PDA

View Full Version : Cú húc của con dê mộng mơ xứ Vạn Hoa (trần quốc toàn)


Po_2008
17-03-2015, 03:36 PM
Cú húc của con dê mộng mơ xứ Vạn Hoa

Đảo mộng mơ Nguyễn Nhật Ánh viết xong ngày 21-10-2009 mấy năm trước ngày biển đảo Việt Nam nóng lên về một dàn khoan hải tặc ngang ngược thách thức ngoài biển Đông. Nhưng ngay từ năm ấy các nhân vật thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh đã…

1. Tôi đến ngôi nhà mới của bạn văn Nguyễn Nhật Ánh ở quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh. Thật bất ngờ, ngoài việc được gặp tác giả bộ kính vạn hoa theo lời hẹn, còn được gặp những “tác giả” - các bác thợ đang làm những ống nhòm kính vạn hoa, thứ đồ chơi rất vật lý học, lại rất văn học, được bày bán như một đặc sản văn hóa ở tiệm sách Kính vạn hoa 8BC đường Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM của chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Hoá ra, ngôi nhà mới này vừa là phòng văn, vừa là xưởng văn Nguyễn Nhật Ánh .

Ngoài các ống kính vạn hoa, tại đây, các họa sĩ còn thiết kế các áo thun, các túi xách trang trí bằng các tranh minh họa lấy từ sách của Nguyễn Nhật Ánh, thiết kế các bức thơ (card postal) in thơ Nguyễn Nhật Ánh, trên nền trang vẽ…văn Nguyễn Nhật Ánh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường, chuẩn bị cho việc ra mắt ấn phẩm mới Bảy bước tới mùa hè vào tháng 3-2015. Nhiều hoa, nhiều tranh… không khí thật xuân. Chúng tôi chuyện, vui như Tết, bắt đầu từ chuyện con dê vật linh của năm mới Ất Mùi 2015 con vật mà Nguyễn Nhật Ánh cầm tinh.

Nguyễn Nhật Ánh dẫn vào câu chuyện, con dê của ông Seguin - nhân vật văn học của đại văn hào Pháp Alphonse Daudet “Cô dê trắng như say như tỉnh dầm mình trong đám cỏ hoa, bốn cẳng đưa lên trời và lăn dài theo triền dốc với những chiếc lá rụng và mấy hạt dẻ rừng…”

Tôi góp chuyện, nàng Blanquettre bốn chân này dám đổi sinh mạng mình đề có những bước nhảy tự do như thế! Alphonse Daudet còn viết về nàng “…nó rất tuyệt vời, chả kém con dê của nàng Esmeralda mấy tí”. Daudet muốn nói tới con dê biết làm toán và coi đồng hồ trong Nhà thơ đức bà Paris của Victor Hugo. Văn học Pháp có những con dê thật đẹp! Con dê của danh họa Pháp Picasso (người gốc Tây Ban Nha) cũng thật đẹp. Có phải Ánh thích văn học Pháp nên lấy nick name, lấy tên giao dịch trên mạng của mình bằng một chữ tiếng Pháp Le Petit Prince cũng là tên một tác phẩm nổi tiếng của Pháp - Hoàng tử bé?

- Tôi còn bị quyến rũ bởi các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, chứ không chỉ đắm chìm trong những trang sách nước ngoài của Edmond de Amicis (Tâm hồn cao thượng), Victor Hugo (Những người khốn khổ), Hector Malot (Không gia đình). Tôi còn thích các cổ tích của Andecxen người Đan Mạch, còn thích Cánh buồm đỏ thắm của văn học Nga…

Nhờ những quyến rũ và đắm chìm ấy mà Nguyễn Nhật Anh rất thuộc văn học nước nhà văn học thế giới. Nói theo cách của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, một bạn văn khác của Nguyễn Nhật Ánh, con dê sinh năm mùi 1955 này không ăn cỏ non hay lá dâu mà nhai ngấu nghiến các trang sách, nhai đến thuộc nằm lòng những câu chữ của những người đi trước để biết cách viết tiếp và viết khác đi.

Về thời đi học bị đắm chìm, bị văn chương quyến rũ được Nguyễn Nhật Ánh kể khá kĩ lưỡng trong tiểu thuyết nhiều tính tự thuật Lá nằm trong lá của mình. Ông kể về thời học sinh trung học không chỉ của riêng mình mà của những bạn văn Vũ Trọng Quang, Kim Hạnh, Nguyễn Thái Dương, Lê Minh Quốc… những người bạn đã lập một bút nhóm với ước mơ văn đoàn xứ Quảng của mình sẽ tầm cỡ như Tự Lực Văn Đoàn thời 1930-1945 ngoài Hà Nội. Trong nhóm, Nguyễn Nhất Ánh lấy bút danh rất diễm tình - Hoài Mộng Diễm Thư. Nguyễn Nhật Ảnh kể: “Thầy tôi tên thật là Nguyễn Văn Bổn, thấy có bút danh là Tần Hoài Dạ Vũ mà tôi ấn tượng và làm theo lại khuyên tôi, tên em là Nguyễn Nhật Ánh, đẹp vậy sao không ký, mà phải bắt chước thầy làm gì. Nghe lời thầy, tôi ký tên là Nguyễn Nhật Ánh cho tới hôm nay”.

