là mình đang sắm vai. Bi kịch của công cuộc cải cách là ở chỗ đó. Thằng cu Mùi lẫn thằng Hải cò, con Tí sún và con Tủn đều thất bại cay đắng khi va phải hiện thực: “Tôi tập tành làm nhà cách mạng bé con, chán nản khi không thay đổi được thế giới, đã thế còn làm vạ lây cho người khác”.

Trẻ con thì mãi vẫn chỉ là trẻ con. Chẳng bao giờ chúng vì một thất bại nhỏ mà nản chí. Không “thay đổi” được bố mẹ chúng bèn nghĩ cách “đặt tên cho thế giới”. Thằng “tôi” – cu Mùi tuyên bố: “kể từ hôm nay, tụi mình không gọi con gà là con gà, con chim là con chim, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết nữa,… gọi bằng gì cũng được miễn là không gọi như cũ”. Và thế là thế giới đã được bốn đứa trẻ biến đổi thật kì thú: con chó thành cái bàn ủi, cái miệng thành cánh tay, đi ngủ thành đi chợ, chiếc cặp thành cái giếng, thằng cu Mùi (trong tâm trí Hải cò) là thầy hiệu trưởng,… Nhưng bi kịch vẫn lặp lại. Thế giới mới lạ hơn, tinh khôi hơn nhưng đó chỉ là trong cách nhìn của trẻ con. Người lớn không nhìn thế giới bằng lăng kính đó. Họ đã chia thế giới theo quy ước của riêng họ và tất nhiên, mọi thứ không thể thay đổi được. Bọn trẻ lại một lần nữa phải trở lại cái thế giới cũ kĩ, tẻ nhạt thường ngày “con chó đã trở lại là con chó, thằng cu Mùi trở lại là thằng cu Mùi, có nghĩa là chúng tôi không được phép định nghĩa lại thế giới một lần nữa theo cách mà người lớn còn lâu mới nghĩ ra”.

Nhân vật “tôi” – thằng cu Mùi đã rất quả quyết khẳng định rằng: “Tôi không phải là trái đất. Tôi là thằng cu Mùi”. Trái đất thì lúc nào cũng phải máy móc lặp lại những vòng đơn điệu và buồn tẻ còn “thằng cu Mùi không lái được trái đất theo ý mình nhưng có thể bắt cuộc sống của nó đi theo cái cách mà nó chợt nghĩ ra”. Tất nhiên, không làm được việc lớn như cải cách bố mẹ hay đặt lại tên cho thế giới thì chúng làm những việc nhỏ như “khi khát nước, tôi không thèm rót nước vô ly nước. Tôi rót nước vô chai xá xị” hay thay vì ăn cơm trong chén cu Mùi bèn đổ hết cơm và thức ăn vào thau dẫu rằng “trông tôi ăn cơm trong thau rất giống con heo nhà tôi ăn cơm trong máng, nhưng Hải cò vẫn tấm tắc : - Hay quá! Kiểu mới à? - ừ, kiểu mới! Thích lắm!”. Nhưng cu Mùi và Hải cò chẳng “thích” được bao lâu. Chúng phải trả lại cho mọi vật chức năng mà người lớn đã quy định cũng giống như đã buộc lòng phải trả lại tên cho thế giới mà chúng đã thay đổi. Bi kịch của trẻ con là thế. Điểm yếu của chúng là ở chỗ chúng chính là trẻ con. Mà trẻ con thì không thể sắp xếp lại trật tự xã hội. Ước mơ của trẻ con là được người lớn thấu hiểu nhưng thực tế thì chẳng bao giờ chúng được thỏa nguyện. Tất cả chỉ có thể xảy ra trong mơ. Và bọn thằng cu Mùi, Hải cò, con Tí sún và con Tủn đã lập một phiên tòa vô tiền khoáng hậu: phiên tòa trẻ con xử người lớn để được nói hết, nói mọi thứ mà chúng ao ước người lớn sẽ nói và làm với chúng. Ở phiên tòa ấy “chúng tôi cảm thấy đã lấy lại được sự công bằng, đã xả được bao nhiêu là ấm ức, đã tưởng tượng ra được cảnh người lớn chân thành xin lỗi trẻ con về bao nhiêu là khuyết điểm mà nếu trẻ con không vạch ra thì người lớn không bao giờ nhận thấy. Hôm đó, chúng tôi như sống trong mơ – một giấc mơ có lẽ mọi trẻ con trên trái đất đều ao ước”. Và tất cả mọi đứa trẻ đều sẽ lớn lên bằng giấc mơ ấy. Giấc mơ về một cặp kính vạn hoa xoay chuyển và biến đổi thế giới bằng con mắt tinh khôi nhất của mình.

