PDA

View Full Version : Ngồi khóc tuổi thơ (nguyễn việt hà)


muathutim
01-07-2013, 01:29 PM
Ngồi khóc tuổi thơ

https://vietnamdatnuoctoiyeu.com/images/nktc(200).jpg

Với nhiều người đã trót lớn, tuổi thơ là một nỗi nhớ rất khó đặt tên. Chỉ đôi lúc bơ vơ nào đó, chợt nhiên cái nhớ bỗng mỏng manh làm nghẹn ngào. Nó vừa rưng rưng hoang mang, vừa huyền hoặc hoang đường. Nó hốt hoảng giống hệt như nụ hôn đầu. Rõ nét ký ức cả lùm cây góc phố, rõ nét cả tiếng dép loẹt xoẹt của bố mẹ người ấy đầy đe dọa. Thế nhưng chịu, không thể nhớ đứa nào đã chủ động hôn đứa nào. Cho đến giờ, Nguyễn Nhật Ánh là người hiếm hoi viết ra được nỗi nao nao đẫm ướt buồn vui của cái thăm thẳm nhớ nhung mơ hồ đấy. Ông Ánh quả là một nhà văn rất lạ.

Ngồi khóc trên cây không hề là một câu chuyện lạ. Giống như những tác phẩm xúc động nhất, tinh tế nhất dành cho số đông, bao giờ cốt truyện cũng quen quen. Một cậu học trò tỉnh lẻ theo gia đình lên thành phố rồi nghỉ hè về thăm quê. Ở vùng quê tưởng như chưa bị những bất trắc tàn bạo của nhộn nhạo đô thị làm tha hóa, cậu bé đã gặp một cô bé. Cô bé có tên, vừa như không có tên, nó là con Rùa. Xung quanh cậu học trò đương nhiên là sách, xung quanh con Rùa đương nhiên là thú. Chẳng có gì là chung cả nhưng hai đứa trẻ bâng khuâng thích nhau. Một nỗi bâng khuâng lo lắng ám ảnh như đồng dao. "Quả cau nho nhỏ. Cái vỏ vân vân. Nay anh học gần. Mai anh học xa...". Đã biết nhoi nhói nghẹn ngào là đã sắp hết tuổi thơ. Có phải thế chăng mà cô bé bỗng nói: "Bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn lên anh nhé". Lâu lắm rồi, người đọc mới thấy một câu gần giống bình thường nhưng đau đớn đứt ruột đến vậy. Ngày nay, với riêng chủ đề về bọn trẻ loay hoay đang lớn, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn bậc nhất.

Tất nhiên, Ngồi khóc trên cây không hiếm những tình tiết ly kỳ. Những chập chờn cấm kỵ theo kiểu phương Đông như việc anh em họ yêu nhau. Hoặc thiếu nữ bất hạnh chỉ biết hồn nhiên chơi với đám thú hoang ấy liệu có chết thật không. Thế nhưng, phần lớn người đọc trong trắng đâu có quá câu nệ. Bởi sâu thẳm ở họ, văn chương nhiều khi chỉ cần là những nức nở giản dị. Nó giống như những giọt nước mắt rơi từ đã lâu nhưng không bao giờ khô. Nó giống như sự chia sẻ chân thành về một xót xa trong veo đang bị đời thường dung tục làm mất. Nó giống như ai đó, khi cả thế giới rầm rập đua nhau sống thì mình vẫn âm thầm "ngồi khóc trên cây". Tất cả những cảm xúc thơ ngây đấy được thắt chặt bằng những câu chữ "ô mai" đẫm đầy quyến rũ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong lúc văn hóa đọc ở ta đang "báo tử", thì hàng đôi độc giả "tin tin" vẫn hồi hộp xếp hàng đón đợi những ấn phẩm hấp dẫn của Nguyễn Nhật Ánh.

NGUYỄN VIỆT HÀ, nhà văn

(Tuổi Trẻ 26-6-2013)