2. Nhưng một bút danh chưa đủ kí dưới những gì Nguyễn Nhật Ánh đã viết ra, chưa đủ cho sức viết khỏe như một danh thủ trẻ chơi bóng đá tổng lực, có thể đá ở nhiều vị trí, chưa đủ cho một văn nghiệp đến hôm nay đã rất đồ sộ, đã là một kỷ lục quốc gia (nếu xếp toàn bộ tác phẩm sách, băng đĩa, các lần xuất bản và tái bản thì chắc là những trước tác Nguyễn Nhật Ánh cao gấp nhiều lần chiều cao 1 mét 60 của người đẻ ra chúng)! Cho nên Nguyễn Nhật Ánh còn phân thân thành Chu Đình Ngạn viết bình luận bóng đá như một phóng viên thể thao thực thụ. Ông viết về bóng đá rất chuyên nghiệp, nhưng có điều độc đáo, thú vị, là một nhà văn, ông luôn săn tìm trên sân bóng những cảm hứng nhân văn của bộ môn thể thao này: “Mỗi kỳ World Cup để lại trong tôi những ấn tượng khác nhau. World Cup 74, 78 là sự xuất hiện của bóng đá tổng lực, dù World Cup 78 ngôi sao Cruyff đột ngột rút lui vào giờ chót. World Cup 82 là sự thất trận đau đớn của tuyển Brazil với “tam giác vàng” Zico-Socrates-Falcao. World Cup 86 là sự lên ngôi của “ông vua” mới Maradona. World Cup 1998, Pháp lần đầu tiên vô địch. World Cup 2010, thêm một nhà vô địch mới Tây Ban Nha và lối chơi tiki-taka được tôn vinh. Các World Cup 1990, 1994, 2002, 2006 không có gì nổi bật. Tuy vậy, tôi sẽ nhớ mãi World Cup 1994, vì đó là kỳ World Cup đầu tiên tôi xem bóng đá cùng con gái tôi lúc đó đã 9 tuổi và chứng kiến niềm vui rạng rỡ trẻ thơ của cháu khi đội Brazil đoạt chức vô địch. Cháu là fan của tuyển Brazil và rất thích hậu vệ Roberto Carlos”. Và về World Cup năm 2014 “Tôi thích Messi nên tôi hy vọng Argentina vô địch kỳ này. Ít nhất là để anh không bị Pele đố kỵ và liên tục “dìm hàng”.

Nguyễn Nhật Ánh phân thân thành một game thủ và tích cực văn học hóa trò thể thao mười ngón trên các phím chữ với sự mộng mơ của một hiệp khách lãng tử và kiến thức thâm hậu của một người luyện chưởng có hạng trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Trong thế giới ảo Internet, Nguyễn Nhật Ánh từng là Tiếu Ngạo Thư Sinh một chuyên gia “gỡ rối tơ lòng” cho các anh hùng giai nhân chốn giang hồ. Những câu trả lời hài hước trong những câu chữ nhanh nhạy như xuất chưởng khiến người được gỡ rối thỏa lòng. Xin nghe Nguyễn Nhật Ánh đổi giọng thi sĩ thành giọng kiếm sĩ khi xuất ngôn hành đạo: “Thông thường, báu vật võ lâm càng nhiều người tranh đoạt thì càng quý hiếm, càng kích thích khát vọng chinh phục của anh hùng hào kiệt bốn phương. Như danh mã Phiên Vũ chưa xuất hiện, chỉ nghe tên mà cả giang hồ mấy ngày nay đã nhấp nhổm không yên. Đã là nam nhi thì không sợ khó, chỉ sợ mình không dám vượt khó thôi. Trong vạn nhất có “về thành dưỡng sức” thì chết vì tình yêu cũng có thể kể là một cái chết đẹp. Chứ nếu vừa “ra ngõ thấy núi” mặt mày đã xanh lè xanh lét thì tốt nhất đừng yêu iếc lôi thôi; cũng như thay vì theo đuổi Phi Vân, Phiên Vũ, thà bỏ vài ngàn lượng mua quách loại Liệt Hoàng Mã ngày đi... 10 mét, bán đầy ở các mã điếm tại thất đại thành thị cưỡi tạm cho xong!”.