Sử dụng ngôi thứ nhất để kể chuyện, nhưng dường như Nguyễn Nhật Ánh không phải chỉ kể về riêng mình, về thời thơ ấu của bản thân mà nói đến một thằng cu Mùi nào đó, có thể có nét tính cách của chính ông thời nhỏ hoặc có thể hao hao giống với cậu bé hàng xóm hàng ngày ông vẫn nom thấy. Nhân vật “tôi” – thằng cu Mùi trong truyện dường như tách ra khỏi cái tôi của nhà văn, không còn bị chi phối bởi cái nhìn của một người lớn đang hình dung lại về tuổi thơ mình. Cái hay của nhân vật “tôi” – cu Mùi này là ở chỗ nó vừa là “tôi” vừa lại là một nhân vật độc lập – một đứa trẻ với tất cả những đặc thù và tính cách của trẻ thơ. Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh đã sáng tạo nên một nhân vật “tôi” trẻ nhỏ rất điển hình với mong ước cũng rất điển hình của trẻ đó là sắp xếp lại thế giới để mọi thứ sống động và giàu ý nghĩa hơn.

Cái “tôi” người lớn – người lữ khách trên chuyến tàu tuổi thơ

Song hành cùng nhân vật “tôi” - thằng cu Mùi 8 tuổi luôn muốn biến đổi thế giới theo cách của trẻ con là một cái tôi – người lớn đang tìm lại tuổi thơ đã mất của mình và soi ngắm chính mình trong hiện tại bằng nhãn quan của trẻ nhỏ.

Trên chuyến tàu về với tuổi thơ, “cái tôi” người lớn ấy đã học làm trẻ con bằng cách tự đeo cho mình cặp kính vạn hoa tuổi nhỏ. Qua cặp kính ấy, thế giới của người lớn hiện ra sống động và chân thật hơn. Giống như trẻ con, người lớn cũng rất thích trò chơi sắm vai, tất nhiên mục đích hoàn toàn khác. Người lớn gọi “hối lộ là tặng quà trên mức tình cảm, gọi những hành vi sai trái là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi tham ô là thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng, vân vân. Mục đích của sự đánh tráo khái niệm này là đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ, với cách thức điển hình là dùng một cụm từ phức tạp và có thể hiểu sao cũng được để gọi một sự việc mà người ta hoàn toàn có thể gọi đích danh bằng một từ ngắn ngọn, đơn giản và minh bạch đến mức dù muốn cũng không ai có thể hiểu khác đi”. Có thể nói, so với trò chơi sắm vai của trẻ con thì người lớn thông minh hơn nhiều. Trẻ con thì luôn đơn giản và trong sáng. “Chúng không nhìn mọi thứ xung quanh dưới khía cạnh sử dụng”, ngược lại “với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai chữ chức năng”. Ví như “với mẹ thằng Hải cò, hiển nhiên cây chổi dùng để quét nhà. Nhưng nếu thấy Hải cò đứng tần ngần trước cây chổi, tôi đoán là nó đang nghĩ xem nên làm gì với cây chổi, nên ném vào cửa kiếng nhà hàng xóm để xem điều gì sẽ xảy ra sau đó hay nên cưỡi lên cây chổi rồi đọc thần chú để biết mình có bay được như các phù thủy trong truyện hay không”.

Nguyễn Nhật Ánh đã cho “cái tôi” – người lớn của mình lên chuyến tàu thời gian, thử hóa thành một đứa trẻ và ngẫm lại bản thân. Bằng cách làm này ông đã khiến mọi người lớn khi đọc cuốn sách đều mong mỏi mua được tấm vé lên chuyến tàu đi tuổi thơ để một lần nữa gặp lại mình trong quá khứ và có cơ hội hiểu mình hơn trong hiện tại. Từ ánh nhìn của tuổi thơ, những vấn đề mà người lớn lúc nào cũng băn khoăn tìm câu trả lời đều được giải đáp. Tiêu chuẩn chọn bạn đời của nhân vật “tôi” – cu Mùi năm 8 tuổi là: “Phải biết nấu mì gói cho tôi ăn”. Tới khi lớn lên “tôi vẫn thấy chuyện nấu nướng khá là quan trọng trong đời sống vợ chồng” bởi lẽ “khoa nấu nướng vốn xa lạ với đời sống tình yêu lại trở nên mật thiết với đời sống vợ chồng”. Nhưng tới thời điểm hiện tại, khi nhà văn viết cuốn sách này thì cái tôi - người lớn chợt nhận ra rằng: “nấu nướng là lãnh vực hoàn toàn có thể học hỏi và tự hoàn thiện mỗi ngày”. Sự thật giản dị ấy chỉ có thể được nhận ra khi người ta bắt đầu cuộc hành trình về lại tuổi thơ. Nếu nhìn ngắm thế giới bằng sự đơn giản, tinh khôi của trẻ nhỏ thì có lẽ hiện tại sẽ không có nhiều khiếm khuyết. Bởi lẽ mọi chân lí trên đời đều giản dị như ánh mắt của trẻ con nhìn sự vật thuở ban đầu, đều tự nhiên như hơi thở, đều mộc mạc như cuộc sống vốn vẫn vậy. Khi cái tôi – người lớn hóa thân thành đứa trẻ thì anh ta mới nhận ra rằng: “Đối với một đứa bé, ngôi nhà rất quan trọng. Một đứa bé sống trong nhà mình cũng tự nhiên và máu thịt như sống trong bản thân mình. Nó không thể chạy khỏi nhà mình, vì điều đó sẽ làm nó đau đớn. Cũng như một con thỏ không thể chạy ra khỏi bộ da của mình. Chỉ có người lớn mới làm được điều kỳ cục đó. Trong một số trường hợp bản ngã có thể biến thành tha nhân”.

Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng nhiều điểm nhìn để thể hiện nhân vật “tôi” vừa là “bản ngã” vừa là “tha nhân”. Lúc thì đích thị là một đứa trẻ khờ khạo, ngây ngô, khi lại là một người lớn với nhiều trăn trở về cuộc sống. Nhưng dù đứng dưới góc nhìn nào, Nguyễn Nhật Ánh cũng vẫn giữ được giọng điệu hài hước, dí dỏm khi kể chuyện. “Chiều nay chúng ta đi dạo một chút chăng? Buồn ơi là sầu!” – Đó là tin nhắn mà cu Mùi 8 tuổi đã mượn của chú Nhiên để gửi cho con Tủn để rồi sau đó “tôi đứng vẩn vơ một hồi, thấy con Tủn trong nhà đi ra. Nó cũng ngó qua nhà tôi. Hì hì, sau đó không nói thì ai cũng biết là tôi và con Tủn đã hớn hở đi dạo một chút với nhau. Chẳng đi đâu xa. Chỉ loanh quanh sau hè nhà hàng xóm rồi ra đứng cạnh ao rau muống… Nhưng như vậy cũng đã thích thú lắm. Y như người lớn. Một chuyện hẹn hò”. Kết quả của những lần “hẹn hò” ấy là: “Chiều đó chỉ có mình tôi lên giường. Tôi leo lên giường nằm sấp xuống cho ba tôi đét roi vào mông. Chỉ vì cái tội mà thực ra tôi không hề mắc phải: Mới nứt mắt đã bày đặt lăng nhăng. Buồn ơi là sầu!”. Với giọng điệu hồn nhiên, ngây ngô và vô tội này, Nguyễn Nhật Ánh đã khiến cho người đọc cảm thấy vừa vui vui lại vừa ngẫm ngợi một tí và nếu là người lớn thì có cơ hội được làm trẻ con một tí còn là trẻ con thì được người lớn hiểu thêm một tí. Để có được thứ ngôn ngữ của một đứa trẻ đích thị là trẻ con và của một người lớn đang du hành về thế giới của những điều thần tiên ở trẻ nhỏ như vậy, Nguyễn Nhật Ánh đã tâm niệm: “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn, tôi đã nghĩ như vậy khi ngồi cặm cụi gõ cuốn sách này…” Đúng vậy, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã giúp cho hàng triệu người lớn được thỏa nguyện khi cùng nhân vật “tôi” - người lớn nhập thân hóa thân vào trẻ con để hiểu về trẻ con mà cũng là để hiểu hơn về chính bản thân mình trong hiện tại.

oOo

Mỗi nhà văn khi sáng tác đều có sẵn một tín niệm nghệ thuật. Viết cho trẻ con hay viết về trẻ con thì đều cần phải dùng quan năng của trẻ em để sáng tạo. Và Nguyễn Nhật Ánh đã có được cái ân sủng trời cho ấy khi viết về trẻ thơ. Ông đã tạo nên một kiểu nhân vật “tôi” đứa trẻ - người lớn trong truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không giả dối, không đóng vai, không “cưa sừng làm nghé” mà chân thực, sống động để mỗi đứa trẻ khi đọc cuốn sách đều thấy chính mình ở đó và mỗi người lớn khi lật giở từng trang viết đều thấy nhớ về đứa trẻ đã sống trong mình. Trong lời đề từ cho tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh đã ghi: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”. Chắc hẳn ông đã được toại nguyện!

Nguyễn Thị Thanh Hương

Khoa GDMN - ĐHSPHN

(Kỉ yếu "Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường đại học sư phạm toàn quốc", nxb ĐHSP, 2011)


_____________________________


TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Nguyễn Nhật Ánh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nxb Trẻ,2010

2. Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bêtô, nxb Trẻ,2010

3. Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nxb Trẻ, 2010

4. Ngọc Cúc, Nguyễn Nhật Ánh, chinh phục thiếu nhi, Báo Người lao động, 19/12/1995

5. Vũ Thị Hương, Thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Nhật Ánh, luận văn thạc sĩ, 2009

6. Bùi Thị Thanh Mai, Đặc sắc của tự truyện viết cho thiếu nhi (thời kì đầu đổi mới), luận văn thạc sĩ, 2008

7. Lã Thị Bắc Lý, Người Quảng đi ăn mì Quảng, Tuần san Sài Gòn giải phóng, Thứ 7, Ngày 21- 5- 2005

8. Lã Thị Bắc Lý, Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975, nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, H.2000

TieuLongNhi
11-03-2012, 11:00 AM
Đọc truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã thấy thích rồi, đọc bài vỉết này càng thấy cuốn truyện hay hơn!!!! :p