Và khi sang Bangkok lĩnh giải văn học Đông Nam Á tặng người viết Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Anh tranh thủ phân thân thành Anh bồ câu chọc cười độc giả Thái. Ông kể: “Tại buổi gặp gỡ giữa các nhà văn đoạt giải ASEAN với công chúng Thái Lan, tôi thấy ngồi dưới khán phòng có không ít sinh viên. Thế nên trong phần nói chuyện của mình, ngoài chuyện văn chương, tôi nói qua nghề báo của tôi là tư vấn tình cảm cho các bạn đọc tuổi teen. Rồi tôi giới thiệu vài câu hỏi đáp trong mục Vườn Hồng của Anh Bồ Câu, kiểu như "Anh Bồ Câu ơi, giữa nụ hôn kéo dài 2 phút và nụ hôn kéo dài 5 phút thì nụ hôn nào đậm đà hơn? - Không nụ hôn nào đậm đà cả. Một nụ hôn đậm đà là nụ hôn mà người ta không nhớ nó đã kéo dài trong bao lâu". Thế là khán phòng lập tức sôi sùng sục, náo nhiệt, ồn ào hẳn lên. Các em vỗ tay, khua ghế, dẫm chân lên sàn ầm ĩ, cuối buổi còn xúm xít xin chụp hình chung và hỏi địa chỉ email và facebook của tôi để làm quen. Chị Panadda, chủ trì buổi hội thảo hôm đó, cười bảo "anh đã tạo nên một cơn bão trong khán phòng".

3. Nguyễn Nhật Anh có thể tạo bão văn chương kiểu đùa nghịch, cười cợt như trên. Nhưng nhà văn tâm bão này còn biết cách kín đáo tạo sóng ngầm văn chương, để văn chương không chỉ “mua vui cũng được một vài vài trống canh” mà còn giúp con người biết trút hờn giận, biết xả thân bảo vệ cái đúng, cái đẹp. Tôi nghĩ như vậy khi đọc lại Đảo mộng mơ Nguyễn Nhật Ánh viết xong ngày 21-10-2009 mấy năm trước ngày biển đảo Việt Nam nóng lên về một giàn khoan hải tặc ngang ngựơc thách thức ngoài biển Đông. Nhưng ngay từ năm ấy các nhân vật thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh đã nói ở cốt mốc 39 trên hòn đảo mộng mơ mà các em có chủ quyền – có chết chúng ta cũng phải giữ hòn đảo này, đã hành động thực sự bằng một cú húc đẹp như đòn sừng của con dê trắng Blanquettre dành cho loài sói lang: “Tin không nói “được” hay “không”. Nó trả lời bằng cách bất thần lao đầu vào bụng đối phương [thằng Phàn]. Hành động của Tin ra ngoài sự tưởng tượng của thằng Phàn. Nó chẳng đề phòng gì cả, như mèo chả việc gì phải đề phòng chuột. Thế là đầu Tin đâm sầm vào bụng nó, theo kiểu một viên đại bác đâm vào một bức tường. Thằng Phàn ngã chỏng vó, cảm thấy như vừa va phải một viên đại bác thật”. Rồi tới cột mốc 83 lời thề bộc phát kia còn được lí giải để xác tín:

Từ bữa đó, hầu như ngày nào thằng Phàn cũng mò tới. Cũng như hôm nọ, nó chẳng dám xông vào vườn, chỉ đứng bên ngoài ló mắt quan sát. Sau nhiều ngày như vậy, tụi bạn ngạc nhiên:
- Thằng đó là thằng nào vậy, Tin?
Tin cười:
- Nó là hải tặc đó. Nhưng nó không dám làm gì tụi mình đâu.
Một đứa rụt cổ:
- Hải tặc á. Hèn gì mặt mày nó trông hung dữ ghê.
Bảy cười hề hề:
- Nó bị tao và thằng Tin đánh chạy có cờ một lần rồi.
- Xạo đi mày!
Thằng bạn bĩu môi.
- Nó rượt đánh tụi mày thì có!
Tin giơ nắm đấm:
- Trước đây thì nó bắt nạt tụi tao thật. Nhưng từ khi làm chủ hòn đảo này, tụi tao hết sợ nó rồi. Tụi tao vừa nện cho nó một trận nhừ tử.
- Thiệt không đó mày?
- Thiệt chứ. - Chúa đảo phu nhân trả lời thay chúa đảo - Chính mắt mình trông thấy mà.

Lời xác nhận của con Thắm lập tức đánh tan sự nghi ngờ trong lòng tụi bạn. Bây giờ thì tụi nó chuyển qua thắc mắc: Tại sao khi làm chủ hòn đảo thì Tin và Bảy có thể đánh đuổi được kẻ xưa nay vẫn bắt nạt hai đứa nó?
Kể những câu chuyện thật mộng mơ, bằng giọng văn thật tinh nghịch, để rồi neo người đọc vào một suy nghĩ sâu, và “…mài sắc các ý niệm đạo đức nơi người đọc một cách vô hình”. Nguyễn Nhật Ánh đã làm như thế và đã thành công.

TRẦN QUỐC TOÀN

(Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, tháng 2-2015)